Ngọt ngào đêm dân ca Ví, giặm
15/05/2023 - 18:54
Chương trình "Mạch nguồn Ví, giặm" diễn ra vào đêm 14.5 tại Cung Văn hoá hữu nghị Việt Xô đã thành công rực rỡ. Các nghệ sĩ thăng hoa trình diễn những ca khúc chọn lọc của 5 nhạc sĩ tài hoa: Nguyễn Văn Tý, Nguyễn An Thuyên, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Tài Tuệ và Hồng Đăng, đưa khán giả đắm chìm trong không gian âm nhạc đậm chất dân ca xứ Nghệ.
Chương trình "Mạch nguồn Ví, giặm" diễn ra vào đêm 14.5 tại Cung Văn hoá hữu nghị Việt Xô
Tháng 5, hàng triệu triệu trái tim của những người con đất Việt đều hướng về Bác - Người cha già kính yêu của dân tộc Việt Nam, bài hát khai từ của chương trình Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác - một sáng tác nổi tiếng của cố nhạc sĩ An Thuyên do ca sĩ Bùi Lê Mận và các nghệ sĩ biểu diễn chính là là lời tri ân, là tình cảm, tình yêu mà tất cả những người con đất Việt gửi đến vị cha già kính yêu của dân tộc Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Người.
TS Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT, Chủ tịch Hội đồng hương Nghệ An tại Hà Nội, Trưởng ban tổ chức chương trình nhấn mạnh, dù 5 nhạc sĩ tài hoa của xứ Nghệ đã đi xa nhưng dấu ấn về cuộc đời và tác phẩm âm nhạc bất hủ, ca từ ngọt ngào, nốt nhạc du dương, sâu lắng mang đậm chất dân ca Ví, giặm vẫn lay động mãi trong tâm trí của tất cả chúng ta. “Âm nhạc đã đồng hành và thăng hoa cùng dân tộc, tạo dựng những mốc son sáng giá trong dòng chảy văn hóa và đời sống tinh thần của nhân dân. 5 nhạc sĩ của đất Lam Giang được tôn vinh hôm nay đều là những người có đóng góp xứng đáng vào kho báu của nền âm nhạc Việt Nam; là niềm tự hào của nhân dân Nghệ An”, TS Lê Doãn Hợp khẳng định.
NSƯT Đức Long thể hiện ca khúc Dư âm của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý
Chương trình gồm 3 phần: Mơ quê, Giai điệu tình yêu, Cung đàn đất nước dẫn dắt khán giả đi qua nhiều cung bậc cảm xúc, là đêm dân ca Ví, giặm đậm đà, tinh túy, ngọt lành như lời ru tuổi thơ của mẹ, như dòng nước mát sông Lam, như đỉnh non cao Đại Huệ. Tất cả hội đủ hương sắc, hoà quyện, đồng vọng, lan tỏa làm mãn nguyện 5 nhạc sĩ nơi vĩnh hằng, hài lòng công chúng kỳ vọng trước đó về bữa “đại tiệc âm nhạc”.
Trong phần 1 - Mơ quê, khán giả được nghe giọng ca ngọt ngào của ca sĩ Phạm Phương Thảo qua hai ca khúc Neo đậu bến quê (nhạc sĩ An Thuyên), Một Khúc tâm tình người Hà Tĩnh (nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý). Từng ca từ trong bài hát đưa khán giả nhớ về hình ảnh núi Hồng, sông Lam - mạch nguồn câu hò, điệu ví của những làn điệu dân ca say đắm lòng người, để tiếng quê hương luôn thẳm sâu, là một chốn neo đậu bình yên cho mỗi người.
Mạch nguồn Ví, giặm đã nuôi dưỡng biết bao cốt cách, tâm hồn người Nghệ. Để câu ca của gừng cay muối mặn, của phù sa sông quê, của tình người Nghệ, tiếp tục được bồi đắp trong những ca khúc đi cùng năm tháng, đắm say lòng người. Bài hát Mơ quê (nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ, ca sĩ Huyền Trang thể hiện) và Khúc hát sông quê (nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo, ca sĩ Bùi Lê Mận thể hiện) cũng đã truyền tải hết thông điệp đó.
Khán giả được nghe giọng ca ngọt ngào của ca sĩ Phạm Phương Thảo qua hai ca khúc Neo đậu bến quê, Một Khúc tâm tình người Hà Tĩnh
Trong phần 2 - Giai điệu tình yêu, tiếng quê hương và mạch nguồn tình yêu với câu hò, điệu ví, những người nhạc sĩ đã thả hồn vào từng lời ca, nốt nhạc và ngân lên thành những giai điệu tình yêu chạm đến trái tim. Bài ca tình yêu ấy lần lượt được vang lên trong Hoa sữa, Ký ức đêm (nhạc sĩ Hồng Đăng, ca sĩ Thanh Lam thể hiện), Mẹ yêu con (Nguyễn Văn Tý, ca sĩ Đinh Trang thể hiện); Đôi mắt đò ngang (Nguyễn Trọng Tạo, ca sĩ Đinh Trang, Lương Nguyệt Anh, Đỗ Tố Hoa thể hiện), Dư âm (Nguyễn Văn Tý, NSƯT Đức Long thể hiện), Ca dao em và tôi (An Thuyên, ca sĩ Thanh Tài thể hiện).
Từ mạch nguồn Ví, giặm, từ tình yêu với xứ sở, dải đất hình chữ S chát mặn chua cà, rát bỏng gió Lào, 5 nhạc sĩ tài hoa đã gửi vào nhạc phẩm những ca từ mang đậm hồn cốt, khí chất và bản lĩnh của con người Xứ Nghệ. Từ tình yêu với quê hương xứ Nghệ, từ tình yêu lứa đôi và khát khao cống hiến, họ đã đóng góp tâm sức mình cho nền âm nhạc Việt Nam bằng một tình yêu tha thiết với đất nước, với Tổ quốc. Và ở phần cuối với chủ đề Cung đàn đất nước, tình yêu đó được vang lên trong giai điệu của các ca khúc Xa khơi (Nguyễn Tài Tuệ, ca sĩ Đinh Trang), Em chọn lối này (An Thuyên, ca sĩ Đỗ Tố Hoa), Làng quan họ quê tôi (Nguyễn Trọng Tạo, ca sĩ Lương Nguyệt Anh), Tiếng hát giữa rừng Pác Pó (ca sĩ Vũ Thắng Lợi) - một ca khúc của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ, mà khi lắng lòng trong giai điệu nay, người nghe thấy dáng hình Tổ quốc.
Ca sĩ Thanh Tài với ca khúc Ca dao em và tôi của nhạc sĩ An Thuyên
Và cuối cùng, Biển hát chiều nay (nhạc sĩ Hồng Đăng, NSƯT Vũ Tiến Lâm) là ca khúc kết của chương trình. Mỗi một tình yêu mỗi một cuộc đời. Mạch nguồn Ví, Giặm đã không chỉ cho chúng ta những giai điệu tình yêu tuyệt đẹp mà con cho chúng ta niềm tin, lòng tự hào với dải đất hình chữ S.
Chia sẻ cảm xúc về đêm nhạc, ca sĩ Phạm Phương Thảo cho biết, chị rất vui mừng khi được mời tham gia chương trình nghệ thuật đặc biệt này. Đây là dịp để những ca sĩ như Phương Thảo được tri ân các nhạc sĩ tài hoa của nền âm nhạc Việt Nam. “Di sản âm nhạc mà 5 nhạc sỹ của chúng ta để lại không chỉ là niềm tự hào của quê hương xứ Nghệ, mà đã trở thành di sản quý giá của nền âm nhạc Việt Nam”, ca sĩ Phương Thảo nhấn mạnh.
Những người nhạc sĩ đã thả hồn vào từng lời ca, nốt nhạc và ngân lên thành những giai điệu tình yêu chạm đến trái tim
Từng ca từ trong các bài hát đưa khán giả nhớ về hình ảnh núi Hồng, sông Lam - mạch nguồn câu hò, điệu ví
Mạch nguồn Ví, giặm đã không chỉ cho chúng ta những giai điệu tình yêu tuyệt đẹp mà con cho chúng ta niềm tin, lòng tự hào với dải đất hình chữ S
Biển hát chiều nay (nhạc sĩ Hồng Đăng, NSƯT Vũ Tiến Lâm) là ca khúc kết của chương trình.
Theo Báo Văn hóa
Bài viết khác
Cục Nghệ thuật Biểu diễn tổ chức hội nghị gặp mặt trao Quyết định nghỉ hưu đối với công chức
25/09/2024 - 14:55
Sáng ngày 25/9/2024, tại Cục Nghệ thuật biểu diễn, tổ chức buổi gặp mặt và trao quyết định nghỉ hưu để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội đối với công chức Phạm Thị Hải Yến.
18 tập thể, cá nhân được trao Giải thưởng Đào Tấn 2024
24/09/2024 - 11:43
Tối 22.9, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc và Tạp chí Văn hiến Việt Nam tổ chức Lễ trao Giải thưởng Đào Tấn năm 2024 cho 18 tập thể và cá nhân có nhiều cống hiến trong sự nghiệp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá nghệ thuật truyền thống của dân tộc.
Trại sáng tác truyền lửa cho văn nghệ sĩ
19/09/2024 - 00:04
Trong thời gian tham gia Trại sáng tác viết kịch bản văn học năm 2024, các tác giả đã sáng tác, hoàn thiện 24 kịch bản sân khấu, tác phẩm phê bình văn học nghệ thuật, thể hiện niềm đam mê sáng tạo và không ngừng tìm tòi cái mới để có những tác phẩm chất lượng, mang hơi thở đời sống.
Họp rà soát triển khai các chương trình nghệ thuật ủng hộ đồng bào miền Bắc chịu thiệt hại do bão lũ
17/09/2024 - 21:46
Thực hiện chỉ đạo của Ban Cán sự đảng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTTDL) tại Công văn số 3928/BVHTTDL-VP ngày 13/9/2024 về việc tổ chức các chương trình nghệ thuật nhằm quyên góp và ủng hộ đồng bào các tỉnh, thành phố miền Bắc chịu thiệt hại nặng nề do bão lũ gây ra; ngày 14/9/2024, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã phối hợp 12 Nhà hát thuộc Bộ VHTTDL khẩn trương triển khai xây dựng Kế hoạch thực hiện.
THÔNG BÁO Lùi thời gian tổ chức “Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc - 2024” (Đợt 1)
06/09/2024 - 17:52
Căn cứ Công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung ứng phó khẩn cấp bão số 3 năm 2024, Ban Tổ chức Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc - 2024” (Đợt 1) quyết định lùi thời gian tổ chức, theo đó Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc - 2024” (Đợt 1) được tổ chức từ ngày 11 đến ngày 20/9/2024
Trại sáng tác cho các tác giả viết kịch bản văn học năm 2024
06/09/2024 - 10:01
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng, Trung tâm hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật và các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức Trại sáng tác cho các tác giả viết kịch bản văn học năm 2024 tại Nhà sáng tác Đà Lạt, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng từ ngày 12/9 đến ngày 19/9/2024.