Nghệ thuật Cải lương: Còn đó... vàng son một thuở?
19/07/2023 - 16:44
Nhằm tiếp thu ý kiến đóng góp cho việc biên tập, in và phát hành cuốn biên khảo thứ 2 về tiến trình lịch sử sân khấu Cải lương từ sau 1975, Hội Sân khấu TP.HCM vừa tổ chức tọa đàm với chủ đề Sân khấu Cải lương TP.HCM 1975-2025. Tại đây, giới làm nghề đã cùng bàn thảo để rút ra bài học kinh nghiệm, góp phần làm rõ những thuận lợi, khó khăn để từ đó có biện pháp bảo tồn và phát huy bộ môn nghệ thuật truyền thống này.
Đào tạo nguồn nhân lực trẻ cho sân khấu Cải lương cũng là nỗi trăn trở của nhiều nghệ sĩ gạo cội
Tọa đàm đã thu hút 18 tham luận của 12 tác giả, qua đó khẳng định những giá trị quý báu của sân khấu Cải lương giai đoạn 1975 đến nay, cũng như đưa ra những đánh giá, nhận định, đề xuất qua các đề tài như: Sân khấu Cải lương TP.HCM sống trong một đất nước hòa bình, độc lập; Đặc điểm cơ bản của Cải lương TP.HCM giai đoạn 1975-1990; Tác giả và khuynh hướng sáng tác kịch bản sân khấu Cải lương Nam Bộ từ năm 1975 đến nay; Cải lương trên màn ảnh nhỏ đã quảng bá cho sàn diễn Cải lương…
Nói về đời sống của Cải lương từ sau 1975, TS Lê Hồng Phước nhận định, trước giải phóng, Cải lương phát triển rất mạnh mẽ, có người gọi đó là “thời hoàng kim”. Nhưng nếu xem xét kỹ lịch sử lúc bấy giờ, thì khoảng thời gian này Cải lương đã bị chững lại. Đến sau 1975, Cải lương ở Sài Gòn - TP.HCM bắt đầu nhộn nhịp với những bước phát triển mới. Tuy nhiên, sau đó, Cải lương lại tiếp tục “vấp” phải những thăng trầm, thậm chí đến mức bị coi là giai đoạn “thoái trào”. Như vậy, Cải lương sau 1975 đến nay có thể nhìn nhận qua 3 giai đoạn chính: Thời kỳ hoàng kim lần thứ 2 với việc sân khấu Cải lương bán được vé và nhiều tên tuổi nghệ sĩ trước 1975 được tiếp tục khẳng định; Giai đoạn những năm 1990 của thời kỳ Cải lương video tương ứng với thế hệ đầu của giải Trần Hữu Trang; Sau 2000 của thời kỳ nghệ sĩ làm Cải lương trên không gian mạng. “Nhìn lại ta thấy có rất nhiều điều đáng suy ngẫm và một trong những điều cần nêu bật đó là, Cải lương không nên đóng khung trong cách tồn tại của mình, mà phải luôn biết hội nhập, thích nghi với thời đại”, TS Lê Hồng Phước cho hay.
Phải khẳng định rằng, ngay từ khi mới ra đời, Cải lương đã được công chúng đón nhận khi đáp ứng nhu cầu tinh thần, thẩm mỹ của mọi tầng lớp. Thế nhưng theo lớp sóng thời gian, dường như đất nước càng hội nhập sâu rộng thì nghệ thuật sân khấu truyền thống nói chung và Cải lương nói riêng càng tụt hậu và bị bỏ lại phía sau. Tại buổi tọa đàm, đa phần giới chuyên môn đều đưa ra nhận định về hiện trạng rạp hát dành riêng cho Cải lương biểu diễn mất dần, trang thiết bị, cơ sở vật chất xuống cấp và lạc hậu; nội dung kịch bản ngày càng xa rời cuộc sống và chất lượng vở diễn không đủ hấp dẫn công chúng; lực lượng sáng tạo giỏi nghề thưa vắng, thiếu người kế thừa; cơ chế chính sách dành cho người làm nghệ thuật còn nhiều bất cập… Hệ quả là thị trường dành cho Cải lương biểu diễn, kết nối với khán giả ngày càng thu hẹp.
Thực tế cho thấy, Cải lương hiện đang có những bước lùi. Tuy nhiên, phải khẳng định, Cải lương có lùi nhưng không “chết”, vì nó vẫn sống trong các phong trào trong quần chúng và công chúng không hẳn đã quay lưng với Cải lương. Rõ ràng, Đờn ca tài tử với tư cách là tiền thân của Cải lương, nay đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới, không chỉ phát triển mạnh mẽ ở Nam Bộ mà còn thông qua nhiều hình thức sinh động, đặc biệt là các phương tiện thông tin đại chúng, như giải Chuông vàng vọng cổ, giải thưởng Trần Hữu Trang… Các nhà hát Cải lương có tiếng tại TP.HCM hiện nay cũng luôn trong tình trạng “cháy vé” mỗi suất diễn. Điều này cho thấy, Cải lương vẫn có chỗ đứng riêng, chỉ là không rộng rãi như các loại hình nghệ thuật đương đại khác.
Chính vì thế, tại tọa đàm, các nhà chuyên môn đã đưa ra những ý kiến, đề xuất để giúp Cải lương TP.HCM cũng như cả nước được “sống” đúng với giá trị vốn có. Theo TS Huỳnh Quốc Thắng, việc đào tạo nghề nghiệp bài bản đối với Cải lương hiện nay có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Ông chia sẻ: “Như đã xác định, Cải lương muốn phát triển cần phải có được một lực lượng sáng tác, biểu diễn vừa có nghề ở đỉnh cao, vừa có tri thức, có học thức vững chắc. Đối với nghệ thuật sân khấu Cải lương, tác giả là người sáng tạo số một, đạo diễn là người sáng tạo số hai và diễn viên là người sáng tạo thứ ba”.
Còn với TS Võ Thị Yến, chính sự chênh lệch lớn giữa đề tài lịch sử và kịch bản đề tài hiện đại, đương đại đã khiến cho đời sống Cải lương trở nên nghèo nàn. Lý do là các tác giả ngại đụng chạm nên đã mượn chuyện xưa nói chuyện nay. Vì thế, để thu hút được đông đảo công chúng, tác giả cần đổi mới trong sáng tác, cần có chiều sâu của tư tưởng nghệ thuật cũng như cá tính sáng tạo để các tác phẩm được đấu tranh vì quyền sống, quyền hạnh phúc của con người…
Cũng tại buổi tọa đàm, các ý kiến xoay quanh đào tạo nguồn lực, nâng cao thị hiếu công chúng, sáng tạo đổi mới kịch bản… đã được các đại biểu tâm huyết chia sẻ. NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM cho rằng, việc tổng kết, đánh giá lại giai đoạn này là rất quan trọng, để không chỉ có cái nhìn toàn diện về một giai đoạn, đời sống sân khấu Cải lương đầy biến động mà còn rút ra những bài học, giải pháp cho việc giữ gìn và phát huy giá trị truyền thống của sân khấu Cải lương trong tương lai. Chính vì thế, Hội Sân khấu TP.HCM luôn luôn lắng nghe những ý kiến, đề xuất của giới chuyên môn, từ đó có những đề xuất, tham mưu để UBND TP.HCM xác định mục tiêu cho hướng đi tiếp theo của sân khấu Cải lương TP.HCM sau 50 năm thống nhất đất nước.
Sân khấu Cải lương với tư cách là một thể loại sân khấu kịch hát dân tộc đến nay đã có lịch sử phát triển hơn một thế kỷ. Qua bao biến động thời cuộc, chính Cải lương cũng đã và đang phải đối mặt với những khó khăn ngay trong sự phát triển của bản thân mình. Tuy nhiên, bằng thế mạnh riêng trong đặc trưng ngôn ngữ có khả năng tiếp biến mọi giá trị văn hóa thời đại, Cải lương đã và đang vượt lên trên hoàn cảnh để có những đóng góp quan trọng trong đời sống văn hóa đất nước. Vì vậy, Cải lương phải đứng vững trên nền tảng văn hóa dân tộc, thấm sâu hồn cốt dân tộc, nhưng không ngừng đổi mới, cách tân thì mới có thể tồn tại và phát triển.
Theo Báo Văn hóa
Bài viết khác
Cục Nghệ thuật Biểu diễn tổ chức hội nghị gặp mặt trao Quyết định nghỉ hưu đối với công chức
25/09/2024 - 14:55
Sáng ngày 25/9/2024, tại Cục Nghệ thuật biểu diễn, tổ chức buổi gặp mặt và trao quyết định nghỉ hưu để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội đối với công chức Phạm Thị Hải Yến.
18 tập thể, cá nhân được trao Giải thưởng Đào Tấn 2024
24/09/2024 - 11:43
Tối 22.9, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc và Tạp chí Văn hiến Việt Nam tổ chức Lễ trao Giải thưởng Đào Tấn năm 2024 cho 18 tập thể và cá nhân có nhiều cống hiến trong sự nghiệp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá nghệ thuật truyền thống của dân tộc.
Trại sáng tác truyền lửa cho văn nghệ sĩ
19/09/2024 - 00:04
Trong thời gian tham gia Trại sáng tác viết kịch bản văn học năm 2024, các tác giả đã sáng tác, hoàn thiện 24 kịch bản sân khấu, tác phẩm phê bình văn học nghệ thuật, thể hiện niềm đam mê sáng tạo và không ngừng tìm tòi cái mới để có những tác phẩm chất lượng, mang hơi thở đời sống.
Họp rà soát triển khai các chương trình nghệ thuật ủng hộ đồng bào miền Bắc chịu thiệt hại do bão lũ
17/09/2024 - 21:46
Thực hiện chỉ đạo của Ban Cán sự đảng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTTDL) tại Công văn số 3928/BVHTTDL-VP ngày 13/9/2024 về việc tổ chức các chương trình nghệ thuật nhằm quyên góp và ủng hộ đồng bào các tỉnh, thành phố miền Bắc chịu thiệt hại nặng nề do bão lũ gây ra; ngày 14/9/2024, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã phối hợp 12 Nhà hát thuộc Bộ VHTTDL khẩn trương triển khai xây dựng Kế hoạch thực hiện.
THÔNG BÁO Lùi thời gian tổ chức “Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc - 2024” (Đợt 1)
06/09/2024 - 17:52
Căn cứ Công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung ứng phó khẩn cấp bão số 3 năm 2024, Ban Tổ chức Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc - 2024” (Đợt 1) quyết định lùi thời gian tổ chức, theo đó Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc - 2024” (Đợt 1) được tổ chức từ ngày 11 đến ngày 20/9/2024
Trại sáng tác cho các tác giả viết kịch bản văn học năm 2024
06/09/2024 - 10:01
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng, Trung tâm hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật và các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức Trại sáng tác cho các tác giả viết kịch bản văn học năm 2024 tại Nhà sáng tác Đà Lạt, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng từ ngày 12/9 đến ngày 19/9/2024.