Tri ân các anh hùng liệt sĩ bằng ngôn ngữ xiếc
14/07/2023 - 16:04
Chương trình nghệ thuật Đi cùng năm tháng 2023 của Liên đoàn Xiếc Việt Nam được dàn dựng nhân kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27.7.1947 - 27.7.2023) sẽ diễn ra tại Rạp Xiếc Trung ương vào các ngày 17, 22 và 23.7. Đây là lần thứ 5 Liên đoàn dàn dựng một tác phẩm nghệ thuật chất lượng cao, mang chủ đề hướng về cội nguồn, đền ơn đáp nghĩa qua ngôn ngữ xiếc.
Các chương trình “Đi cùng năm tháng” thu hút được sự tham gia của nhiều cựu chiến binh, thương binh
Đi cùng năm tháng 2023 do NSND Tống Toàn Thắng viết kịch bản và dàn dựng với sự tham gia của dàn nghệ sĩ hùng hậu đến từ cả 3 đoàn biểu diễn của Liên đoàn.
Mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc
Chương trình lần này là sự tiếp nối thành công và đầy ấn tượng của các chương trình Đi cùng năm tháng mà Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã tổ chức vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27.7 hằng năm với các chủ đề khác nhau: Sống mãi với Điện Biên, Ký ức Trường Sơn, Biển đảo là quê hương, Vùng trời bình yên. Phải khẳng định, Đi cùng năm tháng đã trở thành thương hiệu riêng đầy hấp dẫn khi mang lại cảm xúc và ý nghĩa sâu sắc cho đông đảo khán giả bằng ngôn ngữ xiếc. Giá trị nghệ thuật và tính hấp dẫn của chương trình đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của công chúng, và hơn thế, còn thu hút được sự tham gia ủng hộ, đóng góp của nhiều nhà hảo tâm, doanh nghiệp để trao tặng các phần quà tới tận tay các cựu chiến binh, gia đình liệt sĩ, có công với cách mạng, các thương bệnh binh, các nạn nhân chất độc màu da cam…
Chia sẻ về chương trình, NSND Tống Toàn Thắng, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho biết: “Với vai trò chỉ đạo nghệ thuật, tôi mong muốn Liên đoàn sẽ duy trì tổ chức thường niên Đi cùng năm tháng. Chương trình góp phần tri ân các thương binh, liệt sĩ, người có công với Tổ quốc, đồng thời giáo dục cho thế hệ trẻ hôm nay nói chung, nghệ sĩ trẻ nói riêng về truyền thống yêu nước, truyền thống anh hùng bất khuất của cha anh. Thông qua ngôn ngữ xiếc, thế hệ trẻ sẽ cảm nhận sâu sắc tinh thần hy sinh, chấp nhận gian khổ của các chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam qua các hình tượng nhân vật anh bộ đội, cô gái xung phong, chiến sĩ hải quân, cảnh sát biển đầy sống động trên sân khấu. Các hoạt cảnh được lồng ghép có nội dung trên nền giai điệu ca khúc cách mạng, giúp cảm xúc biểu diễn của các nghệ sĩ thêm thăng hoa, thông qua các nhân vật được ghi nhớ trong lịch sử cách mạng dân tộc”.
Chương trình gồm 2 phần, phần 1 là khai mạc, tặng quà các gia đình thương binh, liệt sĩ, các cựu chiến binh, thương binh. Phần II là chương trình nghệ thuật với các tiết mục, hoạt cảnh được dàn dựng công phu, hấp dẫn: Cúc ơi!, Lê Anh Nuôi, Vết chân tròn trên cát, Huyền thoại mẹ, Hát mãi khúc quân hành…
Một tiết mục trong chương trình
Cuốn hút mọi đối tượng khán giả
Hoạt cảnh Cúc ơi! (tưởng nhớ tới 10 cô gái Ngã Ba Đồng Lộc) đã được trao giải xuất sắc tại Liên hoan các trích đoạn hay nghệ thuật Sân khấu toàn quốc năm 2023. Hoạt cảnh được dàn dựng khéo léo, sôi động qua tiết tấu âm nhạc hào hùng và sự xuất hiện của những nữ nghệ sĩ xiếc trong trang phục bộ đội, thực hiện các động tác kỹ thuật xiếc điêu luyện như dùng những cây tre múa, xếp hình, tạo ra trò chơi trong lúc nghỉ ngơi và những khoảnh khắc yên bình trong chiến tranh. Các cô gái đi thăng bằng trên chiếc cầu bắc qua suối, trổ tài nhào lộn, uốn dẻo, đu dây, sức mạnh đôi tay... Hình ảnh xúc động nhất chính là khoảnh khắc tái hiện sự hy sinh của 10 cô gái bằng tiết mục đu lụa trên cao, từng người bay lên bằng những dải lụa, tạo nên ấn tượng và xúc cảm mạnh mẽ trong lòng khán giả.
Hoạt cảnh Lê Anh Nuôi được xây dựng với sự tham gia của các diễn viên “đặc biệt” dê và lợn. Cùng với các chiến sĩ anh nuôi, tiếp phẩm, sự xuất hiện của các con thú nuôi gần gũi, thân thuộc được huấn luyện thông minh trở thành những diễn viên xiếc tài năng, mang tới những tiếng cười thú vị cho khán giả. Hoạt cảnh Vết chân tròn trên cát thể hiện hình tượng người lính Cụ Hồ với tinh thần “tàn mà không phế”. Anh thương binh đi một chân nhưng trổ tài dạy xiếc cho các em với các thể loại tiết mục khéo léo như tung hứng, đi xe đạp một bánh...
Hoạt cảnh Nơi đảo xa thể hiện hình ảnh người chiến sĩ hải quân, cảnh sát biển luôn kiên cường chắc tay súng bảo vệ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc, vượt qua mọi gian khổ, mất mát, hy sinh để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Hoạt cảnh Huyền thoại mẹ là tiết mục dây da đôi nam nữ. Những động tác xiếc thể hiện hình tượng nhân vật mẹ và con vô cùng thiêng liêng, đặc biệt là động tác tạo hình người mẹ cầm đèn thắp sáng cho con hướng về phía trước.
Những người lính biển là hoạt cảnh dựa trên thể loại tiết mục Leo cột mang tính thể thao, rèn luyện thể lực cũng như giải trí vui chơi. Chiếc cột - đạo cụ biểu diễn xiếc được hình tượng hóa như những chiếc cột buồm. Hằng ngày, các chiến sĩ hải quân hăng say luyện tập và vui chơi sau những giờ trực chiến vất vả. Các động tác thể hiện sức mạnh và khéo léo được các chiến sĩ trổ tài thi đấu, thông qua các kỹ năng và kỹ thuật xiếc sẽ tạo cho người xem sự ngạc nhiên, thán phục trước tài nghệ của các chiến sĩ hải quân.
Màn kết chương trình Đi cùng năm tháng được dựa trên nền các ca khúc hào hùng: Hát mãi khúc quân hành, Như có Bác trong ngày vui đại thắng thu hút cả khán giả tham gia, tương tác trên sân khấu tròn, tất cả cùng vỗ tay, hòa vào các điệu nhảy, bài ca của các nghệ sĩ.
Có thể khẳng định, đến chương trình Đi cùng năm tháng lần thứ 5, các nghệ sĩ của Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã đưa môn nghệ thuật vốn chỉ dành cho đối tượng khán giả thiếu nhi đến với tất cả mọi tầng lớp khán giả, kể cả những vị khán giả lớn tuổi, thậm chí ở độ tuổi “thất thập cổ lai hy” cũng bị xiếc cuốn hút đến giây phút cuối cùng.
Theo Báo Văn hóa
Bài viết khác
Cục Nghệ thuật Biểu diễn tổ chức hội nghị gặp mặt trao Quyết định nghỉ hưu đối với công chức
25/09/2024 - 14:55
Sáng ngày 25/9/2024, tại Cục Nghệ thuật biểu diễn, tổ chức buổi gặp mặt và trao quyết định nghỉ hưu để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội đối với công chức Phạm Thị Hải Yến.
18 tập thể, cá nhân được trao Giải thưởng Đào Tấn 2024
24/09/2024 - 11:43
Tối 22.9, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc và Tạp chí Văn hiến Việt Nam tổ chức Lễ trao Giải thưởng Đào Tấn năm 2024 cho 18 tập thể và cá nhân có nhiều cống hiến trong sự nghiệp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá nghệ thuật truyền thống của dân tộc.
Trại sáng tác truyền lửa cho văn nghệ sĩ
19/09/2024 - 00:04
Trong thời gian tham gia Trại sáng tác viết kịch bản văn học năm 2024, các tác giả đã sáng tác, hoàn thiện 24 kịch bản sân khấu, tác phẩm phê bình văn học nghệ thuật, thể hiện niềm đam mê sáng tạo và không ngừng tìm tòi cái mới để có những tác phẩm chất lượng, mang hơi thở đời sống.
Họp rà soát triển khai các chương trình nghệ thuật ủng hộ đồng bào miền Bắc chịu thiệt hại do bão lũ
17/09/2024 - 21:46
Thực hiện chỉ đạo của Ban Cán sự đảng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTTDL) tại Công văn số 3928/BVHTTDL-VP ngày 13/9/2024 về việc tổ chức các chương trình nghệ thuật nhằm quyên góp và ủng hộ đồng bào các tỉnh, thành phố miền Bắc chịu thiệt hại nặng nề do bão lũ gây ra; ngày 14/9/2024, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã phối hợp 12 Nhà hát thuộc Bộ VHTTDL khẩn trương triển khai xây dựng Kế hoạch thực hiện.
THÔNG BÁO Lùi thời gian tổ chức “Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc - 2024” (Đợt 1)
06/09/2024 - 17:52
Căn cứ Công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung ứng phó khẩn cấp bão số 3 năm 2024, Ban Tổ chức Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc - 2024” (Đợt 1) quyết định lùi thời gian tổ chức, theo đó Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc - 2024” (Đợt 1) được tổ chức từ ngày 11 đến ngày 20/9/2024
Trại sáng tác cho các tác giả viết kịch bản văn học năm 2024
06/09/2024 - 10:01
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng, Trung tâm hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật và các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức Trại sáng tác cho các tác giả viết kịch bản văn học năm 2024 tại Nhà sáng tác Đà Lạt, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng từ ngày 12/9 đến ngày 19/9/2024.