Tạo điều kiện phát triển văn học, nghệ thuật của người Việt Nam ở nước ngoài

28/04/2025 - 21:42  

Chiều 28.4, Hội đồng Lý luận Trung ương và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề “Văn học, nghệ thuật của người Việt Nam ở nước ngoài sau 50 năm đất nước thống nhất, đổi mới, phát triển (1975-2025)”.

Tạo điều kiện phát triển văn học, nghệ thuật của người Việt Nam ở nước ngoài - ảnh 1

Các đại biểu tham dự Hội thảo trực tiếp

Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng dự và chỉ đạo Hội thảo.

Đại diện Bộ VHTTDL tham dự Hội thảo có Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng, PGS.TS Lê Hải Bình, Thứ trưởng Thường trực Bộ VHTTDL.

Hơn 150  nhà khoa học, văn nghệ sĩ là người Việt Nam đang sống, làm việc ở trong nước, nước ngoài và các học giả quốc tế tham dự Hội thảo. Hội thảo được tổ chức bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến (với các nhà khoa học ở nước ngoài), đã nhận được 59 bản tham luận.

Tạo điều kiện phát triển văn học, nghệ thuật của người Việt Nam ở nước ngoài - ảnh 2

Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng phát biểu

Báo cáo Đề dẫn tại Hội thảo do PGS,TS, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương trình bày đã đánh giá tình hình, diện mạo văn học, nghệ thuật của người Việt Nam và người gốc Việt ở nước ngoài với nhiều giai đoạn phát triển trong 50 năm đất nước thống nhất, đổi mới, phát triển. 

Dẫu sống xa Tổ quốc, dẫu là thế hệ thứ hai, thứ ba, thứ tư, nhưng phần đông đồng bào Việt Nam ở xa Tổ quốc, trong đó có giới trí thức, văn nghệ sĩ đều mang trong mình dòng máu Việt, văn hoá Việt, hồn cốt Việt, luôn hướng về quê hương. 

Về cảm hứng, chủ đề, đề tài sáng tạo, phần đông là chân thành, tha thiết, vẫn gắn bó sâu sắc với nguồn cội, với văn hóa Việt, ngôn ngữ Việt, quan tâm, mừng vui trước những đổi thay lớn lao, sâu sắc ở quê nhà; tự hào là người Việt Nam, dân tộc Việt Nam, nguồn cội Việt Nam.

Hoạt động giao lưu, quảng bá, hợp tác giữa các hội, các đơn vị văn học, nghệ thuật ở trong nước với các tổ chức, cá nhân là văn nghệ sĩ người Việt Nam ở nước ngoài được tăng cường, mang lại kết quả rất đáng mừng. Không ít văn nghệ sĩ người Việt rất nổi tiếng ở nước ngoài, sau bao nhiêu năm xa quê, đã mong ước về lại quê hương như GS Trần Văn Khê, nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị và nhiều người khác…

Bên cạnh những nỗ lực và kết quả rất đáng ghi nhận đã nêu, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ nhận định, quá trình hướng về, quay về với đất nước, với cội nguồn, những gắng gỏi để hoà giải, hoà hợp, khép lại quá khứ, hướng tới tương lai trong một bộ phận văn nghệ sĩ người Việt Nam ở nước ngoài với trong nước vẫn còn có một số rào cản, trở ngại;

Có khoảng cách về tâm lý, do mặc cảm; do những khác biệt về quan điểm đã có từ rất lâu; do bị một số luận điệu tuyên truyền có tính lừa dối, kích động. Một số người có quan điểm cực đoan, thậm chí, thù địch. 

Tạo điều kiện phát triển văn học, nghệ thuật của người Việt Nam ở nước ngoài - ảnh 3

PGS.TS, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương trình bày báo cáo đề dẫn

Các đại biểu tham dự Hội thảo đã tập trung trao đổi, thảo luận về thực trạng văn học, nghệ thuật của người Việt Nam ở nước ngoài với diễn trình phát triển văn học, nghệ thuật qua các giai đoạn lịch sử, nhất là từ năm 1975 đến nay; 

 Nhận diện đội ngũ các văn nghệ sĩ; đi sâu vào từng loại hình văn học, nghệ thuật; các khu vực  sinh sống, hoạt động văn nghệ; chủ đề, nội dung, phương pháp sáng tác; hoạt động lý luận, phê bình, dịch thuật; chỉ ra ưu điểm, kết quả và hạn chế, bất cập, lý do của hạn chế, bất cập. 

Các tham luận cũng nêu những đề xuất, kiến nghị với lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam; với lãnh đạo của nước sở tại để khuyến khích, tạo điều kiện cho việc phát triển văn học, nghệ thuật của người Việt Nam ở nước ngoài; giải quyết một số khó khăn, vướng mắc để tạo ra bước phát triển tốt hơn trong những năm tới.

Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng khẳng định, trong nền văn học, nghệ thuật Việt Nam ngày nay có một bộ phận hết sức quan trọng, đó là hoạt động văn học,nghệ thuật hết sức phong phú và đặc sắc của kiều bào ta ở nước ngoài - gần 6 triệu người con sống xa quê hương nhưng luôn hướng về Tổ quốc. Đây là “cửa sổ văn hóa”, mở ra cho thế giới cái nhìn sâu sắc về bản sắc, tâm hồn, trí tuệ và khát vọng của dân tộc Việt Nam. 

Các văn nghệ sĩ người Việt ta ở nước ngoài là những "đại sứ văn hóa", “người thắp lửa” truyền giữ bản sắc văn hóa dân tộc trong cộng đồng kiều bào ta; đồng thời là đội ngũ tiên phong trong việc tăng cường giao lưu nhân dân, tạo dựng sự hiểu biết và mối thiện cảm giữa Việt Nam với các nước.

Thông qua các tác phẩm văn học, âm nhạc, hội họa, điện ảnh và nhiều loại hình nghệ thuật khác, hình ảnh một Việt Nam tươi đẹp, giàu truyền thống, đổi mới, năng động, sáng tạo và nhân văn được giới thiệu sinh động tới bạn bè khắp năm châu; trở thành cầu nối hiệu quả thúc đẩy hội nhập, nâng cao sức mạnh “mềm” quốc gia, khẳng định vị thế và uy tín nước ta trên trường quốc tế.

Tạo điều kiện phát triển văn học, nghệ thuật của người Việt Nam ở nước ngoài - ảnh 4

GS.TS Nguyễn Xuân Thắng  nhận định, Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam luôn trân trọng khẳng định và đánh giá cao vị trí, đóng góp to lớn của kiều bào ta đối với công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Điều đó được thể hiện qua nhiều chủ trương, chính sách quan trọng trong tiến trình đổi mới và trong các Văn kiện Đại hội Đảng qua nhiều nhiệm kỳ.   

Để tiếp tục thúc đẩy sự phát triển và phát huy những đóng góp to lớn của văn học, nghệ thuật của kiều bào ta ở nước ngoài, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng đề nghị cần quan tâm thực hiện thật tốt một số giải pháp mang tính định hướng như sau:  

Trước hết, cần tạo dựng một môi trường thuận lợi, cởi mở nhằm khuyến khích các văn nghệ sĩ kiều bào sáng tạo nghệ thuật gắn bó với cội nguồn dân tộc. Các cơ quan chức năng trong nước cần đẩy mạnh việc thiết lập các không gian giao lưu văn hóa, nghệ thuật, tổ chức các trại sáng tác, cuộc thi, triển lãm dành riêng cho văn nghệ sĩ Việt Nam ở nước ngoài. 

Cần tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng những Trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài, nhất là ở những nước có đông bà con Việt kiều sinh sống, để đây không chỉ là nơi giữ gìn, giới thiệu văn hóa Việt Nam mà còn là "ngôi nhà chung" để các văn nghệ sĩ gắn kết, sáng tạo và quảng bá tác phẩm của mình.

Chú trọng ghi nhận và tôn vinh văn nghệ sĩ Việt Nam ở nước ngoài. Việc ghi nhận, biểu dương những đóng góp của các văn nghệ sĩ cần được thực hiện thường xuyên và có chiều sâu. Thiết lập nhiều hơn các giải thưởng văn học, nghệ thuật dành riêng cho người Việt Nam ở nước ngoài; tổ chức nhiều hơn, thường xuyên hơn các lễ vinh danh, trao tặng danh hiệu, bằng khen cho những cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới. 

Triển khai các cơ chế, chính sách thiết thực nhằm hỗ trợ đội ngũ văn nghệ sĩ người Việt Nam ở nước ngoài theo tinh thần đột phá trong các nghị quyết mới của Đảng. Đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ tài chính, học bổng sáng tác cho các văn nghệ sĩ trẻ, hỗ trợ xuất bản, biểu diễn, triển lãm, đi kèm với việc tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho các hoạt động nghệ thuật quốc tế. 

Tạo điều kiện phát triển văn học, nghệ thuật của người Việt Nam ở nước ngoài - ảnh 5

Cần xây dựng các quỹ hỗ trợ sáng tạo văn học nghệ thuật cho cộng đồng người Việt ở nước ngoài, tạo điều kiện để họ duy trì và phát triển hoạt động nghệ thuật trong môi trường mới mà không bị biệt lập, đứt gãy với nền tảng văn hóa dân tộc. Đẩy mạnh kết nối với các tổ chức nghệ thuật quốc tế nhằm hỗ trợ văn nghệ sĩ Việt Nam ở nước ngoài tiếp cận những cơ hội phát triển mới, nâng cao vị thế và ảnh hưởng.

Tăng cường hợp tác giữa đội ngũ văn học, nghệ thuật trong nước và ngoài nước. Cần thiết lập cơ chế phối hợp thường xuyên giữa các hội văn học, nghệ thuật trong nước với các hội, nhóm văn nghệ sĩ Việt Nam ở nước ngoài. 

Tăng cường sử dụng các nền tảng số để chia sẻ thông tin, quảng bá tác phẩm và tổ chức hoạt động chung. Xây dựng các mạng lưới sáng tạo văn học, nghệ thuật để tạo lập cầu nối vững chắc, thắt chặt tình đoàn kết, phát huy sức mạnh tổng hợp của đội ngũ văn nghệ sĩ Việt Nam trong và ngoài nước trong công cuộc xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. 

Trong phần tổng kết Hội thảo, Uỷ viên Trung ương Đảng, TS Phạm Tất Thắng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương cảm ơn các đồng chí lãnh đạo, các nhà khoa học, văn nghệ sĩ trong và ngoài nước và các học giả quốc tế đã mang đến Hội thảo không khí học thuật sôi nổi, tình cảm gắn bó, hợp tác, đặc biệt là có nhiều tham luận, trao đổi thẳng thắn, tâm huyết, trách nhiệm, nhân văn. 

Những ý kiến, kiến nghị của các nhà khoa học, văn nghệ sĩ sẽ được Hội đồng Lý luận Trung ương tiếp thu, tư vấn cho Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan trong xây dựng và thực thi đường lối, chính sách phát triển văn học, nghệ thuật; có thêm những quyết sách đúng đắn, kịp thời để phát triển nền văn hóa, văn nghệ nước nhà và của đồng bào ta sống xa Tổ quốc ngày càng phong phú, đặc sắc hơn. 

Theo Báo Văn hóa

Bài viết khác

Cục Nghệ thuật biểu diễn công bố các Quyết định bổ nhiệm ngạch Chuyên viên chính: Khẳng định năng lực, tinh thần cống hiến

07/05/2025 - 16:01

Sáng ngày 7/5/2025, tại trụ sở Cục Nghệ thuật biểu diễn đã diễn ra Lễ công bố các Quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc bổ nhiệm và xếp lương ngạch Chuyên viên chính đối với bốn công chức thuộc Cục Nghệ thuật biểu diễn.

XÚC ĐỘNG NHÌN LẠI CHƯƠNG TRÌNH NGHỆ THUẬT ĐẶC SẮC “MÙA XUÂN THỐNG NHẤT” - DẤU SON KHÉP LẠI CHUỖI HÀNH TRÌNH TỎA SÁNG

03/05/2025 - 13:00

Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Mùa xuân thống nhất” vào tối 29/4 tại TP.HCM, đã diễn ra trong không khí trang trọng, xúc động và đầy tự hào.

KHÁT VỌNG HÒA BÌNH VÀ LÒNG KIÊU HÃNH CỦA DÂN TỘC TẠI LỄ KỶ NIỆM TRỌNG THỂ 50 GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC

30/04/2025 - 16:31

Lễ kỷ niệm và diễu binh, diễu hành 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước không chỉ là dịp tri ân chiến thắng vĩ đại 30/4/1975 mà còn là lời khẳng định hùng hồn về tầm vóc lịch sử của dân tộc Việt Nam trong hành trình giành lại độc lập, tự do và thống nhất non sông. Đây cũng là dịp phát huy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Kỷ niệm trọng thể 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

30/04/2025 - 08:45

Sáng nay 30.4, tại TP.HCM, Ban Chỉ đạo Trung ương kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước trong 3 năm 2023-2025 tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975-30.4.2025).

Tổng Bí thư Tô Lâm dự chương trình nghệ thuật “Mùa xuân thống nhất” tại TP.HCM

29/04/2025 - 22:34

Tối 29.4, tại TP.HCM đã diễn ra chương trình nghệ thuật đặc biệt “Mùa xuân thống nhất”. Chương trình do Bộ VHTTDL chủ trì, phối hợp cùng Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và UBND TP.HCM tổ chức.

Hùng tráng chương trình chính luận nghệ thuật “Hẹn ước Bắc - Nam”

23/04/2025 - 05:48

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tối 22.4, Chương trình chính luận nghệ thuật “Hẹn ước Bắc - Nam” với sân khấu thực cảnh lớn nhất từ trước đến nay đã được tổ chức tại sân vận động quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội.