Ra mắt sách "Trần Văn Khê - Trăm năm Tâm và Nghiệp"

15/01/2002 - 16:00  

Sáng 15.1, tại Bảo tàng TP.HCM, nhóm thân hữu Trần Văn Khê, NXB Tổng hợp TP.HCM và Bảo tàng TP chức ra mắt sách và giao lưu chủ đề “Trần Văn Khê – Trăm năm Tâm và Nghiệp”. Chương trình cũng chính thức khai mạc triển lãm chuyên đề “Trần Văn Khê – Trăm năm còn mãi”.

Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn chia sẻ những câu chuyện về giáo sư Trần Văn Khê

Cuốn sách Trần Văn Khê – Trăm năm Tâm và Nghiệp gồm 58 bài viết của 48 tác giả, chia thành hai phần: Phần I “Trần Văn Khê - Trăm năm Tâm và Nghiệp” và phần II “Di sản Trần Văn Khê”.

Bên cạnh phần lớn các bài viết lấy từ sách đã in năm 2016 là các bài viết, hình ảnh, tư liệu mới được bổ sung vào cuối năm 2021 đã làm đầy đặn thêm tình cảm, sự đánh giá của các nhà hoạt động văn hóa đặc biệt là hoạt động âm nhạc dành cho con người và sự nghiệp đáng trân trọng của giáo sư Trần Văn Khê – người mà cả cuộc đời chỉ có một tâm nguyện là góp phần đưa âm nhạc dân tộc Việt Nam rộng khắp năm châu, sâu trong dân tộc, đặc biệt là lớp trẻ. Bởi vì theo ông, “Âm nhạc của dân tộc Việt Nam mình rất đẹp, rất quý, rất độc đáo”. 

Sách được bán gây Quỹ Học bổng Trần Văn Khê

Các tác giả viết bài trong sách đã cố gắng lột tả được nhiều khía cạnh đặc biệt của chân dung Trần Văn Khê. Đó là chân dung một trí thức – nghệ sĩ uyên bác, tài năng, khiêm nhường, rất yêu đất nước và văn hóa của dân tộc mình. Hơn nửa cuộc đời sống ở nước ngoài, các chuyên đề nghiên cứu và đào tạo của Trần Văn Khê về Đờn ca tài tử, về cải lương Việt Nam trong đối sánh với các loại hình âm nhạc, kịch nghệ của các quốc gia châu Á (pansori của Triều Tiên, kinh kịch của Trung Quốc, noh và kabuki của Nhật Bản) đã được giới âm nhạc quốc tế đánh giá rất cao. Từ sự đánh giá đó, nhiều bộ môn văn hóa - nghệ thuật dân tộc của Việt Nam với sự góp sức trực tiếp và gián tiếp của giáo sư Khê đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại như Nhã nhạc Cung đình Huế, Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, Ca trù, Quan họ Bắc Ninh, Đờn ca tài tử Nam Bộ…

Triển lãm chuyên đề “Trần Văn Khê – Trăm năm còn mãi” tại Bảo tàng TP.HCM

Trong sự nghiệp hoạt động âm nhạc dài hơn 60 năm của mình, giáo sư Trần Văn Khê đã được nhận nhiều sự vinh danh cao quý: Huy chương bội tinh hạng nhất của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa, Giải thưởng Âm nhạc của UNESCO (1981), Huân chương Nghệ thuật, Văn chương của Bộ Văn hóa Pháp (1991), Viện sĩ Thông tấn của Viện hàn lâm Khoa học, Văn hóa, Nghệ thuật Châu Âu (1993), Huân chương Lao Động hạng Nhất do Chủ tịch Nước cấp (1999), Giải thưởng Đào Tấn  (2005), Giải thưởng Phan Châu Trinh về nghiên cứu (2011)...

Sách Trần Văn Khê - Trăm năm Tâm và Nghiệp có sự góp mặt của các tác giả: Trần Quang Hải, Nguyễn Đắc Xuân, Nguyễn Nhã, Dương Trung Quốc, Đặng Hoành Loan, Kim Cương, Bạch Tuyết, Nguyễn Thế Thanh, Nguyễn Thị Hải Phượng, Trần Đình Sơn, Thái Kim Lan, Mai Mỹ Duyên, Nguyễn Thị Mỹ Liêm, Nguyễn Đăng Hưng, Đỗ Hồng Ngọc,… Bìa sách là hình do kiến trúc sư Võ Thành Lân vẽ theo phong cách vector-art với tất cả lòng trân trọng đối với một bậc thầy theo ông vừa có sự uyên thâm tri thức, vừa có tài nghệ diễn xướng và một phong cách giao tiếp đầy sự duyên dáng xen lẫn vẻ lịch thiệp. Sách đang được bán để gây Quỹ Học bổng Trần Văn Khê.

Triển lãm trưng bày nhiều tư liệu, hình ảnh, hiện vật về giáo sư Trần Văn Khê

Hơn 6 năm sau ngày giáo sư Trần Văn Khê ra đi về cõi vĩnh hằng (2015), sự nghiệp nghiên cứu, quảng bá âm nhạc dân tộc mà ông để lại cho cuộc đời đã có thêm những dấu mốc tích cực để việc giữ gìn, phát huy được tốt hơn. Trong năm 2021, Quỹ Học bổng Trần Văn Khê đã được chính thức thành lập theo di nguyện của ông nhằm động viên, khuyến khích những người theo đuổi hoạt động nghiên cứu, bảo tồn và học tập âm nhạc dân tộc. Hội đồng chuyên môn của Quỹ hàng năm sẽ xem xét và trao học bổng, giải thưởng cho các nhà nghiên cứu, nghệ sĩ, sinh viên trong lĩnh vực âm nhạc dân tộc trên phạm vi cả nước. Quỹ Học bổng Trần Văn Khê hoạt động theo nguyên tắc không vì lợi nhuận, tự nguyện, tự tạo vốn, tự trang trải kinh phí và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật bằng tài sản của Quỹ.

Ban tổ chức cho biết, do dịch Covid-19 diễn biến nghiêm trọng và kéo dài nên kế hoạch xét trao giải thưởng và học bổng Trần Văn Khê năm đầu tiên đã không thể thực hiện trong năm 2021. Mặc dù vậy, lễ Kỷ niệm 100 năm sinh của giáo sư Trần Văn Khê và ra mắt Quỹ Học bổng Trần Văn Khê cũng đã được tổ chức tại Trường ĐH Văn Lang vào tháng 12.2021 vừa qua.

NSND Kim Cương xúc động kể về người thầy, nhà nghiên cứu Trần Văn Khê - một người hết lòng vì sự nghiệp âm nhạc dân tộc

Tiếp theo các hoạt động phát huy giá trị tinh thần của giáo sư Trần Văn Khê, ngày 15.1, nhóm thân hữu Trần Văn Khê phối hợp với NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành cuốn sách Trần Văn Khê – Trăm năm Tâm và Nghiệp. Sách nằm trong kế hoạch đã định từ cuối năm 2020 nhằm kỷ niệm 100 năm sinh giáo sư Trần Văn Khê và để gây quỹ học bổng mang tên giáo sư. 

Tại buổi giao lưu, mọi người đã lắng lòng, bùi ngùi khi được nghe những câu chuyện, bài học từ giáo sư Trần Văn Khê qua chia sẻ của NSND Kim Cương, Đạo diễn Nguyễn Thị Xuân Phượng, nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn,… Các đại biểu cũng đã dành phút tưởng nhớ đến nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc, giáo sư Trần Quang Hải, là con trai trưởng của Giáo sư Trần Văn Khê, vừa qua đời tại Pháp cách đây không lâu...

THÙY TRANG

 

Bài viết khác

Bế mạc lớp tập huấn diễn viên, nhạc công Tuồng truyền thống

19/05/2024 - 23:39

Ngày 19.5, Lớp tập huấn diễn viên, nhạc công loại hình nghệ thuật tuồng truyền thống - 2024 đã chính thức bế mạc tại Thành phố Đà Nẵng.

Phát động bình chọn 50 tác phẩm văn học nghệ thuật tiêu biểu sau ngày đất nước thống nhất

19/05/2024 - 11:42

Tối 18-5, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức Phát động bình chọn 50 tác phẩm văn học, nghệ thuật biểu diễn Việt Nam tiêu biểu, xuất sắc sau ngày đất nước thống nhất với chủ đề Những bản hùng ca đất nước. Đây là hoạt động nhân kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam.

Khai giảng “Lớp tập huấn diễn viên, nhạc công loại hình nghệ thuật Tuồng truyền thống - 2024”

10/05/2024 - 15:21

 Ngày 10.5, Lớp tập huấn diễn viên, nhạc công loại hình nghệ thuật Tuồng truyền thống - 2024 đã khai mạc tại Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, TP Đà Nẵng.

Festival Huế 2024: Xây dựng chuỗi lễ hội suốt 4 mùa

10/05/2024 - 11:05

Chiều 9/5, Bộ Ngoại giao, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã phối hợp với tổ chức họp báo quốc tế giới thiệu Festival Huế 2024 và Tuần lễ Festival nghệ thuật quốc tế Huế 2024.

Xúc động chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

08/05/2024 - 10:07

Tối 6/5, tại Quảng trường 7/5, thành phố Điện Biên Phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Chương trình Nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) với chủ đề “Điện Biên Phủ - Mốc vàng lịch sử” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp tỉnh Điện Biên tổ chức.

Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca chiến thắng

07/05/2024 - 14:28

Sáng 7/5, tại thành phố Điện Biên Phủ, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024).