Hà Tĩnh: Bảo vệ, phát huy giá trị Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh

07/03/2016 - 10:01  

(NTBD) – UBND Thành phố Hà Tĩnh đã ban hành Quyết định số 182/QĐ-UBND phê duyệt Đề án Bảo vệ và phát huy giá trị Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh trên địa bàn Thành phố Hà Tĩnh từ nay đến năm 2020.

Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh đã được UNESCO vinh danh là Di sản
văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. (Ảnh: Internet)

Theo đó, Đề án Bảo vệ và phát huy giá trị Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh trên địa bàn Thành phố Hà Tĩnh từ nay đến năm 2020 hướng tới các mục tiêu: Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh; đưa dân ca ví, giặm vào trong sinh hoạt văn hóa nghệ thuật, sinh hoạt cộng đồng dân cư trên địa bàn thành phố Hà Tĩnh; phát triển dân ca ví, giặm thành loại hình nghệ thuật biểu diễn trong các chương trình nghệ thuật do thành phố, phường, xã, cơ quan đơn vị tổ chức, phục vụ các sự kiện chính trị, các ngày lễ lớn của quê hương, đất nước, các hoạt động quảng bá du lịch; phục dựng một số không gian diễn xướng dân ca ví, giặm.
Đề án cũng hướng tới các mục tiêu cụ thể như xây dựng 100% phường, xã thành lập CLB đi vào hoạt động; 100% trường học đưa Dân ca Ví, Giặm vào chương trình ngoại khóa và chương trình giảng dạy tự chọn; 100% các hoạt động văn hóa văn nghệ từ thành phố đến cơ sở đều có nội dung Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh; các CLB thực hiện việc sưu tầm, truyền dạy cho thế hệ trẻ thông qua hoạt động CLB, đồng thời soạn lời mới; định kỳ 02 năm/01 lần  tổ chức Liên hoan nghệ thuật quần chúng cấp thành phố trong đó có nội dung Dân ca Ví, Giặm; xây dựng kho tư liệu lời cổ và lời mới (tuyển tập các làn điệu Dân ca Ví, Giặm) và xây dựng các hạt nhân văn nghệ tiêu biểu để đề nghị phong tặng Nghệ nhân dân gian.
Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, Đề án đã đề ra 5 nhiệm vụ và một số giải pháp cơ bản để bảo vệ và phát huy giá trị Dân ca Ví, Giặm trên như: Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thực cho cán bộ và nhân dân, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý nhà nước; thực hiện tốt công tác bồi dưỡng nghiệp vụ, đào tạo nguồn nhân lực; đẩy mạnh tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, truyền dạy Dân ca Ví, Giặm; gắn kết Dân ca Ví, Giặm với hoạt động du lịch; ban hành, thực hiện cơ chế chính sách hỗ trợ và đẩy mạnh các hoạt động xã hội hóa.
Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là một hình thức văn nghệ hình thành từ chính trong những công việc hàng ngày của nhân dân. Ở bất cứ nơi đâu, bên khung cửi, trên đồng ruộng, trên sông nước hay non cao… những người dân Nghệ Tĩnh có tài năng ca hát và khả năng ứng biến ngôn ngữ linh hoạt đều có thể cất lên khúc hát của tâm hồn mình mà không cần sự hỗ trợ của bất kỳ nhạc cụ nào. Những câu hát đơn sơ, mộc mạc và khúc điệu đầy biểu cảm được cất lên từ những tâm hồn mộc mạc mà tinh tế, giản dị mà sâu sắc đã dần dần định hình thành thể hát dân ca sinh hoạt trữ tình, trường tồn cùng thời gian.
Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh gồm 3 thể loại: ví, giặm và hò. Ví là một thể ngâm vịnh, lấy thơ lục bát làm gốc, âm nhạc không đặt nặng tiết tấu. Nội dung bài hát ví là một cuộc chơi đối đáp rất nho nhã về chữ nghĩa. Mỗi điệu hát, một nỗi niềm, một cách thể hiện riêng, nhưng tất cả đều tha thiết lắng đọng, mộc mạc chân chất như chính hồn quê Xứ Nghệ.
Khác với ví, Giặm lại là thể hát nói có tiết tấu rõ ràng, có phách mạnh, phách nhẹ và nhịp nội, nhịp ngoại. Lời hát chủ yếu là thơ ngụ ngôn, thường thì cứ 4 câu lại lặp lại câu 4, vì lẽ đó giặm có nghĩa là đan cài, điền vào một chỗ thiếu. Hát giặm có nguồn gốc ở các huyện Thạch Hà, Đức Thọ, Can Lộc, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh… Không phải những bài giặm đều do nhân dân sáng tác mà phần lớn là do nho sỹ sáng tác rồi được nhân dân yêu thích và phổ biến. Trong hát giặm có thể phân biệt được nhiều làn điệu như giặm kể, giặm cửa quyền, giặm ru, giặm nối, giặm xẩm, giặm mời trầu… Do làn điệu sôi nổi và không cần đến tài ứng biến ngôn ngữ linh hoạt của người hát nên hát giặm về sau này khá phổ biến trong những sinh hoạt văn nghệ ở các miền quê Nghệ Tĩnh.
Ngoài ví và giặm, ở Nghệ Tĩnh còn có điệu hò. Phổ biến ở 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh là các điệu hò: kéo gỗ, kéo đá, leo núi, bơi thuyền, kéo lưới, đi đường, ra khơi… Về thể cách nó cũng giống những làn điệu hò của các vùng miền khác, chỉ khác ở âm hưởng dân ca ví, giặm và phương ngữ Nghệ Tĩnh.


KA

Bài viết khác

Khai giảng “Lớp tập huấn diễn viên, nhạc công loại hình nghệ thuật Tuồng truyền thống - 2024”

10/05/2024 - 15:21

 Ngày 10.5, Lớp tập huấn diễn viên, nhạc công loại hình nghệ thuật Tuồng truyền thống - 2024 đã khai mạc tại Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, TP Đà Nẵng.

Tổ chức chức “Lớp tập huấn diễn viên, nhạc công  loại hình nghệ thuật Tuồng truyền thống - 2024”

06/05/2024 - 09:47

Lớp tập huấn là minh chứng rõ nét cho việc thực hiện các chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kì mới

Công đoàn Bộ VHTTDL tổ chức Hội nghị tập huấn, quán triệt Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở và tuyên truyền, phổ biến pháp luật năm 2024

25/04/2024 - 21:10

Ngày 25/4/2024, tại Hà Nội, Công đoàn Bộ VHTTDL tổ chức hội nghị Tập huấn Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và tuyên truyền, phổ biến pháp luật năm 2024 .

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp về xây dựng nghị định về hoạt động văn học

11/04/2024 - 10:34

Chiều 11/4, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp nghe báo cáo về đề nghị xây dựng nghị định về hoạt động văn học.

Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ ba trong Quân đội nhân dân Việt Nam năm 2024

09/04/2024 - 15:47

Sáng 9-4, tại Thư viện Quân đội (Hà Nội), Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ ba trong Quân đội nhân dân Việt Nam năm 2024 và phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc trong các nhà trường quân đội.

Hội nghị giao ban đánh giá tình hình văn học, nghệ thuật quý I/2024

08/04/2024 - 16:06

Chiều ngày 5/4, Ban tuyên giáo Trung ương phối hợp cùng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Liên hiệp các hội Văn học, Nghệ thuật Việt Nam đã tổ chức Hội nghị giao ban công tác Văn học, Nghệ thuật, Hoạt động của Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam, các Hội VHNT chuyên ngành Trung ương.