Liên hoan các trích đoạn hay nghệ thuật sân khấu toàn quốc năm 2023: Tìm kiếm những tài năng đích thực

22/05/2023 - 21:59  

Liên hoan các trích đoạn hay nghệ thuật sân khấu toàn quốc năm 2023 do Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam phối hợp Bộ VHTTDL, UBND tỉnh Hà Nam cùng các đơn vị liên quan tổ chức đã chính thức diễn ra tại Trung tâm Văn hóa nghệ thuật Hà Nam vào cuối tuần qua. Đây quả là bài toán khó đối với Hội đồng giám khảo, tuy nhiên, đúng theo tiêu chí đặt ra, các thành viên giám khảo khẳng định sẽ đánh giá công tâm, khách quan để lựa chọn ra những tài năng đích thực “vàng mười”...

 

 Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông và các đại biểu tặng hoa, cờ lưu niệm cho đại diện các đơn vị tham gia Liên hoan

“Bữa tiệc” của những người làm nghệ thuật

Hơn 1.000 nghệ sĩ thuộc 33 đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc mang tới hơn 100 trích đoạn sân khấu đặc sắc ở nhiều thể loại: Tuồng, chèo, cải lương, dân ca kịch, kịch nói, xiếc… phong phú về đề tài từ truyền thống, lịch sử cho tới hiện đại. Đây đều là các trích đoạn hay, nổi tiếng và đã được nhiều thế hệ nghệ sĩ thể hiện.

Tại Lễ khai mạc, BTC đã công bố Hội đồng giám khảo Liên hoan gồm: Nhà viết kịch, TS Nguyễn Đăng Chương (Chủ tịch Hội đồng) và các ủy viên: NSND Giang Mạnh Hà, NSND Nguyễn Hoài Huệ, NSND Hoàng Cúc, NSND Nguyễn Gia Khoản, NSND Nguyễn Thị Minh Thu, NSƯT Nguyễn Thị Ngọc Mỹ. Chia sẻ với Văn Hóa, TS Nguyễn Đăng Chương cho biết: Các thành viên trong Hội đồng giám khảo hoạt động ở nhiều lĩnh vực, đảm nhận trách nhiệm đánh giá chất lượng của các trích đoạn và kỹ thuật biểu diễn của các nghệ sĩ. Mỗi loại hình đều có các chuyên gia có nghề để tìm tòi, có ý kiến xác đáng, vì thế việc đánh giá không quá khó khăn. “Chúng tôi bảo đảm sự công tâm, khách quan để thúc đẩy sự nghiệp sân khấu phát triển, tạo động lực thắp sáng khát vọng của các nghệ sĩ biểu diễn để họ tiếp tục phấn đấu, cống hiến, có nhiều vai diễn, nhiều tác phẩm sân khấu chất lượng phục vụ công chúng thời gian tới”, ông Chương nói.

Theo Quy chế chấm giải và khen thưởng, Hội đồng giám khảo sẽ xét chấm điểm dựa trên trình độ, kỹ thuật diễn xuất, đặc biệt ưu tiên những cá nhân có tìm tòi sáng tạo mới lạ, độc đáo, xây dựng tích cách và hình tượng nhân vật đạt hiệu quả, tạo nên sự thành công cho tác phẩm. Trích đoạn được đánh giá cao là thể hiện rõ nội dung, hình tượng và tính cách nhân vật, giữ được đặc trưng cơ bản của từng loại hình sân khấu; có sự thống nhất cao về phương pháp nghệ thuật trong xử lý không gian, diễn xuất, âm nhạc và các thành phần phụ trợ khác. Chất lượng nội dung và nghệ thuật của trích đoạn có tác động tốt tới nhận thức và tạo cảm xúc mạnh mẽ cho khán giả. Hội đồng giám khảo sẽ lựa chọn ra những trích đoạn hay trên cơ sở các tiêu chí trên để trao thưởng.

Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Trưởng Ban chỉ đạo Liên hoan, NSND Trịnh Thúy Mùi cho biết: “Đây là hoạt động nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị của nghệ thuật sân khấu, đặc biệt là sân khấu truyền thống trước những tác động mạnh mẽ của cơ chế thị trường. Đồng thời, là hoạt động tôn vinh các nghệ sĩ sân khấu ở mọi lứa tuổi đã có nhiều sáng tạo và khát vọng cống hiến trong quá trình lao động, sáng tạo nghệ thuật; là dịp để các nghệ sĩ thuộc nhiều loại hình nghệ thuật giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm nhằm sáng tạo ra nhiều trích đoạn, vai diễn hay, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật ngày càng cao của nhân dân trong thời kỳ hội nhập”.

 

 

 Trích đoạn dự thi “Những vì sao không tắt” của Trung tâm VHNT tỉnh Hà Nam biểu diễn sau lễ khai mạc

Mở và “sòng phẳng”…

Đạo diễn, NSND Hoàng Quỳnh Mai, Phó Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam chia sẻ: “Liên hoan mang tính chất rất mở cho các thí sinh và các đơn vị khi cho tự lựa chọn trích đoạn, không hạn chế độ tuổi và vì vậy sẽ là một cuộc thi rất “sòng phẳng” giữa nghệ sĩ có thâm niên và cả nghệ sĩ trẻ miễn là trích đoạn hay, ấn tượng. Thế nhưng với thời lượng 20-25 phút cho một trích đoạn, để diễn hay, thuyết phục là không hề dễ dàng. Nghệ sĩ sẽ phải bộc lộ toàn bộ năng lực để có thể thuyết phục giới làm nghề. Nhà hát chúng tôi tham gia 2 trích đoạn, đến thời điểm này, Ban giám đốc và các nghệ sĩ vẫn đang dốc sức tập luyện. Nhà hát tạo mọi điều kiện để nghệ sĩ đi thi nhưng yếu tố quyết định vẫn phụ thuộc vào nội lực của mỗi cá nhân. Tôi chỉ có thể khẳng định, các nghệ sĩ cải lương khi tới Liên hoan đều là những người đã ở lứa tuổi chín trong nghề, gắn bó và tâm huyết đối với nghề là điều đáng trân trọng nhất”.

Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, NSND Tống Toàn Thắng bày tỏ: “Chúng tôi mang tới Liên hoan quan niệm làm nghệ thuật mới mẻ để giới nghề và khán giả sẽ có góc nhìn thú vị hơn về nghệ thuật xiếc. Xiếc đã được sân khấu hoá để nâng tầm không chỉ còn là những trò diễn đơn lẻ, kỹ xảo thông thường. Người nghệ sĩ hôm nay ngoài kỹ năng, kỹ xảo điêu luyện, họ còn chuyển tải tới công chúng những cảm xúc qua các hình tượng nhân vật lịch sử, anh hùng. 10 nữ nghệ sĩ xiếc hoá thân các nữ thanh niên xung phong tại Ngã ba Đồng Lộc chắc chắn sẽ tạo nên những khoảnh khắc khó quên”.

Giám đốc Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh thì cho biết, đến với Liên hoan lần này, đơn vị tạo cơ hội thuận lợi nhất cho những nghệ sĩ đang còn thiếu điều kiện để xét tặng danh hiệu, bởi sự cống hiến, gắn bó với nghề của các nghệ sĩ đáng để khích lệ. Nhà hát còn mời thầy ở nơi khác tới dàn dựng cho nghệ sĩ để họ có cơ hội toả sáng trong những trích đoạn phù hợp với khả năng và sở trường.

Nhìn vào sự hào hứng của các đơn vị và các thí sinh khi tham dự cũng như kỳ vọng của Ban tổ chức và Hội đồng giám khảo, nhìn vào những gương mặt nghệ sĩ sáng giá, chúng ta có thể chắc chắn rằng, Liên hoan trích đoạn sân khấu hay toàn quốc 2023 sẽ là một cuộc “so găng” đầy kịch tính, chắc chắn sẽ có những trích đoạn, vai diễn được trao “vàng” để ghi nhận, động viên sự nỗ lực của những người làm nghệ thuật tâm huyết. 

Theo Báo Văn hóa

Bài viết khác

Cục Nghệ thuật biểu diễn công bố các Quyết định bổ nhiệm ngạch Chuyên viên chính: Khẳng định năng lực, tinh thần cống hiến

07/05/2025 - 16:01

Sáng ngày 7/5/2025, tại trụ sở Cục Nghệ thuật biểu diễn đã diễn ra Lễ công bố các Quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc bổ nhiệm và xếp lương ngạch Chuyên viên chính đối với bốn công chức thuộc Cục Nghệ thuật biểu diễn.

XÚC ĐỘNG NHÌN LẠI CHƯƠNG TRÌNH NGHỆ THUẬT ĐẶC SẮC “MÙA XUÂN THỐNG NHẤT” - DẤU SON KHÉP LẠI CHUỖI HÀNH TRÌNH TỎA SÁNG

03/05/2025 - 13:00

Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Mùa xuân thống nhất” vào tối 29/4 tại TP.HCM, đã diễn ra trong không khí trang trọng, xúc động và đầy tự hào.

KHÁT VỌNG HÒA BÌNH VÀ LÒNG KIÊU HÃNH CỦA DÂN TỘC TẠI LỄ KỶ NIỆM TRỌNG THỂ 50 GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC

30/04/2025 - 16:31

Lễ kỷ niệm và diễu binh, diễu hành 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước không chỉ là dịp tri ân chiến thắng vĩ đại 30/4/1975 mà còn là lời khẳng định hùng hồn về tầm vóc lịch sử của dân tộc Việt Nam trong hành trình giành lại độc lập, tự do và thống nhất non sông. Đây cũng là dịp phát huy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Kỷ niệm trọng thể 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

30/04/2025 - 08:45

Sáng nay 30.4, tại TP.HCM, Ban Chỉ đạo Trung ương kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước trong 3 năm 2023-2025 tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975-30.4.2025).

Tổng Bí thư Tô Lâm dự chương trình nghệ thuật “Mùa xuân thống nhất” tại TP.HCM

29/04/2025 - 22:34

Tối 29.4, tại TP.HCM đã diễn ra chương trình nghệ thuật đặc biệt “Mùa xuân thống nhất”. Chương trình do Bộ VHTTDL chủ trì, phối hợp cùng Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và UBND TP.HCM tổ chức.

Hùng tráng chương trình chính luận nghệ thuật “Hẹn ước Bắc - Nam”

23/04/2025 - 05:48

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tối 22.4, Chương trình chính luận nghệ thuật “Hẹn ước Bắc - Nam” với sân khấu thực cảnh lớn nhất từ trước đến nay đã được tổ chức tại sân vận động quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội.