Văn Cao- Nhạc sĩ xuất sắc của nền âm nhạc Việt Nam
09/11/2023 - 14:46
Sáng 8/11, tại Hà Nội, Báo Nhân Dân phối hợp với Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương và Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhạc sỹ Việt Nam, Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề "Thế giới nhạc, họa, thơ của Văn Cao".
Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh; Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương Nguyễn Thế Kỷ; Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy chủ trì hội thảo. Nhiều nhà văn, nhạc sỹ, họa sỹ, nghệ sỹ, nhà nghiên cứu có tên tuổi, hoặc có thời gian gắn bó với Văn Cao; đại diện gia đình, thân hữu của nhạc sỹ đã đến và đóng góp ý kiến.
Phát biểu đề dẫn, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương khẳng định: Với tài năng đa dạng, độc đáo, nhiều chiều kích, tích hợp nhuần nhuyễn giữa tư duy, thẩm mỹ, bút pháp; giữa hiện thực đời sống, sự cảm nhận, tri nhận và nghệ thuật biểu đạt; giữa âm nhạc - hội họa - thơ văn, Văn Cao được nhiều người khẳng định là một hiện tượng hết sức đặc biệt, hiếm có trong lịch sử văn nghệ Việt Nam hiện đại. Gọi ông là nghệ sỹ thiên tài cũng không có gì quá lời.
Trước năm 1945, năm 16 tuổi, Văn Cao viết "Buồn tàn thu", rồi các ca khúc lãng mạn, trữ tình như "Bến xuân", "Suối mơ", "Thiên thai", "Trương Chi", "Thu cô liêu", "Cung đàn xưa"… Trong thơ, năm 17 tuổi, ông viết "Một đêm đàn lạnh trên sông Huế", "Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc"...; ông viết thơ, viết văn đăng ở Tiểu thuyết thứ Bảy…
Về hội họa, năm 19 tuổi, ông dự học không liên tục ở Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương nhưng năm 20 tuổi ông đã có các bức tranh gây chú ý, như: "Cô gái dậy thì", "Sám hối", "Nửa đêm", nhất là bức tranh "Cuộc khiêu vũ của những người tự tử"… Những bản nhạc của Văn Cao như "Buồn tàn thu", "Suối mơ", "Thiên thai", "Trương Chi"... được in ra đều do ông trình bày bìa và đi rất gần với trường phái lập thể.
Năm 1944, Văn Cao tham gia Việt Minh. Với ca khúc "Tiến quân ca" ra đời cuối năm đó, ông đã có bước chuyển lớn lao từ phong cách lãng mạn, trữ tình và cả hiện thực phê phán sang phong cách cách mạng - kháng chiến cả trong nhạc, họa và thơ.
Từ năm 1945 trở đi, ông viết "Bắc Sơn", rồi các ca khúc, hành khúc như là sự tiên tri kỳ lạ: "Hải quân Việt Nam", 'Không quân Việt Nam", "Công nhân Việt Nam", "Chiến sĩ Việt Nam", tiếp đó là "Làng tôi", "Ngày mùa", "Tiến về Hà Nội", đặc biệt là ca khúc "Ca ngợi Hồ Chủ tịch" và "Trường ca Sông Lô"…
Ngoài ca khúc, sau này ông còn viết một số tác phẩm khí nhạc dành cho piano, như "Sông Tuyến", "Biển đêm", "Hàng dừa xa"...; sáng tác nhạc phim cho phim truyện "Chị Dậu" (1980), tổ khúc giao hưởng phim tài liệu "Anh bộ đội cụ Hồ" của Xưởng phim Quân đội Nhân dân... Vì nhiều lý do, rất nhiều tác phẩm hội họa của Văn Cao đã không được giữ gìn, thưởng thức và giới thiệu như các tác phẩm âm nhạc, thơ ca của ông, chỉ có thể nêu một số tác phẩm như "Dân công miền núi", "Chợ vùng cao", "Lớn lên trong kháng chiến", "Thái Hà ấp đêm mưa"…
Giai đoạn tiếp theo của Văn Cao, trong âm nhạc là tác phẩm nổi tiếng "Mùa xuân đầu tiên"…; trong hội họa là "Chân dung bà Băng", "Cổng làng", "Phố Nguyễn Du", "Cây đàn đỏ", "Cô gái và đàn dương cầm"… Ông vẽ hàng trăm bìa sách, bức minh họa, đồ họa cho Báo Văn nghệ; với thơ là "Ba biến khúc tuổi 65", "Thời gian", "Phố Phái", "Những bó hoa"… Các bài thơ được tập hợp trong tập "Lá", "Tuyển tập thơ Văn Cao"...
Cuộc đời 72 năm của Văn Cao gắn bó trọn vẹn với thế kỷ XX nhiều biến động. Trên hành trình cuộc đời ấy, dẫu không ít chông gai, sóng gió, nhọc nhằn nhưng vượt lên tất cả, lối sống khiêm nhường, bình dị, nhẫn nhịn, tình yêu thương, trân trọng con người, cỏ cây, phố xá, làng quê, đất nước đã giúp ông vượt lên nỗi đau, luôn đồng hành cùng dân tộc, nhân dân, sáng tạo nên những tác phẩm bất hủ.
Bằng tài năng thiên bẩm, sự tự học, tự rèn, đổi mới, sáng tạo, bứt phá, Văn Cao đã cống hiến to lớn cho nền văn hóa, văn nghệ ở cả âm nhạc, thơ ca và hội họa. Ông được Nhà nước trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh; Huân chương Độc lập hạng Nhất, hạng Ba; Huân chương Kháng chiến hạng Nhất; Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật (đợt 1, năm 1996). Tên ông cũng được đặt cho nhiều đường phố ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Nam Định, Huế, Đà Nẵng...
GS Phong Lê nhận định: “Nói Văn Cao, không chỉ ở thời điểm hôm nay, nhân kỷ niệm 100 năm sinh của ông, mà ngay từ 1945, đã là một tên tuổi nghệ sĩ lớn mà cả dân tộc Việt, nhân dân Việt, từ nhỏ đến lớn, từ trẻ đến già không ai không biết đến, và chịu ơn. Bởi ông là tác giả của Tiến quân ca, rồi trở thành Quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngay từ tháng Tám 1944, ở Tân Trào, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định chọn Tiến quân ca làm Quốc ca.
Kể từ ấy, Quốc ca đã vang lên trong ngày 17/9/1945 ở Quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội, rồi sáng 2/9/1945 ở Quảng trường Ba Đình trước khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập. Theo di nguyện của Văn Cao, gia đình nhạc sĩ đã hiến tặng bản quyền Quốc ca cho Tổ quốc.
Sau Tiến quân ca còn là một sự nghiệp lớn hơn, trên một hành trình dài với rất nhiều nguồn mạch, tỏa ra nhiều hướng, soi vào đấy - là cả một dàn giao hưởng của đời sống kháng chiến, với Bắc Sơn, và Chiến sĩ Việt Nam; Công nhân Việt Nam; với Làng tôi và Ngày mùa; với Hải quân Việt Nam và Không quân Việt Nam, với Trường ca Sông Lô và Tiến về Hà Nội; và với Ca ngợi Hồ Chủ tịch…
Sự nghiệp âm nhạc vĩ đại của Văn Cao còn nối dài đến 1975 với tác phẩm Mùa xuân đầu tiên như một sự đón đợi kỳ diệu niềm vui đoàn tụ của hai miền Nam Bắc sau 20 năm bị chia cắt; dẫu phải đến thập niên 1990 công chúng mới được biết đến.
Bên cạnh tư cách một nhạc sĩ lớn, nói đến Văn Cao còn là nói đến một nhà thơ lớn - mà tôi không phải phân vân khi chọn từ này, bởi ông là tác giả của không ít bài thơ làm tổ được trong lòng bạn đọc nhiều thế hệ, ít ra là thế hệ tôi".
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Hồng Quân bày tỏ: "Ngày 13/8/1945, Hồ Chí Minh đã chính thức duyệt Tiến quân ca làm quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Nhạc sĩ Văn Cao trở thành tác giả của quốc ca đầu tiên của Việt Nam, đồng thời cũng là một trong những gương mặt quan trọng nhất của tân nhạc, một trong những nhạc sĩ xuất sắc nhất trong nền âm nhạc Việt Nam thời kỳ này.
Với mảng hành khúc cách mạng, Văn Cao còn để lại các ca khúc như: Chiến sĩ Việt Nam, Công nhân Việt Nam, Không quân Việt Nam, Thăng Long hành khúc ca, Bắc Sơn, Tiến về Hà Nội...
Trong thời kỳ này, ông còn viết những ca khúc trữ tình nhưng tính chất âm nhạc không còn giống thời kỳ đầu. Đây là những ca khúc trữ tình lạc quan, thấm đượm tình yêu nước, yêu đời như: Làng tôi (1947), Ngày mùa (1948).
Nói về thể loại âm nhạc trong ca khúc của Văn Cao, chúng ta thường nói tới 2 loại hình: các bài hát trữ tình mang âm hưởng dân ca hoặc tiết tấu nhịp nhàng, uyển chuyển như Cung đàn xưa, Mùa xuân đầu tiên, Làng tôi, Ngày mùa... Thể loại thứ hai là hành khúc như các bài Chiến sĩ Việt Nam, Công nhân Việt Nam, Không quân Việt Nam, Tiến về Hà Nội... và thể loại thứ ba là trường ca, khi nhắc tới trường ca của Văn Cao ta chỉ nhắc tới một tác phẩm, đó là Trường ca Sông Lô... nhưng trên thực tế, tư duy trường ca không chỉ có trong tác phẩm Trường ca Sông Lô mà trước đó, trong các sáng tác thời kỳ đầu như Thiên thai (1941), Trương Chi (1942), Đàn chim Việt (1948)... đã xuất hiện những yếu tố trường ca. Đây cũng là một đặc điểm trong tư duy sáng tạo thanh nhạc của Văn Cao mà trong những bài hát thông thường (hai đoạn) không thể hiện hết được.
Trong thể loại trường ca thì tác phẩm đỉnh cao của Văn Cao chính là Trường ca Sông Lô. Nhạc sĩ Văn Cao đã vượt lên những hình thức âm nhạc thông thường, ghi vào biên niên sử bằng âm thanh những tác phẩm thể loại lớn in đậm dấu ấn sáng tạo, được công chúng đón nhận và sống mãi với thời gian".
Kết quả của Hội thảo là cơ sở khoa học để Ban Tổ chức xây dựng các luận cứ, các kiến nghị nhằm kiến nghị tư vấn, tham mưu giúp Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xây dựng, bổ sung, hoàn thiện quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách về văn hóa, văn nghệ, trong đó có chính sách ghi nhận, tôn vinh, đãi ngộ danh nhân văn hóa, văn nghệ; giữ gìn và phát huy giá trị của các tác phẩm văn học, nghệ thuật tiêu biểu trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước”.
Dịp này, Báo Nhân Dân đã trao bức tranh khắc đồng bản nhạc bài hát "Mùa xuân đầu tiên" tặng đại diện gia đình nhạc sỹ Văn Cao. Bằng công nghệ, Ban Tổ chức đã phục chế lại thủ bút của nhạc sỹ và đưa vào bức tranh bài hát do chính tay ông viết.
Theo Báo Tổ quốc
Bài viết khác
Cục Nghệ thuật Biểu diễn tổ chức hội nghị gặp mặt trao Quyết định nghỉ hưu đối với công chức
25/09/2024 - 14:55
Sáng ngày 25/9/2024, tại Cục Nghệ thuật biểu diễn, tổ chức buổi gặp mặt và trao quyết định nghỉ hưu để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội đối với công chức Phạm Thị Hải Yến.
18 tập thể, cá nhân được trao Giải thưởng Đào Tấn 2024
24/09/2024 - 11:43
Tối 22.9, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc và Tạp chí Văn hiến Việt Nam tổ chức Lễ trao Giải thưởng Đào Tấn năm 2024 cho 18 tập thể và cá nhân có nhiều cống hiến trong sự nghiệp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá nghệ thuật truyền thống của dân tộc.
Trại sáng tác truyền lửa cho văn nghệ sĩ
19/09/2024 - 00:04
Trong thời gian tham gia Trại sáng tác viết kịch bản văn học năm 2024, các tác giả đã sáng tác, hoàn thiện 24 kịch bản sân khấu, tác phẩm phê bình văn học nghệ thuật, thể hiện niềm đam mê sáng tạo và không ngừng tìm tòi cái mới để có những tác phẩm chất lượng, mang hơi thở đời sống.
Họp rà soát triển khai các chương trình nghệ thuật ủng hộ đồng bào miền Bắc chịu thiệt hại do bão lũ
17/09/2024 - 21:46
Thực hiện chỉ đạo của Ban Cán sự đảng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTTDL) tại Công văn số 3928/BVHTTDL-VP ngày 13/9/2024 về việc tổ chức các chương trình nghệ thuật nhằm quyên góp và ủng hộ đồng bào các tỉnh, thành phố miền Bắc chịu thiệt hại nặng nề do bão lũ gây ra; ngày 14/9/2024, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã phối hợp 12 Nhà hát thuộc Bộ VHTTDL khẩn trương triển khai xây dựng Kế hoạch thực hiện.
THÔNG BÁO Lùi thời gian tổ chức “Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc - 2024” (Đợt 1)
06/09/2024 - 17:52
Căn cứ Công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung ứng phó khẩn cấp bão số 3 năm 2024, Ban Tổ chức Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc - 2024” (Đợt 1) quyết định lùi thời gian tổ chức, theo đó Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc - 2024” (Đợt 1) được tổ chức từ ngày 11 đến ngày 20/9/2024
Trại sáng tác cho các tác giả viết kịch bản văn học năm 2024
06/09/2024 - 10:01
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng, Trung tâm hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật và các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức Trại sáng tác cho các tác giả viết kịch bản văn học năm 2024 tại Nhà sáng tác Đà Lạt, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng từ ngày 12/9 đến ngày 19/9/2024.