KẾ HOẠCH ngày 14 tháng 3 năm 2013 Triển khai phát động sáng tác các tác phẩm Nghệ thuật hưởng ứng việc Tổng kết 15 năm triển khai và thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII "Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc"

Số/ký hiệu: 800/KH-BVHTTDL

Ngày ban hành: 14/03/2013

Cơ quan ban hành: BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH

Loại văn bản: Kế hoạch

Toàn văn:

1. Các căn cứ:
a) Căn cứ pháp lý:
- Nghị quyết Trung ương lần thứ 5 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc (Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII);
- Kết luận hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương khóa IX về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương lần thứ 5 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc;
- Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn hóa nghệ thuật trong thời kỳ mới (Nghị quyết 23);
- Hướng dẫn số 55-HD/BTGTW ban hành ngày 13/7/2012 của Ban Tuyên giáo Trung ương Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết trung ương 5 (khóa VIII) về "Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc";
- Hướng dẫn số 385/HD-BVHTTDL ban hành ngày 31 tháng 01 năm 2013 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hướng dẫn Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) và xây dựng đề án tiếp tục xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
b)  Căn cứ thực tiễn
Trong giai đoạn phát triển đất nước hiện nay, quan điểm cơ bản của Đảng về xây dựng, phát triển văn hóa và con người nêu rõ: sự phát triển bền vững của đất nước được thể hiện ở việc giải quyết thành công các mối quan hệ cơ bản:
- Giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, xã hội.
- Giữa lợi ích của cá nhân và lợi ích của cộng đồng.
- Giữa lợi ích của hiện tại và lợi ích của tương lai.
- Giữa lợi ích của con người và lợi ích của môi trường.
Mục tiêu phấn đấu của Đảng và nhân dân ta hiện nay là vì sự nghiệp "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh", chú trọng giải quyết các mối quan hệ này trên cơ sở quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác - Leenin và tư tưởng Hồ Chí Minh.
Đảng ta đã khẳng định nền văn hóa mà chúng ta xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa VIII) "Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc" đưa ra đến nay vẫn là Nghị quyết có ý nghĩa chiến lược, chỉ đạo quá trình xây dựng và phát triển sự nghiệp văn hóa ở nước ta, cần được kế thừa, bổ sung và phát triển sự nghiệp văn hóa ở nước ta, cần được kế thừa, bổ sung và phát huy trong thời kỳ mới. Văn kiện Đại hội X (2006) đã nhấn mạnh: "Tiếp tục phát triển sâu rộng và nâng cao chất lượng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, gắn kết chặt chẽ và đồng bộ hơn với phát triển kinh tế - xã hội, làm cho văn hóa thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội".
Đảng ta đã xác định: "Phương hướng chung của sự nghiệp văn hóa nước ta là phát huy chủ nghĩa yêu nước và truyền thống đại đoàn kết dân tộc, ý thức độc lập tự chủ, tự cường, xây dựng và bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, làm cho văn hóa thấm sâu vào toàn bộ đời sống và hoạt động xã hội, vào từng người, từng gia đình, từng tập thể và cộng đồng, từng địa bàn dân cư, tạo ra trên đất nước ta đời sống tinh thần cao đẹp, trình độ dân trí cao, khoa học phát triển, phục vụ đắc lực sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh, tiến bước vững chắc lên chủ nghĩa xã hội".
Về phương hướng xây dựng và phát triển văn hóa hiện nay, chúng ta cần nhấn mạnh hai điểm sau:
Thứ nhất, trong thời kỳ đổi mới hiện nay, chúng ta phải phát huy chủ nghĩa yêu nước và truyền thống đại đoàn kết dân tộc, ý nghĩa độc lập tự chủ tự cường để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Đây là thời kỳ hòa bình, xây dựng đất nước và là thời kỳ mở ra một cuộc chiến đấu mới chống lại nghèo nàn, lạc hậu để đưa đất nước phát triển giàu mạnh.
Thứ hai, chúng ta phải hành động, chủ động, tích cực, sáng tạo hơn nữa trong việc nâng cao chất lượng xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tạo điều kiện và cơ hội nhiều hơn nữa để nâng cao dân trí, phát triển nguồn lực và khoa học công nghệ, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; Phát huy tính tích cực chính trị của công dân, chú trọng tới các phong trào quần chúng trong tổ chức và xây dựng sự nghiệp phát triển văn hóa, làm cho văn hóa gắn kết chặt chẽ và đồng bộ hơn với phát triển kinh tế; Xây dựng Đảng, củng cố hệ thống chính trị nhằm làm thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội.
Năm quan điểm chỉ đạo cơ bản trong quá trình xây dựng và phát triển sự nghiệp phát triển văn hóa nước ta là:
- Văn hóa là nền tảng kinh tế của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.
- Nền văn hóa mà chúng ta đang xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
- Nền văn hóa Việt Nam là nền văn hóa thống nhất mà đa dạng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
- Xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo, trong đó đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng.
- Văn hóa là một mặt trận; xây dựng và phát triển văn hóa là một sự nghiệp cách mạng lâu dài, đòi hỏi phải có ý chí cách mạng và sự kiên trì thận trọng.
Năm quan điểm này đều mang tầm chiến lược lâu dài cần quán triệt nhất quán và xuyên suốt quá trình xây dựng và phát triển sự nghiệp văn hóa ở nước ta trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa và hội nhập kinh tế quốc tế.
Từ những căn cứ pháp lý và thực tiễn trên, việc phát động cuộc thi sáng tác các tác phẩm nghệ thuật là một hoạt động văn hóa thiết thực góp phần Tổng kết 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết TW 5(khóa VIII) "Về xây dựng nền Văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc" và Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị "Tiếp tục xây dựng và phát triển Văn hóa Nghệ thuật trong thời kỳ mới", đồng thời tiếp tục hưởng ứng cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh".
2. Mục đích, ý nghĩa.
Cuộc phát động sáng tác năm 2013 nhằm tạo ra những tác phẩm có giá trị về nội dung tư tưởng và nghệ thuật, qua đó ngành Nghệ thuật biểu diễn có được những tác phẩm chất lượng cao để dàn dựng và biểu diễn tại các sự kiện Kỷ niệm cấp Nhà nước, tham gia Hội thi, Liên hoan nghệ thuật toàn quốc, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước; là công cụ tuyên truyền hữu hiệu, có tác động giáo dục, định hướng thẩm mỹ, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của nhân dân; hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày thành lập nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và 40 năm ngày Giải phóng miền nam thống nhất đất nước.
3. Quy mô phát động cuộc thi sáng tác.
3.1. Quy mô: Toàn quốc.
3.2. Đơn vị Chỉ đạo: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
3.3. Đơn vị chủ trì: Cục Nghệ thuật biểu diễn.
3.4 Các đơn vị phối hợp thực hiện.
- Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam.
- Hội Nhạc sỹ Việt Nam.
- Hội Nghệ sỹ Múa Việt Nam.
- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
- Các Hội Văn học nghệ thuật của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
4. Đối tượng tham dự cuộc thi sáng tác.
Tác giả là người Việt Nam đang sinh sống ở trong và ngoài nước, không phân biệt độ tuổi, có sức khỏe, mong muốn được cống hiến tài năng và trí tuệ cho lĩnh vực Nghệ thuật biểu diễn.
5. Tiêu chí của cuộc thi sáng tác.
5.1. Đối với tác phẩm
- Ban tổ chức phát động cuộc thi sáng tác các tác phẩm nghệ thuật hưởng ứng việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) "Tiếp tục xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc" cho các lĩnh vực sau:
* Sân khấu: Kịch nói, Chèo và Cải lương.
* Âm nhạc: Tác phẩm dành cho Hòa tấu Dàn nhạc dân tộc, Độc tấu nhạc cụ dân tộc và Ca khúc.
* Múa: Tác phẩm múa ngắn.
- Các sáng tác phải đảm bảo là những sáng tác mới, chưa công bố, dàn dựng và biểu diễn dưới bất kỳ hình thức nào.
- Các sáng tác kịch bản văn học được đánh máy vi tính trên khổ giấy A4 cỡ chữ 14 theo phông Times New Roman có khoảng cách đơn.
- Các sáng tác âm nhạc là đĩa CD Demo, bản nhạc, tổng phổ hoặc phần Piano rút gọn, được chép trên phần mềm Enco hoặc Finale.
5.2. Cụ thể đối với từng lĩnh vực.
5.2.1. Về nghệ thuật sân khấu
- Kịch bản văn học chi tiết (bao gồm kịch bản văn học và kịch bản phân cảnh) cần đạt được những yếu tố sau:
Nội dung: Phản ánh chân thực, đa dạng những vấn đề văn hóa và con người, sự ưu việt của chế độ chính trị xã hội, chất lượng cuộc sống và mục đích cuối cùng của chế độ xã hội chủ nghĩa; Phản ánh những vấn đề cấp bách trong xã hội cần sớm giải quyết cũng như những vấn đề gắn bó, thống nhất hữu cơ với nhau đảm bảo cho sự phát triển bền vững lâu dài của đất nước. Đề cao các giá trị nhân văn, đời sống tinh thần, đời sống kinh tế cũng như phẩm cách con người Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới nhằm khẳng định nền văn hóa chúng ta xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Tư tưởng chủ đề: Tập trung nhấn mạnh việc "Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển toàn diện, thống nhất trong đa dạng, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ, tiến bộ; làm cho văn hóa gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển". Ca ngợi truyền thống yêu nước, ý chí kiên cường bất khuất, tinh thần lao động sáng tạo của con người Việt Nam trong tiến trình dựng nước và giữ nước, trong thời kỳ đổi mới và trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, bảo vệ kiên cường biên giới, hải đảo; Ca ngợi cuộc đời và sự nghiệp cống hiến vô cùng to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho độc lập, tự do của dân tộc.
Nghệ thuật: Kịch bản giầu chất văn học, cấu trúc kịch bản Logic, phương pháp nghệ thuật biên kịch sáng tạo mới lạ nhưng vẫn giữ được những đặc trưng của từng loại hình nghệ thuật Sân khấu; Sự hấp dẫn đối với khán giả, thể hiện rõ ràng các chức năng nghệ thuật như tính dự báo, định hướng, thẩm mỹ, giáo dục, giải trí….
Mỗi tác giả có thể gửi 01 hoặc 02 kịch bản dự thi ở các thể loại Kịch nói, Chèo và Cải lương, thời lượng dàn dựng biểu diễn từ 80 phút đến 120 phút.
5.2.2 Về nghệ thuật Âm nhạc:
Các tác phẩm âm nhạc cần đạt được những yếu tố sau:
- Nội dung sáng tác cần tập trung khai thác và thể hiện được các tư tưởng chủ đề: Vì sự nghiệp "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh". Ca ngợi truyền thống yêu nước, tinh thần lao động, sáng tạo của con người Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, bảo vệ biên giới, hải đảo và sự toàn vẹn của Tổ quốc; Khơi dậy lòng tự hào dân tộc, truyền thống yêu nước, tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Tính tư tưởng chủ đề phải được xác định rõ "Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội".
- Tác phẩm được trình bày qua bản chép tay rõ ràng hoặc in trên khổ giấy A4 và hoàn thiện tác phẩm trên cơ sở đĩa CD Demo. Không quy định thời lượng cho mỗi tác phẩm thuộc các thể loại âm nhạc trên.
5.2.3. Về nghệ thuật Múa.
- Nội dung kịch bản/tác phẩm cần đạt được các giá trị nhân văn, phản ánh chân thực, đa dạng mọi mặt đời sống xã hội; Tư tưởng chủ đề tập trung khai thác yếu tố "Bản sắc dân tộc với những giá trị mang tính bền vững, những tinh hoa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam được vun đắp nên qua lịch sử hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước" - Đó là, lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân - gia đình, làng xã - Tổ quốc; lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý, đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động; sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống. Bản sắc văn hóa dân tộc cần mang đậm nét trong các hình thức biểu hiện mang tính dân gian, dân tộc độc đáo, từ đó khẳng định nền văn hóa Việt Nam là nền văn hóa thống nhất mà đa dạng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
- Phong cách nghệ thuật múa thể hiện đa dạng rõ ràng, có cấu trúc Logic, sử dụng chất liệu dân gian, dân vũ truyền thống của các dân tộc Việt Nam, nhân vật mang tính hình tượng hóa cao, kịch bản có tính khả thi, hấp dẫn công chúng, thể hiện các chức năng nghệ thuật như tính dự báo, định hướng và giáo dục thẩm mỹ…
- Trên cơ sở nội dung, tư tưởng chủ đề, phong cách nghệ thuật của kịch bản văn học, Ban Tổ chức khuyến khích các biên đạo múa, tác giả kịch bản chủ động liên hệ, phối hợp với các nhạc sỹ sáng tác chủ đề âm nhạc phù hợp với nội dung và hình thức thể hiện tác phẩm.
- Tác giả gửi tác phẩm dự thi là kịch bản văn học chi tiết và VCD hoặc DVD Demo. thời lượng cho mỗi tác phẩm múa ngắn có độ dài tối thiểu 5 phút đến không quá 10 phút.
6. Công tác thẩm định, tuyển chọn các tác phẩm nghệ thuật.
6.1. Thành lập Hội đồng Nghệ thuật.
- Hội đồng Nghệ thuật thẩm định đối với lĩnh vực Sân khấu gồm 07 thành viên.
- Hội đồng Nghệ thuật thẩm định đối với lĩnh vực Âm nhạc gồm 07 thành viên.
- Hội đồng Nghệ thuật thẩm định đối với lĩnh vực Múa gồm 07 thành viên.
Hội đồng Nghệ thuật được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ký quyết định thành lập. Thành viên Hội đồng gồm các nghệ sỹ, nhà nghiên cứu, quản lý nghệ thuật có uy tín, tài năng nghệ thuật có nhiều đóng góp trong sự nghiệp phát triển ngành nghệ thuật biểu diễn. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, nguyên tắc làm việc của Hội đồng được quy định trong Quy chế chấm giải do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành. Thành viên Hội đồng Nghệ thuật không được tham gia thẩm định, xét giải đối với các tác phẩm của mình dự thi (nếu có).
6.2. Quy trình lựa chọn:
- Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, phối hợp với các Hội văn học Nghệ thuật chuyên ngành ở Trung ương (Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam, Hội Nhạc sỹ Việt Nam, Hội Nghệ sỹ Múa Việt Nam) tổ chức triển khai phát động Cuộc thi sáng tác các tác phẩm nghệ thuật hưởng ứng việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, (khóa VIII) "Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc".
- Hội đồng Nghệ thuật do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra quyết định thành lập sẽ xem xét, thẩm định các kịch bản/ tác phẩm nghệ thuật tham dự cuộc thi; Báo cáo Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức quyết định trao giải thưởng.

6.2.1. Đối với các lĩnh vực Sân khấu.
Hội đồng thẩm định xét giải thưởng cho các sáng tác dựa trên Kịch bản chi tiết (bao gồm kịch bản văn học và kịch bản phân cảnh).
6.2.2. Đối với lĩnh vực Âm nhạc
- Hội đồng thẩm định xét giải thưởng cho các sáng tác dựa trên Tổng phổ và CD Demo.
6.2.3. Đối với lĩnh vực Múa.
- Hội đồng thẩm định xét giải thưởng cho các Tác phẩm múa ngắn, Hội đồng thẩm định, xét giải thưởng là các tác phẩm hoàn chỉnh dựa trên kịch bản văn học và VCD, DVD Demo.
7. Giải thưởng cuộc thi.
Ban tổ chức có các hình thức trao giải sau:
7.1. Lĩnh vự sân khấu: (Trao giải chung cho loại hình: Kịch nói, Chèo và Cải lương)
* 01 Giải nhất: 80.000.000 đồng
* 02 Giải nhì: 60.000.000 đồng cho mỗi giải.
* 03 Giải ba: 40.000.000 đồng cho mỗi giải.
7.2. Lĩnh vực âm nhạc:
a). Tác phẩm cho Hòa tấu Dàn nhạc dân tộc.
* 01 Giải nhất: 80.000.000 đồng
* 02 Giải nhì: 60.000.000 đồng cho mỗi giải.
* 03 Giải ba: 40.000.000 đồng cho mỗi giải.
b). Tác phẩm giành cho Độc tấu nhạc cụ dân tộc.
* 01 Giải nhất: 35.000.000 đồng
* 02 Giải nhì: 28.000.000 đồng cho mỗi giải.
* 03 Giải ba: 20.000.000 đồng cho mỗi giải.
c). Ca khúc:
* 01 Giải nhất: 20.000.000 đồng
* 02 Giải nhì: 15.000.000 đồng cho mỗi giải.
* 03 Giải ba: 12.000.000 đồng cho mỗi giải.
7.3. Lĩnh vực Múa:
* 01 Giải nhất: 30.000.000 đồng
* 02 Giải nhì: 22.000.000 đồng cho mỗi giải.
* 03 Giải ba: 15.000.000 đồng cho mỗi giải.

8. Kế hoạch, tiến độ thực hiện và công bố các tác phẩm đạt giải.
- Kế hoạch được đăng tải trên các Website của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Cục Nghệ thuật biểu diễn; Hội Nghệ sỹ Sân Khấu Việt Nam, Hội Nhạc sỹ Việt Nam, Hội Nghệ sỹ Múa Việt Nam và thông báo triển khai kế hoạch phát động Cuộc thi sáng tác đến tất cả Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh/thành phố, Hội văn học nghệ thuật chuyên ngành địa phương trong tháng 3 năm 2013.
- Tác giả hoàn thành sáng tác kể từ ngày phát động cuộc thi và gửi về Ban Tổ chức cho đến trước ngày 31 tháng 10 năm 2013 (tính theo dấu Bưu điện).
- Từ ngày 01 đến 15 tháng 11 năm 2013 Hội đồng thẩm định, họp, bàn bạc, xét giải và thống nhất các giải thưởng; báo cáo Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức kết quả của cuộc thi sáng tác các tác phẩm nghệ thuật hưởng ứng việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII "Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc".
Tháng 12 năm 2013 Cục Nghệ thuật biểu diễn chịu trách nhiệm xây dựng dự trù kinh phí giao cho các đơn vị nghệ thuật chức năng lên kế hoạch phối hợp chuẩn bị tổ chức dàn dựng các tác phẩm xuất sắc nhất được lựa chọn trong số các tác phẩm đạt giải vào quý I -2014; báo cáo Vụ Kế hoạch, Tài chính trình Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xin ý kiến chỉ đạo và cấp kinh  phí triển khai dàn dựng và công bố tác phẩm.

- Dàn dựng, công bố và phổ biến các tác phẩm trong năm 2014.

9. Địa chỉ nhận các tác phẩm sáng tác:

- Cục nghệ thuật biểu diễn: Số 32 Nguyễn Thái Học, Ba Đình - Hà Nội.
- Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam; Hội Nhạc sỹ Việt Nam có chung địa chỉ: Số 51 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm - Hà Nội.
- Hội Nghệ sỹ Múa Việt Nam: 66 Nguyễn Văn Huyên, Cầu Giấy - Hà Nội.
Phong bì ghi rõ: Họ và tên (bút danh nếu có), Địa chỉ, số điện thoại liên lạc, Kịch bản/ tác phẩm sáng tác ghi rõ: Tác phẩm tham dự cuộc thi sáng tác các tác phẩm nghệ thuật hưởng ứng việc Tổng kết 15 năm triển khai và thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát động.
* Các tác phẩm tham gia dự thi, Ban Tổ chức sẽ không gửi lại tác giả sau khi xét giải.
10. Kinh phí thực hiện:
- Kinh phí giải thưởng cuộc thi sáng tác các tác phẩm nghệ thuật hưởng ứng việc Tổng kết 15 năm triển khai và thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) được lấy từ nguồn kinh phí sự nghiệp của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
- Kinh phí dàn dựng, tổ chức biểu diễn công bố tác phẩm đạt giải, chi phí thành lập Ban Tổ chức, Hội đồng thẩm định và khác khoản chi khác được lấy từ nguồn kinh phí sự nghiệp của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
- Kinh phí tổ chức phát động và triển khai kế hoạch phát động sáng tác được lấy từ nguồn kinh phí sự nghiệp của Cục Nghệ thuật biểu diễn và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
11. Tổ chức thực hiện.
Việc triển khai thực hiện kế hoạch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao:
- Cục Nghệ thuật biểu diễn phối hợp với các Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành ở Trung ương (Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam, Hội Nhạc sỹ Việt nam, Hội Nghệ sỹ Múa Việt Nam) tổ chức thực hiện phát động cuộc thi sáng tác.
- Các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các Hội Văn học nghệ thuật của địa phương triển khai tổ chức thực hiện phát động cuộc thi sáng tác.
Ban Tổ chức phát động sáng tác các tác phẩm nghệ thuật hưởng ứng việc Tổng kết 15 năm triển khai và thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, (khóa VIII) "Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc" rất mong nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của tập thể, các nhân tham gia Cuộc thi.
Trân trọng./.

 

Nơi nhận:
- Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh (để báo cáo);
- Cục Nghệ thuật biểu diễn (để thực hiện);
- Vụ Kế hoạch, Tài chính;
- Hội nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam;
- Hội Nhạc sỹ Việt Nam;
- Hội Nghệ sỹ Múa Việt Nam;
- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Hội Văn học nghệ thuật các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
- Lưu: VT, NTBD, TĐg(120).