Hỗ trợ sáng tác văn học: Làm sao để hiệu quả?

23/09/2021 - 01:11  

Bộ VHTTDL vừa ban hành Kế hoạch phối hợp công tác giữa Cục Nghệ thuật biểu diễn với Hội Nhà văn Việt Nam, thông qua đó đánh giá tình hình hoạt động văn học, hoạt động hỗ trợ sáng tác văn học của cơ quan quản lý nhà nước và những thuận lợi, khó khăn trong việc tổ chức các trại sáng tác trong thời gian qua ở các địa phương.

Đây là động thái nhằm kích thích hơn nữa các hoạt động sáng tác văn học nghệ thuật trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Theo báo cáo của Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật, trong năm 2020, Trung tâm đã tổ chức thành công 77 trại sáng tác, trong đó có 54 trại tổng hợp và 23 trại chuyên sâu, với 3.059 tác phẩm thuộc nhiều thể loại văn học, nghệ thuật. Đây có thể xem là nỗ lực rất lớn, biểu hiện cho sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước đến không khí sáng tạo của các cá nhân trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Đối với đội ngũ những người sáng tác, mọi tác phẩm được “khai sinh” đều bắt nguồn từ chất liệu cuộc sống. Do đó khi có tài trợ, họ sẽ có điều kiện hơn, có một khoảng thời gian không phải lo đến cơm áo gạo tiền để chuyên tâm cho “đứa con tinh thần” của mình. Nói như nhà thơ Lữ Mai, chỉ có những người trong cuộc mới hiểu thấu làm nghệ thuật cực nhọc thế nào khi phải sửa đi sửa lại hàng tuần, thậm chí hàng tháng cho một câu văn, một lời thoại, một nốt nhạc, một chi tiết kịch bản... Chính vì thế, việc họ được yên tĩnh sáng tạo trong một thời gian là vô cùng cần thiết. Bên cạnh đó, tham gia các trại sáng tác, văn nghệ sĩ còn được nghe, được hiểu, được học hỏi, trao đổi và khích lệ nhau, bởi với những đề tài nóng, nếu có sự đóng góp ý kiến của tập thể thì khó khăn mấy cũng đều có thể được tháo gỡ.

Vài năm gần đây, các trại sáng tác đã được tổ chức theo mô hình văn nghệ sĩ có đề cương, đề tài tốt được tài trợ để đi sáng tác dài ngày, tập trung sáng tác theo chuyên ngành, theo vùng... Bên cạnh đó, việc chọn lựa những cây bút tiêu biểu, có ít nhiều thành tựu văn học, nghệ thuật (ở quy mô cấp chuyên ngành) hoặc đang có những dự án ấp ủ (đúng với yêu cầu của đơn vị tổ chức trại sáng tác) cần được hỗ trợ để hoàn thiện cũng đã được quan tâm nhiều hơn. Thế nhưng, đến với những trại sáng tác hay những đợt đi thực tế có tài trợ, dễ dàng bắt gặp nhiều gương mặt “người quen”. Điều đáng bàn là số lượng những lần tham dự trại viết của các tác giả này không tỷ lệ thuận với số lượng những tác phẩm có giá trị được giới thiệu tới công chúng. Nói đúng chuyên môn là rất ít sản phẩm có đời sống riêng sau đó.

Giống như các lĩnh vực nghệ thuật khác, để văn học có nhiều đóng góp, nhiều cảm hứng và luồng sáng tạo mới thì phải có người trẻ. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều khi nói về vai trò của những cây viết trẻ từng nhấn mạnh: “Ta cần người trẻ, cần giọng nói mới, cách thức mới”. Cũng phải bàn thêm rằng, theo quy ước hiện hành của Hội Nhà văn Việt Nam, người viết trẻ là những cây bút không quá 35 tuổi. Có nghĩa, “trẻ” ở đây chỉ là xét về mặt lứa tuổi. Phải minh định sòng phẳng như vậy để “khuyến cáo” những ngộ nhận rằng trẻ là đồng nghĩa với xanh non, thiếu kinh nghiệm sống lẫn viết, đồng nghĩa với cần phải khiêm tốn tầm sư học đạo…

Thông thường, đối với các đơn vị chủ quản, việc mở trại sáng tác là nhằm bù đắp vào sự thiếu hụt đề tài, hay tìm ra những cây bút có triển vọng để bồi dưỡng chuyên sâu nhằm tạo ra lực lượng kế cận. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng việc mở trại sáng tác như hiện nay vẫn còn khá dễ dãi, bởi lẽ thiếu kịch bản là mở trại, thiếu tác phẩm tuyên truyền về các vấn đề chính trị, xã hội... cũng có thể mở trại viết. Vì vậy, việc xuất bản hay đưa tác phẩm nghệ thuật đến với công chúng cũng trở nên khó khăn hơn do lượng và chất không đồng nhất, chưa kể kinh phí để đầu tư in ấn vẫn còn là bài toán khó đối với nhiều nhà xuất bản.

Chia sẻ về vấn đề này, nhà văn Nguyễn Thu Huệ nói: “Cái quan trọng nhất làm nên chất lượng của mỗi trại viết vẫn là ở mỗi nhà văn. Nói cách khác là chất lượng tác giả”. Do đó, để các trại sáng tác thực sự chất lượng, trước hết cần cải tiến ngay khâu chọn người được tham dự trại. Muốn vậy phải có một hội đồng thẩm định đầu vào có nghề, công tâm, trí tuệ, để lựa chọn đúng đối tượng tham gia. Số lượng người dự trại có thể bớt đi, thời gian tổ chức trại tăng lên. Điều này sẽ giúp ích được rất nhiều văn nghệ sĩ đồng thời tạo ra những tác phẩm có giá trị thực sự.

So sánh với các trại viết hiện nay, trại viết của Tạp chí Văn nghệ Quân đội được coi là khá hiệu quả, trở thành nhu cầu thực tế của các cây bút bước chân vào con đường sáng tác chuyên nghiệp. Theo đó, đơn vị tổ chức sẽ liên hệ với các địa phương, tập hợp những cây viết có chất lượng, sung sức đi thực tế, trực tiếp va đập cuộc sống để ý tưởng nảy ra... rồi từ đó suy ngẫm và biến ý tưởng ấy thành tác phẩm. Các biên tập viên luôn bám sát, đọc, góp ý, sửa chữa, giúp người viết nâng tầm tác phẩm. Nhiều cuộc gặp gỡ được tổ chức với sự tham dự của các nhà văn tên tuổi, người cũ nghe người mới, người trẻ nghe người già trao đổi, tạo ra sự cộng hưởng giữa các thế hệ, bí quyết nghề nghiệp từ từ ngấm vào các trại viên... Cuối cùng, để nghiệm thu kết quả, Tạp chí sẽ chọn đăng những tác phẩm tốt nhất. Từ các trại viết, nhiều tác giả đã đoạt giải cao trong các cuộc thi và hầu hết những người đó sau này đều trở thành nhà văn chuyên nghiệp...

Có thể thấy, từ Kế hoạch phối hợp công tác giữa Cục Nghệ thuật biểu diễn với Hội Nhà văn Việt Nam năm 2021, công chúng yêu văn chương đang dành nhiều kỳ vọng Cục Nghệ thuật biểu diễn sẽ giới thiệu và phổ biến những tác phẩm, công trình nghiên cứu về văn học xuất sắc; tạo điều kiện để độc giả tiếp nhận, hưởng thụ tác phẩm văn học; phối hợp đưa tác phẩm văn học giá trị vào nhà trường…

                                                                                                                           Theo Báo Văn hóa

Bài viết khác

Nghệ sĩ hân hoan đón nhận danh hiệu NSND và NSƯT

07/03/2024 - 11:13

Sáng 6/3, Lễ trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 10 đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đích thân trao tặng danh hiệu cho các nghệ sĩ. Đây là những danh hiệu cao quý để tôn vinh cống hiến của các nghệ sĩ đối với sự nghiệp văn hóa, nghệ thuật nước nhà thông qua các tác phẩm, công trình nghệ thuật có sức lan tỏa, có tác động xã hội lớn.

Danh hiệu tạo động lực cho nghệ sĩ không ngừng rèn luyện, học tập và nâng cao trách nhiệm mình đối với xã hội

07/03/2024 - 10:59

Lễ trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 10 diễn ra sáng 6/3 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Sẽ có 389 nghệ sĩ, trong đó có 125 NSND, 264 NSƯT được trao tặng, truy tặng danh hiệu trong dịp này. Các nghệ sĩ chia sẻ, được Nhà nước trao tặng danh hiệu cao quý, tạo động lực cho họ không ngừng rèn luyện, học tập và nâng cao trách nhiệm mình đối với xã hội.

Lễ trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú lần thứ 10

06/03/2024 - 15:38

Nhằm tôn vinh các nghệ sĩ có tài năng nghệ thuật xuất sắc, có nhiều cống hiến trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa nghệ thuật của dân tộc, ngày 6/3, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Lễ trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân (NSND), Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) lần thứ 10.

Đảm bảo Lễ trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT diễn ra thực sự ý nghĩa, ấn tượng, trang trọng và chuyên nghiệp

05/03/2024 - 21:59

Sáng 5/3, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Bộ VHTTDL phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức tổng duyệt Chương trình nghệ thuật tại Lễ trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 10.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự Hội nghị gặp mặt đại biểu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ

29/02/2024 - 23:04

Chiều 29/2, tại trụ sở Trung ương Đảng, diễn ra Hội nghị lãnh đạo Đảng, Nhà nước gặp mặt đại biểu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ nhân dịp đầu Xuân Giáp Thìn 2024.

Đêm nhạc Trịnh Công Sơn “Chiều trên quê hương tôi”

28/02/2024 - 20:31

Tối ngày 28.2, UBND TP Huế phối hợp với gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tổ chức đêm nhạc nhân kỷ niệm 85 năm Ngày sinh của ông (1939 - 2024). Chương trình được tổ chức tại không gian công viên ven sông Hương - nơi vừa đặt bức tượng nghệ thuật Trịnh Công Sơn.