Bộ VHTTDL: Kỷ niệm 70 ngày truyền thống Ngành Văn hoá và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh

23/08/2015 - 11:18  

(NTBD) - Sáng 22/8, tại Hà Nội, Bộ VHTTDL long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 70 ngày truyền thống Ngành Văn hoá, đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh và Đại hội thi đua yêu nước Bộ VHTTDL lần thứ II.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Tuấn Anh đọc diễn văn khai mạc.

Tới dự và chia vui cùng các thế hệ lãnh đạo, cán bộ ngành văn hóa có các đồng chí: Đinh Thế Huynh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Vũ Đức Đam - Phó Thủ tướng Chính phủ cùng đại diện lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành, đoàn thể Trung ương, Hà Nội.
Các đồng chí: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Tô Huy Rứa đã gửi lẵng hoa chúc mừng.
Diễn văn do Bộ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Tuấn Anh trình bày tại buổi lễ đã khẳng định Kỷ niệm 70 ngày truyền thống Ngành Văn hoá và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh là một sự kiện có ý nghĩa lớn lao trong lịch sử của Ngành Văn hoá. Trong 70 năm xây dựng và phát triển ấy, Ngành Văn hóa đã nhiều lần tách, nhập, đổi tên cho phù hợp với mục tiêu từng giai đoạn cách mạng và tương thích với chức năng, nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao phó: Bộ Thông tin và tuyên truyền; Bộ Tuyên truyền và Cổ động; Nha Tổng giám đốc Thông tin - Tuyên truyền; Nha Thông tin trực thuộc Bộ Nội vụ; Nha Thông tin trực thuộc Thủ Tướng Phủ; Nha Tuyên truyền và Văn nghệ trực thuộc Thủ Tướng phủ; Bộ Tuyên truyền; Bộ Văn hóa; Bộ Văn hóa và Thông tin; Bộ Thông tin; Bộ Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch; Bộ Văn hóa, Thông tin và Thể thao; Bộ Văn hóa - Thông tin. Và ngày 31 tháng 7 năm 2007, Quốc hội khóa 12 đã ra Nghị quyết thành lập Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Có thể nói, lịch sử phát triển của ngành văn hóa luôn đồng hành với lịch sử dân tộc, phản  ánh những chuyển biến quan trọng của đất nước.Trải qua chặng đường dài đầy khó khăn và thử thách, ngành văn hóa đã không ngừng lớn mạnh, có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng của đất nước trong mọi thời kỳ lịch sử… Những “chiến sĩ trên mặt trận văn hóa” qua các thời kỳ cách mạng đã biết đưa nghệ thuật vào công tác tuyên truyền và nâng công tác tuyên truyền trở thành nghệ thuật.
Cũng theo Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh, văn hóa nước nhà trong những năm qua đã có những chuyển biến quan trọng. Đời sống văn hóa của nhân dân ngày càng phong phú, sản phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật ngày càng đa dạng. Nhiều phong trào, hoạt động văn hóa đạt kết quả thiết thực, phát huy truyền thống văn hóa gia đình, dòng họ, cộng đồng... Công tác xã hội hóa hoạt động văn hóa ngày càng mở rộng, góp phần vào việc củng cố và nâng cao hiệu quả các thiết chế văn hóa. Nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được bảo tồn, phát huy. Văn hóa các dân tộc thiểu số được nghiên cứu, sưu tầm, quan tâm. Quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng của người dân được tôn trọng. Công tác quản lý nhà nước về văn hóa được tăng cường, thể chế văn hóa từng bước hoàn thiện. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ngày càng phát triển cả về chất lượng và số lượng. Đội ngũ sáng tác, biểu diễn ngày càng lớn mạnh, cung cấp nhiều tác phẩm sáng tạo, trình diễn có giá trị. Đội ngũ cán bộ nghiên cứu văn hóa, quản lý văn hóa ngày một trưởng thành. Lực lượng vận động viên ngày càng khởi sắc, đạt nhiều thành tích trên đấu trường khu vực và quốc tế. Hoạt động du lịch tuy chịu tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu, đã có nhiều cố gắng. Khách du lịch đến Việt Nam ngày càng tăng và kinh tế du lịch đóng góp ngày càng nhiều vào tổng thu nhập quốc dân.

Đồng chí Đinh Thế Huynh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương gắn Huân chương Hồ Chí Minh
lên lá cờ truyền thống của Ngành Văn hóa.

Với những thành tích đã đạt được, ngành văn hóa được Đảng và Nhà nước ghi nhận, trao tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, hàng trăm Huân chương, Huy chương, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các tập thể, cá nhân có thành tích hoạt động xuất sắc trong các lĩnh vực Điện ảnh, Nghệ thuật biểu diễn, Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, Di sản văn hóa, Nghiên cứu khoa học... Trong năm 2011 - 2013 Chủ tịch nước đã phong tặng: 13 Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật; 130 Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật; 75 Nghệ sỹ Nhân dân; 356 Nghệ sỹ Ưu tú; 02 Nhà giáo Nhân dân; 09 Nhà giáo Ưu tú... Tuy nhiên, so với những thành tựu của sự nghiệp đổi mới trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội…, thì thành tựu trong lĩnh vực văn hóa chưa tương xứng với tiềm năng vốn có, với bề dầy truyền thống của một quốc gia ngàn năm văn hiến. Do vậy, trong thời gian tới còn rất nhiều công việc quan trọng và cấp bách đang đặt ra, đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm của toàn Ngành trong quá trình triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ được xác định trong các văn kiện của Đảng và Chính phủ.
Nhìn lại 70 năm lịch sử đã qua, để tiếp tục vững bước trong chặng đường sắp tới, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đề nghị toàn thể cán bộ, công chức, viên chức của Ngành cần quán triệt những bài học về đề cao vị trí, vai trò của văn hóa, bài học về quán triệt và triển khai đường lối, chủ trương, Nghị quyết của Đảng, bài học về khơi dậy và khuyến khích tiềm năng sáng tạo của đội ngũ làm công tác văn hóa và mọi người dân…
Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cũng bày tỏ tin tưởng rằng, với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, phát huy những thành tích đã đạt được, toàn thể cán bộ, công chức, viên chức Ngành Văn hoá sẽ tiếp tục nỗ lực phấn đấu, hoàn thành nhiệm vụ của những người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng, cùng cả nước xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Ghi nhận những đóng góp của Ngành Văn hoá suốt trong 70 năm qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định: Trải qua 70 năm phát triển và trưởng thành, ngành văn hóa đã luôn hoàn thành sứ mệnh của đội quân xung kích trên mặt trận tư tưởng văn hóa, góp phần vô cùng quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong các cuộc kháng chiến vệ quốc, văn hóa, văn nghệ là vũ khí, là đường dây tinh thần kết nối hậu phương với tiền tuyến, góp phần thêm đậm hình ảnh của dân tộc đại nghĩa, anh hùng và đậm nét văn hoa như người lính Việt “vai mang gươm tay mềm mại bút hoa”, với sức mạnh “chẳng kẻ thù nào ngăn nổi bước ta đi” tới hòa bình, độc lập, tự do và hạnh phúc. Trong hòa bình, xây dựng và hội nhập, văn hóa là nguồn động lực để phát huy tốt hơn nguồn lực, là sức hấp dẫn, là lợi thế so sánh trong hợp tác và cạnh tranh quốc tế.
Cũng theo Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, kể từ năm 2007, Bộ VHTTDL được thành lập, công tác quản lý nhà nước về VHTTDL cũng như việc gắn kết gữa các lĩnh vực trong ngành cũng như giữa ngành với các ngành khác và toàn xã hội được tăng cường, đóng góp ngày càng quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội và thực hiện các nhiệm vụ chính trị của đất nước.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại buổi lễ.

Khẳng định “Văn hóa là nền tảng tinh thần, là sức mạnh trường tồn của Dân tộc”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, theo dòng thời gian, tất cả đều đã, đang và sẽ thay đổi. Những gì còn lại là văn hóa. Văn hóa trong mọi di sản vật thể và phi vật thể, và trong mỗi con người, trong cả Dân tộc Việt Nam ta. “Chúng ta có vinh dự và trách nhiệm được thừa kế một nền văn hóa rực rỡ với những di sản vô giá không chỉ đối với Dân tộc mà với cả nhân loại. Phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc Dân tộc và xây dựng con người Việt Nam là nhiệm vụ không chỉ trong một thời gian, một thời kỳ mà là hàng ngày, hàng giờ, từng phút, từng thời khắc và mãi mãi”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
Chia sẻ với những khó khăn của Ngành Văn hoá, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng khẳng định, rất cần những cơ chế cụ thể, thiết thực để khơi dậy và cổ vũ mạnh hơn sức sáng tạo của những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật để làm giàu cho kho tàng văn hóa dân tộc và thế giới. Các phong trào thi đua yêu nước không chỉ nhằm giải quyết được các vấn đề, đạt được các mục tiêu nêu trong các chiến lược, quy hoạch hay chính sách mà còn thông qua việc nêu gương, tôn vinh để các yếu tố tích cực được nhân rộng, lan tỏa, thấm sâu, góp phần xây dựng xã hội nhân hòa, để những nét đẹp của văn hóa dân tộc mãi lưu truyền, tỏa sáng.
Tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đồng chí Đinh Thế Huynh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã gắn Huân chương Hồ Chí Minh lên lá cờ truyền thống của Ngành Văn hóa. Đây là phần thưởng cao quý, sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước đối với công lao to lớn của toàn ngành văn hóa đã đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của toàn dân tộc.
Cũng tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Khánh Hải đã phát động Phong trào thi đua giai đoạn 2015-2020, với tinh thần “Đoàn kết, chủ động, sáng tạo, phát triển”, nhằm cổ vũ, động viên toàn thể công chức, viên chức, người lao động trong ngành thi đua, hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển văn hóa, thể thao và du lịch năm 2015 và giai đoạn 2016-2020.

Nguồn: Cinet.vn

Bài viết khác

Bế mạc lớp tập huấn diễn viên, nhạc công Tuồng truyền thống

19/05/2024 - 23:39

Ngày 19.5, Lớp tập huấn diễn viên, nhạc công loại hình nghệ thuật tuồng truyền thống - 2024 đã chính thức bế mạc tại Thành phố Đà Nẵng.

Phát động bình chọn 50 tác phẩm văn học nghệ thuật tiêu biểu sau ngày đất nước thống nhất

19/05/2024 - 11:42

Tối 18-5, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức Phát động bình chọn 50 tác phẩm văn học, nghệ thuật biểu diễn Việt Nam tiêu biểu, xuất sắc sau ngày đất nước thống nhất với chủ đề Những bản hùng ca đất nước. Đây là hoạt động nhân kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam.

Khai giảng “Lớp tập huấn diễn viên, nhạc công loại hình nghệ thuật Tuồng truyền thống - 2024”

10/05/2024 - 15:21

 Ngày 10.5, Lớp tập huấn diễn viên, nhạc công loại hình nghệ thuật Tuồng truyền thống - 2024 đã khai mạc tại Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, TP Đà Nẵng.

Festival Huế 2024: Xây dựng chuỗi lễ hội suốt 4 mùa

10/05/2024 - 11:05

Chiều 9/5, Bộ Ngoại giao, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã phối hợp với tổ chức họp báo quốc tế giới thiệu Festival Huế 2024 và Tuần lễ Festival nghệ thuật quốc tế Huế 2024.

Xúc động chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

08/05/2024 - 10:07

Tối 6/5, tại Quảng trường 7/5, thành phố Điện Biên Phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Chương trình Nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) với chủ đề “Điện Biên Phủ - Mốc vàng lịch sử” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp tỉnh Điện Biên tổ chức.

Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca chiến thắng

07/05/2024 - 14:28

Sáng 7/5, tại thành phố Điện Biên Phủ, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024).