TP. HCM: Trái ngọt từ sân khấu kịch xã hội hóa

17/03/2015 - 14:02  

(NTBD) - Trong những năm qua, để đáp ứng nhu cầu hoạt động biểu diễn nghệ thuật, phục vụ khán giả, phát triển bắt kịp xu hướng thời đại, các sân khấu kịch xã hội hóa tại TPHCM đã nhanh chóng tự tổ chức đào tạo diễn viên. Phương pháp giảng dạy mang tính truyền nghề, học đi đôi với hành, các lò đào tạo diễn viên tư nhân này đã và đang góp phần xây dựng một đội ngũ diễn viên trẻ nhiệt huyết, yêu nghề, sẽ là những nhân tố mới thúc đẩy sân khấu kịch thành phố phát triển.

Các diễn viên trẻ của sân khấu kịch Hồng Vân  trong vở Người đàn bà uống rượu.

Theo ý kiến của các nhà chuyên môn và các nghệ sĩ kỳ cựu của làng sân khấu, từ nhiều năm qua, quy trình đào tạo ở các trường CĐ và ĐH chuyên ngành văn hóa nghệ thuật có sự bất cập: giáo trình còn nặng về lý thuyết, kiến thức tổng quát, thiếu sự tiếp cận với thực tiễn, học sinh - sinh viên ít được thực hành, khi tốt nghiệp ra trường, nhiều em không tìm được nơi làm nghề. Hơn thế nữa, quá trình đào tạo chính quy, chuyên ngành ấy dần dần đi vào hàn lâm, ít nhiều đã tạo nên một khoảng cách giữa cuộc sống và học thuật.
NSƯT - đạo diễn Trần Minh Ngọc trăn trở: “Tôi đang chờ đợi sự thay đổi về công tác đào tạo. Thực tế, nhiều người chỉ có lý luận, đến khi vào thực tế lại không có vốn sống, kinh nghiệm sống - đây là mặt phải bổ sung. Trong công tác đào tạo, cần thiết phải cập nhật các vấn đề xã hội, nhà trường phải gắn với xã hội và xã hội phải có đầu ra cho những người được đào tạo. Hiện nay, vấn đề này lại đang bị thả nổi, nhiều em đi học là học thế thôi, học theo phong trào, đến một lúc, nhu cầu thực tế bão hòa thì diễn viên sẽ không biết làm gì, ở đâu. Từ đây, nảy sinh vấn đề các đơn vị nghệ thuật tự tổ chức đào tạo vì công tác đào tạo chính thống không đáp ứng được yêu cầu cụ thể của từng sân khấu. Lẽ ra, quan niệm của đào tạo là phải đào tạo theo địa chỉ, ví dụ, sân khấu đang thiếu những ngôi sao sân khấu thì đơn vị đào tạo phải chú trọng đào tạo ngôi sao cho các đơn vị sân khấu XHH, hay là yêu cầu cần diễn viên tính cách, thì nhà trường phải chọn lựa đào tạo diễn viên tính cách cho các nhà hát, sân khấu… đằng này, mình cứ đào tạo chung chung thành ra vừa thừa lại vừa thiếu”.
Hiện nay, sân khấu đang thừa những người đã được đào tạo, nhưng lại thiếu những con người nổi tiếng ở những tính cách khác nhau. Sân khấu vốn là lĩnh vực nghệ thuật đặc thù nên không thể đào tạo chung chung. Sân khấu luôn rất cần những diễn viên, nghệ sĩ có tính cách đặc biệt, để thể hiện các vai diễn. Nếu chỉ tuyển toàn diễn viên đẹp thôi thì trên sân khấu sẽ không còn sự phong phú của đời sống nữa.
Cũng chính vì sự thừa - thiếu ấy mà các sân khấu XHH phải tự tổ chức đào tạo, nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu về diễn viên cho từng sân khấu, theo phong cách của từng sân khấu.
Xã hội hóa đào tạo diễn viên
Khoảng 5 năm trở lại đây, lực lượng diễn viên trẻ được học tập, rèn nghề tại các sân khấu kịch XHH: Hồng Vân, Hoàng Thái Thanh, IDECAF, Kim Chi… đã lên con số hàng trăm, với các khóa học được tổ chức liên tục. Các giảng viên đứng lớp ở những “lò” đào tạo XHH hầu hết là những nghệ sĩ giàu kinh nghiệm nghề, nhiệt huyết với thế hệ trẻ, sẵn sàng truyền dạy cho các em các kiến thức chuyên môn, từ kỹ thuật diễn xuất, tiếng nói sân khấu, cách xử lý tình huống, kinh nghiệm thực tiễn, đặc biệt là chú trọng vào đạo đức nghề nghiệp, lối sống. Tham gia các khóa học (mỗi khóa học từ 4 - 5 học kỳ, thời gian học khoảng 2 năm), các bạn trẻ được tiếp cận gần với khán giả, có nhiều cơ hội được đứng chung sân khấu với các cô chú, anh chị nghệ sĩ đi trước để học hỏi, tiếp thu kinh nghiệm trực tiếp.
Bên cạnh với những khóa học, các sân khấu kịch XHH còn mở rộng cửa đón nhận các bạn sinh viên đã tốt nghiệp ở các trường CĐ-ĐH văn hóa nghệ thuật chính quy để đào tạo lại cho phù hợp với phong cách của từng sân khấu. Ở sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh, sau 5 năm cùng theo NSƯT Thành Hội, NS - đạo diễn Ái Như học nghề, dưỡng nuôi tình yêu và niềm đam sân khấu, những gương mặt trẻ như: Hoàng Vân Anh, Thế Hải, Lương Duyên, Quốc Thịnh, Công Danh, Tuyết Mai… đã tiếp nhận được sự ủng hộ, quan tâm của nhiều khán giả yêu mến sân khấu chính kịch này. Đạo diễn Ái Như chia sẻ: “Dù sân khấu hiện còn gặp nhiều khó khăn, nhưng chúng tôi vẫn luôn cố gắng làm việc hết mình vì nghệ thuật, tiếp tục từng bước củng cố xây dựng và phát triển sân khấu Hoàng Thái Thanh. Cụ thể, vào cuối tháng 3 này, chúng tôi sẽ tổ chức đợt thi tuyển diễn viên mới. Đến thời điểm này, sân khấu đã nhận hơn 100 đơn dự tuyển của các bạn trẻ”.
Giảng viên Trường ĐH Sân khấu và Điện ảnh TPHCM - đạo diễn Vũ Minh, hiện đang hợp tác với sân khấu kịch IDECAF, cũng cho biết: “Tôi tự mở lớp đào tạo, đã tuyển 30 em tốt nghiệp Trường ĐH Sân khấu và Điện ảnh TPHCM (ra trường nhưng không có nơi làm nghề), để đào tạo lại theo phong cách trình diễn của sân khấu IDECAF. Nhờ có căn bản vững chắc nên các em tiếp thu khá nhanh, tự tin đảm nhận các vai diễn. Nhóm diễn viên trẻ này vừa có cơ hội thể hiện niềm đam mê nghệ thuật trong hai vở diễn dịp tết vừa qua là Cướp dâu và Tình yêu không thiên đường. Một số em cũng được chọn tham gia diễn chung với các cô chú, anh chị nghệ sĩ tên tuổi trong những vở khác”.
Tại sân khấu kịch Hồng Vân, sau các khóa học, một số gương mặt mới như: Xuân Nghị, Hoàn Long, Đức Huy, Chu Thanh Vân, Thanh Phong… đã tạo dấu ấn tươi trẻ với khán giả, được yêu thích qua các vai diễn lớn nhỏ trên sân khấu kịch Phú Nhuận, trong các chương trình hài kịch, phim truyền hình. Hy vọng, với tâm huyết, tình yêu và niềm đam mê nghệ thuật của các nghệ sĩ đi trước, các sân khấu XHH sẽ tiếp tục ngày càng hoàn thiện công việc tổ chức đào tạo, góp phần xây dựng một đội ngũ diễn viên trẻ có nghề, có tâm, có tài, để cùng gắn bó, chung tay phát huy các giá trị tích cực mà các sân khấu XHH đã đạt được trong nhiều năm qua.

NSƯT Hữu Châu tâm tư: “Kiến thức chuẩn luôn cần, nhưng thực tiễn đòi hỏi người học phải luôn cập nhật. Nghề này là nghề đặc thù, không phải nghề công thức, dựa trên lý thuyết là một lẽ nhưng cần thiết phải có thực tiễn, kinh nghiệm, vốn sống… để bổ sung, làm đầy tri thức, quan điểm, thẩm mỹ, góc nhìn nhân sinh quan đối với cuộc sống. Chúng tôi cũng thường chỉ dẫn các em rằng phải nắm bắt được thị hiếu khán giả để biết khán giả cần gì. Tôi quan niệm, ngoài việc dạy chuyên môn cho các em, cần phải làm nhiều cách để trái tim các em “sống” trọn vẹn với đời, với người, với nghề. Trước, có nhiều em vô tâm vô tư lắm, giờ đi ngoài đường gặp những hình ảnh cảm động, các em biết rung cảm mà nghề này rất cần sự rung cảm, cảm xúc sâu lắng từ trong trái tim người nghệ sĩ”.


Nguồn: SGGP

 

Bài viết khác

Bế mạc lớp tập huấn diễn viên, nhạc công Tuồng truyền thống

19/05/2024 - 23:39

Ngày 19.5, Lớp tập huấn diễn viên, nhạc công loại hình nghệ thuật tuồng truyền thống - 2024 đã chính thức bế mạc tại Thành phố Đà Nẵng.

Phát động bình chọn 50 tác phẩm văn học nghệ thuật tiêu biểu sau ngày đất nước thống nhất

19/05/2024 - 11:42

Tối 18-5, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức Phát động bình chọn 50 tác phẩm văn học, nghệ thuật biểu diễn Việt Nam tiêu biểu, xuất sắc sau ngày đất nước thống nhất với chủ đề Những bản hùng ca đất nước. Đây là hoạt động nhân kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam.

Khai giảng “Lớp tập huấn diễn viên, nhạc công loại hình nghệ thuật Tuồng truyền thống - 2024”

10/05/2024 - 15:21

 Ngày 10.5, Lớp tập huấn diễn viên, nhạc công loại hình nghệ thuật Tuồng truyền thống - 2024 đã khai mạc tại Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, TP Đà Nẵng.

Festival Huế 2024: Xây dựng chuỗi lễ hội suốt 4 mùa

10/05/2024 - 11:05

Chiều 9/5, Bộ Ngoại giao, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã phối hợp với tổ chức họp báo quốc tế giới thiệu Festival Huế 2024 và Tuần lễ Festival nghệ thuật quốc tế Huế 2024.

Xúc động chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

08/05/2024 - 10:07

Tối 6/5, tại Quảng trường 7/5, thành phố Điện Biên Phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Chương trình Nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) với chủ đề “Điện Biên Phủ - Mốc vàng lịch sử” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp tỉnh Điện Biên tổ chức.

Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca chiến thắng

07/05/2024 - 14:28

Sáng 7/5, tại thành phố Điện Biên Phủ, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024).