"Lịch sử sân khấu kịch và điện ảnh Việt Nam" tái hiện gần 100 năm ký ức về kịch nghệ và điện ảnh Việt Nam

29/10/2023 - 07:08  

"Lịch sử sân khấu kịch và điện ảnh Việt Nam", tác giả TS. Nguyễn Đức Hiệp, là cuốn sách vừa được Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh xuất bản, giới thiệu tới bạn đọc trong tháng 10/2023.

Lịch sử sân khấu kịch và điện ảnh Việt Nam" tái hiện những ký ức về lĩnh vực lịch sử kịch nghệ và điện ảnh Việt đã trải qua gần 100 năm từ những năm trong thời kỳ chiến tranh khó khăn gian khổ đến giai đoạn đất nước hòa bình và phát triển cho đến những năm gần đây. Bên cạnh đó là sự chuyển biến về sở thích thưởng thức các hình thức nghệ thuật đa dạng của nhiều tầng lớp người dân Việt theo thời gian.

Sách gồm các phần: Tổng quan Sài Gòn - Chợ Lớn: Sự chuyển mình và nhận thức của xã hội đầu thế kỷ 20; Sân khấu kịch nghệ; Điện Ảnh. Nội dung sách tuần tự đi vào các giai đoạn thành lập và phát triển từ sân khấu kịch nghệ đến điện ảnh và tân nhạc.

Với "Lịch sử sân khấu kịch và điện ảnh Việt Nam", từ giai đoạn đầu thế kỷ 20, sự phát triển sân khấu nghệ thuật cải lương, kịch và điện ảnh cũng như âm nhạc có liên hệ mật thiết với nhau. Nhiều nghệ sĩ và soạn giả vừa hoạt động trên sân khấu cải lương và cũng tham gia đóng kịch, đóng phim và hát tân nhạc. Trong thời gian này, một số nghệ sĩ như soạn giả kịch Nguyễn Văn Vĩnh và các nghệ sĩ sân khấu kịch ở Hà Nội cũng là những người tham gia thực hiện cuốn phim đầu tiên của Việt Nam, phim Kim Vân Kiều vào năm 1924. Sau này các ca sĩ, diễn viên kịch và cải lương cũng là các tài tử trên các phim ảnh như Tuyết Khanh đóng phim Cánh đồng ma ở Bắc Kỳ cũng là diễn viên kịch trong ban Đông Phương ở Hà Nội, các kịch sĩ và cải lương Kim Cương, Thanh Lan, Hùng Cường, Bạch Tuyết, La Thoại Tân… cũng là các diễn viên điện ảnh.

"Lịch sử sân khấu kịch và điện ảnh Việt Nam" tái hiện gần 100 năm ký ức về kịch nghệ và điện ảnh Việt Nam - Ảnh 1.

Bìa sách

Ở miền Nam, tầng lớp trí thức đã thu nhập các thành phần của sân khấu kịch Tây phương từ dàn cảnh, đối thoại đến âm nhạc mang vào sân khấu nghệ thuật hát bội và nhạc tài tử để thành cải lương. Sân khấu cải lương đã phát triển thành công và có chỗ đứng vững chắc trong xã hội vào giai đoạn này do sự chấp nhận của mọi thành phần xã hội. Ảnh hưởng của kịch nói Tây phương ban đầu qua các vở kịch cổ điển sau đến các vở kịch phản ảnh cuộc sống và hoàn cảnh ở Việt Nam. Các nhà soạn kịch và diễn viên ở thời kỳ đầu đều là những người theo Tây học như Jacques Lê Văn Đức, Vũ Đình Long, Nguyễn Văn Vĩnh, Thế Lữ. Thập niên 1930 chứng kiến sự phát triển của kịch đến với quần chúng ở các thành phố như Sài Gòn, Hà Nội với đa số khán giả là thành phần trung lưu ảnh hưởng Tây học. Lúc này sân khấu cải lương và sân khấu chèo hay hát bội vẫn còn thu hút các khán giả thuộc nhiều thành phần trong xã hội.

Ở miền Bắc thì trái lại, nghệ thuật tuồng và chèo truyền thống đã dần bị thay thế bởi sân khấu kịch được hình thành và phát triển ở các đô thị chủ yếu là ở Hà Nội do các trí thức Tây học du nhập vào. Sân khấu kịch ở Bắc Kỳ phát triển nhanh chóng và phổ thông trong các thành phần trung lưu và trí thức. Sau này một số các ban kịch, các nhà soạn kịch và các nhạc sĩ ở miền Bắc, nhất là trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp từ 1945 đến 1954, đã vào Nam và có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển sân khấu kịch và tân nhạc ở Sài Gòn và Nam Kỳ.

Nghệ thuật điện ảnh Việt Nam đã có lịch sử lâu dài đến nay đã gần 100 năm từ cuốn phim đầu tiên Kim Vân Kiều (1924). Phim ảnh Việt Nam đã phản ánh được tiến trình xã hội thay đổi qua thăng trầm lịch sử. Qua phim ảnh ta có thể hiểu thêm được về đời sống kinh tế, chính trị và văn hóa trên các miền đất nước qua các giai đoạn lịch sử, từ sự hình thành và phát triển trong thời thuộc Pháp, thời chiến tranh Việt-Pháp, thời đất nước chia đôi, thời kỳ đất nước thống nhất cho đến giai đoạn đổi mới và tiếp nối tới ngày nay.

Điện ảnh được du nhập và phát triển cùng thời và đồng bộ vào đầu thế kỷ 20 cho đến 1954 ở cả ba miền Bắc, Trung và Nam. Sau năm 1954, điện ảnh ở miền Nam và miền Bắc đi theo hai xu hướng khác nhau. Miền Nam hoạt động sản xuất phim ảnh do cá nhân cũng như các công ty tư nhân là chính. Do đó đề tài của phim ảnh rất đa dạng từ thương mại chủ yếu phục vụ nhu cầu của khán giả và thành công đạt doanh thu đến các tác phẩm phim ảnh nghệ thuật của một số nhà đạo diễn tiên phong và các hãng phim có thực lực đầu tư cho các đề tài mới theo trào lưu của điện ảnh ở Á châu và thế giới. Điện ảnh miền Bắc do các hãng phim nhà nước thực hiện với mục đích là xây dựng một xã hội mới theo hướng xã hội chủ nghĩa và góp phần vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, đề cao tinh thần yêu nước, tập thể hơn là vai trò và nhận thức cá nhân.

Sau năm 1975, sự chuyển biến từ điện ảnh lý tưởng đến điện ảnh hiện thực bắt đầu từ giai đoạn trong thời kỳ Đổi mới ở cuối thập niên 1980 đầu thập niên 1990. Từ thập niên 1990 cho đến 2010 là một sự nhảy vọt của điện ảnh Việt Nam với nhiều đạo diễn thế hệ trẻ trong và ngoài nước với các phim nhân văn và nghệ thuật như các phim Ngọc trong đá (1991), Mùi đu đủ xanh (1993), Thương nhớ đồng quê (1996), Ba mùa (1998), Đời cát (1999) và tiếp theo là các phim Bến không chồng (2000), Mùa ổi (2001), Mùa len trâu (2004), Trăng nơi đáy giếng (2008). Các phim thực hiện trong giai đoạn này với các nhà đạo diễn người Việt trong và ngoài nước đã khiến điện ảnh Việt Nam nhận được sự chú ý và thành đạt xuất sắc trong nền điện ảnh thế giới với các tác phẩm được đánh giá cao. Đây là những bước khởi đầu cho một tương lai tốt đẹp của nền điện ảnh Việt Nam trong chặng đường lịch sử 100 năm điện ảnh ở nước ta.

Ngày nay điện ảnh Việt Nam cũng đa dạng với các hãng phim tư nhân sản xuất dòng phim thương mại hợp với thực trạng xã hội và thị hiếu của người xem, đồng thời cạnh tranh được với các phim nước ngoài.

Cuốn "Lịch sử sân khấu kịch và điện ảnh Việt Nam" ra đời với mục đích giới thiệu sự hình thành và phát triển của sân khấu kịch nghệ và điện ảnh vào đầu thế kỷ 20 cho đến thập niên 2010 chủ yếu ở Nam Bộ. Mặc dù chỉ giới hạn trong khoảng thời gian và không gian này, nhưng tác giả Nguyễn Đức Hiệp cũng đề cập đến không gian rộng hơn trên toàn Việt Nam khi có sự tương tác và ảnh hưởng của các hình thái nghệ thuật trên mọi miền đất nước.

Tác giả Nguyễn Đức Hiệp hiện là chuyên gia khoa học về khí quyển và biến đổi khí hậu ở Bộ Môi trường và Di sản, tiểu bang New South Wales, Australia. Từ nhiều năm nay, ông làm việc và cộng tác với các nhà nghiên cứu ở Việt Nam trong lĩnh vực môi trường, biến đổi khí hậu và bảo tồn di sản văn hóa. Ông là tác giả của nhiều bài viết về lịch sử, khoa học, văn hóa cho các báo, tạp chí chuyên ngành và phổ thông trong và ngoài nước.

Một số tác phẩm đã xuất bản của tác giả Nguyễn Đức Hiệp: Sài Gòn - Chợ Lớn qua những tư liệu quý trước 1945; Sài Gòn - Chợ Lớn: Ký ức đô thị và con người; Sài Gòn - Chợ Lớn: Thể thao và báo chí trước 1945; Thiên nhiên kỳ diệu hay thảm họa; Nghệ thuật sân khấu: Hát bội, Đờn ca tài tử và cải lương ở Sài Gòn và Nam Kỳ cuối thế kỷ XIX đến 1945; Sài Gòn - Chợ Lớn nửa cuối thế kỷ XIX; Sài Gòn và Nam Kỳ trong thời kỳ canh tân 1875-1925; Lịch sử doanh nghiệp và công nghiệp ở Sài Gòn và Nam Kỳ từ giữa thế kỷ XIX đến năm 1945; Sài Gòn - Chợ Lớn: Đời sống xã hội và chính trị qua tư liệu báo chí 1925-1945...

Năm 2018, TS. Nguyễn Đức Hiệp vinh dự được trao Giải thưởng sách Quốc gia năm 2018 với tác phẩm "Sài Gòn - Chợ Lớn: Ký ức đô thị và con người".

Phương Anh

Bài viết khác

Cục Nghệ thuật Biểu diễn tổ chức hội nghị gặp mặt trao Quyết định nghỉ hưu đối với công chức

25/09/2024 - 14:55

Sáng ngày 25/9/2024, tại Cục Nghệ thuật biểu diễn, tổ chức buổi gặp mặt và trao quyết định nghỉ hưu để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội đối với công chức Phạm Thị Hải Yến.

18 tập thể, cá nhân được trao Giải thưởng Đào Tấn 2024

24/09/2024 - 11:43

Tối 22.9, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc và Tạp chí Văn hiến Việt Nam tổ chức Lễ trao Giải thưởng Đào Tấn năm 2024 cho 18 tập thể và cá nhân có nhiều cống hiến trong sự nghiệp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá nghệ thuật truyền thống của dân tộc.

Trại sáng tác truyền lửa cho văn nghệ sĩ

19/09/2024 - 00:04

Trong thời gian tham gia Trại sáng tác viết kịch bản văn học năm 2024, các tác giả đã sáng tác, hoàn thiện 24 kịch bản sân khấu, tác phẩm phê bình văn học nghệ thuật, thể hiện niềm đam mê sáng tạo và không ngừng tìm tòi cái mới để có những tác phẩm chất lượng, mang hơi thở đời sống.

Họp rà soát triển khai các chương trình nghệ thuật ủng hộ đồng bào miền Bắc chịu thiệt hại do bão lũ

17/09/2024 - 21:46

Thực hiện chỉ đạo của Ban Cán sự đảng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTTDL) tại Công văn số 3928/BVHTTDL-VP ngày 13/9/2024 về việc tổ chức các chương trình nghệ thuật nhằm quyên góp và ủng hộ đồng bào các tỉnh, thành phố miền Bắc chịu thiệt hại nặng nề do bão lũ gây ra; ngày 14/9/2024, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã phối hợp 12 Nhà hát thuộc Bộ VHTTDL khẩn trương triển khai xây dựng Kế hoạch thực hiện.

THÔNG BÁO Lùi thời gian tổ chức “Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc - 2024” (Đợt 1)

06/09/2024 - 17:52

Căn cứ Công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung ứng phó khẩn cấp bão số 3 năm 2024, Ban Tổ chức Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc - 2024” (Đợt 1) quyết định lùi thời gian tổ chức, theo đó Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc - 2024” (Đợt 1) được tổ chức từ ngày 11 đến ngày 20/9/2024

Trại sáng tác cho các tác giả viết kịch bản văn học năm 2024

06/09/2024 - 10:01

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng, Trung tâm hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật và các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức Trại sáng tác cho các tác giả viết kịch bản văn học năm 2024 tại Nhà sáng tác Đà Lạt, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng từ ngày 12/9 đến ngày 19/9/2024.