Thái Bình: Chèo làng Khuốc và nỗi lo mai một

01/12/2014 - 15:02  

(NTBD) – Làng Khuốc (xã Phong Châu, huyện Đông Hưng, Thái Bình) vốn nức tiếng gần xa với những làn điệu chèo cổ độc đáo. Lớp lớp nghệ sĩ chèo cũng trưởng thành từ những chiếu chèo làng Khuốc. Nhưng giờ đây, làng Khuốc hiu hắt đến lạ, chẳng còn mấy ai mặn mà với chèo nữa. Những người đau đáu với chèo chỉ còn biết thở dài lo lắng khi nghĩ về con đường phía trước của giai điệu quê hương.

Những buổi sinh hoạt của CLB chèo làng Khuốc ngày càng thưa vắng. (Ảnh: baothaibinh.com.vn)

Nôi chèo của đất Bắc
Có lẽ không một người mê chèo, sành chèo nào lại không biết đến chèo làng Khuốc, mảnh đất vốn nức tiếng gần xa với những làn điệu chèo cổ độc đáo vẫn còn lưu giữ được đến ngày nay. Chèo làng Khuốc có tự bao giờ, bản thân người dân nơi đây cũng không nhớ chính xác, có điều, hàng thập kỉ qua, lớp lớp người dân làng Khuốc vẫn lớn lên, trưởng thành trong chính làn điệu mượt mà, đằm thắm, trữ tình của mảnh đất quê hương.
Không chỉ là món ăn tinh thần, chèo còn là biểu tượng của làng Khuốc. Múa hát, diễn chèo có thời điểm đã trở thành nếp sinh hoạt văn hóa quen thuộc của người dân nơi đây. Hầu hết người dân trong làng đều diễn, hát chèo thuần thục tự nhiên như chính hơi thở. Thế hệ nối tiếp thế hệ, những làn điệu chèo cổ được nâng niu, gìn giữ và trao truyền lại hậu thế như báu vật muôn đời. Cũng từ đây, nhiều lớp nghệ nhân, nghệ sĩ đã trưởng thành, góp mặt và làm nổi danh cho nhiều nhà hát chèo trên cả nước.
Được biết, hiện làng Khuốc có khoảng hơn 200 người đang tham gia đóng góp vào các đoàn nghệ thuật chèo chuyên nghiệp, trong đó có khoảng 30 người được phong nghệ nhân. Những người mê chèo ở Việt Nam vẫn còn nguyên ấn tượng về những đào, những kép ở chèo làng Khuốc như Vũ Văn Phụ, Bùi Văn Ca, Đào Thị La, Cao Kim Trạch, Phạm Văn Điền, Hà Quang Bổng, NSƯT Thu Hiền, Phạm Thị Ruyến... cho đến tận bây giờ.
Nỗi lo mai một điệu chèo quê hương
Tìm về làng chèo Khuốc vào những ngày cuối tháng 10, khi những cánh đồng đang vào vụ thu hoạch, chỏng chơ chỉ toàn gốc rạ, chúng tôi tìm đến nhà ông Bùi Văn Ro, chủ nhiệm câu lạc bộ chèo làng Khuốc để thăm hỏi. Mặc dù có hơn 30 năm sống và cống hiến hết mình vì làn chèo quê hương, nhưng trong ngôi nhà cấp 4 của ông tuyệt nhiên không thấy bóng dáng của bất kì danh hiệu nào. Vị chủ nhà như đoán đọc được những tò mò, ông chia sẻ: Không chỉ riêng tôi đâu, hiện cả làng chèo Khuốc vẫn còn 18 nghệ nhân đang chờ được nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian đấy. Các cụ đều đã ở tuổi thập cổ lai hy xưa nay hiếm, sống cả đời vì chèo, gìn giữ và trao truyền chèo như báu vật của tiên tổ. Trường hợp như cụ Hà Quang Tiết, năm nay đã ngoài 70, dòng họ có bốn đời theo nghiệp chèo, nhưng đến giờ vẫn chưa được danh hiệu gì cả.
Nhấp chén trà nóng, ông Bùi Văn Ro giãi bày: Các chú biết đấy, tính đến nay các cụ đều đã mấy chục năm sống với chèo, ngoài việc giữ gìn những làn điệu chèo cổ, các cụ đều đóng góp nhiều làn điệu chèo mới, tích cực truyền dạy cho lớp lớp thế hệ tiếp nối, vậy mà tới giờ vẫn mòn mỏi chờ được phong danh hiệu. Đối với chúng tôi, các cụ đều xứng đáng là “báu vật sống”, mỗi cụ đều sở hữu một làn điệu chèo cổ, độc đáo mà chỉ ở làng Khuốc mới có, nếu nhà nước không sớm có chính sách quan tâm, và công nhận kịp thời để khai thác, lưu giữ lại, thì mỗi thế hệ nghệ nhân ra đi lại mang theo những điệu chèo cổ ấy, như vậy chẳng phải di sản của dân tộc cũng bị mai một hay sao. Nói đoạn, ông chủ nhiệm buông một tiếng thở dài buồn bã.
Thế hệ trẻ thờ ơ với chèo quê hương
Nói về việc đào tạo, truyền thụ lại cho thế hệ trẻ nhằm bảo tồn, phát huy những làn điệu chèo quê hương, ông Bùi Văn Ro chững lại đôi phút rồi nói: “Giờ bọn trẻ ở làng không còn mặn mà với chèo như chúng tôi ngày trước nữa. Họ đều lên thành phố học tập, rồi ở lại sinh sống, lập nghiệp hết. Những người ở lại làng thì cũng mải mê làm kinh tế, xây dựng đời sống mới, chứ theo chèo thì làm sao sống nổi. So sánh thì chua chát, nhưng hát chèo giờ không bằng một ngày công phụ hồ. Nghề không nuôi nổi họ thì sao họ dám theo. Được mấy người có năng khiếu, tưởng theo nghề thì lại đi hát đám cưới, thu nhập gấp mấy lần tham gia một buổi diễn chèo cho làng, xã. Đến như CLB chèo làng Khuốc giờ cũng hoạt động cầm chừng, lâu lâu mọi người mới có một buổi sinh hoạt chung chứ không còn đều đặn như trước nữa. Phần vì chẳng có kinh phí để duy trì, phần nữa là hầu hết các thành viên đều lo lắng kiếm miếng cơm manh áo bằng nghề này nghề nọ, chẳng có nổi thời gian mà gặp mặt sinh hoạt. May ra, có dịp đầu xuân năm mới, hay ngày hội làng thì xã cũng có đứng ra tổ chức các buổi văn nghệ, mời chúng tôi biểu diển, vì đam mê chèo nên nhận lời, chứ mỗi lần tham gia cũng chỉ được bồi dưỡng 50 nghìn, 100 nghìn gọi là tiền son phấn, trang phục”.
Dự án, chính sách hỗ trợ bảo tồn di sản nhỏ giọt
Theo tìm hiểu của phóng viên, làng Khuốc hiện vẫn được xem là “nguồn” tuyển sinh quan trọng của các trường đại học, cao đẳng nghệ thuật trên cả nước. Hàng năm, cán bộ của các trường vẫn về đây đặt vấn đề nhờ các nghệ nhân trong làng mở lớp đào tạo các con em trong độ tuổi từ 16-20, nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt thí sinh thi tuyển vào các lớp chèo của các trường nghệ thuật. Tuy nhiên, như ông Bùi Văn Ro chia sẻ, do đây đều là những lớp đào tạo không kinh phí, cộng với thực trạng càng ngày con em trong làng càng không muốn theo nghệ thuật nên những lớp như vậy lâu lâu mới đào tạo được một lứa chứ không được nhiều.
Ông Ro cho biết thêm, đến như CLB chèo làng Khuốc, để duy trì đến tận bây giờ ngoài nguồn kinh phí ít ỏi do quỹ UNICEF tài trợ thì gần như không có dự án hay chương trình nào nhằm hỗ trợ phát triển, phát huy giá trị di sản của dân tộc. Thỉnh thoảng có những dự án thông báo xuống nhưng mãi cũng chẳng thấy triển khai, hoặc có triển khai cũng cầm chừng và thiếu hiệu quả. Hiện duy nhất chỉ có một dự án đầu tư xây dựng chiếng chèo (không gian sinh hoạt chèo) ngay đầu làng, dự tính đến cuối năm 2014 sẽ hoàn thành, nhưng rồi không biết là nên vui hay nên buồn nữa!?
Ông Bùi Văn Ro lo lắng: ”Chiếng chèo có, nhưng chủ thể sáng tạo, những nghệ nhân tâm huyết và đam mê chèo thì lại thiếu vắng, thế hệ kế cận thì ngày càng ít đi, các cụ cũng đã tuổi già sức yếu, không thể đàn hát hăng say như ngày trước được nữa. Tôi chỉ lo, khánh thành xong chiếng chèo lại để đấy chứ không khai thác sử dụng được. Những nghệ nhân thế hệ chúng tôi giờ chỉ mong sớm được nhà nước phong tặng danh hiệu, cùng với những chính sách hỗ trợ phát triển hợp lí, hiệu quả để có thể tiếp tục cống hiến cho nghề, tích cực truyền dạy cho các thế hệ kế cận để bảo tồn, phát huy và tôn vinh chèo như niềm tự hào chung của dân tộc, chứ đừng để như nghệ thuật hát xẩm, thì xót xa lắm!”.


Nguồn: CPV

Bài viết khác

Cục Nghệ thuật Biểu diễn tổ chức hội nghị gặp mặt trao Quyết định nghỉ hưu đối với công chức

25/09/2024 - 14:55

Sáng ngày 25/9/2024, tại Cục Nghệ thuật biểu diễn, tổ chức buổi gặp mặt và trao quyết định nghỉ hưu để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội đối với công chức Phạm Thị Hải Yến.

18 tập thể, cá nhân được trao Giải thưởng Đào Tấn 2024

24/09/2024 - 11:43

Tối 22.9, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc và Tạp chí Văn hiến Việt Nam tổ chức Lễ trao Giải thưởng Đào Tấn năm 2024 cho 18 tập thể và cá nhân có nhiều cống hiến trong sự nghiệp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá nghệ thuật truyền thống của dân tộc.

Trại sáng tác truyền lửa cho văn nghệ sĩ

19/09/2024 - 00:04

Trong thời gian tham gia Trại sáng tác viết kịch bản văn học năm 2024, các tác giả đã sáng tác, hoàn thiện 24 kịch bản sân khấu, tác phẩm phê bình văn học nghệ thuật, thể hiện niềm đam mê sáng tạo và không ngừng tìm tòi cái mới để có những tác phẩm chất lượng, mang hơi thở đời sống.

Họp rà soát triển khai các chương trình nghệ thuật ủng hộ đồng bào miền Bắc chịu thiệt hại do bão lũ

17/09/2024 - 21:46

Thực hiện chỉ đạo của Ban Cán sự đảng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTTDL) tại Công văn số 3928/BVHTTDL-VP ngày 13/9/2024 về việc tổ chức các chương trình nghệ thuật nhằm quyên góp và ủng hộ đồng bào các tỉnh, thành phố miền Bắc chịu thiệt hại nặng nề do bão lũ gây ra; ngày 14/9/2024, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã phối hợp 12 Nhà hát thuộc Bộ VHTTDL khẩn trương triển khai xây dựng Kế hoạch thực hiện.

THÔNG BÁO Lùi thời gian tổ chức “Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc - 2024” (Đợt 1)

06/09/2024 - 17:52

Căn cứ Công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung ứng phó khẩn cấp bão số 3 năm 2024, Ban Tổ chức Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc - 2024” (Đợt 1) quyết định lùi thời gian tổ chức, theo đó Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc - 2024” (Đợt 1) được tổ chức từ ngày 11 đến ngày 20/9/2024

Trại sáng tác cho các tác giả viết kịch bản văn học năm 2024

06/09/2024 - 10:01

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng, Trung tâm hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật và các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức Trại sáng tác cho các tác giả viết kịch bản văn học năm 2024 tại Nhà sáng tác Đà Lạt, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng từ ngày 12/9 đến ngày 19/9/2024.