Ra mắt sách "Trần Văn Khê - Trăm năm Tâm và Nghiệp"
15/01/2002 - 16:00
Sáng 15.1, tại Bảo tàng TP.HCM, nhóm thân hữu Trần Văn Khê, NXB Tổng hợp TP.HCM và Bảo tàng TP chức ra mắt sách và giao lưu chủ đề “Trần Văn Khê – Trăm năm Tâm và Nghiệp”. Chương trình cũng chính thức khai mạc triển lãm chuyên đề “Trần Văn Khê – Trăm năm còn mãi”.
Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn chia sẻ những câu chuyện về giáo sư Trần Văn Khê
Cuốn sách Trần Văn Khê – Trăm năm Tâm và Nghiệp gồm 58 bài viết của 48 tác giả, chia thành hai phần: Phần I “Trần Văn Khê - Trăm năm Tâm và Nghiệp” và phần II “Di sản Trần Văn Khê”.
Bên cạnh phần lớn các bài viết lấy từ sách đã in năm 2016 là các bài viết, hình ảnh, tư liệu mới được bổ sung vào cuối năm 2021 đã làm đầy đặn thêm tình cảm, sự đánh giá của các nhà hoạt động văn hóa đặc biệt là hoạt động âm nhạc dành cho con người và sự nghiệp đáng trân trọng của giáo sư Trần Văn Khê – người mà cả cuộc đời chỉ có một tâm nguyện là góp phần đưa âm nhạc dân tộc Việt Nam rộng khắp năm châu, sâu trong dân tộc, đặc biệt là lớp trẻ. Bởi vì theo ông, “Âm nhạc của dân tộc Việt Nam mình rất đẹp, rất quý, rất độc đáo”.
Sách được bán gây Quỹ Học bổng Trần Văn Khê
Các tác giả viết bài trong sách đã cố gắng lột tả được nhiều khía cạnh đặc biệt của chân dung Trần Văn Khê. Đó là chân dung một trí thức – nghệ sĩ uyên bác, tài năng, khiêm nhường, rất yêu đất nước và văn hóa của dân tộc mình. Hơn nửa cuộc đời sống ở nước ngoài, các chuyên đề nghiên cứu và đào tạo của Trần Văn Khê về Đờn ca tài tử, về cải lương Việt Nam trong đối sánh với các loại hình âm nhạc, kịch nghệ của các quốc gia châu Á (pansori của Triều Tiên, kinh kịch của Trung Quốc, noh và kabuki của Nhật Bản) đã được giới âm nhạc quốc tế đánh giá rất cao. Từ sự đánh giá đó, nhiều bộ môn văn hóa - nghệ thuật dân tộc của Việt Nam với sự góp sức trực tiếp và gián tiếp của giáo sư Khê đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại như Nhã nhạc Cung đình Huế, Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, Ca trù, Quan họ Bắc Ninh, Đờn ca tài tử Nam Bộ…
Triển lãm chuyên đề “Trần Văn Khê – Trăm năm còn mãi” tại Bảo tàng TP.HCM
Trong sự nghiệp hoạt động âm nhạc dài hơn 60 năm của mình, giáo sư Trần Văn Khê đã được nhận nhiều sự vinh danh cao quý: Huy chương bội tinh hạng nhất của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa, Giải thưởng Âm nhạc của UNESCO (1981), Huân chương Nghệ thuật, Văn chương của Bộ Văn hóa Pháp (1991), Viện sĩ Thông tấn của Viện hàn lâm Khoa học, Văn hóa, Nghệ thuật Châu Âu (1993), Huân chương Lao Động hạng Nhất do Chủ tịch Nước cấp (1999), Giải thưởng Đào Tấn (2005), Giải thưởng Phan Châu Trinh về nghiên cứu (2011)...
Sách Trần Văn Khê - Trăm năm Tâm và Nghiệp có sự góp mặt của các tác giả: Trần Quang Hải, Nguyễn Đắc Xuân, Nguyễn Nhã, Dương Trung Quốc, Đặng Hoành Loan, Kim Cương, Bạch Tuyết, Nguyễn Thế Thanh, Nguyễn Thị Hải Phượng, Trần Đình Sơn, Thái Kim Lan, Mai Mỹ Duyên, Nguyễn Thị Mỹ Liêm, Nguyễn Đăng Hưng, Đỗ Hồng Ngọc,… Bìa sách là hình do kiến trúc sư Võ Thành Lân vẽ theo phong cách vector-art với tất cả lòng trân trọng đối với một bậc thầy theo ông vừa có sự uyên thâm tri thức, vừa có tài nghệ diễn xướng và một phong cách giao tiếp đầy sự duyên dáng xen lẫn vẻ lịch thiệp. Sách đang được bán để gây Quỹ Học bổng Trần Văn Khê.
Triển lãm trưng bày nhiều tư liệu, hình ảnh, hiện vật về giáo sư Trần Văn Khê
Hơn 6 năm sau ngày giáo sư Trần Văn Khê ra đi về cõi vĩnh hằng (2015), sự nghiệp nghiên cứu, quảng bá âm nhạc dân tộc mà ông để lại cho cuộc đời đã có thêm những dấu mốc tích cực để việc giữ gìn, phát huy được tốt hơn. Trong năm 2021, Quỹ Học bổng Trần Văn Khê đã được chính thức thành lập theo di nguyện của ông nhằm động viên, khuyến khích những người theo đuổi hoạt động nghiên cứu, bảo tồn và học tập âm nhạc dân tộc. Hội đồng chuyên môn của Quỹ hàng năm sẽ xem xét và trao học bổng, giải thưởng cho các nhà nghiên cứu, nghệ sĩ, sinh viên trong lĩnh vực âm nhạc dân tộc trên phạm vi cả nước. Quỹ Học bổng Trần Văn Khê hoạt động theo nguyên tắc không vì lợi nhuận, tự nguyện, tự tạo vốn, tự trang trải kinh phí và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật bằng tài sản của Quỹ.
Ban tổ chức cho biết, do dịch Covid-19 diễn biến nghiêm trọng và kéo dài nên kế hoạch xét trao giải thưởng và học bổng Trần Văn Khê năm đầu tiên đã không thể thực hiện trong năm 2021. Mặc dù vậy, lễ Kỷ niệm 100 năm sinh của giáo sư Trần Văn Khê và ra mắt Quỹ Học bổng Trần Văn Khê cũng đã được tổ chức tại Trường ĐH Văn Lang vào tháng 12.2021 vừa qua.
NSND Kim Cương xúc động kể về người thầy, nhà nghiên cứu Trần Văn Khê - một người hết lòng vì sự nghiệp âm nhạc dân tộc
Tiếp theo các hoạt động phát huy giá trị tinh thần của giáo sư Trần Văn Khê, ngày 15.1, nhóm thân hữu Trần Văn Khê phối hợp với NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành cuốn sách Trần Văn Khê – Trăm năm Tâm và Nghiệp. Sách nằm trong kế hoạch đã định từ cuối năm 2020 nhằm kỷ niệm 100 năm sinh giáo sư Trần Văn Khê và để gây quỹ học bổng mang tên giáo sư.
Tại buổi giao lưu, mọi người đã lắng lòng, bùi ngùi khi được nghe những câu chuyện, bài học từ giáo sư Trần Văn Khê qua chia sẻ của NSND Kim Cương, Đạo diễn Nguyễn Thị Xuân Phượng, nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn,… Các đại biểu cũng đã dành phút tưởng nhớ đến nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc, giáo sư Trần Quang Hải, là con trai trưởng của Giáo sư Trần Văn Khê, vừa qua đời tại Pháp cách đây không lâu...
THÙY TRANG
Bài viết khác
Vinh danh các gương mặt nghệ sĩ tiêu biểu và một số cuốn sách nổi bật
09/01/2025 - 06:20
Tối 11.1 tại Nhà hát Thành phố Hải Phòng, Bộ VHTTDL chủ trì phối hợp với UBND Thành phố Hải Phòng tổ chức Chương trình giới thiệu các gương mặt nghệ sĩ tiêu biểu và một số cuốn sách nổi bật lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, văn học năm 2024. Đây là sự kiện mang ý nghĩa lớn, không chỉ nhằm tôn vinh những cá nhân và tập thể xuất sắc mà còn khơi dậy tinh thần sáng tạo, cống hiến của những người làm nghệ thuật và văn học.
Tổng Bí thư Tô Lâm: Văn nghệ sĩ cần chiếm lĩnh những đỉnh cao mới trong sáng tạo nghệ thuật
31/12/2024 - 06:00
Chiều ngày 30/12, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chủ trì Hội nghị gặp mặt đại biểu văn nghệ sỹ toàn quốc.
Chùm ảnh: Tổng Bí thư Tô Lâm gặp mặt đại biểu văn nghệ sĩ
31/12/2024 - 04:09
Chiều 30/12/2024, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự Hội nghị gặp mặt đại biểu văn nghệ sĩ.
Việt Nam – Huyền sử diễn ca: Thăng Long – Tứ Trấn hồi sinh qua lăng kính nghệ thuật
30/12/2024 - 21:03
Tối 29.12, chương trình nghệ thuật thực cảnh “Việt Nam – Huyền sử diễn ca: Thăng Long – Tứ Trấn” đã diễn ra tại khu Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long (19C Hoàng Diệu, Ba Đình, Hà Nội), thu hút sự quan tâm của hơn 1.600 người. Tham dự sự kiện có Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông, tổng đạo diễn chương trình cùng lãnh đạo các cục, vụ, các đơn vị chức năng của Bộ VHTTDL.
Tổng duyệt chương trình nghệ thuật “Việt Nam – Huyền sử diễn ca" "Thăng Long – Tứ Trấn”
28/12/2024 - 23:59
Tối 28/12, tại 19C Hoàng Diệu, dưới tiết trời đầu đông Hà Nội, 450 nghệ sĩ, nghệ nhân, diễn viên và thiếu nhi đã dốc toàn bộ tâm huyết trong buổi tổng duyệt chương trình nghệ thuật thực cảnh “Việt Nam – Huyền sử diễn ca” “Thăng Long – Tứ Trấn”. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Tạ Quang Đông – đồng thời là tổng đạo diễn của chương trinh, buổi tổng duyệt diễn ra đầy ấn tượng và trọn vẹn sự độc đáo.
CÔNG BỐ 35 TÁC PHẨM VĂN HỌC, NGHỆ THUẬT ĐƯỢC NGHIỆM THU TRONG CUỘC PHÁT ĐỘNG SÁNG TÁC “SỐNG MÃI VỚI THỜI GIAN”
28/12/2024 - 15:52
Sáng ngày 28/12, tại Nhà hát Nghệ thuật Đương đại Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức trọng thể Lễ công bố các tác phẩm văn học, nghệ thuật được nghiệm thu trong cuộc phát động sáng tác với chủ đề “Sống mãi với thời gian” giai đoạn 2022 -2025.