Nuôi dưỡng tình yêu sân khấu cho khán giả trẻ
23/09/2021 - 01:05
Đó là khát khao của nhà thiết kế (NTK) Sĩ Hoàng khi anh cùng những người bạn đầu tư dàn dựng vở kịch lịch sử Khóc giữa trời xanh với mong muốn góp phần hình thành một lớp khán giả trẻ biết yêu kịch, hiểu sân khấu và lịch sử nước nhà...
Theo NTK, hiện nay phần lớn giới trẻ, nhất là học sinh, sinh viên (HSSV) ít có cơ hội được tiếp cận với sân khấu, không có thói quen xem kịch, nên từ lâu anh và các cộng sự vốn là cán bộ, giảng viên, diễn viên Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM mong muốn có một sân khấu để tiếp cận với họ, nhưng mãi cho đến nay mới thực hiện được.
Từ kỷ lục hiếm hoi của một vở kịch lịch sử
Anh cho biết, xuất phát từ năm 2018, Trường ĐH SK-ĐA TP.HCM với các diễn viên, cũng là giảng viên của Nhà trường đã tham gia vở Yêu là thoát tội (Sân khấu Thế giới trẻ). Vở kịch lấy cảm hứng từ vụ án lịch sử Lệ Chi Viên, đoạt giải bạc tại Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2018. Sau liên hoan, vở đã tiếp tục biểu diễn phục vụ khán giả. Tính đến cuối năm 2020, tức 2 năm sau, thì vở đã diễn tổng cộng được 99 suất - một kỷ lục hiếm hoi trong tình hình sân khấu còn nhiều khó khăn hiện nay, trong đó đa phần là diễn phục vụ cho sinh viên khoa Văn - Sử ở các trường đại học. Những phản hồi tích cực từ các ban giám hiệu và giới HSSV chính là động lực để ê kíp tiếp tục đầu tư vở mới này.
“Mỗi khi diễn xong một suất, chúng tôi thường đặt câu hỏi là có bao nhiêu bạn đã từng đến sân khấu, nhà hát, xem kịch? Thật chạnh lòng khi chỉ thấy lác đác vài cánh tay đưa lên. Hầu hết các em cho biết lần đầu được xem và đồng thời mong muốn được có cơ hội xem kịch nhiều hơn nữa... Vậy là từ thành công của vở này, tôi cùng bạn bè quyết định đầu tư vở thứ 2 cũng do tác giả Lê Chí Trung viết kịch bản, với mục đích chính là hướng tới đối tượng HSSV. Ước mong của những người làm nghệ thuật, làm sư phạm như chúng tôi là tạo ra thế hệ khán giả trẻ, có nhu cầu đến nhà hát để xem sân khấu, xem kịch”, NTK Sĩ Hoàng chia sẻ và cho hay, cùng với đó, Ban giám hiệu Trường ĐH SK-ĐA TP.HCM cũng cho biết mong muốn có được những vở kịch như vậy để tổ chức các buổi học ngoại khóa cho sinh viên. Do vậy, ngoài những thông điệp trong chính sử, vở sẽ được xây dựng theo hướng phù hợp với chương trình học ngoại khóa, khi các em xem xong sẽ viết bài cảm nhận,...
NTK Sĩ Hoàng cho biết, vở kịch sẽ diễn hai suất mở màn ngày 12 và 13.5 tại Nhà hát Thành phố. Hai đêm diễn này sẽ mời thầy cô trong ban giám hiệu các trường đến xem và đánh giá, sau đó mới diễn phục vụ HSSV. Trong trường hợp trường không có sân khấu đủ điều kiện về âm thanh, ánh sáng, thì đoàn sẽ diễn tại Nhà hát Thành phố. “Rất may là Ban giám đốc Nhà hát Thành phố cho biết vì vở mang tính giáo dục và hướng đến HSSV nên đơn vị sẽ đồng hành để có chi phí ưu đãi nhất, khi diễn ở Nhà hát thì cũng sẽ tạo thêm được giá trị cho vở diễn, các em sẽ được thưởng thức trong không gian xứng tầm hơn, mang lại nhiều cảm xúc hơn...”, Sĩ Hoàng chia sẻ và cho hay hiện các diễn viên đang trong giai đoạn học thuộc thoại để ngày 10.3 tới đây sẽ lên sàn tập để kịp công diễn vào tháng 5 tới.
Trang phục của NTK Sĩ Hoàng trong một vở kịch lịch sử
Ê kíp thực hiện lành nghề
Khóc giữa trời xanh do Nguyên Phùng đạo diễn, là kịch bản lịch sử được Lê Chí Trung cảm tác từ nỗi oan khuất và thân phận bi thương của thái sư Lê Văn Thịnh thời nhà Lý. Đây là người cùng với Lý Thường Kiệt làm nên hai “cánh tay” văn - võ cho vua Lý Nhân Tông. Ông đỗ Nho học tam trường năm 25 tuổi (tương đương Trạng nguyên sau này), và làm Thái sư ở tuổi 35. Ông từng đi sứ sang nhà Tống, đòi lại 6 huyện bị chiếm giữ chỉ bằng tài biện luận. Có nhiều công trạng nhưng kết cục cuộc đời ông lại rất bi thảm. Tên nhân vật trong vở được thay đổi so với tên trong chính sử. Tác giả Lê Chí Trung cho biết, ban đầu có ý định dùng tên chính sử, nhưng vì những lý do nhất định nên chọn phương án này. Kịch bản mượn những điển cố xưa để nói chuyện nay... Vở có sự tham gia của các diễn viên: NSND Hoàng Yến, NSƯT Phạm Thục, NSƯT Xuân Hồng, Hoa hậu đền Hùng Giáng My, NTK Sĩ Hoàng, Á hậu Coco Thùy Dung... “Các diễn viên là ê kíp cũ của Yêu là thoát tội, chỉ có hai “nhân tố” mới là Hoa hậu đền Hùng Giáng My (Thái hậu Vân Dung) và Á hậu Coco Thùy Dung để tăng tính mới mẻ cho vở diễn. Cùng ê kíp diễn viên lành nghề, tôi tin rằng sẽ đảm bảo chất lượng cho vở…”, Sĩ Hoàng cho biết.
Đối với NTK Sĩ Hoàng, anh cho hay lần này tham gia với 3 vai trò: Thiết kế phục trang, có một vai diễn và cùng với những người bạn bỏ vốn ra đầu tư, nên cũng có thể gọi là nhà sản xuất. Được biết, ngoài là NTK, Sĩ Hoàng hiện là giảng viên thỉnh giảng của một số trường đại học, đồng thời cũng đã có một số vai diễn trên các sân khấu. Vai diễn của anh trong vở Yêu là thoát tội đã được trao Huy chương bạc.
Trả lời câu hỏi của chúng tôi về việc sân khấu nói chung hiện gặp nhiều khó khăn, lại ở vào thời điểm dịch bệnh Covid-19 như hiện nay, nhưng anh vẫn quyết định đầu tư vào lĩnh vực này liệu có mạo hiểm? Sĩ Hoàng tỏ ra không lo ngại: “Ở đây mọi người không đặt nặng vấn đề lợi nhuận kinh tế, cũng không nghĩ đến chi phí tổn hao mà nghĩ đến cái lợi lớn nhất là muốn hình thành ở giới trẻ một thói quen lành mạnh, ngoài giải trí trên các thiết bị thông minh còn phải biết yêu kịch, hiểu sân khấu, xem kịch để bổ trợ cho việc học của mình... Bên cạnh đó, phần lớn diễn viên tham gia vở diễn đều hoạt động trong lĩnh vực sư phạm nên rất thấu hiểu, chia sẻ với mục tiêu chung mà dự án này hướng đến.
Theo báo Văn hóa
Bài viết khác
THÔNG BÁO Lùi thời gian tổ chức “Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc - 2024” (Đợt 1)
06/09/2024 - 17:52
Căn cứ Công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung ứng phó khẩn cấp bão số 3 năm 2024, Ban Tổ chức Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc - 2024” (Đợt 1) quyết định lùi thời gian tổ chức, theo đó Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc - 2024” (Đợt 1) được tổ chức từ ngày 11 đến ngày 20/9/2024
Trại sáng tác cho các tác giả viết kịch bản văn học năm 2024
06/09/2024 - 10:01
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng, Trung tâm hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật và các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức Trại sáng tác cho các tác giả viết kịch bản văn học năm 2024 tại Nhà sáng tác Đà Lạt, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng từ ngày 12/9 đến ngày 19/9/2024.
Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc - 2024 (Đợt 1)
04/09/2024 - 15:08
Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc - 2024 đợt 1 được tổ chức từ ngày 7 đến ngày 16/9/2024 tại Nhà hát tỉnh Vĩnh Phúc, đường Văn Cao, phường Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Cần quan tâm vấn đề xã hội hóa để phát huy được giá trị của các di tích, di sản
22/08/2024 - 09:52
Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 36, sáng 21/8/2024, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Phiên Chất vấn và trả lời chất vấn.
Bế mạc Liên hoan Múa quốc tế - 2024
21/08/2024 - 22:06
Tối 21/8/2024, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch giao Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Lễ Bế mạc “Liên hoan Múa quốc tế - 2024” tại Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Thừa Thiên Huế (41A Hùng Vương, Phú Nhuận, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế).
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Chú trọng chất lượng tăng trưởng và tính chuyên nghiệp của ngành du lịch
21/08/2024 - 09:56
Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng vừa thừa ủy quyền của Chính phủ gửi báo cáo việc triển khai các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 572/NQ-UBTVQH15 ngày 18/8/2022 về hoạt động chất vấn tại Phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV (lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch).