Quyết định ngày 17 tháng 01 năm 2013 Về việc Phê duyệt Đề án tổ chức Cuộc thi, Liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp giai đoạn 2013-2020

Số/ký hiệu: 285/QĐ-BVHTTDL

Ngày ban hành: 17/01/2013

Cơ quan ban hành: BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH

Loại văn bản: Quyết định

Toàn văn:

BỘ TRƯỞNG BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH

Căn cứ Nghị định số 185/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn,
 

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án tổ chức Cuộc thi, Liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp giai đoạn 2013-2020 (theo chi tiết Đề án đính kèm).
Điều 2. Giao Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, phối hợp với các Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành, các cơ quan có liên quan trực tiếp thực hiện Đề án.
Điều 3. Kinh phí thực hiện theo nội dung Đề án từ ngân sách Nhà nước cấp hàng năm cho Cục Nghệ thuật biểu diễn, các Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành ở Trung ương; kinh phí của địa phương đăng cai và huy động từ các nguồn xã hội hóa.
Điều 4. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 5. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết đinh này./.

 
Nơi nhận:
Như Điều 5;
Bộ trưởng;
TT Hồ Anh Tuấn (để b/c);
- Lưu: VT, NTBD, Thg.150

ĐỀ ÁN
TỔ CHỨC CÁC CUỘC THI, LIÊN HOAN NGHỆ THUẬT CHUYÊN NGHIỆP
Giai đoạn 2013 – 2020

 
(Ban hành theo Quyết định số 285/QĐ-BVHTTDL ngày 17 tháng 01 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)
I.) ĐÁNH GIÁ CHUNG:
Trong nhiều năm qua, Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã tổ chức nhiều Cuộc thi, Hội diễn, Liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc và một số Liên hoan nghệ thuật quốc tế tại Việt Nam.
Các cuộc thi, Hội diễn, Liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp là hoạt động thúc đẩy sự phát triển của ngành nghệ thuật biểu diễn trong mỗi giai đoạn; là cơ sở để đánh giá về phương pháp sáng tạo, khuynh hướng nghệ thuật, chất lượng tác phẩm của từng loại hình ở tầm vĩ mô; từ đó định hướng hoạt động cho giai đoạn tiếp theo, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
1. Ưu điểm:
Cuộc thi, Hội diễn, Liên hoan đã thúc đẩy các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp trên toàn quốc đầu tư xây dựng chương trình, tác phẩm mới phù hợp với đặc trưng văn hóa vùng miền để giới thiệu với bạn nghề cả nước, đáp ứng một phần nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của nhân dân trong thời kỳ mới. Đã có nhiều tác phẩm, chương trình đạt chất lượng cao về tư tưởng, nội dung, phản ánh sinh động đời sống xã hội, con người Việt Nam trong quá khứ và hiện tại; ngợi ca những thành tựu của Đảng và nhân dân đạt được trong công cuộc đổi mới, diễn tả sâu sắc những vấn đề nóng bỏng của đời sống trong từng giai đoạn; góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị của nghệ thuật truyền thống trong cơ chế thị trường.
Cuộc thi, Hội diễn, Liên hoan góp phần tôn vinh những tập thể, cá nhân có những đóng góp trong lao động sáng tạo nghệ thuật. Nhiều thế hệ nghệ sỹ khẳng định tài năng qua giải thưởng, là cơ sở để nhà nước vinh danh các danh hiệu nghệ sỹ Nhân dân, nghệ sỹ Ưu tú, giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Đây thực sự là ngày hội để nghệ sỹ giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm, khắc phục hạn chế, phát huy thành quả để tiếp tục sáng tạo ra nhiều tác phẩm nghệ thuật đạt chất lượng cao phục vụ nhân dân.
Qua Cuộc thi, Hội diễn, Liên hoan, lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật đánh giá được mặt tích cực, những yếu kém của đơn vị so với mặt bằng chung trên phạm vi toàn quốc để có những phương pháp và định hướng đúng nhằm thúc đẩy sự phát triển của đơn vị trong thời gian tiếp theo; tham mưu cho cơ quan quản lý nhà nước địa phương đầu tư về cơ sở vật chất, nguồn lực con người, mô hình hoạt động phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi đơn vị nhằm mang lại hiệu quả cao hơn.
Liên hoan nghệ thuật quốc tế tại Việt Nam đã thúc đẩy giao lưu hội nhập quốc tế về văn hóa nghệ thuật. Các nghệ sỹ Việt Nam tiếp thu được một phần tinh hoa nghệ thuật của một số quốc gia, giới thiệu giá trị đặc sắc của nghệ thuật truyền thống Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Nhiều năm qua, các Cuộc thi, Liên hoan, Hội diễn là sự kiện gắn với các hoạt động trong những năm du lịch quốc gia tổ chức tại nhiều địa phương, thúc đẩy công tác quảng bá văn hóa Việt Nam tới du khách quốc tế, trong nước; phục vụ các nhiệm vụ chính trị của Đảng và nhà nước ở nhiều thời điểm khác nhau.
2. Hạn chế.
Bên cạnh Hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp tổ chức định kỳ 5 năm một lần, chúng ta chưa có kế hoạch ổn định, mang tính chiến lược để tổ chức các Cuộc thi, Liên hoan nghệ thuật và đội ngũ sáng tạo; tác phẩm tham gia không được chuẩn bị kỹ, chất lượng nghệ thuật còn thấp, chưa đáp ứng được các tiêu chí của Ban tổ chức đặt ra. Nhiều đơn vị nghệ thuật tham gia Cuộc thi, Hội diễn, Liên hoan còn nặng bệnh thành tích, làm mất đi những giá trị đích thực của nghệ thuật, nảy sinh lo lắng, ăn thua trong nhận thức của lãnh đạo các đơn vị và nghệ sỹ.
Cuộc thi, Hội diễn, Liên hoan là cơ hội để Ban Tổ chức, đơn vị nghệ thuật huy động các nguồn lực tham gia xã hội hóa hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Tuy nhiên, nhiều năm qua chúng ta chưa tìm được phương thức huy động các nguồn lực xã hội mà vẫn dựa vào ngân sách nhà nước. Cuộc thi, Hội diễn, Liên hoan mới là ngày hội của người làm nghề, chưa có tác động mạnh tới đời sống xã hội. Sau mỗi Cuộc thi, Hội diễn, Liên hoan các đơn vị chưa chú trọng giới thiệu, quảng bá tác phẩm đoạt giải tới công chúng. Nhiều vở diễn, chương trình nghệ thuật dàn dựng công phu, đoạt giải cao nhưng không được công diễn phục vụ khán giả, gây lãng phí nguồn ngân sách của nhà nước cấp.
Việc xây dựng Quy chế tổ chức, Quy chế chấm thi khen thưởng chưa bám sát thực tế đời sống nghệ thuật của vùng miền, đặc trưng các loại hình nghệ thuật nên thiếu chặt chẽ, nặng về lý thuyết. Các Quy chế còn chung chung nên tạo ra nhiều tranh cãi trong Hội đồng Giám khảo, Ban Tổ chức và các đơn vị nghệ thuật.
Việc xây dựng Quy chế tổ chức, Quy chế chấm thi khen thưởng chưa bám sát thực tế đời sống nghệ thuật của vùng miền, đặc trưng các loại hình nghệ thuật nên thiếu chặt chẽ, nặng về lý thuyết. Các Quy chế còn chung chung nên tạo ra nhiều tranh cãi trong Hội đồng Giams khảo, Ban Tổ chức và các đơn vị nghệ thuật.
Công tác tổ chức, quá trình xem xét lựa chọn thành viên giám khảo thiếu tính định hướng, chưa rõ lộ trình, dẫn đến nhiều sai sót trong công tác chấm giải, gây bức xúc trong dư luận xã hội và các nghệ sỹ. Cơ cấu giải thưởng, tên gọi các giải thưởng Cuộc thi, Hội diễn, Liên hoan còn tùy tiện, không bám sát các văn bản hướng dẫn mang tính pháp quy về công tác thi đua khen thưởng.
Các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương, các đơn vị nghệ thuật chưa chú trọng việc giới thiệu quảng bá những tác phẩm, chương trình nghệ thuật đạt giải tới công chúng. Nhiều tác phẩm sau khi đạt giải cao không được biểu diễn phục vụ khán giả gây lãng phí về kinh tế và sức sáng tạo của nghệ sỹ.
Xây dựng “Đề án tổ chức các Cuộc thi, Liên hoan từ năm 2013 đến năm 2020” là vẫn đề quan trọng trong quy hoạch phát triển và định hướng hoạt động của ngành Nghệ thuật biểu diễn, từng bước tiếp thu những tinh hoa nghệ thuật của nhiều quốc gia trên thế giới; giới thiệu những giá trị của nghệ thuật truyền thống Việt Nam tới khán giả trong nước và bạn bè quốc tế; thiết lập hệ thống hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp mang tính chuyên môn hóa, thúc đẩy nghệ thuật biểu diễn phát triển, đáp ứng đòi hỏi của công chúng trong thời kỳ đổi mới.
3. Nguyên nhân.
Cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn chưa xây dựng được đề án hoạch định kế hoạch mang tính vĩ mô, hướng dẫn các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp trong cả nước chủ động chuẩn bị về mọi mặt để tham dự các Cuộc thi, Hội diễn, Liên hoan.
Cục Nghệ thuật biểu diễn chưa xây dựng được Quy chế phối hợp với các Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành ở Trung ương (Hội Nghệ sỹ Sân khấy Việt Nam, Hội Nhạc sỹ Việt Nam, Hội Nghệ sỹ Múa Việt Nam) để phát huy thế mạnh của các Hội trong công tác tổ chức Cuộc thi, Hội diễn, Liên hoan; chưa xây dựng được phần khung Quy chế tổ chức, Quy chế chấm giải, Nguyên tắc làm việc của Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức và Hội đồng Giám khảo.
Công tác chuẩn bị, lộ trình thực hiện các Cuộc thi, Hội diễn, Liên hoan còn tùy tiện, ngẫu hứng, vội vàng, nặng về tính giải quyết tình thế, thiếu các nguyên tắc mang tính pháp quy.
Đơn vị tổ chức chưa xác định rõ tính chất, đặc thù của từng loại hình nghệ thuật, trình độ năng lực của các đơn vị ở Trung ương và địa phương để phân loại, khoanh vùng đảm bảo tính khách quan, công bằng, tính định hướng trong các Hội diễn, Liên hoan. Công tác phối hợp chuẩn bị tổ chức với địa phương đăng cai chưa tốt.
II. CÁC CĂN CỨ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN.
- Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) năm 1998 về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc;
- Nghị quyết 23-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới do Bộ Chính trị ban hành ngày 16 tháng 6 năm 2008;
- Nghị định số 185/2007/NĐ-CP của Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2007 “Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch”.
- Quyết định số 45/2008/QĐ-TTg ngày 28 tháng 3 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về “Quy hoạch phát triển Nghệ thuật biểu diễn Việt Nam đến năm 2010”.
- Quyết định số 581/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 6 tháng 5 năm 2009 về việc phê duyệt “Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020”;
- Nghịđịnh số 79/2012/NĐ-CP ngày 05 tháng 10 năm 2012 của chính phủ quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu.
III. MỤC ĐÍCH:
- “Đề án tổ chức các Cuộc thi, Hội diễn, Liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp gia đoạn 2013 đến 2020” nhằm tạo sự ổn định và phát triển bền vững trong quá trình lao động sáng tạo nghệ thuật từ nay đến năm 2020 cho tất cả các đơn vị nghệ thuật trong và ngoài công lập trên phạm vi toàn quốc.
- Đây là cơ sở để các đợn vị nghệ thuật chủ động chuẩn bị nhân lực, tài chính, tác phẩm, phương thức hoạt động, phương pháp sáng tạp cho phù hợp với tình hình thực tế của từng đơn vị.
- Lãnh đạo đơn vị nghệ thuật căn cứ kế hoạch để chủ động triển khai đặt hàng các tác giả, nhằm tạo ra nhiều tác phẩm có chất lượng nghệ thuật cao phục vụ nhân dân và tham dự các Cuộc thi, Liên hoan.
- Việc triển khai thực hiện Đề án sẽ thúc đẩy nhiều đơn vị nghệ thuật công lập tìm ra phương thức đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động nghệ thuật; khuyến khích các thành phần kinh tế, các tổ chức, các nhân đầu tư cho hoạt động nghệ thuật biểu diễn.
- Quá trình thực hiện Đề án giúp cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương đánh giá thực trạng hoạt động nghệ thuật biểu diễn trong từng gia đoạn, từ đó định hướng nghệ thuật, tìm ra giải pháp khắc phục những yếu kém, thúc đẩy nghệ thuật biểu diễn phát triển phù hợp với thực tế đời sống xã hội.
- Tiếp thu những tinh hoa nghệ thuật của các nước trên thế giới trong quá trình sáng tạo; giới thiệu những giá trị đặc sắc của nghệ thuật truyền thống Việt nam tới bạn bè quốc tế, góp phần xây dựng nền văn hóa nghệ thuật Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.
- Đây là cơ sở để Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức các Cuộc thi, Liên hoan mang tính chính quy, chuyên ghiệp, găn với việc phục các nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước diễn ra hàng năm trong thời gian 2013 đến năm 2020; tạo cho đội ngũ tác giả, nhạc sỹ, họa sỹ, đạo diễn, biên đạo múa chủ động trong quá trình sáng tạo tác phẩm; là cơ sở để quy hoạch, phát triển ngành nghệ thuật biểu diễn gia đoạn 2013 – 2020.
IV. TÍNH CHẤT, QUY MÔ, CÁC CUỘC THI, LIÊN HOAN.
A. Các cuộc thi:
1. Cuộc thi dành cho các đơn vị nghệ thuật.
Cuộc thi dành cho các đơn vị nghệ thuật thay thế các Hội diễn Sân khấu, Ca, Múa, Nhạc chuyên nghiệp tổ chức từ năm 1985 đến nay. Đây là hoạt động mang tính thi đua cao nhằm đánh giá, tổng kết toàn diện về khuynh hướng nghệ thuật, phương pháp sáng tạo, chất lượng tác phẩm, cách thức hoạt động, năng lực và hiệu quả trong hoạt động nghệ thuật của các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp trên toàn quốc sau thời gian 3 năm; từ đó định hướng phát triển cho các đơn vị trong 3 năm tiếp theo. Cuộc thi có quy mô toàn quốc dành cho các đơn vị nghệ thuật trong và ngoài công lập có vở diễn hoặc chương trình nghệ thuật đạt những tiêu chí do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định. Đây còn là dịp tôn vinh các tập thể, các nhân nghệ sỹ có thành tích xuất sắc trong quá trình lao động sáng tạo nghệ thuật, khuyến khích các đơn vị xây dựng tác phẩm đạt chất lượng cao phục vụ nhân dân.
Thời gian tổ chức Cuộc thi dành cho các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp là 3 năm một lần, gồm các loại hình nghệ thuật: Tuồng, Chèo, Cải lương, Kịch nói, Dân Ca kịch và nghệ thuật Ca, Múa, Nhạc.
2. Cuộc thi dành cho nhóm nghệ sỹ, cá nhân nghệ sỹ.
Các cuộc thi này nhằm khẳng định đẳng cấp, tôn vinh tài năng của các cá nhân và nhóm nghệ sỹ, ghi nhận công sức tìm tòi, sáng tạo của nghệ sỹ trong quá trình lao động nghệ thuật. Các Cuộc thi được tổ chức theo từng chuyên ngành cho nghệ sỹ trẻ đang hoạt động ở các loại hình nghệ thuật Sân khấu và Ca, Múa, Nhạc để khuyến khích, phát hiện, bồi dưỡng tài năng. Đối với hai loại hình nghệ thuật Múa và Âm nhạc, tiêu chí Cuộc thi pháo tiếp cận quy chuẩn quốc tế và khu vực để tạo điều kiện cho thí sinh Việt Nam tham gia các Cuộc thi quốc tế tổ chức ở nước ngoài.
Thời gian tổ chức Cuộc thi dành cho nhóm nghệ sỹ, cá nhân nghệ sỹ tổ chức định kỳ 3 năm một lần.
B. Liên hoan:
Liên hoan là hoạt động nhằm tạo điều kiện cho các đơn vị nghệ thuật, các nghệ sỹ giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm trong quá trình lao động, tìm tòi, sáng tạo nghệ thuật; tôn vinh các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong sáng tạo nghệ thuật. Liên hoan chỉ tổ chức cho các loại hình nghệ thuật không tham gia các Cuộc thi dành cho các đơn vị nghệ thuật.
Đơn vị tổ chức các cuộc Liên hoan nghệ thuật tại Việt Nam xây dựng chủ đề cho mỗi cuộc, gắn với việc kỷ niệm các ngày lễ trọng đại của dân tộc, các sự kiện chính trị diễn ra hàng năm. Ngoài các Liên hoan định kỳ được đặt tên trong Đề án, các Liên hoan được tổ chức nhằm phục vụ các nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước sẽ có Đề án riêng trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt.
Các cuộc Liên hoan tổ chức xen kẽ trong khoảng thời gian giữa hai kỳ tổ chức các Cuộc thi. Thời gian tổ chức Liên hoan đối với từng loại hình nghệ thuật là 3 năm một lần.
Quy mô tổ chức Liên hoan gồm có Liên hoan quốc tế và Liên hoan trong nươc.
1. Liên hoan quốc tế:
Liên hoan quốc tế dành cho một số loại hình nghệ thuật có tính phổ cập chung trên thế giới như: Âm nhạc, Múa, Múa rối, Xiếc, Hợp xướng, Vũ kịch hoặc Liên hoan nghệ thuật sân khấu mang tính chất thể nghiệm. Liên hoan quốc tế là dịp để nghệ sỹ Việt Nam giới thiệu, quảng bá giá trị của nghệ thuật truyền thống tới bạn bè trên thế giới và tiếp thu những tinh hoa nghệ thuật của nhân loại, nhằm xây dựng nền nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. (riêng Liên hoan Hợp xướng quốc tế, tổ chức Interkunture đã làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam và tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức định kỳ 2 năm một lần bằng kinh phí xã hội hóa và kinh phí hỗ trợ từ đơn vị đăng cai; Liên hoan Sân khấu thể nghiệm quốc tế đã được Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam tổ chức 02 lần tại Việt Nam bằng ngân sách Nhà nước cấp trực tiếp cho Hội).
Đơn vị tổ chức các Liên hoan nghệ thuật quốc tế tại Việt Nam xây dựng đề án, kế hoạch tổ chức trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt trước thời điểm diễn ra Liên hoan 12 tháng. Trường hợp đơn vị tổ chức không huy động được nguồn kinh phí xã hội hóa theo lộ trình, các đơn vị nghệ thuật nước ngoài tham gia ít, các đơn vị nghệ thuật trong nước không có tác phẩm mới đạt chất lượng cao tham dự Liên hoan, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ lùi thời gian tổ chức sang các năm tiếp theo, không nhất thiết phải theo định kỳ 3 năm một lần.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chọn “Liên hoan Sân khấu thể nghiệm quốc tế” để xây dựng thương hiệu, làm điểm nhấn cho các Liên hoan nghệ thuật quốc tế tại Việt Nam. Liên hoan này mang tính thể nghiệm sáng tạo cao, các loại hình nghệ thuật Tuồng, Chèo, Kịch nói, Dân ca kịch, Múa rối, Xiếc đều có thể tham dự vì không lệ thuộc vào đặc trưng của từng loại hình nghệ thuật.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Duc lịch chọn “ Liên hoan Độc tấu và Hòa tấu nhạc cụ dân tộc” để xây dựng thương hiệu, làm điểm nhấn cho Liên hoan nghệ thuật trong nước, góp phần khuyến khích tài năng, bảo tổn và phát huy các giá trị của âm nhạc truyền thống trong thời kỳ hội nhập.
2. Liên hoan trong nước.
Liên hoan nghệ thuật trong nước tổ chức theo từng chuyên ngành nghệ thuật với quy mô toàn quốc.
C. Tham dự các Cuộc thi, Liên hoan nghệ thuật ở nước ngoài.
Các đơn vị nghệ thuật thuật trực thuộc Bộ Văn Hóa, Thể thao và Du lịch tham dự Liên hoan hoặc cử nghệ sỹ tham dự các Cuộc thi nghệ thuật ở nước ngoài phải xin phép và được sự đồng ý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Các đơn vị nghệ thuật và nghệ sỹ tại địa phương tham dự Liên hoan, Cuộc thi tổ chức ở nước ngoài phải xin phép và được sự đồng ý của ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố.
Căn cứ chất lượng tác phẩm, chương trình nghệ thuật, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cử các đơn vị, nghệ sỹ ở địa phương tham gia Liên hoan, Cuộc thi nghệ thuật tổ chức tại nước ngoài theo kế hoạch hàng năm của Bộ.
V. QUY ĐỊNH ĐƠN VỊ TỔ CHỨC, QUY CHẾ TỔ CHỨC, CHẤM GIẢI, CƠ CẤU GIẢI THƯỞNG VÀ TÊN GỌI THÀNH PHẦN XÉT GIẢI.
A. Đơn vị tổ chức.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan quản lý nhà nước chỉ đạo tất cả các Cuộc thi, Liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp được tổ chức trên lãnh thổ Việt Nam; Là đơn vị ký quyết định cho phép tổ chức, quyết định khen thưởng, giấy chứng nhận giải thưởng cho tất cả Cuộc thi, Liên hoan.
Căn cứ đặc trưng của từng loại hình nghệ thuật, năng lực tổ chức, tính hiệu quả của mỗi Cuộc thi, Liên hoan, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao Cục Nghệ thuật biểu diễn hoặc các Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành ở Trung ương chủ trì tổ chức (Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam, Hội Nghệ sỹ Múa Việt Nam, Hội Nhạc sỹ Việt Nam). Trường hợp Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành ở Trung ương hoặc các tỉnh, thành huy động kinh phí từ nguồn khác, kinh phí xã hội hóa để tổ chức các Cuộc thi, Liên hoan nghệ thuật chưa có danh mục trong Đề án thì phải đăng ký kế hoạch từ đầu năm với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Cục Nghệ thuật biểu diễn cần tập trung cao độ thực hiện chức năng quản lý nhà nước, kết hợp hài hòa việc tổ chức các Cuộc thi, Liên hoan nghệ thuật để phát triển sự nghiệp trong lĩnh việc nghệ thuật biểu diễn. Vì vậy một số Cuộc thi, Liên hoan nghệ thuật sẽ được Bộ Văn Hóa, Thể thao và Du lịch giao cho các Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành ở Trung ương tổ chức thực hiện. Việc chuyển giao cho các Hội thực hiện theo lộ trình sau:
- Từ năm 2013, 2014, Cục Nghệ thuật biểu diễn tổ chức 80% số lượng các Cuộc thi, Liên hoan nghệ thuật; các Hội văn học nghệ thuật chuyên ngành ở Trung ương tổ chức 20% số lượng các Cuộc thi, Liên hoan nghệ thuật.
- Năm 2015, Cục Nghệ thuật biểu diễn tổ chức 70%, các Hội tổ chức 30% số lượng các Cuộc thi, Liên hoan nghệ thuật.
- Năm 2016, Cục Nghệ thuật biểu diễn tổ chức 60%, các Hội tổ chức 40% số lượng các Cuộc thi, Liên hoan nghệ thuật.
- Năm 2017, Cục Nghệ thuật biểu diễn tổ chức 50%, các Hội tổ chức 50% số lượng các Cuộc thi, Liên hoan nghệ thuật.
Cục Nghệ thuật biểu diễn căn cứ kế hoạch để trao đổi, bàn bạc cụ thể việc chuyển giao cho 3 Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành ở Trung ương tổ chức các Cuộc thi, Liên hoan nghệ thuật, báo cáo lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, chỉ đạo hàng năm. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ủy quyền Cục Nghệ thuật biểu diễn ký hợp đồng thuê khoán các Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành tổ chức các Cuộc thi, Liên hoan nghệ thuật theo quy định của pháp luật.
B. Quy chế tổ chức, chấm giải.
Các loại hình nghệ thuật chuyên nghiệp có những đặc trưng riêng. Tính chất của mỗi Cuộc thi, Liên hoan có những đặc thù khác biệt. Vì vậy, đơn vị tổ chức căn cứ vào loại hình nghệ thuật, đặc thù của mỗi kỳ cuộc để xây dựng Quy chế tổ chức và Quy chế chấm giải phù hợp với tình hình thực tế ở các thời điểm khác nhau. Quyết định tổ chức các Cuộc thi, Liên hoan nghệ thuật được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành trước ngày diễn ra khai mạc 06 tháng.
- Quy chế tổ chức, Quy chế chấm giải, Quy chế hoạt động của Ban Tổ chức các Cuộc Liên hoan nghệ thuật quốc tế tại Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành trước ngày khai mặc Liên hoan 12 tháng.
- Quy chế tổ chức, Quy chế chấm giải, Quy chế hoạt động của Ban Tổ chức các Cuộc Liên hoan nghệ thuật trong nước do Cục Nghệ thuật biểu diễn hoặc các Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành ở Trung ương ban hành trước ngày khai mạc Cuộc thi, Liên hoan 06 tháng.
- Quy chế tổ chức, Quy chế chấm giải, Quy chế hoạt động của Ban Tổ chức các Cuộc Liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành.
- Sau khi Đề án tổ chức Cuộc thi, Liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp được phê duyệt; Cục Nghệ thuật biểu diễn chịu trách nhiệm xây dựng khung các Quy chế tổ chức, Quy chế chấm giải, Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức các Cuộc thi, Liên hoan nghệ thuật làm cơ sở để các đơn vị soạn thảo chi tiết cho mỗi lần tổ chức.
C. Cơ cấu giải thưởng:
Để thuận lợi cho Hội đồng các cấp khi bình xét danh hiệu Nghệ sỹ Nhân dân, Nghệ sỹ Ưu tú, giải thưởng trong các Cuộc thi, Liên hoan thống nhất tên gội Huy chương Vàng, Huy chương Bạc. Tên gọi giải Xuất sắc nhất có giá trị tương đương với Huy chương Vàng cá nhân và chỉ trao cho các thành phần sáng tạo mang tính độc lập trong vở diễn hoặc chương trình nghệ thuật.
1. Giải thưởng trong các cuộc thi:
a) Giải thưởng teong Cuộc thi dành cho các đơn vị nghệ thuật:
Cơ cấu giải thưởng trong Cuộc thi dành cho các đoan vị nghệ thuật bao gồm giải thưởng cho vở diễn, chương trình, tiết mục; giải thưởng cho nhóm nghệ sỹ và cá nhân.
- Giải cho vở diễn, chương trình, tiết mục gồm có: Huy chương Vàng, Huy chương Bạc.
- Giải cho nhóm nghệ sỹ gồm có: Giải xuất sắc nhất cho nhóm nghệ sỹ múa, dàn nhạc trong các vở diễn, chương trình nghệ thuật.
- Giải cho cá nhân gồm có: Huy chương Vàng, Huy chương Bạc cho nghệ sỹ biểu diễn. Giải xuất sắc nhất cho tác giả, đạo diễn, họa sỹ, nhạc sỹ, biên đạo, chỉ huy dàn nhạc, thiết kế trang phục, thiết kế âm thanh, ánh sáng.
a. Giải thưởng trong Cuộc thì dành cho nhóm nghệ sỹ, cá nhân nghệ sỹ:
b. Cơ cấu giải thưởng trong các Cuộc thi nghệ thuật chuyên ngành gồm có: Huy chương Vàng, Huy chương Bạc cho nhóm nghệ sỹ, cá nhân nghệ sỹ biểu diễn.
2. Giải thưởng trong các Liên hoan:
a. Liên hoan quốc tế
Cơ cấu giải thưởng các Liên hoan nghệ thuật quốc tế gồm có: Huy chương Vàng, Huy chương Bạc cho chương trình, tiết mục gắn với đơn vị và nghệ sỹ biểu diễn nhưng không kèm theo tiền thưởng (theo thông lệ quốc tế). Bên cạnh Giấy chứng nhận giải thưởng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tặng Cúp lưu niệm cho các đơn vị tham dự.
b. Liên hoan trong nước.
Cơ cấu giải thưởng các Liên hoan nghệ thuật trong nước gồm có:
- Huy chương Vàng, Huy chương Bạc cho chương trình.
- Huy chương Vàng, Huy chương Bạc cho tiết mục gắn với nhóm nghệ sỹ hoặc cá nhân nghệ sỹ biểu diễn.
Giải thưởng các Cuộc thi, Liên hoan nghệ thuật trong nước được kèm theo tiền thưởng và Giấy chứng nhận.
D. Tên gọi thành phần xét giải:
1. Các Cuộc thi: Thành phần tham gia chấm và xét giải thưởng trong các Cuộc thi được gọi là: “ Hội đồng Giám khảo”
2. Liên hoan: Thành phần tham gia xét thưởng trong Liên hoan được gọi là: “Hội đồng Nghệ thuật”
Hội đồng Giám khảo, Hội đồng Nghệ thuật các Cuộc thi, Liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ký quyết định thành lập trước khai mạc các kỳ cuộc 30 ngày. Thành viên Hội đồng là nghệ sỹ, nhà nghiên cứu, quản lý nghệ thuật có đạo đức tốt, có uy tín, tài năng nghệ thuật và có nhiều đóng góp trong sự nghiệp phát triển ngành nghệ thuật biểu diễn. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, nguyên tắc làm việc của Hội đồng được quy định rõ trong Quy chế chấm giải do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc đơn vị tổ chức ban hành.
VI. CÔNG TÁC TỔNG KẾT, ĐÁNH GIÁ VÀ QUẢNG BÁ TÁC PHẨM.
Sau mỗi Cuộc thi, Liên hoan nghệ thuật, Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, phối hợp với các Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành ở Trung ương họp để rút kinh nghiệm, tổng kết, đánh giá về mọi mặt và báo cáo bằng văn bản với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Trường hợp phát hiện những sai phạm trong quá trình chấm giải, khen thưởng, đơn vị tổ chức phối hợp với Thanh tra Bộ, Vụ thi đua-Khen thưởng xác minh, báo cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, quyết định thu hồi giải thưởng và có hình thức xử lý đối với các tập thể, cá nhân sai phạm.
Sau mỗi Cuộc thi, Liên hoan nghệ thuật, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ định các đơn vị nghệ thuật có chương trình, vở diễn đạt giải cao đi biểu diễn phục vụ nhân dân tại các vùng nông thôn, miền núi, hải đảo để quảng bá tác phẩm tới công chúng, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân.
Các đơn vị tham dự Liên hoan tổ chức ít nhất 10 buổi biểu diễn giới thiệu tác phẩm phục vụ nhân dân tại địa phương.
Kinh phí quảng bá tác phẩm được lấy từ các nguồn: ngân sách nhà nước cấp hàng năm cho các đơn vị; kinh phí huy động từ nguồn xã hội hóa; kinh phí hỗ trợ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; kinh phí hỗ trợ của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố.
VII. TÊN GỌI CÁC CUỘC THI, LIÊN HOAN.
A. Các Cuộc thi dành cho các đơn vị nghệ thuật:
1. Cuộc thi nghệ thuật Ca, Múa, Nhạc chuyên nghiệp toàn quốc.
2. Cuộc thi nghệ thuật Sân khấu Kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc.
3. Cuộc thi nghệ thuật Sân khấu Cải lương chuyên nghiệp toàn quốc.
4. Cuộc thi nghệ thuật Sân khấu Chèo chuyên nghiệp toàn quốc.
5. Cuộc thi nghệ thuật Sân khấu Tuồng và Dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc.
B. Các Cuộc thi dành cho nhóm nghệ sỹ, cá nhân nghệ sỹ:
1. Cuộc thi tài năng biểu diễn Múa.
2. Cuộc thi tài năng trẻ biên đạo Múa.
3. Cuộc thi tài năng trẻ diễn viên Kịch nói.
4. Cuộc thi tài năng trẻ diễn viên Sân khấu Tuồng, Chèo.
5. Cuộc thi tài năng trẻ diễn viên Sân khấu Cải lương và Dân ca kịch.
6. Cuộc thi tài năng trẻ đạo diễn Sân khấu toàn quốc.
7. Cuộc thi tài năng trẻ Âm nhạc toàn quốc.
8. Cuộc thi tài năng Xiếc trẻ 03 nước Việt Nam, Lào, Campuchia.
C. Cuộc Liên hoan quốc tế.
1. Liên hoan Sân khấu thể nghiệm quốc tế.
2. Liên hoan Múa quốc tế.
3. Liên hoan Xiếc quốc tế.
4. Liên hoan Múa rối quốc tế.
5. Liên hoan Hợp xướng quốc tế.
6. Liên hoan Nghệ thuật 04 nước Việt Nam, Lào, Campuchia, Mianma.
7. Liên hoan Âm nhạc truyền thống các nước ASEAN.
D. Các Liên hoan trong nước.
1. Liên hoan Âm nhạc Giao hưởng – Thính phòng và Hợp xướng toàn quốc.
2. Liên hoan các Dàn nhạc sân khấu truyền thống Việt Nam.
3. Liên hoan Độc tấu và Hòa tấu nhạc cụ dân tộc.
4. Liên hoan các ban, nhóm nhạc toàn quốc.
VIII. KINH PHÍ:
Kinh phí để tổ chức các Cuộc thi, Liên hoan như sau:
- Kinh phí tổ chức Cuộc thi, Liên hoan quốc tế, trong nước do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức lấy nguồn kinh phí sự nghiệp hàng năm cấp cho Cục Nghệ thuật biểu diễn.
- Kinh phí các Cuộc thi, Liên hoan quốc tế trong nước do các Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành tổ chức lấy từ nguồn ngân sách, nguồn hỗ trợ đầu tư và quảng bá tác phẩm do Nhà nước cấp hàng năm cho các Hội Văn học Nghệ thuật ở Trung ương. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ cấp kinh phí tổ chức các Cuộc thi, Liên hoanghệ thuật do Bộ đặt hàng, ký hợp đồng thuê khoán các Hội tổ chức.
- Các đơn vị tổ chức huy động nguồn lực xã hội tham gia xã hội hóa hoạt động của Cuộc thi, Liên hoan. Đối với các Liên hoan quốc tế, đơn vị tổ chức nhất thiết phải huy động kinh phí xã hội tăng dần theo lộ trình hàng năm. Cụ thể như sau:
- Năm 2013 huy động kinh phí xã hội hóa tối thiểu 10% trở lên.
- Năm 2014 huy động kinh phí xã hội hóa tối thiểu 20% trở lên.
- Năm 2015 huy động kinh phí xã hội hóa tối thiểu 30% trở lên.
- Năm 2016 huy động kinh phí xã hội hóa tối thiểu 40% trở lên.
- Năm 2017 huy động kinh phí xã hội hóa tối thiểu 50% trở lên.
- Các đơn vị nghệ thuật chịu trách nhiệm kinh phí đầu tư dàn dựng tác phẩm, chi phí ăn ở, đi lại cho đơn vị tham dự các Cuộc thi, Liên hoan.
- Các địa phương đăng cai lo kinh phí thuê địa điểm biểu diễn và công tác tuyên truyền quảng cáo tại địa phương.

IX. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN.
Cục Nghệ thuật biểu diễn có trách nhiệm hướng dẫn triển khai thực hiện Đề án đến các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các đơn vị nghệ thuật công lập, ngoài công lập trên toàn quốc.
Căn cứ kế hoạch trong Đề án, các đơn vị nghệ thuật báo cáo cơ quan chủ quản, chuẩn bị kinh phí, dàn dựng tác phẩm để tham gia các Cuộc thi, Liên hoan nghệ thuật đạt kết quả cao.
Căn cứ kế hoạch trong Đề án, Vụ Kế hoạch, Tài chính cấp ngân sách cho Cục nghệ thuật biểu diễn chuẩn bị tốt về mọi mặt cho công tác tổ chức Cuộc thi, Liên hoan hàng năm.
Đối với các cuộc Liên hoan nghệ thuật quốc tế, đơn vị tổ chức xây dựng Đề án, kế hoạch tổ chức thực hiện, dự trù kinh phí, các văn bản liên quan trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trước thời gian diễn ra các hoạt động 12 tháng.
Đối với các Cuộc thi, Liên hoan trong nước, đơn vị tooe chức xât dựng kế hoạch, dự trù kinh phí, các văn bản liên quan trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trước thời gian diễn ra các hoạt động 06 tháng.
X. KẾ HOẠCH TỔ CHỨC CÁC CUỘC THI, LIÊN HOAN TỪ NĂM 2013 ĐẾN NĂM 2020.
A. Căn cứ để xây dựng kế hoạch.
Kế hoạch tổ chức các Cuộc thi, Liên hoan từ năm 2012 đến năm 2020 được xây dựng trên căn cứ sau:
- Đề án quy hoạch ngành nghệ thuật biểu diễn đến năm 2010 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
- Tình hình hoạt động thực tế của các đơn vị nghệ thuật công lập và ngoài công lập trên toàn quốc từ năm 2005 đến năm 2011.
- Đặc trưng của các loại hình nghệ thuật, nhu cầu thưởng thức của khán giả đối với mỗi loại hình nghệ thuật ở các vùng miền khác nhau.
- Thực trạng công tác bảo tồn, phát huy các giá trị của nghệ thuật truyền thống trong xu thế hội nhập ở các đơn vị nghệ thuật truyền thống trên toàn quốc.
- Thực trạng về đội ngũ sáng tạo nghệ thuật và nhu cầu đào tạo đội ngũ sáng tạo nghệ thuật hiện nay.
- Thực trạng về vấn đề triển khai xã hội hóa các đơn vị nghệ thuật công lập ở Trung ương và địa phương.
B. Kế hoạch tổ chức các Cuộc thi, Liên hoan,
(Có phụ lục kèm theo)
Trong quá trình triển khai thực hiện đề án, các đơn vị liên quan thấy cần bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với thực tế đời sống hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp ở từng giai đoạn cụ thểm báo cáo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét quyết định./.

 

BẢNG TỔNG HỢP KẾ HOẠCH
TỔ CHỨC CÁC CUỘC THI, LIÊN HOAN NGHỆ THUẬT
TỪ NĂM 2013 ĐẾN HẾT NĂM 2020.

Năm  
2013 1. Cuộc thi nghệ thuật sân khấu Tuồng và Dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc.
2. Cuộc thi nghệ thuật Sân khấu Chèo chuyên nghiệp toàn quốc.
3. Cuộc thi tài năng trẻ Âm nhạc.
4. Cuộc thi tài năng trẻ biên đạo Múa.
Cuộc thi tài năng trẻ đạo diễn Sân khấu toàn quốc.
5.Liên hoan Sân khấu thể nghiệm toàn quốc.
6. Liên hoan nghệ thuật 4 nước Việt Nam, Lào, Campuchia, Mianma.
2014 1. Cuộc thi tài năng trẻ diễn viên Kịch nói.
2. Cuộc thi tài năng trẻ diễn viên Sân khấu Tuồng, Chèo.
3. Cuộc thi tài năng trẻ diễn viên Cải lương và Dân ca.
4. Cuộc thi tài năng biểu diễn Múa.
5. Liên hoan Âm nhạc Giao hưởng- Thính phòng và Hợp xướng toàn quốc.
6. Liên hoan Độc tấu và Hòa tấu nhạc cụ dân tộc.
7. Liên hoan Múa quốc tế.
8. Liên hoan các ban, nhóm nhạc toàn quốc.
2015 1. Cuộc thi nghệ thuật Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc.
2. Cuộc thi nghệ thuật Sân khấu Kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc.
3. Cuộc thi nghệ thuật Sân khấu Cải lương chuyên nghiệp toàn quốc.
4. Cuộc thi tài năng Xiếc trẻ 03 nước Việt Nam, Lào, Campuchia.
5. Liên hoan các dàn nhạc Sân khấu truyền thống Việt Nam.
6. Liên hoan múa Rối quốc tế.
7. Liên hoan Âm nhạc truyền thống các nước ASEAN.
2016 1. Cuộc thi nghệ thuật Sân khấu Tuồng và Dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc.
2. Cuộc thi nghệ thuật Sân khấu Chèo chuyên nghiệp toàn quốc.
3. Cuộc thi tài năng trẻ Âm nhạc.
4. Cuộc thi tài năng trẻ biên đạo Múa.
5. Cuộc thi tài năng trẻ đạo diễn Sân khấu toàn quốc.
6. Liên hoan Xiếc quốc tế.
7. Liên hoan Sân khấu thể nghiệm quốc tế.
8. Liên hoan nghệ thuật 4 nước Việt Nam, Lào, Campuchia, Mianma.
2017 1. Cuộc thi tài năng trẻ diễn viên Kịch nói.
2. Cuộc thi tài năng trẻ diễn viên Sân khấu Tuồng, Chèo.
3. Cuộc thi tài năng trẻ diễn viên Cải lương và Dân ca.
4. Cuộc thi tài năng biểu diễn Múa.
5. Liên hoan Âm nhạc Giao hưởng – Thính phòng và Hợp xướng toàn quốc.
7. Liên hoan Độc tấu và Hòa tấu nhạc cụ dân tộc.
8. Liên hoan Múa quốc tế.
9. Liên hoan các ban, nhóm nhạc toàn quốc
2018 1. Cuộc thi nghệ thuật Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc.
2. Cuộc thi nghệ thuật Sân khấu Kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc.
3. Cuộc thi nghệ thuật Sân khấu Cải lương chuyên nghiệp toàn quốc.
4. Cuộc thi tài năng Xiếc trẻ 03 nước Việt Nam, Lào, Campuchia.
5. Liên hoan các dàn nhạc Sân khấu truyền thống Việt Nam.
6. Liên hoan múa Rối quốc tế.
7. Liên hoan Âm nhạc truyền thống các nước ASEAN.
2019 1. Cuộc thi nghệ thuật Sân khấu Tuồng và Dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc.
2. Cuộc thi nghệ thuật Sân khấu Chèo chuyên nghiệp toàn quốc.
3. Cuộc thi tài năng trẻ Âm nhạc.
4. Cuộc thi tài năng trẻ biên đạo Múa.
5. Cuộc thi tài năng trẻ đạo diễn Sân khấu toàn quốc.
6. Liên hoan Xiếc quốc tế.
7. Liên hoan Sân khấu thể nghiệm quốc tế.
8. Liên hoan nghệ thuật 4 nước Việt Nam, Lào, Campuchia, Mianma.
2020 1. Cuộc thi tài năng trẻ diễn viên Kịch nói.
2. Cuộc thi tài năng trẻ diễn viên Sân khấu Tuồng, Chèo.
3. Cuộc thi tài năng trẻ diễn viên Cải lương và Dân ca.
4. Cuộc thi tài năng biểu diễn Múa.
5. Liên hoan Âm nhạc Giao hưởng – Thính phòng và Hợp xướng toàn quốc.
6. Liên hoan Độc tấu và Hòa tấu nhạc cụ dân tộc.
7. Liên hoan Múa quốc tế.