Sống lại những câu chuyện vượt thời gian
14/10/2023 - 14:07
Không dừng ở “ngày xửa ngày xưa” trong thế giới cổ tích, những tích truyện dân gian đã được làm sống lại đầy màu sắc, với góc nhìn mới mẻ trong nhiều cuốn sách, dự án nghệ thuật, qua đó đưa mỗi tâm hồn Việt hòa vào dòng chảy bất tận của văn hóa truyền thống.
Cảnh trong vở nhạc kịch “Đồng Dao Cổ tích” Ảnh: BTC
Khai thác mạch nguồn dồi dào theo hướng mới
Bộ sách dân gian dành cho thiếu nhi với ba mảng Câu đố dân gian, Đồng dao cho bé, Truyện tranh cổ tích Việt Nam vừa được NXB Phụ nữ Việt Nam thực hiện và ra mắt độc giả. Đây là bộ sách thuộc Tủ sách dân gian dành cho thiếu nhi do đơn vị xây dựng, nhằm mở rộng vốn từ vựng và giúp các em nhỏ hiểu hơn về văn hóa dân tộc.
Biên tập viên NXB Phụ nữ Việt Nam Nghiêm Thùy Dung cho biết, sách cho thiếu nhi hiện nay rất đa dạng và phong phú, song phần lớn hướng đến các hoạt động kỹ năng để giúp trẻ phát triển lành mạnh cả về thể chất và tinh thần. Bên cạnh đó, việc giúp trẻ phát triển ngôn ngữ cũng đặc biệt quan trọng. Nhận thấy để có vốn từ phong phú, ngoài quá trình giao tiếp, trẻ cần đọc nhiều sách văn học, trong đó có văn học dân gian. Vì vậy, NXB quyết định xuất bản bộ sách này với hy vọng các em vừa mở rộng được vốn từ vựng, vừa có được nguồn sách tư liệu để hiểu hơn về văn hóa nước mình.
Văn học dân gian là một đề tài luôn được các đơn vị xuất bản khai thác rất đều đặn, bền bỉ. Các tác phẩm thuộc Tủ sách dân gian dành cho thiếu nhi tuy nội dung xưa cũ, nhưng được làm lại với tinh thần tương đối mới mẻ về hướng biên soạn, lựa chọn dị bản, minh họa… để phù hợp, hấp dẫn với độc giả nhí hôm nay.
Theo biên tập viên Nghiêm Thùy Dung, những người thực hiện đã tuyển chọn nội dung từ nguồn tư liệu chính thống, với sự đóng góp, tư vấn của các nhà nghiên cứu (như ấn phẩm Đồng dao cho bé: Em học em chơi và Thiên nhiên quanh em do nhà nghiên cứu văn học Đoàn Ánh Dương biên soạn). Bởi thế, tính giáo dục, bố cục về lượng từ, thời lượng hoạt động, tương tác... đều bảo đảm và rất phù hợp khi đưa vào trường học, thư viện.
“Văn học dân gian là một mạch nguồn dồi dào, sẵn có, vì thế chúng tôi không mất thời gian lên ý tưởng. Vấn đề đặt ra với nhóm biên tập là cách làm. Chúng tôi không chọn văn bản chia sẻ trên mạng hoặc những hình ảnh từ nguồn mở, dù như vậy thì đẩy nhanh tốc độ ra sách. Phần lời chúng tôi đặt tác giả biên soạn lại dựa trên cốt truyện cổ tích xưa, có cải biên vài chi tiết không phù hợp với tiêu chí mà NXB hướng tới”, bà Nghiêm Thùy Dung cho biết.
Ngoài phần nội dung, NXB còn đầu tư cho phần minh họa có đặc trưng của sách dân gian mà vẫn mang nét tươi sáng trẻ trung của truyện thiếu nhi. Bởi vậy, từ lúc bắt đầu lên ý tưởng đến khi ra mắt ba tác phẩm trong bộ sách mất khoảng 3 năm…
Làm mới truyện dân gian, cổ tích cũng đã được nhiều tác giả, đơn vị xuất bản quan tâm. Trước đó, các cuốn sách thuộc dự án Thần tích Việt truyện của nữ tác giả Huyền Trang và cộng sự (NXB Văn hóa - Văn nghệ TP Hồ Chí Minh ấn hành) chuyển tải góc nhìn mới về truyện cổ tích và cả những câu chuyện thần kỳ mới được viết trên nền tảng kiến thức sâu sắc, phong phú về văn hóa Việt. NXB Kim Đồng cũng ra mắt bộ truyện Thiện và Ác và Cổ tích theo dòng artbook, lựa chọn nhiều tích xưa quen thuộc trong kho tàng truyện cổ Việt Nam, mang đến cách tiếp cận hiện đại, nhân văn cho bạn đọc…
Bộ sách “Truyện tranh cổ tích Việt Nam”
Hành trình thú vị đến với thế giới cổ tích diệu kỳ
Tháng 9 vừa qua, chương trình nhạc kịch Đồng dao cổ tích được Trung tâm Nghệ thuật và Đào tạo FFC cùng các đơn vị thành viên đồng tổ chức. Tác phẩm kể về hành trình của Thi ca, Thi họa ở thế giới hiện đại đi lạc vào thế giới Cổ tích. Và một câu chuyện thần kỳ của thế giới song song được bắt đầu, nơi đó hiện đại xen lẫn cổ xưa, cái thiện và cái ác không có ranh giới, cũng như mọi phép màu của ông Bụt dường như không chút linh nghiệm…
Khám phá thế giới cổ tích từ góc nhìn mới, những nhân vật cổ tích quen thuộc hiện lên với hình ảnh và câu chuyện hoàn toàn sáng tạo và độc đáo: Một cô Cám hát rất hay, một ông Bụt không còn phép màu, một Sơn Tinh, một Thủy Tinh vì hòa bình mà ngưng chiến… Họ cùng gặp nhau, cùng kể cho khán giả các câu chuyện khác nhau. Họ đã thay đổi nhiều góc nhìn của bạn đọc về cái thiện, cái ác, về định kiến đã ăn sâu trong tiềm thức. Họ phá vỡ bức tường xưa cũ, để mở ra một chân trời mới của sự hồn nhiên nhất, chân thành nhất.
Đồng dao cổ tích không chỉ là một vở nhạc kịch đơn thuần mà còn là hành trình thú vị đưa người xem đến với thế giới cổ tích diệu kỳ đầy màu sắc. Vở nhạc kịch là cuộc hành trình xuyên qua thế giới của văn hóa dân gian và trí tưởng tượng, đưa người xem đến nơi những huyền thoại trở nên sống động, những giấc mơ thời thơ ấu gặp gỡ hiện thực và nơi sức mạnh của âm nhạc đan kết những sợi dây văn hóa lại với nhau qua bài hát, câu vè, điệu nhảy sôi động và những màn trình diễn sân khấu độc đáo. Bên cạnh đó, cuốn sách đầu tiên của tủ sách Đồng dao cổ tích cũng chính thức ra mắt với hình thức song ngữ Việt - Anh, được trình bày đẹp mắt cùng tranh minh họa sinh động.
Bà Quyên Trần, Chủtịch Hội đồng Quản trịFFC Group chia sẻ: “Đồng dao cổ tích là một dự án đầy thách thức và sẽ được đầu tư phát triển trong nhiều năm. Chúng tôi muốn cùng nhau phá vỡ định kiến rằng giới trẻ Việt đang thờ ơ với văn hóa cổ truyền. Hơn 1.400 vé của lần công diễn đầu đã được bán ra trong một thời gian ngắn, với chúng tôi đó là hàng ngàn cái nắm tay để cổ vũ, các bạn đã lựa chọn đến với không gian âm nhạc được dệt nên bởi các loại nhạc cụ truyền thống, để nghe những tiếng đàn tranh, đàn tì bà, trống, sáo trúc, đàn tứ, đàn nhị, đàn bầu, tù và, cồng chiêng, tam thập lục… chính là tiếng lòng đã có từ trong tiềm thức của chúng ta, là tiếng của hồn thiêng sông núi, mà giữa những vội vã của cuộc sống hiện đại chúng ta có thể đã tưởng rằng mình không còn thích”.
Có thể nói, truyện cổ tích, dân gian không chỉ còn là trang sách cũ mà chúng ta từng đọc, qua sự sáng tạo của nghệ sĩ, những nhân vật quen thuộc và câu chuyện thần tiên trở nên sống động hơn bao giờ hết. Đây chính là món quà ý nghĩa dành tặng cho tuổi thần tiên, đồng thời kết nối lại với tuổi thơ của những người đã lớn bằng lòng bao dung và nhân sinh quan tích cực, để dòng chảy từ trong cội nguồn vẫn mạnh mẽ chạm tới tâm hồn mỗi người.
Theo Báo Văn hóa
Bài viết khác
THÔNG BÁO Lùi thời gian tổ chức “Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc - 2024” (Đợt 1)
06/09/2024 - 17:52
Căn cứ Công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung ứng phó khẩn cấp bão số 3 năm 2024, Ban Tổ chức Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc - 2024” (Đợt 1) quyết định lùi thời gian tổ chức, theo đó Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc - 2024” (Đợt 1) được tổ chức từ ngày 11 đến ngày 20/9/2024
Trại sáng tác cho các tác giả viết kịch bản văn học năm 2024
06/09/2024 - 10:01
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng, Trung tâm hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật và các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức Trại sáng tác cho các tác giả viết kịch bản văn học năm 2024 tại Nhà sáng tác Đà Lạt, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng từ ngày 12/9 đến ngày 19/9/2024.
Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc - 2024 (Đợt 1)
04/09/2024 - 15:08
Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc - 2024 đợt 1 được tổ chức từ ngày 7 đến ngày 16/9/2024 tại Nhà hát tỉnh Vĩnh Phúc, đường Văn Cao, phường Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Cần quan tâm vấn đề xã hội hóa để phát huy được giá trị của các di tích, di sản
22/08/2024 - 09:52
Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 36, sáng 21/8/2024, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Phiên Chất vấn và trả lời chất vấn.
Bế mạc Liên hoan Múa quốc tế - 2024
21/08/2024 - 22:06
Tối 21/8/2024, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch giao Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Lễ Bế mạc “Liên hoan Múa quốc tế - 2024” tại Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Thừa Thiên Huế (41A Hùng Vương, Phú Nhuận, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế).
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Chú trọng chất lượng tăng trưởng và tính chuyên nghiệp của ngành du lịch
21/08/2024 - 09:56
Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng vừa thừa ủy quyền của Chính phủ gửi báo cáo việc triển khai các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 572/NQ-UBTVQH15 ngày 18/8/2022 về hoạt động chất vấn tại Phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV (lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch).