Văn Cao - Mùa chữ, mùa người
07/11/2023 - 15:29
Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhạc sĩ Văn Cao (1923-2023), Ban Văn học Nghệ thuật VOV6, Đài Tiếng nói Việt Nam đã giới thiệu đến bạn đọc cuốn sách Văn Cao mùa chữ, mùa người. Cuốn sách tập hợp 21 bài viết ở thể loại tiểu luận - nghiên cứu của 21 tác giả, nhằm làm rõ những cống hiến của nhà thơ, nhạc sĩ Văn Cao - một trong những gương mặt nghệ sĩ tài danh hàng đầu của Việt Nam trong thế kỷ XX.
Những cống hiến của nhà thơ, nhạc sĩ Văn Cao qua Văn Cao mùa chữ, mùa người
Qua một loạt các bài viết của các tác giả: Lê Huy Quang, Văn Giá, Nguyễn Việt Chiến, Nguyễn Hoài Nam, Thiên Sơn, Phùng Gia Thế, Phạm Xuân Thạch, Nguyễn Quang Hưng... người đọc có một cái nhìn tổng thể về hành trình thơ Văn Cao cùng những dấu mốc quan trọng trong cuộc đời của ông.
Đường thơ Văn Cao được khởi đi từ giai đoạn cuối mùa của Thơ Mới, với những bài thơ như Li khách, Linh cầm tiến, Ai về Kinh Bắc, Đêm ngàn, Đêm mưa… ra đời trong quãng thời gian từ 1939 đến 1941. Đó đúng là những thi phẩm mang điệu hồn và âm sắc của Thơ Mới – Thơ Mới lãng mạn chứ không phải Thơ Mới tượng trưng, siêu thực – mà theo như cảm nhận chủ quan của nhà phê bình mỹ thuật Thái Bá Vân: “Nó đẹp một nỗi buồn xa vắng”.
Tuy nhiên, nói như nhà phê bình văn học Nguyễn Hoài Nam thì những bài thơ trên cũng không có gì thật đặc biệt, những bài thơ ấy dễ bị lẫn vào hàng trăm bài thơ “đèm đẹp” khác mà Thơ Mới đã từng sản sinh trong lịch sử bột phát của mình. Phải chờ đến Một đêm đàn lạnh trên sông Huế, bài thơ mà Văn Cao viết vào mùa thu năm 1941, thì Văn Cao mới thực sự chiếm lĩnh cái đỉnh điểm của trường thơ lãng mạn. Một đêm đàn lạnh trên sông Huế của ông là bài thơ có thể sánh ngang với những tuyệt phẩm Thơ Mới theo mô-tip Đàn – Đêm – Trăng – Nước, như Nguyệt cầm của Xuân Diệu hay Đà giang của Vũ Hoàng Chương.
Và cũng chỉ mấy năm sau, Văn Cao viết Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc thì không chỉ độ điêu luyện đã lên đến đỉnh, mà còn cho thấy cách nhìn, cách miêu tả hiện thực sắc sảo, trực diện trước thảm họa khủng khiếp của dân tộc ta trong nạn đói năm 1945. Đó là thời điểm Văn Cao đã hoàn toàn vượt qua ảnh hưởng của thơ mới và nghiêng theo chủ nghĩa hiện thực.
Và đến nửa cuối thập niên 40 của thế kỷ trước, Văn Cao có vài bài thơ, mà đáng chú ý phải nói đến Ngoại ô mùa thu năm 1946. Sự biểu đạt về ngôn từ ở đây đã thoát ra khỏi lối ước lệ cổ điển và cập nhật những từ ngữ mới mang hơi thở đời sống. Cũng phải nói rằng, chính cuộc sống chiến đấu và lao động mới sau cách mạng Tháng 8 đã giúp nhào nặn lại ngôn ngữ thơ của Văn Cao và đưa ông lên tuyền đầu với những ước mơ và khát vọng sáng tạo mới cho thơ.
Theo nhà Văn Thiên Sơn, giờ nhìn lại sự nghiệp thơ Văn Cao, ta không khỏi ngạc nhiên, khi chỉ trong hơn 10 năm kể từ khi có tác phẩm thơ đầu tiên, từ một nhà lãng mạn cuối mùa, ông đã làm một hành trình dài lao thẳng vào hiện đại như một cánh chim xuyên qua bão táp của những thành kiến trong thời đại mình để trở thành một nhà tiên phong, mở ra một cánh cửa mới cho thơ hiện đại Việt Nam, mà cho đến nay chúng ta chưa đi hết cung đường mà ông đã vạch ra.
Ngọn lửa thơ của Văn Cao sung sức và bùng cháy nhất chính ở thời điểm ông viết trường ca Những người trên cửa biển năm 1956. Cảm xúc sôi trào. Ý tứ sắc sảo. Câu thơ hoạt. Hình tượng thơ gây nhiều ám ảnh. Từ thời điểm này về trước, Văn Cao thiên về cảm xúc, cảm giác và những hình ảnh lãng mạn. Sau thời điểm này, Văn Cao chuyển dần sang ẩn dụ, tượng trưng với những hình ảnh biểu tượng hết sức sâu sắc và những suy tư mang nhiều cay đắng.
Thể loại trường ca sẽ còn tiếp tục trở lại trong hành trình thơ Văn Cao qua tác phẩm Thức tỉnh viết năm 1965. Đặc biệt, tác phẩm Năm buổi sáng không có trong sự thật, được coi là bài thơ mang dáng dấp của một trường ca, đi từ bút pháp siêu thực huyễn ảo đến chỗ trở về thực tại để tụng ca vẻ đẹp của tình yêu đích thực, có khả năng hóa giải mọi khổ đau, chết chóc: Em ở đây với anh/ Cho bớt lạnh sáng mùa xuân náo nức/…Chúng ta đi vào bí mật mùa xuân/ Ngày đầu tiên của em trên biển. Phùng Gia Thế đã chỉ ra vẻ đẹp thơ Văn Cao qua những bài thơ tối giản, dồn nén, lạ hóa và độc đáo trong giai đoạn sau của ông, chẳng hạn: Từ trời xanh/ Rơi vài giọt tháp Chàm (Quy Nhơn 3) hay: Con thuyền đi qua để lại sóng/ Đoàn tàu đi qua để lại tiếng/ Đoàn người đi qua để lại bóng/ Tôi không đi qua tôi/ Để lại gì? (Không đề).
Có thể khẳng định, Văn Cao để lại cho đời, cho nền nghệ thuật nước nhà, cho các thế hệ sáng tạo và quần chúng cần lao rất nhiều, nhiều về chất lượng chứ không nhiều về số lượng. Bởi, Văn Cao là người tiên phong đặt nền móng cho nền thơ, nền nhạc và gợi ý tưởng cho nền họa, để đắp xây nên con đường nghệ thuật Việt Nam hòa nhập thời đại, ngay từ thuở giao thời. Trên bước đường đầu tiên ấy, chính ông là người luôn luôn tự đổi mới mình, cách tân nghệ thuật của mình. Ông tiên phong khẳng định thơ không vần, trường ca (thơ và nhạc). Ông sử dụng tiếng Việt trong sáng, chính xác, đắc địa, hàm xúc, đa nghĩa, dụng công làm giàu và đẹp ngôn từ: “Nhớ một cánh buồm/ Xa ngoài sông Hồng thấp thoáng/ Nhớ một điệu đàn/ Vũng sao khuya sóng sánh” (Một đêm Hà Nội).
Văn Cao vượt trước những người cùng thời. Trong ông quy tụ nhiều vùng giao thoa -giao thoa của những thời điểm lịch sử, của những không gian văn hóa. Bước vào nhưng Văn Cao không ở yên một vùng giao thoa nào, mà ông kiến tạo những vùng giao thoa mới, lát những con đường mới cho người đi sau. Ông vượt lên chính mình trong bất kỳ tình huống, bất kỳ hoàn cảnh nào, trầm tích vào lòng mình những dằn vặt, những khát khao cháy bỏng: “Thời gian qua kẽ tay/ Làm khô những chiếc lá/ Kỷ niệm trong tôi/ Rơi - như tiếng sỏi - trong lòng giếng cạn/ Riêng những câu thơ - còn xanh/ Riêng những bài hát - còn xanh/ Và đôi mắt em - như hai giếng nước” (Thời gian).
Trong bài viết Thơ và Thơ – Ca từ của Văn Cao, tác giả Cao Ngọc Thắng khẳng định, nghệ thuật Văn Cao không có sự tách rời không gian và thời gian. Tác phẩm của ông là sự hòa quyện quá khứ - hiện tại - tương lai, là sự bất phân địa - sử - văn - triết, là sự hợp nhất thơ - nhạc - họa, là sự kết nối liền mạch truyền thống - hiện đại, dân tộc - nhân loại, ước mơ - khát vọng: “Các bạn da đen/ Tôi hiểu các anh còn quá ít/ Nhưng hiểu về kẻ thù/ Chúng ta là một/ Ước mơ được trồng cây và đàn hát” (Gửi các bạn da đen). Bởi vậy cái tôi của Văn Cao trở thành cái tôi số nhiều, bất kể ai soi vào cũng thấy mình ở đó. “Ngay từ khi xuất hiện, Văn Cao đã trở thành một hiện tượng hiếm có trong cả ba lĩnh vực nghệ thuật thơ, nhạc, họa (có phần muộn hơn). Hơn nữa, ngôn ngữ của ba loại hình nghệ thuật ấy hầu như đều đậm đà trong mỗi tác phẩm của ông, đều toát lên tầm tư tưởng của một thiên tài”, tác giả Cao Ngọc Thắng nói.
Bên cạnh đó, một số bài viết trong cuốn sách Văn Cao mùa chữ, mùa người còn đi vào các trường hợp cụ thể hoặc các chủ đề trong thơ Văn Cao như: Dòng sông Lô trôi của Nguyễn Thành Phong, Hệ thống tín hiệu thẩm mỹ trong ba bài thơ của Văn Cao về Quy Nhơn của Trần Xuân Toàn, Nỗi buồn của lá của Trịnh Thu Tuyết; các bài viết nhận định về những đóng góp, sáng tạo của Văn Cao ở hai mảng hội họa và âm nhạc, như các bài: Quẻ văn Văn Cao: Hội họa – Đồ họa – Minh họa của Lê Thiết Cương và Cảm thức mùa trong ca khúc Văn Cao của Đỗ Anh Vũ.
Phần cuối sách có nhiều bài thơ viết về/ viết tặng Văn Cao của các nhà thơ: Thanh Thảo, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Duy, Nguyễn Thụy Kha, Hoàng Hưng… và một số tranh minh họa mà Văn Cao đã vẽ trong tiểu thuyết Búp sen xanh và Tuyển tập thơ Victor Hugo.
Nhân dịp này, vào ngày 14.11 tới, tại trụ sở Đài Tiếng nói Việt Nam 58 Quán Sứ, Hà Nội, Ban Văn học Nghệ thuật VOV6 sẽ tổ chức hội thảo Văn Cao - Mùa chữ, mùa người. Hội thảo sẽ tập trung trao đổi, thảo luận, nhận định chủ yếu xoay quanh những cống hiến của Văn Cao ở các tác phẩm thơ.
Theo Báo Văn hóa
Bài viết khác
THÔNG BÁO Lùi thời gian tổ chức “Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc - 2024” (Đợt 1)
06/09/2024 - 17:52
Căn cứ Công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung ứng phó khẩn cấp bão số 3 năm 2024, Ban Tổ chức Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc - 2024” (Đợt 1) quyết định lùi thời gian tổ chức, theo đó Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc - 2024” (Đợt 1) được tổ chức từ ngày 11 đến ngày 20/9/2024
Trại sáng tác cho các tác giả viết kịch bản văn học năm 2024
06/09/2024 - 10:01
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng, Trung tâm hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật và các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức Trại sáng tác cho các tác giả viết kịch bản văn học năm 2024 tại Nhà sáng tác Đà Lạt, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng từ ngày 12/9 đến ngày 19/9/2024.
Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc - 2024 (Đợt 1)
04/09/2024 - 15:08
Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc - 2024 đợt 1 được tổ chức từ ngày 7 đến ngày 16/9/2024 tại Nhà hát tỉnh Vĩnh Phúc, đường Văn Cao, phường Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Cần quan tâm vấn đề xã hội hóa để phát huy được giá trị của các di tích, di sản
22/08/2024 - 09:52
Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 36, sáng 21/8/2024, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Phiên Chất vấn và trả lời chất vấn.
Bế mạc Liên hoan Múa quốc tế - 2024
21/08/2024 - 22:06
Tối 21/8/2024, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch giao Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Lễ Bế mạc “Liên hoan Múa quốc tế - 2024” tại Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Thừa Thiên Huế (41A Hùng Vương, Phú Nhuận, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế).
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Chú trọng chất lượng tăng trưởng và tính chuyên nghiệp của ngành du lịch
21/08/2024 - 09:56
Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng vừa thừa ủy quyền của Chính phủ gửi báo cáo việc triển khai các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 572/NQ-UBTVQH15 ngày 18/8/2022 về hoạt động chất vấn tại Phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV (lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch).