Lễ phát động sáng tác VHNT Sống mãi với thời gian: "Ở một tầm cao mới, quy mô chưa từng có"

18/12/2022 - 00:25  

“Tôi đã dự nhiều cuộc phát động sáng tác văn học nghệ thuật nhưng Lễ phát động Sống mãi với thời gian hôm nay ở một tầm cao mới, quy mô chưa từng có và mang một tinh thần khác biệt… Chúng tôi coi đây là một lời kêu gọi lương tri đối với các văn nghệ sĩ, là lòng tin của Đảng, Nhà nước đối với từng trang viết của các văn nghệ sĩ”.

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ Nguyễn Trọng Nghĩa; Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng và các đại biểu thực hiện nghi thức phát động

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã khẳng định như vậy tại Lễ phát động sáng tác các tác phẩm văn học, nghệ thuật Sống mãi với thời gian do Bộ VHTTDL phối hợp với UBND TP Hải Phòng, giao Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì cùng Sở VHTT Hải Phòng tổ chức vào tối 18.12 tại Nhà hát TP Hải Phòng.

Triển khai quan điểm, chiến lược của Đảng về phát triển văn học, nghệ thuật

Đây là hoạt động hướng tới chào mừng kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập Đảng và 85 năm Ngày Quốc khánh nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đã gửi lẵng hoa chúc mừng. Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng; Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông; lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương và TP Hải Phòng cùng đông đảo văn nghệ sĩ đã tham dự Lễ phát động. 

Phát biểu tại Lễ phát động, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định, văn học, nghệ thuật luôn là vũ khí đấu tranh sắc bén trên mặt trận tư tưởng, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc: “Nghệ thuật là vũ khí, nghệ sĩ là chiến sĩ”. Từ những câu ca dao, tục ngữ với nội dung châm biếm, đả kích giai cấp thống trị đến các câu chuyện cổ tích, truyện cười có tính đấu tranh xã hội cao; từ những áng văn chương lớn như Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi, Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du đến thơ Hồ Xuân Hương… tất cả đều chuyển tải giá trị tư tưởng và tinh thần đấu tranh mạnh mẽ, được lưu danh muôn thủa, trường tồn với thời gian.

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu chỉ đạo tại Lễ phát động

Bộ trưởng nhấn mạnh, trong nhiều năm qua, lĩnh vực văn hóa nói chung, văn học, nghệ thuật nói riêng luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, từ Đề cương văn hóa năm 1943 đến Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất năm 1946 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cho đến khi đất nước bước vào giai đoạn hội nhập sâu và rộng với quốc tế. Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” đã xác định văn học nghệ thuật là một trong 10 nhiệm vụ trọng tâm. Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” tiếp tục khẳng định: Phát triển văn học, nghệ thuật là một trong những nhiệm vụ then chốt. 

“Lễ Phát động sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật Sống mãi với thời gian hướng tới 100 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và 85 năm Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa XHCN Việt Nam hôm nay là minh chứng cụ thể trong việc triển khai, thực hiện các quan điểm, nhiệm vụ Nghị quyết, Chiến lược của Đảng, Nhà nước đã đề ra. Bộ VHTTDL ý thức sâu sắc rằng, không phải ai xa lạ mà chính những văn nghệ sĩ của chúng ta hôm nay, với tinh thần yêu nước, sức sáng tạo không giới hạn, phẩm chất chân quý sẽ là chủ nhân của các tác phẩm văn học đó trong tương lai”.

(Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng)

Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 cũng đã đặt ra mục tiêu hằng năm có từ 10-15 công trình nghiên cứu lý luận phê bình văn học, nghệ thuật chất lượng được công bố; 20-30 tác phẩm, công trình văn hóa, văn học, nghệ thuật về lịch sử dân tộc, lịch sử đấu tranh cách mạng và công cuộc đổi mới đất nước; có 2 tác giả đoạt giải thưởng Văn học ASEAN. Năm 2021 vừa qua, Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII được Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức nhân kỷ niệm 75 năm Bác Hồ chủ trì Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với sự nghiệp phát triển văn hóa gắn với xây dựng con người Việt Nam.

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều: Lễ phát động hôm nay ở một tầm cao mới, quy mô chưa từng có

 “Lễ Phát động sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật Sống mãi với thời gian hướng tới 100 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và 85 năm Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hôm nay là minh chứng cụ thể trong việc triển khai, thực hiện các quan điểm, nhiệm vụ Nghị quyết, Chiến lược của Đảng, Nhà nước đã đề ra. Bộ VHTTDL ý thức sâu sắc rằng, không phải ai xa lạ mà chính những văn nghệ sĩ của chúng ta hôm nay, với tinh thần yêu nước, sức sáng tạo không giới hạn, phẩm chất chân quý sẽ là chủ nhân của các tác phẩm văn học đó trong tương lai”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định.

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ Nguyễn Trọng Nghĩa; Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng và các đại biểu tại Lễ phát động

Với tình cảm trân trọng, nồng ấm và quý mến, thay mặt Bộ VHTTDL, Bộ trưởng bày tỏ mong muốn rằng, sau đây, Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, các Hội nghệ thuật chuyên ngành Trung ương, địa phương cùng các văn nghệ sĩ sẽ nhiệt tình hưởng ứng bằng nhiều hoạt động thiết thực, có ý nghĩa để lan tỏa mục đích của Lễ phát động. Bộ trưởng chúc các văn nghệ sĩ luôn “bút sắc, tâm trong, trí sáng” cùng khát vọng đưa đất nước Việt Nam phát triển hùng cường. Bộ VHTTDL sẽ phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương, Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, các Hội chuyên ngành để từng bước nâng cao hiệu quả của hoạt động văn học, nghệ thuật trong thời gian tới; tạo môi trường thuận lợi cho các văn nghệ sĩ phát huy khả năng của mình, tiếp tục kế thừa và phát triển những thành tựu của thế hệ đi trước, kiến tạo  thành tích mới cho nền văn học, nghệ thuật Việt Nam.

“Lời kêu gọi lương tri đối với các văn nghệ sĩ”

Lễ phát động quy tụ nhiều văn nghệ sĩ tiêu biểu đến từ Hội Liên hiệp VHNT Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam, Hội Điện ảnh Việt Nam…; lãnh đạo các Cục, Vụ, các nhà hát trực thuộc Bộ VHTTDL. Nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã tiếp nhận những chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ VHTTDL, đồng thời bày tỏ: “Tôi đã dự nhiều cuộc phát động sáng tác văn học nghệ thuật nhưng Lễ phát động Sống mãi với thời gian hôm nay ở một tầm cao mới, quy mô chưa từng có và mang một tinh thần khác biệt. Lễ phát động đã hiện thực hóa, đời sống hóa các nghị quyết và chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới; là lòng tin của Đảng, Nhà nước đối với từng trang viết của các văn nghệ sĩ. Chúng tôi coi đây là một lời kêu gọi lương tri đối với các văn nghệ sĩ”. 

Các đại biểu và đông đảo văn nghệ sĩ tham dự Lễ phát động

“Sự hiện diện của Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Ban, Bộ, ngành ở một lễ phát động sáng tác văn học nghệ thuật như thế này đã là minh chứng cho sự quan tâm đặc biệt. Cuộc phát động là một “nghi lễ” đặc biệt khiến mỗi cá nhân văn nghệ sĩ phải tự đặt câu hỏi và trả lời câu hỏi: Nếu không viết được những tác phẩm xứng tầm thời đại thì mỗi người sẽ tự phản bội trên từng trang viết của mình! Phải làm sao tạo nên những tác phẩm phản ánh được thời kỳ đổi mới của đất nước và hiện thực hóa khát vọng xây dựng một nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, phát triển dựa trên ý chí tự chủ, tự cường, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định.

Phát biểu chỉ đạo tại Lễ phát động, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đã ghi nhận, biểu dương sáng kiến của Bộ VHTTDL trong việc tổ chức cuộc phát động. đồng thời đề nghị đội ngũ văn nghệ sĩ tiếp tục phát huy tài năng, trí tuệ, nêu cao ý thức, trách nhiệm công dân, rèn luyện đạo đức, bám sát thực tiễn sinh động của công cuộc xây dựng đất nước trong thời kỳ mới, để sáng tạo nên các tác phẩm phản ánh hơi thở cuộc sống, có giá trị phụng sự đất nước và nhân dân. Những sáng tác văn học, nghệ thuật góp phần bồi đắp, nâng cao tư tưởng, tâm hồn, nhân cách, đạo đức, lối sống của con người Việt Nam; dẫn đường và đồng hành với công chúng vươn đến tầm cao về tư tưởng, nghệ thuật và thị hiếu thẩm mỹ; khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. 

Chương trình nghệ thuật tại Lễ phát động

Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, các Hội văn học, nghệ thuật chuyên ngành Trung ương và địa phương tiếp tục phát huy vai trò là mái nhà chung, nơi quy tụ văn nghệ sĩ cả nước trong sự chan hòa tình đồng nghiệp và niềm vui của sự sáng tạo, cống hiến, thực sự là nơi đại diện cho ý chí, nguyện vọng, là cầu nối giữa đội ngũ văn nghệ sĩ với Đảng và Nhà nước. Khuyến khích những sáng tạo, tìm đường cho các giá trị của văn học, nghệ thuật truyền thống hiện diện trong hơi thở của thời đại; quan tâm hơn nữa đến sáng tác các tác phẩm văn học, nghệ thuật dành cho thiếu nhi. Hạn chế sự lệch lạc, sa đà theo các trào lưu, xu hướng hời hợt, thoảng qua, thiếu bền lâu trong lòng công chúng. Không ngừng khuyến khích, động viên, cổ vũ, nhất là những nỗ lực của giới trẻ; tạo mọi điều kiện thuận lợi để văn nghệ sĩ tiếp tục đi sâu vào thực tiễn sinh động, để lấy tư liệu và cảm hứng, sáng tạo nên những tác phẩm có thể “sống mãi với thời gian”. 

Bộ VHTTDL tiếp tục quan tâm, bồi dưỡng đội ngũ văn nghệ sĩ, những tài năng nghệ thuật của đất nước; tạo mọi điều kiện thuận lợi để đội ngũ văn nghệ sĩ hoạt động, phát huy khả năng sáng tạo nghệ thuật, xây dựng các tác phẩm có chất lượng cao, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc; quyết tâm tạo bước chuyển biến rõ nét trong nhiệm vụ xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống và đời sống văn hóa, văn học, nghệ thuật lành mạnh. Có kế hoạch, giải pháp phổ biến các tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao về nội dung tư tưởng và nghệ thuật trong cuộc phát động sáng tác các tác phẩm văn học, nghệ thuật Sống mãi với thời gian hôm nay. Các cấp ủy đảng, chính quyền cần tiếp tục quán triệt sâu sắc, đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, văn học, nghệ thuật Việt Nam, nhất là các quan điểm được nêu trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam; Kết luận chỉ đạo quan trọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021.

 

Theo Báo Văn hóa

Bài viết khác

Công đoàn Bộ VHTTDL tổ chức Hội nghị tập huấn, quán triệt Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở và tuyên truyền, phổ biến pháp luật năm 2024

25/04/2024 - 21:10

Ngày 25/4/2024, tại Hà Nội, Công đoàn Bộ VHTTDL tổ chức hội nghị Tập huấn Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và tuyên truyền, phổ biến pháp luật năm 2024 .

Hội nghị giao ban đánh giá tình hình văn học, nghệ thuật quý I/2024

08/04/2024 - 16:06

Chiều ngày 5/4, Ban tuyên giáo Trung ương phối hợp cùng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Liên hiệp các hội Văn học, Nghệ thuật Việt Nam đã tổ chức Hội nghị giao ban công tác Văn học, Nghệ thuật, Hoạt động của Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam, các Hội VHNT chuyên ngành Trung ương.

Hội nghị công chức, người lao động Cục Nghệ thuật biểu diễn năm 2023

27/03/2024 - 16:56

Ngày 27/03/2024, tại trụ sở, Cục Nghệ thuật biểu diễn tổ chức Hội nghị công chức, người lao động năm 2023.

Cục Nghệ thuật biểu diễn tổ chức kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3

08/03/2024 - 10:11

Sáng ngày 8/3 Cục Nghệ thuật biểu diễn tổ chức Ngày hội Phụ nữ, nhân kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 (08/3/1910 - 08/3/2024.)

Nghệ sĩ hân hoan đón nhận danh hiệu NSND và NSƯT

07/03/2024 - 11:13

Sáng 6/3, Lễ trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 10 đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đích thân trao tặng danh hiệu cho các nghệ sĩ. Đây là những danh hiệu cao quý để tôn vinh cống hiến của các nghệ sĩ đối với sự nghiệp văn hóa, nghệ thuật nước nhà thông qua các tác phẩm, công trình nghệ thuật có sức lan tỏa, có tác động xã hội lớn.

Danh hiệu tạo động lực cho nghệ sĩ không ngừng rèn luyện, học tập và nâng cao trách nhiệm mình đối với xã hội

07/03/2024 - 10:59

Lễ trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 10 diễn ra sáng 6/3 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Sẽ có 389 nghệ sĩ, trong đó có 125 NSND, 264 NSƯT được trao tặng, truy tặng danh hiệu trong dịp này. Các nghệ sĩ chia sẻ, được Nhà nước trao tặng danh hiệu cao quý, tạo động lực cho họ không ngừng rèn luyện, học tập và nâng cao trách nhiệm mình đối với xã hội.