Tiếp thêm sức sống để xẩm trở lại với đời

24/02/2015 - 14:04  

(NTBD) - Một trong những loại hình nghệ thuật dân gian mà Trung tâm nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam đã nhiều năm góp sức khôi phục, tìm cách tiếp thêm sức sống và từng bước đưa vào các sinh hoạt văn hóa đương đại là hát xẩm. Không chỉ ở các sân đình, lễ hội, vỉa hè phố cổ, xẩm đã được đưa lên những sân khấu nhà hát, thu hút sự quan tâm của công chúng, nhất là giới trẻ yêu mến nghệ thuật dân tộc.

Tiết mục biểu diễn trong chương trình "Xẩm và đời".

Thực tế cho thấy, xẩm vẫn có khán giả của mình, miễn sao hình thức biểu diễn và cả nội dung phải có những đổi mới phù hợp với cuộc sống hôm nay. Điều này có thể thấy rõ qua chương trình "Xẩm và đời" vừa được Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy âm nhạc dân tộc trực thuộc Trung tâm Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam tổ chức tại Nhà hát TP Hà Nội cuối tháng một vừa qua.
Ban đầu chương trình được gọi là "Xẩm Hà thành", tiếp nối chương trình cùng tên từng được tổ chức năm 2010 gây được tiếng vang lớn. Lần này được đổi tên là "Xẩm và đời", với ý nghĩa xẩm luôn gắn bó với đời sống người dân, là món ăn tinh thần của con người lao động lạc quan và làm vui cho con người như ca dao xưa phản ánh: Tham giàu lấy chú biện tuần/Tuy rằng bóng bẩy, nợ nần chan chan/Thà rằng lấy chú xẩm xoan/Công nợ không có, hát tràn cung mây.
Chương trình ra đời được là nhờ nhiệt huyết của các nghệ sĩ và những người yêu mến, hâm mộ văn hóa dân tộc như nghệ sĩ hát xẩm Mai Tuyết Hoa lặn lội đến các doanh nghiệp hát biểu diễn, vận động tài trợ hoặc như Giáo sư, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu vì yêu xẩm mà trích từ tiền lương hưu mấy chục triệu đồng giúp ban tổ chức và các nghệ sĩ thực hiện chương trình.
Tham gia "Xẩm và đời" cùng với nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa là đội ngũ các nghệ sĩ đầy nhiệt tâm: nhạc sĩ Nguyễn Quang Long, nghệ sĩ Khương Cường, nhạc sĩ Giáng Son; các nghệ sĩ tên tuổi như: NSND Xuân Hoạch, hai NSƯT Thanh Ngoan và Thúy Ngần... Trong đó, có cả cô Nguyễn Thị Mận là con gái của nghệ nhân Hà Thị Cầu từ Ninh Bình cũng lên Hà Nội cùng luyện tập và biểu diễn. Bên cạnh đó là 13 học sinh do nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa đào tạo hơn một năm qua đã biểu diễn rất tốt, giúp cho chương trình nghệ thuật "Xẩm và đời" thêm phong phú, trẻ trung.
Đóng vai trò người xem và cũng là người dẫn chương trình, nhà thơ Vũ Quần Phương và Á hậu Trà Ngọc Hằng đã giúp cho người xem hiểu sâu thêm về nghệ thuật hát xẩm xưa và nay trong khung cảnh sân khấu tái hiện phố cổ Hà Nội xưa với hình ảnh tàu điện trên đường phố, gợi nhớ một khoảng không gian để các nghệ nhân hát xẩm trước đây hành nghề.
Điều bất ngờ với các nghệ sĩ và những người tổ chức là có tới gần nghìn người dự khán, ngồi chật kín cả mấy tầng của Nhà hát TP Hà Nội, nhiều người đã phải đứng xem. Chương trình trước khi biểu diễn dự kiến là một giờ rưỡi, nhưng đã kéo dài tới hai giờ mà khán giả vẫn ngồi, vẫn hào hứng xem và vỗ tay cổ vũ, khen ngợi các nghệ sĩ. Đó là một hiện tượng lạ đối với nghệ thuật dân gian truyền thống trong thời điểm nghệ thuật hiện đại, nghệ thuật giải trí đơn thuần đang chiếm lĩnh, giành giật khán giả với nghệ thuật dân tộc làm cho một số sân khấu vắng người xem. Đây là một tín hiệu đáng mừng cho thấy nhân dân và giới trẻ nước ta vẫn yêu thích nghệ thuật dân tộc.
Cái chính là phải biết cách phát huy, quảng bá, trong đó có vai trò không nhỏ của báo chí truyền thông. Qua chương trình "Xẩm và đời", chúng tôi càng tin là nghệ thuật dân gian truyền thống của dân tộc ta sẽ trường tồn và lan tỏa ngày càng rộng trong nước và nước ngoài.
Điểm mang lại sức thu hút của chương trình "Xẩm và đời" là phải biết tiếp thêm sức sống vào nội dung và hình thức của nghệ thuật hát xẩm.
Quan điểm của tôi trong việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống là tuồng phải là tuồng, chèo phải là chèo, xẩm phải là xẩm... Nhưng không có nghĩa là quá cứng nhắc, máy móc mà phải biết "gạn đục, khơi trong", phải bỏ thô lấy tinh, đồng thời phải thổi hơi thở thời đại vào truyền thống mà "không biến vừng ra ngô" như Bác Hồ đã từng nói về cách tân, phát huy nghệ thuật dân tộc.
Chúng tôi quán triệt tư tưởng chung khi xây dựng các tiết mục xẩm là bám sát truyền thống, phát huy triệt để những làn điệu xẩm đã có trong dân gian, bởi theo tôi không có nghệ thuật mới nào có thể thay thế được những điệu xẩm như: xẩm chợ, xẩm tàu điện, xẩm sai, xẩm ba bậc, xẩm thập ân, xẩm phòng huê...
Để xẩm chuyển tải được nội dung mới, phục vụ các nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay, các nhạc sĩ phải sáng tác những bài xẩm nội dung mới, như nghệ nhân Hà Thị Cầu cách đây nửa thế kỷ đã sáng tác bài "Theo Đảng trọn đời". Và gần đây là nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa đã lồng điệu rất thành công những bài thơ về văn hóa giao thông của hai tác giả Nguyễn Thế Kỷ và Trần Tấn Ngô. Nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa còn sáng tác và biểu diễn xẩm Bình Định quê tôi rất thành công.
Cũng theo cách làm này, hai nhạc sĩ Nguyễn Quang Long và nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa đã mạnh dạn sáng tác tiết mục xẩm Tiễu trừ cướp biểndựa theo điệu xẩm sai của nhân vật phù thủy cúng trừ tà ma. Đây là một trong những tiết mục hấp dẫn nhất trong chương trình "Xẩm và đời".
Các nghệ sĩ còn mạnh dạn đổi mới cả hình thức thể hiện khi đưa nhảy hip hopminh họa vào xẩm làm cho sân khấu thêm màu sắc mới lạ nhưng vẫn không mất xẩm vì múa hiện đại trên nền âm nhạc và hát xẩm truyền thống. Dĩ nhiên, đây chỉ là thử nghiệm, mà đã là thử nghiệm thì có thể thành công và có thể không thành công, khi công chúng, khán giả chấp nhận thì nó sẽ tồn tại. Có điều rất mừng là những thử nghiệm nghệ thuật trong chương trình "Xẩm và đời" đã được phần lớn người xem chấp nhận.
Một chương trình diễn xướng dân gian được thể hiện thành công trên sân khấu như "Xẩm và đời" không thể chỉ một lần biểu diễn. Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam đã có kế hoạch quảng bá và lưu diễn đến các tỉnh, thành phố trong cả nước và thu hình để phát trên sóng một số đài truyền hình. Hy vọng "Xẩm và đời" sẽ thật sự giúp các tầng lớp nhân dân thêm hiểu và thêm yêu xẩm cũng như các nghệ sĩ, nghệ nhân hát xẩm thời nay.

Giáo sư HOÀNG CHƯƠNG (Nguồn: ND)
 

Bài viết khác

Bế mạc lớp tập huấn diễn viên, nhạc công Tuồng truyền thống

19/05/2024 - 23:39

Ngày 19.5, Lớp tập huấn diễn viên, nhạc công loại hình nghệ thuật tuồng truyền thống - 2024 đã chính thức bế mạc tại Thành phố Đà Nẵng.

Phát động bình chọn 50 tác phẩm văn học nghệ thuật tiêu biểu sau ngày đất nước thống nhất

19/05/2024 - 11:42

Tối 18-5, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức Phát động bình chọn 50 tác phẩm văn học, nghệ thuật biểu diễn Việt Nam tiêu biểu, xuất sắc sau ngày đất nước thống nhất với chủ đề Những bản hùng ca đất nước. Đây là hoạt động nhân kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam.

Khai giảng “Lớp tập huấn diễn viên, nhạc công loại hình nghệ thuật Tuồng truyền thống - 2024”

10/05/2024 - 15:21

 Ngày 10.5, Lớp tập huấn diễn viên, nhạc công loại hình nghệ thuật Tuồng truyền thống - 2024 đã khai mạc tại Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, TP Đà Nẵng.

Festival Huế 2024: Xây dựng chuỗi lễ hội suốt 4 mùa

10/05/2024 - 11:05

Chiều 9/5, Bộ Ngoại giao, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã phối hợp với tổ chức họp báo quốc tế giới thiệu Festival Huế 2024 và Tuần lễ Festival nghệ thuật quốc tế Huế 2024.

Xúc động chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

08/05/2024 - 10:07

Tối 6/5, tại Quảng trường 7/5, thành phố Điện Biên Phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Chương trình Nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) với chủ đề “Điện Biên Phủ - Mốc vàng lịch sử” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp tỉnh Điện Biên tổ chức.

Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca chiến thắng

07/05/2024 - 14:28

Sáng 7/5, tại thành phố Điện Biên Phủ, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024).