“Thu Phong” và sự kết hợp giữa Kim-Cổ, Đông-Tây

02/11/2016 - 21:59  

(NTBD) – “Thu Phong" - tên gọi buổi biểu diễn nghệ thuật lần đầu tiên kết hợp giữa nhóm Đông Kinh Cổ Nhạc (Ancient Music of Tonkin) và nhóm Thính phòng Đương đại Hà Nội (Hanoi New Music Ensemble) sẽ mang đến cho khán giả một tối ngập tràn các cung bậc cảm xúc từ âm nhạc truyền thống tới âm nhạc đương đại Việt Nam.

Nhóm Đông Kinh Cổ nhạc. Ảnh: Nguyễn Á


Chương trình hòa nhạc mở màn bằng tiết mục được trình bày bởi nhóm Đông Kinh Cổ Nhạc, “Khúc nhạc Cửa Đình” - một liên khúc của các bản nhạc và bài hát cổ truyền đã từng được diễn xướng ở cửa đình làng Việt thời xa xưa. Đình làng Việt từng là cái nôi văn hoá truyền thống của cá vùng quê miền Bắc, hát Cửa Đình là những tiết mục cổ xưa nhất còn được gìn giữ cho tới ngày nay.
 

Phù thủy âm nhạc Vũ Nhật Tân. Nguồn: dantri.com.vn


Với sự dẫn dắt của nhạc trưởng người Mỹ Jeff Von Der Schmidt và trợ lý của ông, nghệ sĩ violin Jan Karlin, chương trình tiếp nối bằng một chuỗi các tác phẩm âm nhạc đương đại bắt đầu với sự góp mặt của hai nhà soạn nhạc tiên phong gốc Việt Tôn Thất Tiết và Nguyễn Thiện Đạo. “Thu Phong” của Tôn Thất Tiết sẽ mang đến những chuỗi âm thanh cùng các tạo hình cho violin và piano - với hình ảnh của những chiếc lá rơi trôi theo dòng nước chảy không ngừng, chỉ được nâng đỡ bởi sự mong manh của chúng.

Chương trình sẽ diễn ra lúc 20h ngày 4/11/2016 tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Hà Nội

 


Nguyễn Thiên Đạo, nhà soạn nhạc bậc thầy người Việt đã qua đời vào tháng 11 năm 2015, được nhớ đến và ngợi ca vì những đấu tranh của ông cho tự do của Việt Nam thông qua một nhạc phẩm ám ảnh mang tên “Tuyến Lửa” – bản Nocturne tĩnh lặng cho sáo và cồng chiêng.


Chuyến du hành mang tên “Voyage” của Tôn Thất Tiết, được viết tặng riêng nghệ sĩ cello người Ấn Độ Rohan de Saraam và cũng là tiếng vọng từ những bài ca của Huế, thành phố quê hương ông. Một tác phẩm bảy phút thú vị và bốc lửa pha trộn tinh thần của Ấn Độ và Việt Nam.


“Cảm Xúc” của nhạc sĩ trẻ Minh Nhật sẽ khép lại phần một của chương trình. Chàng trai trẻ này muốn truyền tải rằng cảm xúc của con người trong không tuyệt đối chỉ là vui hay buồn hay lo lắng hay hứng khởi không mà thực tế là chúng hòa trộn lại với nhau. Đó là vì cuộc sống hiện đại khiến chúng ta cùng một lúc phải suy nghĩ tới, nào là việc làm ở công ty nào là chăm lo cho gia đình... Cho nên chúng ta sẽ có nhiều cảm xúc trộn lẫn với nhau do chúng ta phản ứng khác với từng sự kiện.


“Khúc nhạc đồng quê” của nhà soạn nhạc vĩ đại Stravinsky - mở màn phần hai của chương trình - được soạn như một lời cảm ơn đến phu nhân Rimsky-Korsakov ở thành phố St Petersburg và ban đầu tác phẩm này dành cho giọng nữ cao. Stravinsky đã chuyển soạn phần giai điệu cho nghệ sĩ violin Samuel Dushkin và tứ tấu kèn oboe, English horn, clarinet và bassoon. Giai điệu tiên đoán những khoảnh khắc trong vở ba lê Con Chim Lửa của tác giả sau này.


Tiếp sau đó là bản “Chơi vơi 1” của nhà soạn nhạc thiên tài Pierre Boulez– sáu phút tỏa sáng hài hòa của tác phẩm có thể sánh với chương nhạc xuất sắc trong Golden carp in a pond : một khoảnh khắc tĩnh lặng được tiếp nối bằng một khoảnh khắc khác có tốc lực cực lớn. Một giới thiệu hoàn hảo cho một trong những nhạc sĩ lớn của thời đại chúng ta. Pierre Boulez qua đời ở tuổi 90 tuổi vào tháng 1 năm nay và đây là buổi hòa nhạc đầu tiên trình diễn âm nhạc của Pierre Boulez tại Việt Nam.


Kết thúc chương trình sẽ là tác phẩm của hai nhà soạn nhạc đương đại hàng đầu của Việt Nam, chịu ảnh hưởng lớn từ nhà soạn nhạc Tôn Thất Tiết là Trần Kim Ngọc và Vũ Nhật Tân qua hai tác phẩm đắc sắc Phục hồn và Ký ức.


Phục hồn là một bản hoà tấu thính phòng đương đại về chủ đề tâm linh đáng chú ý nhất từng được Kim Ngọc viết khi còn là sinh viên.


“Năm 1994 cha tôi qua đời. Theo phong tục miền bắc Việt Nam, vào ngày thứ 3 sau cái chết của 1 người thân, gia đình họ sẽ tổ chức một lễ cúng gọi là lễ “Phục hồn” Người Việt Nam tin rằng sau ba ngày hồn siêu phách lạc, linh hồn người đã mất thường quay về luẩn quẩn bên thân xác lạnh lẽo của mình. Họ rất ngỡ ngàng và buồn khổ khi nhận thấy mình không thể nhập trở lại vào xác để tiếp tục cuộc sống trước đây. Họ thường không chịu tin rằng mình đã chết, không muốn chấp nhận nó. Họ tiếp tục tham gia một cách vô hình vào những sinh hoạt thường ngày của gia đình, đầy dằn vặt tiếc nuối.

Đây chính là thời điểm để tiến hành lễ Phục hồn. Một thầy cúng hoặc 1 nhà sư sẽ chủ trì lễ Phục hồn. Rất nhiều bài kinh cầu siêu được đọc và lễ cúng được tiến hành trong vòng 1 hoặc nhiều ngày để an ủi linh hồn người đã khuất, báo với họ rằng họ đã chết, rằng họ đã không còn thuộc về thế giới này nữa.

Cha hãy ra đi, hãy từ bỏ mọi vướng bận, gột sạch những ái ố hỉ nộ của kiếp sống trần gian để trở nên tinh khiết, nhẹ bỗng như một tia sáng. Cha hãy bắt đầu một chặng đường mới, phía xa kia những rung cảm bất diệt của cõi vĩnh hằng đang đón đợi cha…” – Kim Ngọc.

Ký ức được Vũ Nhật Tân viết trong những năm còn là sinh viên của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và chịu ảnh hưởng của âm nhạc đương đại Pháp lúc bấy giờ. Tác phẩm soạn cho nhóm nhạc nhỏ với lối chơi vừa độc lập vừa tương tác lẫn nhau, phỏng theo cấu trúc âm nhạc “tài tử cải lương” truyền thống của Việt Nam. Tác phẩm sử dụng những kỹ thuật trình tấu phức tạp và mang theo âm hưởng âm nhạc cổ truyền Việt Nam.

Ở buổi diễn này, âm nhạc đương đại sẽ là chiếc cầu nối văn hóa Đông –Tây và Mới - Cũ, để tất cả cùng đắm mình trong thế giới giàu cảm xúc của âm thanh và nhạc điệu. Với sự kết hợp độc đáo, âm nhạc cổ truyền và đương đại chắc chắn sẽ mang đến cho khán giả những cảm giác mới lạ cùng những ấn tượng khó phai.


Chương trình sẽ diễn ra lúc 20h ngày 4/11/2016 tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Hà Nội.



Linh Đan

Bài viết khác

GẶP MẶT CÁN BỘ HƯU TRÍ CỤC NGHỆ THUẬT BIỂU DIỄN NHÂN DỊP XUÂN ẤT TỴ 2025

20/01/2025 - 12:59

Trong tiết trời se lạnh của những ngày giáp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, sáng ngày 20/01/2025, tại Cục Nghệ thuật biểu diễn diễn ra buổi gặp mặt cán bộ hưu trí trong không khí ấm áp, nghĩa tình. Đây là dịp để tri ân các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đã và đang công tác tại Cục sum vầy, chia sẻ những kỷ niệm và cùng hướng về một năm mới tràn đầy hy vọng.

Vinh danh các gương mặt nghệ sĩ tiêu biểu và một số cuốn sách nổi bật

09/01/2025 - 06:20

Tối 11.1 tại Nhà hát Thành phố Hải Phòng, Bộ VHTTDL chủ trì phối hợp với UBND Thành phố Hải Phòng tổ chức Chương trình giới thiệu các gương mặt nghệ sĩ tiêu biểu và một số cuốn sách nổi bật lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, văn học năm 2024. Đây là sự kiện mang ý nghĩa lớn, không chỉ nhằm tôn vinh những cá nhân và tập thể xuất sắc mà còn khơi dậy tinh thần sáng tạo, cống hiến của những người làm nghệ thuật và văn học.

Tổng Bí thư Tô Lâm: Văn nghệ sĩ cần chiếm lĩnh những đỉnh cao mới trong sáng tạo nghệ thuật

31/12/2024 - 06:00

Chiều ngày 30/12, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chủ trì Hội nghị gặp mặt đại biểu văn nghệ sỹ toàn quốc.

Chùm ảnh: Tổng Bí thư Tô Lâm gặp mặt đại biểu văn nghệ sĩ

31/12/2024 - 04:09

Chiều 30/12/2024, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự Hội nghị gặp mặt đại biểu văn nghệ sĩ.

Việt Nam – Huyền sử diễn ca: Thăng Long – Tứ Trấn hồi sinh qua lăng kính nghệ thuật

30/12/2024 - 21:03

Tối 29.12, chương trình nghệ thuật thực cảnh “Việt Nam – Huyền sử diễn ca: Thăng Long – Tứ Trấn” đã diễn ra tại khu Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long (19C Hoàng Diệu, Ba Đình, Hà Nội), thu hút sự quan tâm của hơn 1.600 người. Tham dự sự kiện có Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông, tổng đạo diễn chương trình cùng lãnh đạo các cục, vụ, các đơn vị chức năng của Bộ VHTTDL.

Tổng duyệt chương trình nghệ thuật “Việt Nam – Huyền sử diễn ca" "Thăng Long – Tứ Trấn”

28/12/2024 - 23:59

Tối 28/12, tại 19C Hoàng Diệu, dưới tiết trời đầu đông Hà Nội, 450 nghệ sĩ, nghệ nhân, diễn viên và thiếu nhi đã dốc toàn bộ tâm huyết trong buổi tổng duyệt chương trình nghệ thuật thực cảnh “Việt Nam – Huyền sử diễn ca” “Thăng Long – Tứ Trấn”. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Tạ Quang Đông – đồng thời là tổng đạo diễn của chương trinh, buổi tổng duyệt diễn ra đầy ấn tượng và trọn vẹn sự độc đáo.