Nhiều nghệ sĩ tên tuổi tham gia chia sẻ cùng đồng bào trong chương trình "Hà Nội- Những tháng năm"

16/09/2024 - 14:47  

Chương trình nghệ thuật "Hà Nội- Những tháng năm…" do Nhà hát Nghệ thuật Đương đại Việt Nam thực hiện sẽ diễn ra lúc 20 giờ ngày 20/9 tại Nhà hát Lớn Hà Nội với sự tham gia của các nghệ sĩ tên tuổi như: NSND Thanh Lam, NSND Mai Hoa, NSUT Việt Hoàn, Anh Thơ, Viết Danh, Thanh Thảo, An Thu An, Huệ Thương, Trung Sỹ, Phúc Đại … Nhóm Phương Nam, Nhóm Thời Gian & Ban nhạc Huyền Trung.

NSƯT Quỳnh Trang, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Đương đại Việt Nam cho biết: Trong những ngày vừa qua, bão số 3 (Yagi) đã gây ra nhiều thiệt hại nặng nề cả về người và tài sản tại các tỉnh, thành phố miền Bắc. Hưởng ứng Lời kêu gọi của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, "tương thân, tương ái", "lá lành đùm lá rách" và phát huy sức mạnh của văn hóa để chung tay góp phần cùng Đảng, Nhà nước nhanh chóng khôi phục sản xuất, hỗ trợ đồng bào để ổn định đời sống,thực hiện chủ trương chỉ đạo của Bộ VHTTDL, các nhà hát trực thuộc Bộ tổ chức các chương trình nghệ thuật nhằm quyên góp, ủng hộ đồng bào các tỉnh, thành phố miền Bắc chịu thiệt hại nặng nề do bão, lũ gây ra. Đây là chủ trương hết sức nhân văn và kịp thời mà Lãnh đạo Bộ VHTTDL chỉ đạo các Nhà hát của Bộ thực hiện".

Nhiều nghệ sĩ tên tuổi tham gia chia sẻ cùng đồng bào trong chương trình Hà Nội- Những tháng năm - Ảnh 1.

Những người nghệ sĩ tự hào được đóng góp sức mình, bằng lời ca tiếng hát và nghệ thuật, chia sẻ nỗi đau với đồng bào

NSƯT Quỳnh Trang cho biết thêm, những người nghệ sĩ chúng tôi tự hào được đóng góp sức mình, bằng lời ca tiếng hát và nghệ thuật, chia sẻ nỗi đau với đồng bào. Nhà hát Nghệ thuật Đương đại sẽ tổ chức chương trình "Hà Nội- Những tháng năm…", một phần tiền bán vé được chúng tôi trích để chung tay giúp đỡ đồng bào bị thiệt hại nặng nề do bão số 3 vượt qua khó khăn.

"Chương trình sẽ đưa khán giả trở về những dấu ấn lịch sử hào hùng và vẻ đẹp lãng mạn của Thủ đô ngàn năm văn hiến, đêm nhạc đặc biệt "Hà Nội – Những tháng năm…" do Nhà hát Nghệ thuật Đương đại Việt Nam tổ chức vào 20h ngày 20/9, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, sẽ là hành trình âm nhạc đầy cảm xúc, từ những giai điệu hào hùng của thời kỳ kháng chiến đến khúc hát ngọt ngào ca ngợi vẻ đẹp vượt thời gian của Thủ đô. Những giai điệu sâu lắng từng làm say đắm người yêu nhạc, yêu Hà Nội, yêu mùa thu Hà Nội sẽ được gửi tới khán giả trong đêm nhạc đặc biệt "Hà Nội – Những tháng năm…". NSƯT Quỳnh Trang cho biết.

Chương trình đêm nhạc gồm các chương: "Hà Nội - Ngày ấy", "Hà Nội – Những thời khắc hào hùng" và "Hà Nội hôm nay".

Theo đó, người Hà Nội luôn là biểu tượng của sự thanh lịch, hào hoa, tao nhã, lịch duyệt, tinh tế… được thể hiện tự nhiên trong cuộc sống hàng ngày. Cũng bởi thế mà những ngày đầu của Tân nhạc Việt Nam từ thập niên 1930, người Hà Nội luôn là cảm hứng bất tận của các nhạc sĩ nổi tiếng như Dương Triệu Tước, Đoàn Chuẩn – Từ Linh, Văn Cao, Hoàng Giác, Nguyễn Văn Thương với các nhạc phẩm bất hủ: "Cung đàn xưa", "Mơ hoa", "Gửi gió cho mây ngàn bay", "Biệt ly", "Đêm đông"… đã khắc họa được khí chất hào hoa, phong nhã và thanh tao của người Hà Nội. Các tác phẩm lãng mạn này sẽ được trình diễn trong chương đầu tiên của đêm nhạc.

NSND Mai Hoa và NSND Thanh Lam

Nhiều biến động của lịch sử đã diễn ra sau đó: mùa thu năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân cả nước nhất tề vùng lên tiến hành cuộc Cách mạng Tháng Tám thắng lợi, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Trong cuộc cách mạng "long trời, lở đất" năm ấy, khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội có ý nghĩa quyết định, thúc đẩy Tổng khởi nghĩa thắng lợi trên phạm vi cả nước. Những cống hiến, đóng góp của các tầng lớp nhân dân, sự hy sinh to lớn của các thế hệ đi trước đã bảo vệ Hà Nội nghìn năm văn hiến. Và sau "Chín năm làm một Điện Biên - Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng", ngày 10/10/1954, Hà Nội sạch bóng quân thù, hân hoan đón chào bộ đội cụ Hồ về tiếp quản Thủ đô… Những dấu mốc đáng nhớ này sẽ được tái hiện qua các ca khúc "Cờ Việt Minh", "Mười chín tháng Tám", "Ba Đình nắng", "Bài ca Hà Nội", "Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không"... Trong mưa bom bão đạn, người Hà Nội lại hiện lên đầy tự tôn, đầy nghĩa khí, giàu lòng yêu nước, nhưng vô cùng lãng mạn được thể hiện qua các tác phẩm kinh điển của các tác giả Văn Cao, Hoàng Giác, Nguyễn Đình Thi, đó là các nhạc phẩm: "Tiến về Hà Nội", "Người Hà Nội", "Ngày về"…

Sau những thăng trầm lịch sử, Hà Nội trở về với vẻ đẹp thanh bình vốn có, Hà Nội – Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người – Nơi hội tụ, kết tinh và tỏa sáng những giá trị cao quý, tiêu biểu của dân tộc với truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Lòng tự hào, tự tôn dân tộc và tự hào về Thủ đô nghìn năm văn hiến, anh hùng; những thành tựu nổi bật của Thủ đô sau 70 năm giải phóng, đặc biệt là sau gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới đất nước sẽ được thể hiện sống động trong nhiều ca khúc "Thu Hà Nội", "Một thoáng Tây Hồ", "Hà Nội mùa thu trong em", "Hà Nội một trái tim hồng", "Hà Nội đêm trở gió", "Mãi vẫn là tuổi thơ tôi Hà Nội"…

Trong số các ca khúc viết về Hà Nội, "Hướng về Hà Nội" được đánh giá là ca khúc trữ tình vào loại bậc nhất. Những ca từ, giai điệu và hình ảnh trong ca khúc toát lên vẻ đẹp hào hoa rất đỗi đặc trưng của người Tràng An. Ca khúc này được nhạc sỹ Hoàng Dương viết xong trong một đêm khi đi sơ tán ở vùng ngoại thành. Ông viết ca khúc vào giai đoạn cuối 1953 đầu 1954 lúc đấy Hà Nội chưa giải phóng.

Nhiều nghệ sĩ tên tuổi tham gia chia sẻ cùng đồng bào trong chương trình Hà Nội- Những tháng năm - Ảnh 3.

Bao năm qua, ca khúc vẫn luôn làm đắm say người Hà Nội và cả khách phương xa khi đặt chân đến mảnh đất này. Ca khúc đã từng được nhiều giọng ca thể hiện. Hát "Hướng về Hà Nội" trong đêm nhạc sắp tới, NSND Thanh Lam chia sẻ: "Là người con sinh ra tại mảnh đất nghìn năm văn hiến, mỗi lần đứng trên sân khấu hát bài này, tôi luôn cố gắng truyền tải những cảm xúc của mình đến với khán giả. Tôi muốn mọi người cũng cảm nhận được cái hồn của Hà Nội, cái đẹp của Hà Nội qua âm nhạc".

Bên cạnh đó, ca khúc "Người Hà Nội" từ khi mới ra đời và trải qua 70 năm vẫn ngân vang, góp phần tạo thêm sức mạnh và ý chí quyết chiến quyết thắng trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc cũng như trong xây dựng hòa bình. Kể từ đêm kháng chiến đầu tiên (19.12.1946), bên dòng Nhuệ giang, nhìn Hà Nội "Khói lửa ngút trời…" trong lòng "Người Hà Nội Nguyễn Đình Thi" trào dâng cảm xúc, để những ca từ hào sảng cứ thế ùa vào bản nhạc, thành ca khúc để đời - trở thành một tài sản tinh thần vô giá bởi giai điệu và ca từ lắng đọng trong tâm hồn mỗi người một tình yêu Hà Nội - một "Hà Nội mến yêu"… Vinh dự khi thể hiện tác phẩm này, ca sĩ Viết Danh cho biết: "Bài hát ca ngợi Hà Nội và những dấu ấn lịch sử cùng người Hà Nội trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Qua việc thể hiện bài hát này, tôi muốn gửi gắm tới khán giả những hình ảnh sống động về sự kiên cường trong chiến đấu bảo vệ Thủ đô mảnh đất ngàn năm văn hiến".

Nhiều nghệ sĩ tên tuổi tham gia chia sẻ cùng đồng bào trong chương trình Hà Nội- Những tháng năm - Ảnh 4.

Nhiều nghệ sĩ tên tuổi tham gia chia sẻ cùng đồng bào trong chương trình Hà Nội- Những tháng năm - Ảnh 5.

NSND Mai Hoa cho rằng, ca khúc Hà Nội một trái tim hồng như bức tranh phố Hà Nội bằng âm nhạc với nét đặc trưng của Thủ đô ngàn năm văn hiến. "Hàng cây xanh bao mùa lá đỏ/ Gió sông Hồng rì rào sóng vỗ/ Mùa thu đi qua từng phố nhỏ/ Ơi hồ Gươm, như một bài thơ"… tất cả đều hiện lên thật sống động trong tâm trí mọi người, mang đến một cảm giác ấm áp, gần gũi đến lạ thường. "Là một nghệ sĩ, tôi luôn cảm thấy tự hào khi được hát về Hà Nội. Tôi muốn thông qua âm nhạc của mình, góp phần quảng bá hình ảnh đẹp của Thủ đô đến với mọi người. Tôi hy vọng rằng, mỗi khi nghe "Hà Nội - Một trái tim hồng", khán giả sẽ cảm nhận được tình cảm ẩn chứa trong đó và thêm tình yêu với thành phố này" – NSND Mai Hoa bày tỏ.

Đêm nhạc "Hà Nội – Những tháng năm..." như một hành trình khám phá về lịch sử, văn hóa và con người Hà Nội. Qua những giai điệu âm nhạc, khán giả sẽ được đắm mình trong không gian của Thủ đô ngàn năm văn hiến, anh hùng./.

Theo Báo Tổ quốc

Bài viết khác

Buổi gặp mặt đầu tiên của Tân Cục trưởng NSND Nguyễn Xuân Bắc: Khởi đầu mới cho Cục Nghệ thuật biểu diễn

01/11/2024 - 14:30

Sáng ngày 01/11/2024, tại trụ sở Cục Nghệ thuật biểu diễn, số 32 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội, tập thể cán bộ, công chức và người lao động Cục NTBD đã có mặt đông đủ để chào đón sự kiện quan trọng: buổi gặp mặt và làm việc đầu tiên của Tân Cục trưởng - Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Xuân Bắc.

Điều động, bổ nhiệm ông Nguyễn Xuân Bắc - Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam giữ chức Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn

30/10/2024 - 15:55

Chiều 30/10, ông Tạ Quang Đông - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trao quyết định bổ nhiệm Nghệ sĩ Nhân dân Xuân Bắc - Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam làm Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn.

Cục Nghệ thuật Biểu diễn tổ chức hội nghị gặp mặt trao Quyết định nghỉ hưu đối với công chức

25/09/2024 - 14:55

Sáng ngày 25/9/2024, tại Cục Nghệ thuật biểu diễn, tổ chức buổi gặp mặt và trao quyết định nghỉ hưu để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội đối với công chức Phạm Thị Hải Yến.

18 tập thể, cá nhân được trao Giải thưởng Đào Tấn 2024

24/09/2024 - 11:43

Tối 22.9, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc và Tạp chí Văn hiến Việt Nam tổ chức Lễ trao Giải thưởng Đào Tấn năm 2024 cho 18 tập thể và cá nhân có nhiều cống hiến trong sự nghiệp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá nghệ thuật truyền thống của dân tộc.

Trại sáng tác truyền lửa cho văn nghệ sĩ

19/09/2024 - 00:04

Trong thời gian tham gia Trại sáng tác viết kịch bản văn học năm 2024, các tác giả đã sáng tác, hoàn thiện 24 kịch bản sân khấu, tác phẩm phê bình văn học nghệ thuật, thể hiện niềm đam mê sáng tạo và không ngừng tìm tòi cái mới để có những tác phẩm chất lượng, mang hơi thở đời sống.

Họp rà soát triển khai các chương trình nghệ thuật ủng hộ đồng bào miền Bắc chịu thiệt hại do bão lũ

17/09/2024 - 21:46

Thực hiện chỉ đạo của Ban Cán sự đảng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTTDL) tại Công văn số 3928/BVHTTDL-VP ngày 13/9/2024 về việc tổ chức các chương trình nghệ thuật nhằm quyên góp và ủng hộ đồng bào các tỉnh, thành phố miền Bắc chịu thiệt hại nặng nề do bão lũ gây ra; ngày 14/9/2024, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã phối hợp 12 Nhà hát thuộc Bộ VHTTDL khẩn trương triển khai xây dựng Kế hoạch thực hiện.