"Giai điệu thời gian" - Cuộc gặp gỡ ba thế hệ nghệ sĩ

05/05/2015 - 15:28  

Chắc hẳn không phải là ngẫu nhiên lần trở về đứng trên sân khấu Thủ đô sau 6 năm của GS.NSND Tạ Bôn vẫn mang tên "Giai điệu thời gian" vào đúng ngày 7-5. Đêm diễn với những giai điệu đẹp đẽ, lãng mạn diễn ra tại Trung tâm Văn hóa Pháp (24 Tràng Tiền, Hà Nội) lần này, ông kết hợp với hai nghệ sĩ thế hệ sau là NSƯT Trần Thị Mơ và Phạm Quỳnh Trang.

 

Nhiều khán giả đã từng e rằng, đêm 7-5-2009 là lần biểu diễn chia tay của cây violon thế hệ đầu của Việt Nam với khán giả Thủ đô, bởi khi ấy ông đã 67 tuổi. Người nghệ sĩ vẫn tự tin cho biết: "Chỉ khi nào cảm thấy không còn mang hạnh phúc, niềm vui đến cho khán giả thì mới dừng biểu diễn". Và lần trở lại này, như ông đã gieo hy vọng, sẽ dành cho Hà Nội, nơi ông đã cống hiến, giảng dạy 27 năm, một chương trình mới mẻ, trẻ trung và cho thấy sức sáng tạo không ngừng nghỉ. "Giai điệu thời gian" sắp tới có chủ đích trở thành một cuộc gặp gỡ của ba thế hệ nghệ sĩ tài năng của âm nhạc giao hưởng Việt Nam là Tạ Bôn (violon), Trần Thị Mơ (cello), Phạm Quỳnh Trang (piano). Bởi vậy, cái khó của chương trình là làm sao để hòa hợp giữa ba cá tính, ba thế hệ chơi nhạc này?
GS.NSND Tạ Bôn, như đã biết, là một trong hai nghệ sĩ đầu tiên của Việt Nam được đào tạo tại Nhạc viện Tchaikovsky (Liên bang Nga). Ông là thí sinh đầu tiên tham dự cuộc thi violon quốc tế tại Romania (năm 1958) và được nhận Bằng khen. Trong sự nghiệp, ông đã đoạt nhiều Huy chương của các cuộc thi violon quốc tế và cũng nhiều lần được mời làm giám khảo cho các cuộc thi âm nhạc danh tiếng thế giới. Ông đã có hơn 40 năm giảng dạy các thế hệ nghệ sĩ tại Học viện Âm nhạc Việt Nam và Nhạc viện TP Hồ Chí Minh. Hiện nay GS. NSND Tạ Bôn là cố vấn âm nhạc và nghệ sĩ khách mời của Dàn nhạc Giao hưởng TP Hồ Chí Minh, tham gia những chương trình biểu diễn trọng đại. NSƯT Trần Thị Mơ mới nghỉ hưu sau nhiều năm cống hiến và giữ vai trò bè trưởng cello của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam. Trần Thị Mơ là một trong những nghệ sĩ có nhiều nỗ lực nhất để đem cây đàn cello và những bản nhạc dành cho cây đàn này đến khán giả đại chúng... Còn Phạm Quỳnh Trang, đại diện cho một thế hệ thành đạt mới của âm nhạc thính phòng Việt Nam với cây đàn piano. Hiện chị là giảng viên của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam và là thành viên của cặp song tấu piano đầu tiên, tài năng nhất Việt Nam "Duo Mây" (cùng nghệ sĩ Tâm Ngọc). Với kỹ thuật chuẩn mực và phong cách phóng khoáng, những buổi diễn của nghệ sĩ Phạm Quỳnh Trang thường có sức hút lớn và góp phần lôi cuốn khán giả trẻ đến với nhạc cổ điển.
Với họ, đã là nghệ sĩ chuyên nghiệp rất dễ tìm được tiếng nói chung trong âm nhạc hàn lâm, nay được chơi cùng nhau, trước tiên là vinh dự, sau nữa là cơ hội để học hỏi, sáng tạo và cùng thăng hoa trong âm nhạc. Bởi vậy, mục đích của đêm nhạc này là: "Mong muốn truyền cảm hứng, góp phần thắp lên ngọn lửa đam mê cho khán giả với khí nhạc".
Nhạc mục được chọn lựa cho sự hòa hợp này đều là những tác phẩm tam tấu và hòa tấu kinh điển. Đó là hai bản tam tấu cho piano, violon, cello của Mendelssohn và Rachmaninov; trích tấu "Mùa đông", "Mùa xuân" trong Tổ khúc "Bốn mùa ở Buenos Aires" của Piazzolla và đặc biệt là 4 trích đoạn trong 7 phần tác phẩm "Kể chuyện sông Hồng" viết cho piano, violon, cello của nhạc sĩ Huy Du. Tác phẩm được nhạc sĩ Huy Du viết năm 1960 và là một trong những tác phẩm khí nhạc quan trọng nhất của ông. Trong "Kể chuyện sông Hồng", tác giả sử dụng hình thức biến tấu âm nhạc kinh điển từ âm nhạc dân gian với ngôn ngữ giàu chất tả cảnh để khắc họa dáng vẻ của dòng sông đỏ nặng phù sa, những thăng trầm, biến cố của lịch sử Thủ đô in dấu trên mình nó...
4 phần của tác phẩm được chọn chơi gồm "Khúc dạo đầu", "Tiếng hát hò chèo thuyền", "Kéo lưới", "Lễ hội" đều thể hiện những góc cạnh hùng vĩ, mạnh mẽ nhất của sông Hồng.
"Giai điệu thời gian" không chỉ là sự trở lại của NSND Tạ Bôn với khán giả Thủ đô mà còn là sự trải lòng về một tình yêu tha thiết với Hà Nội và âm nhạc của các nghệ sĩ trên con đường lao động vốn nhiều gian truân.

Nguồn: HNM

Bài viết khác

Khai giảng “Lớp tập huấn diễn viên, nhạc công loại hình nghệ thuật Tuồng truyền thống - 2024”

10/05/2024 - 15:21

 Ngày 10.5, Lớp tập huấn diễn viên, nhạc công loại hình nghệ thuật Tuồng truyền thống - 2024 đã khai mạc tại Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, TP Đà Nẵng.

Tổ chức chức “Lớp tập huấn diễn viên, nhạc công  loại hình nghệ thuật Tuồng truyền thống - 2024”

06/05/2024 - 09:47

Lớp tập huấn là minh chứng rõ nét cho việc thực hiện các chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kì mới

Công đoàn Bộ VHTTDL tổ chức Hội nghị tập huấn, quán triệt Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở và tuyên truyền, phổ biến pháp luật năm 2024

25/04/2024 - 21:10

Ngày 25/4/2024, tại Hà Nội, Công đoàn Bộ VHTTDL tổ chức hội nghị Tập huấn Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và tuyên truyền, phổ biến pháp luật năm 2024 .

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp về xây dựng nghị định về hoạt động văn học

11/04/2024 - 10:34

Chiều 11/4, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp nghe báo cáo về đề nghị xây dựng nghị định về hoạt động văn học.

Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ ba trong Quân đội nhân dân Việt Nam năm 2024

09/04/2024 - 15:47

Sáng 9-4, tại Thư viện Quân đội (Hà Nội), Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ ba trong Quân đội nhân dân Việt Nam năm 2024 và phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc trong các nhà trường quân đội.

Hội nghị giao ban đánh giá tình hình văn học, nghệ thuật quý I/2024

08/04/2024 - 16:06

Chiều ngày 5/4, Ban tuyên giáo Trung ương phối hợp cùng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Liên hiệp các hội Văn học, Nghệ thuật Việt Nam đã tổ chức Hội nghị giao ban công tác Văn học, Nghệ thuật, Hoạt động của Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam, các Hội VHNT chuyên ngành Trung ương.