QUY CHẾ TỔ CHỨC ngày 15 tháng 01 năm 2014 Liên hoan Độc tấu và Hòa tấu nhạc cụ truyền thống - 2014
Số/ký hiệu: 20/QC-NTBD
Ngày ban hành: 15/01/2014
Cơ quan ban hành: BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH
Loại văn bản: Quy chế
Toàn văn:
Thực hiện Quyết định số 285/QĐ-BVHTTDL ngày 17 tháng 01 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch phê duyệt “Đề án tổ chức Cuộc thi, Liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp giai đoạn 2013 - 2020”, Cục Nghệ thuật biểu diễn sẽ chủ trì, phối hợp với Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng và các đơn vị liên quan tổ chức “Liên hoan Độc tấu và Hòa tấu nhạc cụ truyền thống - 2014”.
I. Mục đích, ý nghĩa:
Liên hoan Độc tấu và Hòa tấu nhạc cụ truyền thống năm 2014 là hoạt động văn hóa nghệ thuật nhằm tôn vinh, quảng bá, bảo tồn và phát huy các giá trị của âm nhạc truyền thống, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Liên hoan là dịp để các nghệ sỹ biểu diễn nhạc cụ truyền thống tại các đơn vị nghệ thuật, các giảng viên, học sinh, sinh viên đang giảng dạy, học tập chuyên ngành nhạc cụ truyền thống tại các cơ sở đào tạo nghệ thuật giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm trong quá trình bảo tồn, gìn giữ, phát huy những tinh hoa âm nhạc truyền thống Việt Nam; từ đó rút ra những bài học về công tác quản lý, đào tạo bồi dưỡng, phát triển tài năng và tìm ra những phương thức hoạt động góp phần thúc đẩy các loại hình âm nhạc truyền thống phát triển trong thời kỳ mới.
Đây là một hoạt động văn hóa nghệ thuật nằm trong khuôn khổ Năm Du lịch quốc gia 2014 Tây Nguyên - Đà Lạt nhằm khẳng định tiềm năng du lịch Việt Nam qua các di sản văn hóa nghệ thuật có giá trị, quảng bá điểm đến cho du khách trong và ngoài nước với mục đích thu hút khách du lịch quốc tế, thúc đẩy du lịch nội địa.
II. Thời gian, địa điểm:
- Thời gian: Dự kiến tổ chức vào đầu tháng 6 năm 2014.
- Địa điểm: Thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.
III. Đối tượng tham dự:
- Các dàn nhạc, các ban, nhóm nghệ sỹ và cá nhân nghệ sỹ biểu diễn nhạc cụ truyền thống đang hoạt động tại các đơn vị nghệ thuật trong và ngoài công lập; các giảng viên, học sinh, sinh viên đang giảng dạy, học tập chuyên ngành nhạc cụ truyền thống tại các cơ sở đào tạo nghệ thuật trong toàn quốc.
IV. Những quy định đối với Liên hoan Độc tấu và Hòa tấu nhạc cụ truyền thống.
- Mỗi đơn vị, cơ sở đào tạo nghệ thuật được đăng ký tham dự Liên hoan 01 chương trình biểu diễn bao gồm các tiết mục Độc tấu và Hòa tấu nhạc cụ truyền thống. Thời lượng chương trình tối thiểu từ 40 phút đến không quá 50 phút.
- Các tiết mục trong chương trình tham gia Liên hoan là bài bản nhạc cổ, là tác phẩm mới được sáng tác dựa trên những làn điệu âm nhạc truyền thống Việt Nam và giữ được những phong cách đặc trưng cơ bản của từng loại hình nghệ thuật.
- Không sử dụng chất liệu âm nhạc, bài hát nước ngoài chuyển soạn cho Độc tấu hoặc Hòa tấu nhạc cụ truyền thống. Các tác phẩm phải được trình diễn trực tiếp bằng nhạc cụ truyền thống, không sử dụng nhạc cụ điện tử, dàn nhạc đệm được thu thanh trước.
- Ban Tổ chức chịu trách nhiệm chuẩn bị âm thanh, ánh sáng phục vụ các đơn vị tham dự Liên hoan.
- Khuyến khích các đơn vị xây dựng chương trình biểu diễn nghệ thuật theo cấu trúc như sau:
* Có bài bản nhạc cổ.
* Có bài bản nhạc cổ đã được chỉnh lý, cải biên và phát triển nâng cao.
* Có tác phẩm được sáng tác mới dành cho nghệ sỹ Độc tấu và Hòa tấu nhạc cụ truyền thống
V. Hội đồng Nghệ thuật.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành lập Hội đồng nghệ thuật. Thành viên Hội đồng nghệ thuật gồm các nhạc sỹ, nghệ sỹ, nhà nghiên cứu, quản lý nghệ thuật có uy tín, tài năng và có nhiều đóng góp trong sự nghiệp phát triển ngành nghệ thuật biểu diễn, đặc biệt là chuyên ngành biểu diễn nhạc cụ truyền thống Việt Nam.
VI. Tiêu chí xét giải thưởng.
Hội đồng Nghệ thuật xét giải thưởng theo những tiêu chí cụ thể sau:
1. Đối với Chương trình:
- Chương trình tham dự Liên hoan Độc tấu và Hòa tấu nhạc cụ truyền thống - 2014 phải có chủ đề, nội dung tư tưởng rõ ràng, mang đậm bản sắc văn hóa vùng, miền; ca ngợi vẻ đẹp quê hương đất nước, truyền thống yêu nước của con người Việt Nam trong sinh hoạt, lao động sản xuất, chiến đấu, xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
- Chương trình được dàn dựng chuyên nghiệp, mang tính khái quát và truyền cảm cao; có sự kết hợp hiệu quả và hài hòa giữa các tiết mục Độc tấu và Hòa tấu nhạc cụ truyền thống; có hình thức biểu diễn sáng tạo, hấp dẫn, phong cách mới lạ và độc đáo.
2. Đối với tiết mục Độc tấu nhạc cụ truyền thống.
Về kỹ thuật: Hội đồng nghệ thuật đánh giá chất lượng biểu diễn của tiết mục Độc tấu thông qua kỹ thuật, kỹ xảo của nghệ sỹ sử dụng nhạc cụ truyền thống; sự phối hợp chặt chẽ, chính xác và hài hòa về âm sắc giữa nhạc cụ độc tấu và dàn nhạc đệm.
Về nghệ thuật: Hội đồng nghệ thuật đánh giá chất lượng nghệ thuật của tiết mục Độc tấu thông qua việc nghệ sỹ biểu diễn thể hiện phong cách sáng tác của tác giả, tác phẩm; bộc lộ rõ nét đặc trưng âm nhạc của từng vùng, miền; xử lý nội dung tác phẩm, làn điệu âm nhạc một cách sáng tạo, tinh tế; trình diễn truyền cảm, lôi cuốn, hấp dẫn và chuyên nghiệp; hình thức thể hiện phong phú, đa dạng.
3. Đối với tiết mục Hoà tấu nhạc cụ truyền thống.
Về kỹ thuật: Hội đồng nghệ thuật đánh giá chất lượng biểu diễn của tiết mục Hoà tấu thông qua sự phối hợp chặt chẽ, chính xác và hài hòa về âm sắc giữa các bộ nhạc cụ, nhạc cụ truyền thống; sự kết hợp một cách nhuần nhuyễn, nhịp nhàng và tinh tế trong việc điều tiết nhịp độ, sắc thái của dàn nhạc thông qua kỹ năng, trình độ diễn tấu của các nghệ sỹ biểu diễn trong dàn nhạc dân tộc.
Về nghệ thuật: Hội đồng nghệ thuật đánh giá chất lượng nghệ thuật của tiết mục Hoà tấu trong việc thể hiện rõ phong cách sáng tác của tác giả, tác phẩm; bộc lộ rõ nét đặc trưng âm nhạc của từng vùng, miền; xử lý nội dung tác phẩm, làn điệu âm nhạc một cách sáng tạo, tinh tế; trình diễn truyền cảm, lôi cuốn, hấp dẫn và chuyên nghiệp của các nghệ sỹ biểu diễn trong dàn nhạc dân tộc.
VII. Giải thưởng:
Cơ cấu giải thưởng tại Liên hoan gồm:
- Huy chương Vàng, Huy chương Bạc cho chương trình gắn với các thành phần sáng tạo nên tổng thể chương trình.
- Huy chương Vàng, Huy chương Bạc cho tiết mục gắn với nhóm nghệ sỹ hoặc cá nhân nghệ sỹ biểu diễn.
Giải thưởng chương trình, tiết mục tham dự Liên hoan gồm giấy chứng nhận Huy chương kèm theo tiền thưởng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Số lượng giải thưởng chương trình không vượt quá 35% tổng số chương trình tham dự liên hoan. Trong đó, số lượng Huy chương Vàng không vượt quá 35% tổng số giải thưởng cho chương trình.
Số lượng giải thưởng cho tiết mục độc tấu và hòa tấu không vượt quá 35% tổng số tiết mục Độc tấu và Hòa tấu nhạc cụ truyền thống tham dự liên hoan. Trong đó, số lượng Huy chương Vàng không vượt quá 35% tổng số giải thưởng cho tiết mục.
- Căn cứ vào cơ cấu giải thưởng và kết quả đánh giá của Hội đồng Nghệ thuật, giải thưởng được lấy từ điểm số cao xuống thấp. Số lượng giải thưởng không nhất thiết phải đảm bảo đủ tỷ lệ 35% nếu chất lượng nghệ thuật của các Chương trình, tiết mục tham dự Liên hoan của các đơn vị nghệ thuật không đạt tiêu chí trong Quy chế này. Trong trường hợp Liên hoan có nhiều chương trình, tiết mục đạt chất lượng nghệ thuật cao, Ban Tổ chức sẽ báo cáo, xin ý kiến Ban Chỉ đạo điều chỉnh số lượng giải thưởng của Liên hoan.
- Ngoài các giải thưởng trên, Ban Tổ chức sẽ xem xét trao 01 giải thưởng xuất sắc cho nhạc sỹ có nhiều tác phẩm được trình diễn hiệu quả, 01 giải thưởng cho chỉ huy dàn nhạc xuất sắc tại Liên hoan theo kết quả đánh giá của Hội đồng Nghệ thuật.
VIII. Kinh phí:
Kinh phí Liên hoan được thực hiện theo quy định tại “Đề án tổ chức các Cuộc thi, Liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp giai đoạn 2013 - 2020” ban hành theo Quyết định số 285/QĐ-BVHTTDL ngày 17 tháng 01 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ văn hoá, Thể thao và Du lịch.
- Ban Tổ chức lo kinh phí tổ chức, kinh phí giải thưởng.
- Đơn vị tham gia Liên hoan lo kinh phí dàn dựng chương trình; kinh phí đi về, ăn ở cho nghệ sĩ, cán bộ công nhân viên của đơn vị.
IX. Tổ chức thực hiện:
Quy chế này được gửi đến Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Tổng Cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Tổng cục xây dựng lực lượng Công an nhân dân; Đài Tiếng nói Việt Nam; Các đơn vị Nghệ thuật trong và ngoài công lập biểu diễn loại hình âm nhạc truyền thống; Các cơ sở đào tạo chuyên ngành biểu diễn âm nhạc truyền thống toàn quốc để biết và tổ chức triển khai thực hiện.
Cục Nghệ thuật biểu diễn đề nghị Lãnh đạo các đơn vị căn cứ Quy chế tổ chức, báo cáo cơ quan chủ quản, chuẩn bị về mọi mặt, tạo điều kiện để các nghệ sỹ tham dự Liên hoan Độc tấu và Hòa tấu nhạc cụ truyền thống năm 2014 đạt kết quả cao./.
Nơi nhận:
- Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh (để báo cáo);
- Thứ trưởng Vương Duy Biên (để báo cáo);
- Vụ Thi đua - Khen thưởng (để biết);
- Hội Nhạc sĩ Việt Nam (để phối hợp);
- Sở VHTTDL tỉnh Lâm Đồng (để phối hợp);
- Sở VHTTDL các tỉnh, thành phố có đơn vị nghệ thuật tham gia Liên hoan;
- Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam;
- Tổng cục xây dựng lực lượng Công an nhân dân;
- Các Học viện Âm nhạc; Nhạc viện; Các cơ sở đào tạo Văn hoá, Nghệ thuật chuyên ngành biểu diễn âm nhạc truyền thống;
- Các đơn vị Nghệ thuật truyền thống chuyên nghiệp;
- Lưu: VT, PNT, TĐg.100.