Nhà văn Thương Hà: Phải tạo ra những trang sách yêu thương

27/07/2022 - 15:09  

Trong hơn một năm qua, Thương Hà (sinh 1981, hiện sống và làm việc tại Hà Nội) in 6 tiểu thuyết, quả là một sức viết đáng nể. Được biết, chị mê văn chương và viết văn từ nhỏ, nhưng con đường đến với sáng tác thì không mấy suôn sẻ, gặp nhiều ngăn trở.

Các tiểu thuyết đã phát hành là Một con đường, Người PTSD, Nalis xô dạt bờ định mệnh, Bóng đêm của Diệu, Vùng biên không yên tĩnh và Những oan hồn bất tử. Thương Hà có cuộc trò chuyện với báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) về việc trở lại với văn chương.

Chú thích ảnh
Nhà văn Thương Hà

* Xin được hỏi ngay, trong các trắc trở của việc thành nhà văn, điều gì là khó khăn nhất với chị?

- Vâng! Tôi yêu văn chương từ bé, thích đọc sách báo. Lúc đó, không phân biệt được ký giả với nhà văn, nhưng nghe tiếng… ký giả, thì mê lắm. Bây giờ, khi đã 40 tuổi mới in tiểu thuyết đầu tay, nhưng tôi chưa bao giờ bỏ cuộc vì ngoại cảnh.

Chỉ là bố tôi không khuyến khích, hoặc không muốn đứa con gái bé bỏng đi theo con đường văn chương quá sớm. Thời học phổ thông, khi tôi được điểm thi môn văn cao, hoặc được giải thưởng học sinh giỏi văn, mang giấy khen về nhà khoe với niềm vui rộn rã, thì bố tôi không mừng, không khuyến khích, mà lại… im lặng, dửng dưng. Nếu là điểm cao môn toán, bố có mừng không? Lúc ấy, tôi không cắt nghĩa được. Tôi đỗ vào Khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm, bố tôi cũng không mừng, mà lại nhìn tôi bằng con mắt lo lắng, bất an và ông thuyết phục cho bằng được tôi chuyển sang học ngoại thương…

Tôi nghe lời bố, vì tôi nghĩ “khôn đâu đến trẻ, khỏe đâu đến già”, chắc chắn bố có lý do gì đó rất chính đáng mà không nói ra, mà nói ra, tôi chưa chắc đã hiểu. Vả lại, là con gái, tôi không thể là “một tinh cầu giá lạnh” ngang ngạnh, bướng bỉnh trước sự lo lắng của bố mẹ mình. Tôi nghĩ tạm thời gác lại niềm đam mê văn chương và chờ đợi sự thấu hiểu của bố mẹ mình hơn.

Chú thích ảnh

* Vậy chị quyết định trở lại viết và viết thường xuyên, tập trung từ năm nào? Vì sao lúc ấy chị làm được?

- Tôi chưa bao giờ ngừng viết, dù ngay cả lúc “phải” đi học ngoại thương. Ngày nào tôi cũng viết, không viết nhật ký, thì cũng viết một cái gì đó. Tôi viết trộm và giấu bố mẹ. Năm 2017, tôi lục lại máy vi tính thì thấy mình viết nhiều quá, viết đủ thứ trên đời. Tôi nói với bố tôi rằng: “Con phải quay về với viết văn chuyên nghiệp và in sách, điều con ước mơ từ nhỏ, bố ạ”. Bố tôi cười rạng rỡ, không ngăn cản mà còn khuyến khích: “Bây giờ con trưởng thành rồi, ổn định kinh tế rồi. Con nên làm những điều con muốn mà chưa làm. Có điều gì không may xảy ra thì văn chương cũng không làm con khánh kiệt”.

Tôi như được giải phóng năng lượng bị kìm nén lâu nay. Tôi lại được tham gia lớp viết văn ngắn hạn ở Khoa Viết văn - Báo chí của Đại học Văn hóa Hà Nội và một lớp nữa của Hội Nhà văn Việt Nam. Tôi càng hiểu sâu sắc quan điểm của nhà văn Nam Cao: “Sống đã rồi hãy viết”. Sống đã, trải nghiệm đã, trưởng thành, rồi mới viết. Tôi liên tưởng đến bản thân và nghĩ đến lý do riêng của bố quyết liệt không muốn tôi đi theo con đường viết văn quá sớm thuở đầu đời”.

Chú thích ảnh
Tiểu thuyết "Vùng biên không yên tĩnh" của Thương Hà

* Chủ đề đầu tiên mà chị muốn viết là gì? Cuốn sách đầu tiên hoàn thành có phải là cái tứ và chủ đề ban đầu đó không?

- Chủ đề đầu tiên tôi viết về mặt trái của kinh tế thị trường. Nhưng tiểu thuyết in đầu tiên và phát hành tháng 11/ 2021 lại là cuốn Một con đường. Nó hoàn toàn không giống cái tứ truyện và chủ đề đầu tiên đã viết, mà nói về tình yêu đồng tính nam trong cuộc đấu tranh chống cái ác, cái xấu.

Lao động nhà văn có những chuyện lạ như thế. Cái viết sau thì lại in trước. Cái tứ truyện, cái chủ đề đầu tiên ấp ủ, tác phẩm hoàn thành rồi mà lại cất đi. Tôi cất đi vì nghĩ chưa phải lúc nó ra đời.

* Điểm lại 6 cuốn tiểu thuyết in trong vòng hơn 1 năm qua, thấy chị viết đa dạng đề tài. Sao chị không chuyên tâm về một mảng nào đó?

- Phải nói là tôi có may mắn đi nhiều nơi, sống và trải nghiệm với nhiều hạng người trong xã hội. Các hạng người ấy đủ để tôi xây dựng thành nhân vật theo điểm nhìn riêng để sáng tác. Chẳng hạn con người với những tốt xấu, thiện ác, mất còn trong đại dịch Covid-19 và không gian nghệ thuật ấy cũng đủ để tôi viết tiểu thuyết Nalis xô dạt bờ định mệnh. Nạn nạo phá thai bừa bãi, rồi con người vô cảm vứt bỏ phần máu thịt của mình cũng làm tôi xót xa, thương cảm, thậm chí hoang mang để viết tiểu thuyết Những oan hồn bất tử.

Tôi không có phẩm chất của người viết văn bền bỉ, theo kiểu chỉ sống, chỉ cắm sâu vào văn hóa và con người của một vùng hiện thực nào đó, rồi thâm canh đến cùng kiệt.

Chú thích ảnh
Tiểu thuyết "Những oan hồn bất tử"

* Chị có nghĩ mình chịu ảnh hưởng của trường phái hoặc của ai đó không? Hay chị muốn mình là nhà văn của cảm xúc, bản năng, thích gì viết nấy?

- Không! Tôi không bị ảnh hưởng bởi nhà văn nào, cũng chẳng có trường phái nào dẫn dụ, ám ảnh tôi. Tôi viết bằng cảm xúc, bằng sự đọc sau khi lắng lại, bằng trải nghiệm và suy lý của tôi.

* Từ các ý trên, chị nghĩ gì về ý nghĩa/ sứ mệnh của nhà văn và các trang viết của họ?

- Trong giới nhà văn, có người viết văn chỉ mong kể xong câu chuyện, in sách, lấy tiền như làm một nghề chân chính, sinh nhai. Có những người viết chỉ để trải lòng mình. Có những người muốn truyền đến bạn đọc một thông điệp cuộc sống, một ngọn lửa nhân văn ấm nóng. Có người vinh quang từ văn chương, cũng có người khánh kiệt vì văn chương… Tôi nghĩ, dù có ý thức mang vác sứ mệnh nhà văn hay không, thành công hoặc thất bại, thì người viết cũng phải trung thực với chính mình và xã hội, phải tạo ra những trang sách yêu thương, phải cứu giúp con người từ trong tăm tối bước ra ánh sáng.

* Các cuốn sách tiếp theo của chị viết về những điều gì?

- Tôi vẫn viết về chiến tranh, về trinh thám, hình sự, đồng tính, về cái ác và lòng tham… Tôi cũng muốn viết về tình yêu nam nữ - một đề tài cũ như trái đất, tưởng là dễ, nhưng thực ra rất khó.

Là nhà văn thì việc đầu tiên và cuối cùng cũng là viết. Tư tưởng, tình cảm, lối sống…, tóm lại là con người nhà văn hiển hiện ở trong các trang viết ấy. Không giấu đi được!

* Cảm ơn chị!

                                                                                                                      Theo thethaovanhoa.vn Như Hà (thực hiện)

Bài viết khác

Hội nghị giao ban đánh giá tình hình văn học, nghệ thuật quý I/2024

08/04/2024 - 16:06

Chiều ngày 5/4, Ban tuyên giáo Trung ương phối hợp cùng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Liên hiệp các hội Văn học, Nghệ thuật Việt Nam đã tổ chức Hội nghị giao ban công tác Văn học, Nghệ thuật, Hoạt động của Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam, các Hội VHNT chuyên ngành Trung ương.

Cục Nghệ thuật biểu diễn tổ chức kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3

08/03/2024 - 10:11

Sáng ngày 8/3 Cục Nghệ thuật biểu diễn tổ chức Ngày hội Phụ nữ, nhân kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 (08/3/1910 - 08/3/2024.)

Nghệ sĩ hân hoan đón nhận danh hiệu NSND và NSƯT

07/03/2024 - 11:13

Sáng 6/3, Lễ trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 10 đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đích thân trao tặng danh hiệu cho các nghệ sĩ. Đây là những danh hiệu cao quý để tôn vinh cống hiến của các nghệ sĩ đối với sự nghiệp văn hóa, nghệ thuật nước nhà thông qua các tác phẩm, công trình nghệ thuật có sức lan tỏa, có tác động xã hội lớn.

Danh hiệu tạo động lực cho nghệ sĩ không ngừng rèn luyện, học tập và nâng cao trách nhiệm mình đối với xã hội

07/03/2024 - 10:59

Lễ trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 10 diễn ra sáng 6/3 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Sẽ có 389 nghệ sĩ, trong đó có 125 NSND, 264 NSƯT được trao tặng, truy tặng danh hiệu trong dịp này. Các nghệ sĩ chia sẻ, được Nhà nước trao tặng danh hiệu cao quý, tạo động lực cho họ không ngừng rèn luyện, học tập và nâng cao trách nhiệm mình đối với xã hội.

Lễ trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú lần thứ 10

06/03/2024 - 15:38

Nhằm tôn vinh các nghệ sĩ có tài năng nghệ thuật xuất sắc, có nhiều cống hiến trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa nghệ thuật của dân tộc, ngày 6/3, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Lễ trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân (NSND), Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) lần thứ 10.

Đảm bảo Lễ trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT diễn ra thực sự ý nghĩa, ấn tượng, trang trọng và chuyên nghiệp

05/03/2024 - 21:59

Sáng 5/3, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Bộ VHTTDL phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức tổng duyệt Chương trình nghệ thuật tại Lễ trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 10.