Nam Định: Chuẩn bị hồ sơ di sản múa rối hầu thánh chùa Bi
17/03/2015 - 14:00
(NTBD) - Nam Định đang thu thập tài liệu để xây dựng hồ sơ đề nghị đưa múa rối hầu thánh tại chùa Bi vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Việc làm này không chỉ tôn vinh nghệ thuật múa rối cạn độc đáo mà còn góp phần bảo tồn, trao truyền cho thế hệ sau tốt hơn.
Nghệ thuật độc đáo
Chẳng ai biết chính xác múa rối hầu thánh chùa Bi có từ khi nào, chỉ biết nó gắn với lễ hội và không gian thiêng của chùa Bi (Đại Bi tự) tại thị trấn Nam Giang, Nam Trực, Nam Định, được lưu truyền từ đời này qua đời khác một cách liên tục và khá nguyên vẹn. Theo truyền phả, hội rối chùa Bi được dân 3 làng Vân Chàng, Giáp Tư, Giáp Ba tổ chức biểu diễn vào tối các ngày 20 - 22 tháng Giêng âm lịch hàng năm, để nhớ ơn Thiền sư Từ Đạo Hạnh - ông tổ của nghệ thuật múa rối Việt Nam, từng có thời gian tu hành ở chùa Bi. Chính tên của trò này là hội tu kỳ lệ (răn đời bỏ ác làm thiện), sau mới có thêm các tên như rối đầu gỗ, ổi lỗi, hát rối. Nhân vật chính trong múa rối hầu thánh là Thập nhị Thánh tượng (12 tượng thánh gồm 6 tượng rối lớn và 6 tượng rối nhỏ). Rối chùa Bi thuộc thể loại rối tay. Tượng làm bằng gỗ vàng tâm khoét rỗng, phủ sơn ta, được gọi là thánh tượng. Bộ thánh tượng chùa Bi không chỉ có giá trị lịch sử, tâm linh mà còn giàu tính mỹ thuật, được đánh giá là bộ đầu rối đẹp nhất miền Bắc.
Căn cứ vào kinh văn (tức lời hát) có thể phỏng đoán múa rối chùa Bi được kiện toàn hình thức và nội dung từ thời Hậu Lê (thế kỷ XVII - XVIII). Các bài hát có âm điệu, giai điệu khác nhau nhưng đều hát vần theo nhịp 1/3 hoặc 2/7. Đặc biệt, các lời đệm, lời đón đều dùng tiếng Nôm cổ, theo thể song thất lục bát hoặc lục bát. Nội dung các bài hát ca ngợi triều đại thanh bình, thịnh trị, ca ngợi đời sống ấm no, yêu lao động. Dân gian còn đưa vào hát rối những điển tích cổ, các giáo điều trong Kinh thư để răn dạy con người sống hiếu nghĩa, thủy chung, chăm lo học hành, yêu lao động…
Múa rối hầu thánh là loại hình diễn xướng dân gian đặc sắc và độc đáo, được biểu diễn tại nhiều chùa ở Nam Định cũng như một số địa phương vùng đồng bằng Bắc bộ. Tuy nhiên, sau đợt nghiên cứu điền dã năm 2013 - 2014, Ts Trang Thanh Hiền, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam cho biết, múa rối ở chùa Bi được trao truyền liên tục và bài bản nhất. Toàn bộ 32 bài hát rối lời cổ vẫn được lưu giữ nguyên vẹn. Trong khi đó, ở chùa Keo Hành Thiện, chùa Cổ Lễ (Nam Định), chùa Keo (Thái Bình)... đã mất hết kinh văn (lời hát), nếu còn lời văn thì không còn làn điệu nên không biết hát như thế nào; nghệ nhân hầu như chẳng còn ai, nếu có lễ hầu thánh chủ yếu do các thầy cúng thực thi.
Vinh danh để bảo tồn tốt hơn
Năm 2014, phường rối chùa Bi đã có đơn đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nam Định quan tâm nghiên cứu để lập hồ sơ vinh danh di sản này. Mùa lễ hội xuân Ất Mùi, Nam Định đã khởi động nghiên cứu bài bản, ghi hình toàn bộ diễn trình múa rối hầu thánh chùa Bi. Theo Giám đốc Bảo tàng tỉnh Nam Định Nguyễn Văn Thư - người đang trực tiếp chỉ đạo làm hồ sơ múa rối hầu thánh chùa Bi, khối lượng di sản văn hóa phi vật thể của Nam Định còn nhiều, nhưng năm 2015 tỉnh ưu tiên làm hồ sơ nghệ thuật múa rối đầu gỗ của chùa Bi. Bởi nếu không lập hồ sơ để sớm đưa ra chương trình hành động bảo tồn thì e rằng loại hình nghệ thuật này sẽ bị mai một.
Hiện nay phường rối chùa Bi có gần 40 người, phần lớn đều cao tuổi, trẻ nhất cũng đã 40 tuổi. Càng cao tuổi càng khó hát, múa. Chánh trùm phường rối chùa Bi Vũ Huy Rính 82 tuổi cho biết, 2 năm gần đây nhiều người trẻ xin tham gia phường rối, nhưng múa rối hầu thánh có những bài văn khó hiểu, không dễ truyền dạy trong một sớm một chiều. Việc học phải diễn ra thường xuyên chứ không chỉ vài ba buổi tập trước hội diễn. Có người tuy đã sinh hoạt trong phường rối hàng chục năm nhưng vẫn không hát, không múa được. Năm 2014, ông Đoàn Hữu Sòng, một trong những người nắm rất nhiều bài hát rối lời cổ đã qua đời khi chưa kịp truyền dạy khiến những người quan tâm đến loại hình nghệ thuật dân gian này càng lo lắng.
Qua tư liệu có thể khẳng định, múa rối hầu thánh chùa Bi do cộng đồng địa phương sáng tạo, gắn với cộng đồng và không gian thiêng này; luôn được trao truyền, gìn giữ một cách hệ thống, liền mạch và tương đối đầy đủ nghi thức. Đây là điểm thuận lợi trong quá trình xây dựng hồ sơ di sản. Đặc biệt, việc thành lập phường rối cho thấy ý thức của cộng đồng địa phương trong gìn giữ, truyền dạy di sản cho thế hệ sau. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là địa phương chưa tìm được kinh phí để xây dựng hồ sơ di sản. “Cách đây 3 năm, chúng tôi đã nghiên cứu về di sản này, sưu tầm các bài văn chầu, nghi lễ trong biểu diễn hầu thánh, đạo cụ, quá trình bảo vệ các Thánh tượng, tính thiêng của nó, phỏng vấn các cụ trong phường rối... Nếu thuận lợi, trong năm 2015 sẽ hoàn thành hồ sơ đề nghị đưa múa rối hầu thánh chùa Bi vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Quá trình tập hợp, nghiên cứu một cách khoa học toàn bộ di sản này không chỉ để khẳng định giá trị của di sản và vinh danh nó, mà còn xây dựng tư liệu khoa học chính thống để bảo vệ, trao truyền di sản tốt hơn” - ông Nguyễn Văn Thư cho biết.
Nguồn: ĐBND
Bài viết khác
Vinh danh các gương mặt nghệ sĩ tiêu biểu và một số cuốn sách nổi bật
09/01/2025 - 06:20
Tối 11.1 tại Nhà hát Thành phố Hải Phòng, Bộ VHTTDL chủ trì phối hợp với UBND Thành phố Hải Phòng tổ chức Chương trình giới thiệu các gương mặt nghệ sĩ tiêu biểu và một số cuốn sách nổi bật lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, văn học năm 2024. Đây là sự kiện mang ý nghĩa lớn, không chỉ nhằm tôn vinh những cá nhân và tập thể xuất sắc mà còn khơi dậy tinh thần sáng tạo, cống hiến của những người làm nghệ thuật và văn học.
Tổng Bí thư Tô Lâm: Văn nghệ sĩ cần chiếm lĩnh những đỉnh cao mới trong sáng tạo nghệ thuật
31/12/2024 - 06:00
Chiều ngày 30/12, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chủ trì Hội nghị gặp mặt đại biểu văn nghệ sỹ toàn quốc.
Chùm ảnh: Tổng Bí thư Tô Lâm gặp mặt đại biểu văn nghệ sĩ
31/12/2024 - 04:09
Chiều 30/12/2024, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự Hội nghị gặp mặt đại biểu văn nghệ sĩ.
Việt Nam – Huyền sử diễn ca: Thăng Long – Tứ Trấn hồi sinh qua lăng kính nghệ thuật
30/12/2024 - 21:03
Tối 29.12, chương trình nghệ thuật thực cảnh “Việt Nam – Huyền sử diễn ca: Thăng Long – Tứ Trấn” đã diễn ra tại khu Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long (19C Hoàng Diệu, Ba Đình, Hà Nội), thu hút sự quan tâm của hơn 1.600 người. Tham dự sự kiện có Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông, tổng đạo diễn chương trình cùng lãnh đạo các cục, vụ, các đơn vị chức năng của Bộ VHTTDL.
Tổng duyệt chương trình nghệ thuật “Việt Nam – Huyền sử diễn ca" "Thăng Long – Tứ Trấn”
28/12/2024 - 23:59
Tối 28/12, tại 19C Hoàng Diệu, dưới tiết trời đầu đông Hà Nội, 450 nghệ sĩ, nghệ nhân, diễn viên và thiếu nhi đã dốc toàn bộ tâm huyết trong buổi tổng duyệt chương trình nghệ thuật thực cảnh “Việt Nam – Huyền sử diễn ca” “Thăng Long – Tứ Trấn”. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Tạ Quang Đông – đồng thời là tổng đạo diễn của chương trinh, buổi tổng duyệt diễn ra đầy ấn tượng và trọn vẹn sự độc đáo.
CÔNG BỐ 35 TÁC PHẨM VĂN HỌC, NGHỆ THUẬT ĐƯỢC NGHIỆM THU TRONG CUỘC PHÁT ĐỘNG SÁNG TÁC “SỐNG MÃI VỚI THỜI GIAN”
28/12/2024 - 15:52
Sáng ngày 28/12, tại Nhà hát Nghệ thuật Đương đại Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức trọng thể Lễ công bố các tác phẩm văn học, nghệ thuật được nghiệm thu trong cuộc phát động sáng tác với chủ đề “Sống mãi với thời gian” giai đoạn 2022 -2025.