Thái Nguyên: Rối Tày Thẩm Rộc hồi sinh
08/04/2016 - 09:55
(NTBD) - Sau bao năm tháng thăng trầm theo những biến cố của thời gian, nghệ thuật múa rối cạn của người Tày ở Thẩm Rộc, xã Bình Yên, huyện Định Hóa (Thái Nguyên) tưởng như đã bị mai một, thất truyền. Nhưng rồi từ một cơ duyên được “lọt vào mắt xanh” của các nhà nghiên cứu dân tộc học, những con rối cổ nằm ủ rũ, mối mọt trong hòm gỗ được đánh thức, hồi sinh trở lại sân khấu lắc lư nhảy múa theo từng lời giáo, từng hồi trống thì thùng, tiếng khèn, nhị réo rắt. Tìm về phường rối
![]() |
Phường rối Thẩm Rộc biểu diễn tại Lễ hội Lồng tồng |
Theo lời giới thiệu của cán bộ Phòng Văn hóa huyện, tôi tìm đến thôn Yên Hòa 2 để gặp nghệ nhân Ma Quang Tiều, một thành viên trong phường rối Thẩm Rộc. Rót nước mời khách rồi ông Tiều vào buồng lấy ra một tệp tài liệu đưa cho tôi xem “Xuất xứ về phường rối Thẩm Rộc và những bài giáo bằng chữ nôm Tày đã được dịch ra tiếng Tày, tiếng Kinh.
Theo tài liệu ghi chép thì nghệ thuật rối cạn của dòng họ Ma Quang ra đời đã mấy trăm năm. Ông tổ của phường rối Thẩm Rộc là cụ Ma Quang Bằng (tức là Ma Công Bằng) vốn là người rất yêu thích văn nghệ, biết bên tỉnh Tuyên Quang có trò rối, cụ Ma Công Bằng đã lặn lội sang đó để học cách diễn trò. Rồi cụ mang về 5-6 con rối cùng một cuốn “bảo bối” ghi chép lại các bài giáo.
Ban đầu, rối Tày Thẩm Rộc chỉ có 5-6 con, đến đời cụ Tổ thứ năm là ông Ma Quang Lai đã dựa theo những tích truyện chế tác thêm cho phù hợp thành bộ rối 33 con. Bộ rối thể hiện nhiều nhân vật đa dạng. Có những con vật siêu thực như rồng, có những con vật có thật như hạc, ngựa, tắc kè… Tất cả các con rối được tạo hình khá đẹp mắt và sinh động, gắn với quan niệm thẩm mỹ trong nghệ thuật vẽ tranh thờ của người Tày. Đặc biệt, một số con rối là hình người, khoác trên mình những bộ xiêm áo lộng lẫy bằng vải màu.
![]() |
Sau bao năm tháng thăng trầm, nghệ thuật Rối Tày Thẩm Rộc (Thái Nguyên) đã hồi sinh. |
Theo nghệ nhân Ma Quang Tiều, đã thành thông lệ, vào ngày hội Lồng tồng (mồng 6.1 âm lịch) hằng năm hoặc trong những dịp lễ hội của dân bản, những màn múa rối Thẩm Rộc đều thu hút khán giả nô nức tới xem. Mỗi buổi biểu diễn múa rối thường kéo dài khoảng một tiếng đồng hồ, theo trình tự nội dung “tiền ối, hậu la”. Nghĩa là mở màn biểu diễn (phần “ối”), 2 con rối to nhất được đưa lên sân khấu biểu diễn, đó là những con rối “đầu đàn”. Con mặt đỏ tượng trưng cho người đàn ông gọi là giống đực, con mặt trắng tượng trưng cho đàn bà giống cái. Tiếp theo phần “ối” là các trò diễn phụ họa cho các bài giáo. Lời giáo trong các trò rối là những bài văn vần, phần nhiều bằng tiếng Kinh và một số bằng tiếng Tày, được chia ra thành các bài như: Giáo pháo, Giáo mệ, Giáo chàng, Giáo xiêm, Giáo cày bừa, Giáo tắc kè, Giáo trống, Giáo màn… Nội dung bài giáo là tích cổ cùng với lời ca ngợi thần thánh linh thiêng, chúc tụng vua quan khang thọ, dân bản bình yên, giàu có, đỗ đạt…
Phường rối “thức giấc”
Trải qua 13 đời lưu truyền và tiếp nối, 33 quân rối cổ đến nay đã có tuổi đời hơn 200 năm vẫn được dòng họ Ma Quang giữ gìn rất cẩn thận. Tuy nhiên, suốt một thời gian dài (từ 1958 đến 1997), do chiến tranh và cuộc sống của các gia đình trong dòng họ Ma Quang còn nhiều khó khăn nên phường rối bị mai một, gián đoạn.
![]() |
Các nghệ nhân phường rối Thẩm Rộc khấn vái tổ tiên trước khi diễn trò rối. |
Năm 1997, một đoàn cán bộ nghiên cứu của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cùng một chuyên gia người Mỹ đã tìm đến làng Thẩm Rộc để sưu tầm một số hiện vật văn hóa dân tộc. Biết dòng họ Ma Quang hiện còn lưu giữ những con rối cổ cũng như nghệ thuật rối cạn đặc sắc một thời, những vị khách đã đề nghị ông Ma Quang Chóng cùng với cha của mình là ông Ma Quang Mai khôi phục nghệ thuật rối cạn gia truyền.
Ngày 8.6.2015, Bộ VHTTDL đã ban hành Quyết định 1877/QĐ-BVHTTDL công nhận loại hình diễn xướng rối cạn của người Tày ở Thẩm Rộc là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đây sẽ là cơ sở quan trọng để rối Tày Thẩm Rộc thực sự hồi sinh, phát triển trong lòng dân tộc. |
Được sự giúp đỡ của Đoàn nghiên cứu, ông Chóng đã nhờ người dịch được 12 bài giáo, 8 trò rối cổ từ sách nôm Tày cổ rồi chế tác lại một số con rối đã bị mối mọt, lập phường tập luyện, biểu diễn. Năm 1998, sau một thời gian dài bị lãng quên, tại sân làng Thẩm Rộc những con rối với áo xiêm lộng lẫy, những rối nông dân, rối tắc kè, rối trâu cày… “bước” ra sân khấu trong những tiếng reo hò, cổ vũ, những tràng vỗ tay rào rào không ngớt. Nhiều cụ già không cầm được nước mắt khi nhìn thấy hình ảnh tuổi thơ của mình qua những trò rối đã diễn cách đây gần nửa thế kỷ…
Nguồn: Báo Văn hóa
Bài viết khác
NSND Xuân Bắc, Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn: Những giải thưởng như "Cống hiến" rất cần thiết
09/03/2025 - 09:35
"Giải thưởng Cống hiến qua theo dõi nhiều năm, tôi thấy ngày càng chất lượng. Chưa cần nói đến những người nhận giải mà chỉ nói đến người tham gia thôi thì thấy thật đáng ngưỡng mộ, từ đó thấy rõ tinh thần của giải thưởng danh giá này" - đó là chia sẻ của NSND Xuân Bắc, Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn, tại Lễ trao giải Cống hiến 2025.
GIẢI CẦU LÔNG LẦN THỨ NHẤT CHÀO MỪNG NGÀY QUỐC TẾ PHỤ NỮ 8/3: SỨC KHỎE, GẮN KẾT VÀ NIỀM VUI
08/03/2025 - 11:50
Sáng ngày 7/3, tại Hội trường tầng 7 của Cục Nghệ thuật biểu diễn, đã diễn ra Giải cầu lông lần thứ nhất chào mừng kỷ niệm 115 năm ngày Quốc tế phụ nữ 8/3.
Trao quyết định bổ nhiệm ông Lê Hải Bình và ông Phan Tâm giữ chức Thứ trưởng Bộ VHTTDL
27/02/2025 - 22:13
Sáng 27/02, tại trụ sở Bộ VHTTDL, đã diễn ra Lễ trao quyết định của Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm Thứ trưởng Bộ VHTTDL.
Thủ tướng bổ nhiệm ông Lê Hải Bình giữ chức Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
26/02/2025 - 22:15
Ông Lê Hải Bình, Ủy viên Dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản được điều động, bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Thúc đẩy nghệ thuật biểu diễn đem lại đóng góp tích cực cho công nghiệp văn hóa
12/02/2025 - 08:51
Sáng 11/02, tại Hà Nội, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã chủ trì buổi làm việc về các nhiệm vụ phát triển công nghiệp văn hóa (CNVH) và hoạt động của các Nhà hát thuộc Bộ năm 2025. Cùng dự buổi làm việc có các Thứ trưởng: Tạ Quang Đông, Hồ An Phong.
95 năm - Ánh sáng soi đường: Bản giao hưởng của niềm tin, lòng tự hào và khát vọng vươn lên
04/02/2025 - 09:35
Tối 3/2/2025, tại Quảng trường Cách mạng Tháng Tám, Hà Nội, đã diễn ra chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2025). Chương trình được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam.