Bảo tồn nghệ thuật truyền thống: Giữ giá trị xưa, hòa nhập thời đại mới

07/03/2025 - 19:17  

“Bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống là cách đưa giá trị văn hóa thấm sâu vào đời sống, hòa quyện cùng chính trị, kinh tế, xã hội, tạo nên sức mạnh tổng hợp của quốc gia, dân tộc”, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông đã nhấn mạnh tại Hội thảo khoa học quốc gia về bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống trong bối cảnh kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế…

Theo Thứ trưởng, nghệ thuật truyền thống không chỉ là di sản văn hóa mà còn là nguồn sức mạnh nội sinh, góp phần định hình bản sắc dân tộc, vì vậy cần được nuôi dưỡng, kết hợp hài hòa với yếu tố hiện đại để lan tỏa mạnh mẽ và đóng góp vào sự phát triển đất nước.

Giữ giá trị xưa, hòa nhập thời đại mới - ảnh 1
Thứ trưởng Tạ Quang Đông chủ trì Hội thảo

Nghệ thuật truyền thống phải trở thành sản phẩm hàng hóa

Hội thảo thu hút đông đảo nhà quản lý, nhà khoa học, nghệ sĩ, nghệ nhân… cùng thảo luận các giải pháp giúp nghệ thuật truyền thống thích nghi với thời đại mới mà vẫn giữ được “hồn dân tộc”.

Thứ trưởng Tạ Quang Đông chủ trì Hội thảo, khẳng định vai trò quan trọng của nghệ thuật truyền thống trong sự phát triển bền vững của đất nước. “Nghệ thuật là một phần của văn hóa, mà văn hóa chính là nguồn lực quan trọng tạo nên sức mạnh nội sinh của dân tộc. Sức mạnh này không chỉ bắt nguồn từ con người, mà còn từ những giá trị văn hóa ăn sâu vào đời sống cộng đồng, gắn liền với hệ giá trị phổ quát chân - thiện - mỹ. Giá trị của nghệ thuật truyền thống cần được nuôi dưỡng, kết hợp với yếu tố hiện đại để phát huy tối đa sức mạnh nội sinh...”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Trong bối cảnh kinh tế thị trường, nghệ thuật truyền thống không chỉ là di sản văn hóa mà còn trở thành sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế. Khi được khai thác hiệu quả, nó sẽ thu hút công chúng, tạo nên nguồn thu đáng kể cho nền kinh tế quốc dân; tạo công ăn việc làm cho nhiều người, từ nghệ sĩ, nhà sản xuất, tổ chức biểu diễn, chuyên gia marketing, phân phối sản phẩm đến nhân lực trong du lịch, dịch vụ và cộng đồng địa phương…

Nhờ đó, nghệ thuật truyền thống không chỉ nâng cao thu nhập cho người lao động mà còn đóng góp vào sự phát triển của ngành công nghiệp văn hóa, tăng nguồn thu ngân sách, thúc đẩy kinh tế địa phương và quốc gia.

Nhận thức rõ vai trò quan trọng đó, Đảng và Nhà nước ta luôn coi việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống là một chủ trương lớn, được thể hiện trong nhiều văn kiện quan trọng như: Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Nghị quyết Trung ương 9, khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Văn kiện Đại hội Đảng XII về xây dựng, phát triển văn hóa, con người; Văn kiện Đại hội Đảng XIII về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp phát triển và hội nhập quốc tế…

Nhờ những định hướng đúng đắn, công tác bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống đã đạt nhiều thành tựu, góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của đất nước.

Giữ giá trị xưa, hòa nhập thời đại mới - ảnh 2
Bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống là “giữ hồn dân tộc” Việt (tiết mục biểu diễn tại Hội thảo)

Cần những giải pháp đồng bộ để bảo tồn nghệ thuật truyền thống

Tại Hội thảo, các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến tâm huyết, chỉ ra những tác động tiêu cực của cơ chế thị trường đối với nghệ thuật truyền thống. Xu hướng thương mại hóa vì lợi nhuận khiến không ít loại hình bị biến dạng, mai một, thậm chí đứng trước nguy cơ biến mất.

Đồng thời, quá trình hội nhập quốc tế cũng đặt ra thách thức lớn, khi bản sắc văn hóa dân tộc có nguy cơ bị hòa tan vào văn hóa ngoại sinh. Điều này khiến bài toán bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Thực tiễn cho thấy, việc bảo tồn nghệ thuật truyền thống tại Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập như: Thiếu hụt nguồn nhân lực kế cận có chuyên môn và đam mê; chưa khai thác hiệu quả tiềm năng của nghệ thuật truyền thống trong phát triển kinh tế và văn hóa; công tác tổ chức thực hiện còn hạn chế, chưa đồng đều giữa các địa phương; chính sách và cơ chế hỗ trợ chưa đồng bộ, nguồn đầu tư chưa tương xứng; công chúng ngày càng ít quan tâm và am hiểu về nghệ thuật truyền thống…

Dù các cơ quan quản lý, nghệ sĩ và những người hoạt động trong lĩnh vực này đều nhận thức rõ tầm quan trọng của việc giữ gìn “hồn dân tộc”, nhưng trên thực tế, công tác bảo tồn và phát huy vẫn gặp nhiều khó khăn. Việc tìm ra một hướng đi mới, khả thi cho nghệ thuật truyền thống vẫn là bài toán chưa có lời giải trọn vẹn.

Tham luận tại Hội thảo, nhiều tác giả tập trung vào giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống trong bối cảnh kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.

Về chính sách, TS Trần Thị Minh Thu chỉ ra những khó khăn như: Thiếu đầu tư và phát triển công chúng cho nghệ thuật truyền thống; định hướng bảo tồn chưa phù hợp; bất bình đẳng trong chế độ đãi ngộ nghệ nhân, nghệ sĩ và thế hệ trẻ; sáp nhập bộ máy giúp tinh giản biên chế nhưng làm mai một nghệ thuật truyền thống; chính sách tự chủ và công nghiệp văn hóa có nguy cơ làm lu mờ giá trị di sản... Những vấn đề này đòi hỏi sự điều chỉnh, bổ sung chính sách phù hợp với thực tiễn.

PGS.TS Nguyễn Quốc Hùng (Viện Văn hóa, Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch) và TS.NSND Lê Tuấn Cường (Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam) đề xuất bảo tồn nghệ thuật truyền thống thông qua biểu diễn tại các nhà hát chuyên nghiệp, đào tạo nhân lực, đầu tư dàn dựng tác phẩm chất lượng và quảng bá du lịch.

ThS Trần Văn Hiếu (Viện Văn hóa, Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch Việt Nam) nhấn mạnh vai trò của công nghệ số trong lưu trữ, ghi chép, truyền dạy, đồng thời quảng bá và đưa nghệ thuật truyền thống đến gần hơn với công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ…

Nhiều tác giả đề xuất các giải pháp nhằm hoàn thiện chính sách, nâng cao nhận thức cộng đồng, đa dạng hóa không gian biểu diễn, giảm thiểu tác động kinh tế - xã hội đến công tác bảo tồn, đảm bảo chế độ ưu đãi cho nghệ sĩ, nghệ nhân, lồng ghép bảo tồn với phát triển kinh tế - xã hội địa phương và hỗ trợ tìm địa điểm biểu diễn.

Thứ trưởng Tạ Quang Đông nhận định, tác động tiêu cực của cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế đã và đang “đe dọa” nghiêm trọng nghệ thuật truyền thống. Trước thách thức toàn cầu hóa và hợp tác quốc tế, việc bảo tồn “hồn dân tộc” đòi hỏi chiến lược hợp tác chặt chẽ giữa các quốc gia.

Cộng đồng giữ vai trò then chốt trong việc bảo tồn và truyền tải các giá trị này, nhưng để phát huy hiệu quả, cần những giải pháp đồng bộ từ chính sách đến nhận thức, thúc đẩy sự gắn kết giữa cộng đồng và di sản văn hóa dân tộc. 

Theo Báo Văn hóa

Bài viết khác

Công bố Quyết định chỉ định bổ sung Chi ủy, Bí thư, Phó Bí thư Chi bộ Cục Nghệ thuật biểu diễn nhiệm kỳ 2020 - 2025

01/04/2025 - 20:33

Chiều ngày 01/4/2025, tại trụ sở Cục Nghệ thuật biểu diễn số 32 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội, đã diễn ra Lễ công bố Quyết định chỉ định bổ sung Chi ủy, Bí thư, Phó Bí thư Chi bộ Cục Nghệ thuật biểu diễn nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Họp Hội đồng Sơ khảo bình chọn các tác phẩm nghệ thuật biểu diễn Việt Nam tiêu biểu, xuất sắc sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975 -30/4/2025)

27/03/2025 - 21:47

Chiều ngày 27/3, tại trụ sở Cục Nghệ thuật biểu diễn, Hội đồng Sơ khảo bình chọn tác phẩm nghệ thuật biểu diễn tiêu biểu, xuất sắc sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975 - 30/4/2025) đã họp lần thứ 2 để chốt danh sách các tác phẩm nghệ thuật biểu diễn Việt Nam bao gồm: Tác phẩm sân khấu, Âm nhạc và Múa do Chủ tịch Hội đồng sơ khảo, NSND Nguyễn Xuân Bắc - Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì.

NSND Trần Ly Ly nhận Quyết định Chủ tịch Hội đồng trường Học viện Múa Việt Nam

24/03/2025 - 14:31

Sáng ngày 24/3/2025, tại trụ sở Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (BVHTTDL), Thứ trưởng Tạ Quang Đông đã trao Quyết định số 658/QĐ-BVHTTDL của Bộ trưởng BVHTTDL quyết định điều động Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Trần Ly Ly Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng trường Học viện Múa Việt Nam.

NSND Xuân Bắc, Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn: Những giải thưởng như "Cống hiến" rất cần thiết

09/03/2025 - 09:35

"Giải thưởng Cống hiến qua theo dõi nhiều năm, tôi thấy ngày càng chất lượng. Chưa cần nói đến những người nhận giải mà chỉ nói đến người tham gia thôi thì thấy thật đáng ngưỡng mộ, từ đó thấy rõ tinh thần của giải thưởng danh giá này" - đó là chia sẻ của NSND Xuân Bắc, Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn, tại Lễ trao giải Cống hiến 2025.

GIẢI CẦU LÔNG LẦN THỨ NHẤT CHÀO MỪNG NGÀY QUỐC TẾ PHỤ NỮ 8/3: SỨC KHỎE, GẮN KẾT VÀ NIỀM VUI

08/03/2025 - 11:50

Sáng ngày 7/3, tại Hội trường tầng 7 của Cục Nghệ thuật biểu diễn, đã diễn ra Giải cầu lông lần thứ nhất chào mừng kỷ niệm 115 năm ngày Quốc tế phụ nữ 8/3.

Trao quyết định bổ nhiệm ông Lê Hải Bình và ông Phan Tâm giữ chức Thứ trưởng Bộ VHTTDL

27/02/2025 - 22:13

Sáng 27/02, tại trụ sở Bộ VHTTDL, đã diễn ra Lễ trao quyết định của Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm Thứ trưởng Bộ VHTTDL.