Sông Hồng: Mang âm nhạc cổ điển Việt Nam tới Mỹ

08/01/2015 - 20:30  

(NTBD) - Năm 2014, Sông Hồng trở thành nhóm nhạc thính phòng đầu tiên của Việt Nam biểu diễn tại Mỹ, do tổ chức danh tiếng iPalpiti International Artists mời và Quỹ Wes Benson tài trợ kinh phí. Theo TRƯỞNG NHÓM, NGHỆ SĨ VIOLON PHẠM TRƯỜNG SƠN, chuyến đi không chỉ tạo thanh danh, uy tín cho nhóm, mà còn khẳng định trình độ của âm nhạc cổ điển Việt Nam.

Sông Hồng - nhóm nhạc thính phòng đầu tiên của Việt Nam biểu diễn tại Mỹ.

Nhóm nhạc thính phòng Sông Hồng gồm 5 nghệ sĩ của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam: Phạm Trường Sơn (Violon), Phan Thị Tố Trinh (Violon), Đỗ Hương Trà My (Alto/Viola), Đào Tuyết Trinh (Violoncelle/Cello) và Phạm Quỳnh Trang (Piano). Tháng 4/2014, nhóm đã nhận học bổng Wes Benson để tham dự iPalpiti Chamber Music master course tại Los Angeles với Gs Eduard Schmieder và Gs Martin Chalifour (bè trưởng của dàn nhạc) cũng như biểu diễn tại Beverly Hills, Mỹ. Ngoài ra, nhóm còn biểu diễn giao lưu với cộng đồng người Việt tại Los Angeles. Thông qua những bản nhạc Việt Nam và thế giới, các nghệ sĩ mong muốn gắn kết người xa xứ với quê hương, giúp họ hiểu hơn về nhạc cổ điển Việt Nam hiện nay.
Cơ duyên nào Sông Hồng được Quỹ Wes Benson trao học bổng và tại sao nhóm lại được iPalpiti International Artists nhận đào tạo, nhất là tổ chức buổi biểu diễn Los Angeles?
- Trước hết phải khẳng định, Mỹ là một thị trường âm nhạc khắt khe, bán được vé họ mới mời nghệ sĩ sang biểu diễn. Về chuyến đi của nhóm, nhờ hoạt động âm nhạc nghiêm túc, tạo được tiếng vang và uy tín nghề nghiệp, nên Quỹ Wes Benson đã quyết định trao học bổng đào tạo thính phòng cổ điển cho Sông Hồng. Ngoài Mỹ, chúng tôi cũng đã tìm hiểu và đăng ký tại các trung tâm đào tạo âm nhạc ở châu Âu, nhưng rất mừng là nơi tốt nhất đã nhận. iPalpiti International Artists quy tụ các nghệ sĩ nổi tiếng thế giới, hoạt động nghệ thuật đỉnh cao. Họ sắp xếp các buổi học cho chúng tôi với Gs Eduard Schmieder và Gs Martin Chalifour. iPalpiti nhận Sông Hồng không hẳn vì học phí (mặc dù học phí rất cao) mà có lẽ một phần vì tình cảm với Việt Nam và muốn giúp âm nhạc cổ điển Việt Nam. Hơn thế, họ còn tổ chức cho nhóm một buổi biểu diễn đàng hoàng tại Beverly Hills, có bán vé, và phòng hòa nhạc kín chỗ, chứng tỏ trình độ chuyên môn của mình ở mức chấp nhận được tại thị trường khắt khe đó. Buổi hòa nhạc đã thành công. Thứ nhất, về phía nhóm, sau thời gian học với Gs Eduard Schmieder và Gs Martin Chalifour, chúng tôi chơi tốt hơn, cộng với đam mê, tinh thần màu cờ sắc áo, các nghệ sĩ đã thăng hoa. Thứ hai là phản hồi tích cực của khán giả. Khán giả Mỹ không phải bỗng dưng lái xe lên đồi Beverly Hills, bỏ tiền mua vé xem hòa nhạc. Họ đã rất cảm động sau khi xem Sông Hồng biểu diễn, chắc không phải bởi nghệ thuật cao cường mà bởi thứ âm nhạc đầy lôi cuốn và đam mê của các nghệ sĩ… Chương trình biểu diễn của Sông Hồng cũng được báo Los Angeles đưa tin.
Đồng nghiệp tại Mỹ đánh giá thế nào về buổi biểu diễn của Sông Hồng? Về lâu dài, chuyến lưu diễn cũng mở ra nhiều cơ hội cho nhóm?
- Chúng tôi có quan hệ thân thiết với nhóm hòa tấu thính phòng South West Chamber Music, từng giành 3 giải Grammy. Mặc dù đã biết nhóm, cũng từng nghe nhạc của nhóm, nhưng sau khi xem trực tiếp buổi biểu diễn tại Beverly Hills, họ nói với tôi rằng: Sơn, nhóm của các bạn có thể làm được bất cứ điều gì, chơi được bất cứ tác phẩm nào. Đây là ngạc nhiên của một nghệ sĩ Mỹ khi chưa đánh giá hết trình độ của nghệ sĩ Việt Nam. Sau buổi biểu diễn, họ mời chúng tôi về nhà, đưa đi chơi khắp nơi. Chúng tôi cũng đã bàn kế hoạch cho một vài dự án hợp tác lâu dài, chỉ còn tùy thuộc vào thời điểm và kinh phí.
Có thể nói, chính tiếng vang của buổi biểu diễn tạo thanh danh cho nhóm khi đi biểu diễn ở bất kỳ đâu từ nay về sau. Ngay cả khi chưa từng biết đến Sông Hồng, chưa nghe nhóm biểu diễn nhưng chỉ cần biết chúng tôi từng học Gs Eduard Schmieder, từng biểu diễn ở Mỹ là đã phần nào khẳng được trình độ và tên tuổi của nhóm.
Ngoài buổi biểu diễn, đáng nhớ nhất và ý nghĩa nhất trong chuyến đi Mỹ với các anh chị là gì?
- Chúng tôi đều đã đi lưu diễn tại nhiều nước, nhưng Mỹ thật đặc biệt, một xã hội hoàn toàn khác biệt. Đáng nhớ nhất và mang tính chất nghề nghiệp nhất chính là các buổi học với Gs Eduard Schmieder - một trong những nghệ sĩ violon xuất chúng cuối thế kỷ XX, cống hiến hết mình cho âm nhạc. Ông chính là người thành lập Dàn nhạc iPalpiti được ca tụng. Ngay khi bắt đầu học ông, chúng tôi đã cảm nhận được một vị giáo sư lỗi lạc, với niềm đam mê âm nhạc lớn khủng khiếp. Ông sinh năm 1942 tại Liên Xô, bỏ trốn sang Mỹ năm 1979. Tuy không còn nhanh nhẹn và không chơi đàn nữa nhưng ông vẫn tạo được danh tiếng lẫy lừng, có thể còn lớn hơn khi ông kéo đàn, chính là nhờ tình yêu âm nhạc. Ông dạy học, tham gia các hoạt động xã hội, tổ chức các festival, sự kiện âm nhạc… Rất nhiều học sinh ông dạy đã giành nhiều giải thưởng quốc tế. Những ngày học ông, chúng tôi được nghe những lời thống thiết của một người sống ở hai chế độ xã hội khác nhau, yêu âm nhạc và đau khổ vì âm nhạc. Ông cũng chia sẻ nhiều câu chuyện cảm động, qua đó truyền đam mê, cảm hứng cho nghệ sĩ chúng tôi.
Anh cảm nhận thế nào về âm nhạc cổ điển ở Mỹ?
- Cơ chế thị trường dẫn đến sự cạnh tranh ghê gớm, nhưng nhờ đó chắt lọc được những tinh hoa, tài năng thực sự, được công chúng chấp nhận mua CD, mua vé xem hòa nhạc. Chính điều đó làm cho nghệ sĩ lúc nào cũng có động lực, không ngừng hoàn thiện bản thân, bởi chỉ một phút dừng lại, sẽ bị tụt hậu. Tuy nhiên, mặt trái của nó là nhiều người tài nhưng không chịu nổi sức ép, sự đào thải khắc nghiệt đó nên không phát huy được khả năng, hoặc phải chạy sang nước khác. Thực tế, nhạc cổ điển Mỹ cũng khó khăn. Có dàn nhạc chỉ sau một năm thành lập đã phá sản, một phần bởi sự đào thải khắc nghiệt nói trên, nhưng một phần do khó khăn trong tạo dựng khán giả.
Những năm qua, bên cạnh âm nhạc cổ điển đỉnh cao, Sông Hồng vẫn theo đuổi mục tiêu đưa nhạc cổ điển tới với đông đảo công chúng…
- Phổ biến, phổ cập âm nhạc cổ điển ở Việt Nam rất khó khăn, vì phụ thuộc vào nhiều đối tác. Năm 2014 chúng tôi đã tham gia nhiều chương trình, như biểu diễn ngoài trời tại Hải Phòng, chơi trong các buổi nói chuyện về âm nhạc... Các năm trước chúng tôi biểu diễn tại Đà Nẵng, Vinh (Nghệ An), Đông Hà (Quảng Trị) - những nơi vốn xa lạ nhạc cổ điển. Đó có lẽ là món ăn tinh thần lạ đối với khán giả địa phương, nhưng bản thân mỗi nghệ sĩ chúng tôi cũng cảm thấy thú vị, vì được biểu diễn cho những đối tượng khán giả mới; không chỉ chơi nhạc hàn lâm trong nhà hát, mà còn được phục vụ những khán giả chưa từng xem hòa nhạc cổ điển; qua đó, chúng tôi cảm thấy công việc, cống hiến của mình được đón nhận, trân trọng. Năm 2015, ngoài các chương trình biểu diễn đã thành thương hiệu của Sông Hồng, như Hòa nhạc mùa xuân, chúng tôi sẽ tiếp tục theo hướng này, để nhạc cổ điển gần gũi với mọi người hơn.
Xin cám ơn Anh!

Nguồn: ĐBND

Bài viết khác

Công đoàn Bộ VHTTDL tổ chức Hội nghị tập huấn, quán triệt Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở và tuyên truyền, phổ biến pháp luật năm 2024

25/04/2024 - 21:10

Ngày 25/4/2024, tại Hà Nội, Công đoàn Bộ VHTTDL tổ chức hội nghị Tập huấn Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và tuyên truyền, phổ biến pháp luật năm 2024 .

Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ ba trong Quân đội nhân dân Việt Nam năm 2024

09/04/2024 - 15:47

Sáng 9-4, tại Thư viện Quân đội (Hà Nội), Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ ba trong Quân đội nhân dân Việt Nam năm 2024 và phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc trong các nhà trường quân đội.

Hội nghị giao ban đánh giá tình hình văn học, nghệ thuật quý I/2024

08/04/2024 - 16:06

Chiều ngày 5/4, Ban tuyên giáo Trung ương phối hợp cùng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Liên hiệp các hội Văn học, Nghệ thuật Việt Nam đã tổ chức Hội nghị giao ban công tác Văn học, Nghệ thuật, Hoạt động của Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam, các Hội VHNT chuyên ngành Trung ương.

Hội nghị công chức, người lao động Cục Nghệ thuật biểu diễn năm 2023

27/03/2024 - 16:56

Ngày 27/03/2024, tại trụ sở, Cục Nghệ thuật biểu diễn tổ chức Hội nghị công chức, người lao động năm 2023.

Cục Nghệ thuật biểu diễn tổ chức kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3

08/03/2024 - 10:11

Sáng ngày 8/3 Cục Nghệ thuật biểu diễn tổ chức Ngày hội Phụ nữ, nhân kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 (08/3/1910 - 08/3/2024.)

Nghệ sĩ hân hoan đón nhận danh hiệu NSND và NSƯT

07/03/2024 - 11:13

Sáng 6/3, Lễ trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 10 đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đích thân trao tặng danh hiệu cho các nghệ sĩ. Đây là những danh hiệu cao quý để tôn vinh cống hiến của các nghệ sĩ đối với sự nghiệp văn hóa, nghệ thuật nước nhà thông qua các tác phẩm, công trình nghệ thuật có sức lan tỏa, có tác động xã hội lớn.