Lễ Bế mạc và trao giải Cuộc thi Tài năng diễn viên Cải lương toàn quốc – 2023
30/09/2023 - 23:35
Tối ngày 30/9, tại Nhà hát Cao Văn Lầu đã diễn ra Lễ Bế mạc và trao giải Cuộc thi Tài năng diễn viên Cải lương toàn quốc - 2023.
Đại biểu tham dự Lễ Bế mạc
Cuộc thi do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Bạc Liêu giao Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì cùng Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu và các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức.
Ông Trần Hướng Dương - Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn; Trưởng ban Tổ chức Cuộc thi phát biểu tại Lễ bế mạc
Đến dự Lễ Bế mạc có: Về phía đại biểuTrung ương có: Ông Đoàn Văn Việt, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Ông Trần Hướng Dương - Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn; Trưởng ban Tổ chức Cuộc thi; Ông Giang Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam.
NSƯT, Đạo diễn Ca Lê Hồng, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo Cuộc thi Tài năng diễn viên Cải lương toàn quốc - 2023 đánh giá tổng kết
Về phía tỉnh Bạc Liêu có: Ông Phạm Văn Thiều, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; Ông Nguyễn Văn Hoà, UVBTV Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh; Ông Phan Như Nguyện, UV dự khuyết BCH TW Đảng, UVBTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Ông Tạ Trung Dũng, UVBTV Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ; Ông Nguyễn Bình Tân, UVBTV Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh uỷ; Ông Lê Tấn Cận, UVBTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Ông Huỳnh Hữu Trí, UVBTV Tỉnh uỷ, Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND thành phố Bạc Liêu; Ông Hồ Việt Triều, UVBTV Tỉnh uỷ, Giám đốc Công an tỉnh; Ông Đỗ Minh Đẩu, UVBTV Tỉnh uỷ, Chỉ huy trưởng BCH Quân sự tỉnh; Ông Nguyễn Huy Thái, Tỉnh uỷ viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Ông Phan Thanh Duy, Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Cuộc thi; Ông Huỳnh Chí Nguyện, Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Ban Tổ chức trao 07 Giải Nhất
Phát biểu tại Lễ Bế mạc, Ông Trần Hướng Dương, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, Trưởng ban Tổ chức Cuộc thi cho biết: “Cuộc thi nghệ thuật Cải lương chuyên nghiệp lần này có nhiều tiết mục, trích đoạn và phần biểu diễn đặc sắc; các nghệ sĩ, diễn viên đã phô diễn, thể hiện tài năng và lan tỏa những sáng tạo, nét đặc trưng của nghệ thuật Cải lương truyền thống và hiện đại; khắc họa sâu sắc về đời sống văn hóa tinh thần, phong tục tập quán và sự tinh tế trong văn hóa nghệ thuật của cha ông ta từ xưa tới nay. Trải qua 07 ngày đêm biểu diễn tranh tài, các nghệ sĩ, diễn viên đã mang đến cho khá giả tỉnh Bạc Liêu nói riêng, khán giả các nước nói chung nhiều cảm xúc, cái nhìn đa sắc màu, hàm chứa trong đó nhiều giá trị lịch sử, văn hóa quý báu của dân tộc và tinh hoa văn hóa của nhân loại từ những sản phẩm nghệ thuật đặc sắc, độc đáo của nền nghệ thuật Cải lương Việt Nam”.
Ban Tổ chức trao 14 Giải Nhì
Ông Trần Hướng Dương, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn khẳng định: “Từ thực tế Cuộc thi lần này, về phía Cục nghệ thuật biểu diễn trong thời gian tới sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sớm có những điều chỉnh về cơ chế, chính sách cải thiện chế độ đãi ngộ đối với nghệ sĩ, diễn viên của loại hình nghệ thuật Cải lương nói riêng, trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật nói chung; đặc biệt là các cơ chế, chính sách và chế độ đãi ngộ đối với công tác thu hút, tìm kiếm, đào tạo và phát huy nghệ sĩ, diễn viên tài năng của loại hình nghệ thuật Cải lương truyền thống. Thông qua Cuộc thi này, tôi mong muốn và đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao các tỉnh, thành phố, các đơn vị nghệ thuật Cải lương tiếp tục chú trọng và tăng cường đầu tư hơn nữa các cơ chế thích hợp nhằm thu hút, tìm kiếm và đào tạo các tài năng nghệ thuật Cải lương, nhất là các tài năng trẻ”.
Thay mặt Hội đồng Giám khảo, NSƯT, Đạo diễn Ca Lê Hồng, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo Cuộc thi Tài năng diễn viên Cải lương toàn quốc - 2023 đánh giá tổng kết: Thông qua Cuộc thi lần này, chúng ta càng khẳng định điều quan trọng và tiên quyết quyết định sự thành công của nghệ sĩ, diễn viên dự thi chính là nhờ chọn được trích đoạn hay và phù hợp với khả năng của từng nghệ sĩ, diễn viên thì mới có thể thăng hoa, tỏa sáng trong vai diễn.
Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cũng trao những giải thưởng để khích lệ, động viên các nghệ sĩ
Có thể thấy, phần lớn các trích đoạn được chọn trong Cuộc thi này đã từng trình diễn thành công trước kia, nay được chọn, biên tập và dàn dựng lại mới hơn và nhiều trích đoạn mới được khai thác, biên tập từ các vở diễn và chuyển thể từ tác phẩm văn học. Tất nhiên, trích đoạn hay phải hội tụ các yếu tố: nội dung chủ đề, tư tưởng mang giá trị hiện thực, tính thẩm mỹ cao. Về nghệ thuật của trích đoạn, được cấu trúc nhiều tình huống, sự kiện, xung đột kịch tính được đan xen hấp dẫn. Tính cách, số phận nhân vật với nhiều tâm lý, hành động được khai, đa chiều, nhiều cung bậc phức tạp, cuốn hút, nhiều đất diễn giúp diễn viên bộc lộ tính cách trong ca diễn, kết hợp với vũ đạo, hình thể, thi thố tài năng, khắc họa nhân vật hiệu quả.
NSND Vương Hà, NSND Thanh Tuấn, hai thành viên của Hội đồng Giám khảo thăng hoa trên sân khấu
Nhìn chung các trích đoạn được chọn để các nghệ sĩ, diễn viên biểu diễn tranh tài trong Cuộc thi lần này tương đối đa dạng về đề tài: Đề tài lịch sử, đề tài cách mạng và đề tài dân gian, xã hội. Một điều lý thú, có nhiều trích đoạn được các đơn vị, các nghệ sĩ, diễn viên dự thi lựa chọn, nhưng cách dàn dựng, xử lí có khác nhau như: vai diễn Trần Thăng trong trích đoạn “Kẻ sĩ Thăng Long”; vai Lê Chiêu Thống trong trích đoạn “Nỗi nhục lưu vong”; vai Lê Tự Thành trong “Đêm trước giờ hoàng đạo”; vai Lão đồ trong “Bến nước ngũ bồ”; vai Nguyễn Thị Anh trong “Sám hối”; vai Trần Thị Dung trong “Dấu ấn thời gian”; Thái hậu Nguyễn Thị Anh trong “Nước mắt Thần Phi”; vai Lý Chiêu Hoàng trong “Mệnh đế vương” hay Lý Chiêu Hoàng trong “Độc thoại đêm” hoặc vai Diệu trong “Thời con gái đã xa” hay vai Út Tâm trong “Dòng sông đỏ”.v.v.
Trải qua 07 ngày đêm biểu diễn tranh tài, các nghệ sĩ, diễn viên đã mang đến cho khá giả tỉnh Bạc Liêu nói riêng, khán giả các nước nói chung nhiều cảm xúc
Tuy nhiên, ngoài những trích đoạn hay đã được dàn dựng, biểu diễn thì trong Cuộc thi lần này vẫn còn một số trích đoạn cần lưu ý do quá đơn giản, xây dựng như ca cảnh, tiểu phẩm, chưa có đất diễn để bộc lộ tài năng ca diễn của thí sinh dự thi hoặc có vài trích đoạn biên tập thêm tình tiết kéo dài, làm loãng hình tượng nhân vật chính, có trích đoạn chỉ đơn thuần tự sự, thiếu kịch tính.
Cuộc thi nghệ thuật Cải lương chuyên nghiệp lần này có nhiều tiết mục, trích đoạn và phần biểu diễn đặc sắc
Thứ hai, về chuyên môn nghệ thuật: Điều quan trọng về chuyên môn đối với diễn viên Cải lương là thanh, sắc và chất giọng đẹp. Trong Cuộc thi lần này rất nhiều diễn viên có chất giọng đẹp. Từ giọng thiên phú được rèn luyện có chất giọng sáng vang, có giọng trầm ấm vang khỏe, hào sảng, ngọt ngào, mùi mẫn và được xử lý trong các điệu Bắc, Xuân, Ai, Oán, các bài Lý và đặc biệt cách nói lối dẫn vào vọng cổ điêu luyện rất ấn tượng. Các nghệ sĩ, diễn viên dự thi có những giọng ca đã đạt Chuông Vàng và những giọng ca xuất thân từ đàn ca tài tử mộc mạc, chân phương nhưng đẹp, làm say đắm người nghe. Tuy nhiên, tài năng của diễn viên Cải lương đòi hỏi phải hài hòa giữa ca và diễn. Sự kết hợp điêu luyện mang tính chuyên nghiệp cao. Đó là ca trong diễn và diễn trong ca nhuần nhuyễn tinh tế.
Chương trình nghệ thuật chào mừng
Nhân đây xin được nhấn mạnh thêm nghệ thuật biểu diễn của diễn viên Cải lương là phải làm chủ nhân vật trong ca diễn, bám chắc tuyến kịch, khai thác hành động xuyên suốt mạch lạc có quá trình và phải tránh chạy theo kết quả, diễn ngoại hình, thiếu nội lực. Phải giữ vững bản lĩnh diễn xuất trong nghệ thuật ca diễn, phải biết tiết chế làm chủ tiết tấu, cũng như tránh ồn ào, gào thét thái quá. Cần khai thác chiều sâu trong ca diễn, tránh lạm dụng kỹ thuật đơn thuần. Cần xử lý cách ca dung dị, nhưng chỉnh chu, sâu lắng. Nhất là khai thác các cung bậc đa chiều trong cảm xúc của nhân vật. Đặc biệt, cần làm chủ nghệ thuật ca, tránh “đầu voi, đuôi chuột”. Thật tiếc trong Cuộc thi lần này có bạn giọng đẹp, nhưng không làm chủ nên khi đổ vào vọng cổ không giữ được cao độ; tập trung quá sức vào phần ca, phần sau đuối sức dẫn đến cao độ non, chông chênh, sai nhịp. Nhất là phải chú trọng phần cao trào kết thúc trích đoạn nhằm đẩy được sự thăng hoa, xuất thần chuẩn mực trong ca diễn, tạo ấn tượng sâu đậm đến với công chúng thưởng ngoạn”.
Chương trình nghệ thuật chào mừng
“Chúng tôi khẳng định những yếu tố thành công: Đầu tiên, phải chọn được trích đoạn hay, nhiều đất diễn, phù hợp với diễn viên dự thi; Thứ hai là, phải có người hướng dẫn, đạo diễn, dàn dựng giỏi nghề, nhất là những trích đoạn độc diễn; Và yếu tố thứ ba, quan trọng nhất là khả năng và sự sáng tạo của nghệ sĩ, diễn viên dự thi; đòi hỏi bản lĩnh làm chủ trong ca diễn, từ mở đầu, đến cao trào cho đến kết thúc phải luôn giữ được phong độ. Đặc biệt hơn hết là sự đam mê kết hợp từ trái tim đến trí óc, là lửa của nghề được cháy hết mình, là những cảm xúc, từng cung bậc đa dạng, đa chiều và có chiều sâu để đạt được sự thăng hoa, xuất thần sống động với vai diễn”, đạo diễn Ca Lê Hồng nhấn mạnh.
Kết quả, Ban Tổ chức trao 07 Giải Nhất, 14 Giải Nhì. 07 Giải Nhất thuộc về Phạm Hải Đăng, Nhà hát Cao Văn Lầu; Lê Thị Hồng Giang, Nhà hát Tây Đô; Nguyễn Văn Khởi, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang; Phạm Thị Ngọc, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Thanh Hóa; Trần Phương Trang, Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai; Đỗ Thị Kim Oanh, Đoàn Cải lương Hải Phòng; Quách Thị Diễm Ngọc, Công ty TNHH-TCBD Song Việt.
Chương trình nghệ thuật chào mừng được dàn dựng công phu, hoành tráng
Thủy Dương
Bài viết khác
Cục Nghệ thuật biểu diễn công bố các Quyết định bổ nhiệm ngạch Chuyên viên chính: Khẳng định năng lực, tinh thần cống hiến
07/05/2025 - 16:01
Sáng ngày 7/5/2025, tại trụ sở Cục Nghệ thuật biểu diễn đã diễn ra Lễ công bố các Quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc bổ nhiệm và xếp lương ngạch Chuyên viên chính đối với bốn công chức thuộc Cục Nghệ thuật biểu diễn.
XÚC ĐỘNG NHÌN LẠI CHƯƠNG TRÌNH NGHỆ THUẬT ĐẶC SẮC “MÙA XUÂN THỐNG NHẤT” - DẤU SON KHÉP LẠI CHUỖI HÀNH TRÌNH TỎA SÁNG
03/05/2025 - 13:00
Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Mùa xuân thống nhất” vào tối 29/4 tại TP.HCM, đã diễn ra trong không khí trang trọng, xúc động và đầy tự hào.
KHÁT VỌNG HÒA BÌNH VÀ LÒNG KIÊU HÃNH CỦA DÂN TỘC TẠI LỄ KỶ NIỆM TRỌNG THỂ 50 GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC
30/04/2025 - 16:31
Lễ kỷ niệm và diễu binh, diễu hành 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước không chỉ là dịp tri ân chiến thắng vĩ đại 30/4/1975 mà còn là lời khẳng định hùng hồn về tầm vóc lịch sử của dân tộc Việt Nam trong hành trình giành lại độc lập, tự do và thống nhất non sông. Đây cũng là dịp phát huy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.
Kỷ niệm trọng thể 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
30/04/2025 - 08:45
Sáng nay 30.4, tại TP.HCM, Ban Chỉ đạo Trung ương kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước trong 3 năm 2023-2025 tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975-30.4.2025).
Tổng Bí thư Tô Lâm dự chương trình nghệ thuật “Mùa xuân thống nhất” tại TP.HCM
29/04/2025 - 22:34
Tối 29.4, tại TP.HCM đã diễn ra chương trình nghệ thuật đặc biệt “Mùa xuân thống nhất”. Chương trình do Bộ VHTTDL chủ trì, phối hợp cùng Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và UBND TP.HCM tổ chức.
Hùng tráng chương trình chính luận nghệ thuật “Hẹn ước Bắc - Nam”
23/04/2025 - 05:48
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tối 22.4, Chương trình chính luận nghệ thuật “Hẹn ước Bắc - Nam” với sân khấu thực cảnh lớn nhất từ trước đến nay đã được tổ chức tại sân vận động quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội.