Vi phạm về bản quyền, tác quyền âm nhạc: Ngày càng tinh vi, phức tạp

18/12/2023 - 17:15  

Những năm qua, mặc dù nhận thức về tác quyền âm nhạc đã được nâng cao; các tổ chức, cá nhân cũng có ý thức hơn trong việc thực hiện bản quyền về âm nhạc, song những ồn ào, vi phạm liên quan tới bản quyền trong lĩnh vực này vẫn xuất hiện với tính chất ngày càng tinh vi, phức tạp…

 Hoạt động chuyển giao quyền tác giả không chỉ nóng tại thị trường Việt Nam mà còn là vấn đề nhức nhối tại nhiều quốc gia trên thế giới

Còn nhiều thách thức

Tranh chấp dẫn đến đấu tố, “cạch mặt” nhau giữa nghệ sĩ biểu diễn và chủ thể sáng tác là câu chuyện muôn thuở ở làng nhạc Việt. Đơn cử mới đây, ồn ào giữa nhạc sĩ Đỗ Hiếu và ca sĩ Noo Phước Thịnh một lần nữa khiến câu chuyện bản quyền lại nóng hơn lúc nào hết.

Cuối tháng 10, trên trang cá nhân, nhạc sĩ Đỗ Hiếu tuyên bố, Noo Phước Thịnh không được phép biểu diễn ca khúc Gạt đi nước mắt và gần chục sản phẩm khác. Nam nhạc sĩ cho biết, đây là những bài hát do Noo Phước Thịnh trình bày, nay đã hết độc quyền sau hai năm, và suốt thời gian dài, hai bên chưa hoàn tất việc thương lượng các vấn đề liên quan tới chi phí tác quyền, cũng không tiến hành gia hạn hợp đồng. Về phần mình, Noo Phước Thịnh khẳng định, từ trước đến nay, theo nguyên tắc mỗi show diễn, BTC đều phải xin giấy phép của cơ quan chức năng và đóng phí tác quyền các ca khúc trong chương trình thông qua Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCPMC). Trung tâm này đã được các nhạc sĩ, trong đó có Đỗ Hiếu, ủy quyền để nhận tiền tác quyền.

Cách đó vài ngày, ông bầu Hoàng Tuấn, quản lý của ca sĩ Đan Trường đệ đơn khởi kiện ba ca sĩ gồm Thái Trinh, Bằng Cường và Dương Edward vì dùng nhạc độc quyền của HT Productions. Tuy nhiên, sự việc sớm lắng xuống vì thái độ hợp tác của Thái Trinh và Bằng Cường. Trường hợp của ca khúc Túy âm, tác giả Xesi “tố” Ngọc Mai hát mà không xin phép tác giả cũng gây ồn ào thời gian dài…

Ông Hoàng Văn Bình, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) cho biết, hoạt động chuyển giao quyền tác giả không chỉ nóng tại thị trường Việt Nam mà còn là vấn đề nhức nhối tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Benjamin Ng, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương Liên minh quốc tế các tổ chức bảo vệ quyền tác giả và nhà soạn nhạc (CISAC) cho hay, sự phổ biến của các điều khoản “bán đứt” ở Mỹ hay các quốc gia Đông Nam Á đã và đang đặt ra nhiều thách thức với người sáng tạo. Nhiều trường hợp các nhạc sĩ do không am hiểu nên khi ký kết một số giấy tờ liên quan đã vô tình “bán đứt” tác phẩm và không được hưởng lợi từ chính tác phẩm mình sáng tác.

 

 Bài đăng của nhạc sĩ Đỗ Hiếu

Tác quyền âm nhạc trên môi trường số nhiều biến tướng

Sự phát triển mạnh mẽ của Internet, các nền tảng số, mạng xã hội giúp mọi người đều có thể tham gia vào hoạt động âm nhạc trên không gian mạng, bao gồm từ việc sáng tạo, trình diễn đến công bố tác phẩm. Song cũng vì thế mà những vấn đề liên quan tới bản quyền âm nhạc trên không gian mạng lại càng trở nên phức tạp hơn.

Trong khảo sát của Liên minh chống vi phạm bản quyền châu Á - CAP gần đây, Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ cao về vi phạm bản quyền qua dịch vụ phát nội dung online, mạng xã hội hay tin nhắn trực tuyến. Trong đó, 41% vi phạm qua nền tảng mạng xã hội và ứng dụng nhắn tin; 19% thông qua streaming. Tỷ lệ sử dụng các nền tảng vi phạm bản quyền cũng chiếm tới 61%. Việc vi phạm bản quyền trên môi trường số đã và đang diễn ra công khai trên nhiều nền tảng bởi người sử dụng vẫn có xu hướng thích dùng nội dung không có bản quyền. Những hành vi vi phạm bản quyền phổ biến là livestream, phát trực tiếp trên mạng xã hội, website; sao chép nguyên trạng nội dung đã phát; cắt ghép, chỉnh sửa các video… sau đó đăng tải trái phép lên Internet. Cơ quan này cũng đã phối hợp với các cơ quan chức năng để chặn truy cập của người dùng tại Việt Nam với hàng trăm website vi phạm bản quyền. Các đối tượng vi phạm liên tục thay đổi tên miền để tránh sự ngăn chặn của các cơ quan quản lý Nhà nước. Chỉ trong một thời gian ngắn, các đối tượng này có thể tạo ra hàng trăm tên miền tương tự nhau để tiếp tục cung cấp nội dung vi phạm bản quyền…

Tại Hội nghị tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị định số 131/2013/NĐ-CP ngày 16.10.2013 của Chính phủ về quyền tác giả, quyền liên quan, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL) Phạm Thị Kim Oanh cho biết, để xử lý các hành vi vi phạm, đảm bảo sự công bằng đối với những người sáng tạo nội dung, chủ sở hữu quyền, cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về nội dung này. Đồng thời nâng cao trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp, cảnh báo họ không nên mua quảng cáo ở các website/mạng xã hội vi phạm bản quyền.

Theo lãnh đạo Cục Bản quyền tác giả, các chủ thể quyền cần chủ động áp dụng các biện pháp công nghệ để bảo vệ quyền tác giả trong môi trường kỹ thuật số theo quy định của pháp luật, cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong việc xử lý các hành vi xâm phạm quyền tác giả.

Tất cả mọi tiến bộ công nghệ đều mang đến những cơ hội lẫn thách thức mới. Việc bảo vệ bản quyền tác phẩm, hệ sinh thái của tác phẩm trên không gian mạng là điều cần quan tâm từ đầu. Vừa cởi mở với mạng xã hội, các nền tảng số cần thận trọng các vấn đề pháp lý… là bước đi quan trọng, hài hòa trong việc bảo vệ và khai thác sản phẩm âm nhạc - một trong những yếu tố thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam. 

Theo Báo Văn hóa

 

Bài viết khác

Đêm tôn vinh những sáng tạo nghệ thuật tại Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc - 2024 (đợt 1)

01/12/2024 - 01:52

Tối ngày 30/11, tại Nhà hát tỉnh Vĩnh Phúc, Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc - 2024 (đợt 1) đã chính thức khép lại bằng một Lễ Bế mạc đầy cảm xúc và ấn tượng, đây là sự kiện đánh dấu thành công rực rỡ của chuỗi hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp quy mô toàn quốc.

Thầm lặng sau màn nhung sân khấu tại Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc - 2024 (đợt 1)

26/11/2024 - 13:38

Đằng sau sự thành công của mỗi đêm diễn là sự hỗ trợ nhiệt thành từ Ban Tổ chức, với việc bố trí, sắp xếp lịch hợp luyện sâu khấu của 13 đơn vị tham gia liên hoan một cách khoa học, phù hợp với điều kiện của từng đơn vị, từng nội dung diễn thi cùng sự ủng hộ nhiệt tình từ khán giả là nguồn cảm hứng bất tận đã góp phần quan trọng để nửa chặng đường liên hoan diễn ra suôn sẻ.

Thư chúc mừng của Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng nhân kỷ niệm 40 năm thành lập Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam

22/11/2024 - 17:18

Nhân dịp kỷ niệm 40 năm thành lập Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam (1984-2024), thay mặt Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã gửi Thư chúc mừng. Cổng Thông tin điện tử Bộ VHTTDL trân trọng giới thiệu toàn văn Thư chúc mừng của Bộ trưởng.

Khai mạc Liên hoan Ca Múa Nhạc Toàn quốc - 2024 (Đợt 1): Nơi sắc màu nghệ thuật được lan tỏa

22/11/2024 - 01:32

Tối ngày 21/11, tại Nhà hát tỉnh Vĩnh Phúc, Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc - 2024 (Đợt 1) chính thức khai mạc, đánh dấu sự kiện văn hóa nghệ thuật quan trọng trong năm, thu hút sự tham gia của các đơn vị nghệ thuật ca múa nhạc trên cả nước. Đây là dịp để các nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công… từ khắp mọi miền thể hiện tài năng và đam mê qua các chương trình nghệ thuật đặc sắc, hứa hẹn mang đến những tiết mục chất lượng, phong phú và giàu bản sắc dân tộc.

Sẵn sàng cho Lễ hội nghệ thuật đặc sắc tại Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc - 2024 (Đợt 1)

20/11/2024 - 22:29

Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc - 2024 đợt 1 tại Vĩnh Phúc đang đến rất gần, và không khí tại đây đã trở nên sôi động hơn bao giờ hết với sự chuẩn bị chu đáo, toàn diện từ sân khấu, âm thanh, ánh sáng đến công tác tuyên truyền, sự kiện hứa hẹn sẽ mang đến cho khán giả những màn trình diễn nghệ thuật đặc sắc và khó quên.

Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam cần tiếp tục phát huy truyền thống, đào tạo những tài năng âm nhạc lớn cho nước nhà

20/11/2024 - 09:24

Sáng 19/11, Đoàn công tác Ban Tuyên giáo Trung ương do bà Đinh Thị Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương dẫn đầu đã tới thăm, chúc mừng Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam nhân kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2024).