Lắng nghe và tri ân qua “Chuyện chưa kể”

17/07/2020 - 13:25  

“Gặp lại” Chuyện chưa kể vào tối 15.7 tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ (Hà Nội) nhân kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, nhiều khán giả thảng thốt trước cách làm mới đầy táo bạo của dàn nghệ sĩ Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam. Sự hấp dẫn của chương trình không chỉ đến từ sự đầu tư kỹ lưỡng về kịch bản văn học, thiết kế mỹ thuật, âm thanh, ánh sáng mà còn được dựa trên cốt truyện có thật nhằm tưởng nhớ, tri ân những nghệ sĩ, chiến sĩ đã từng tham gia chiến đấu nơi chiến trường xưa.


 Hoạt cảnh các nghệ sĩ - chiến sĩ biểu diễn phục vụ bộ đội và dân công hỏa tuyến
 Tổng hòa của ngôn ngữ âm nhạc, múa, ca

Chuyện chưa kể đã tham gia Liên hoan Tiếng hát Đường 9 xanh năm 2019 và được vinh dự trao giải thưởng cao nhất. Tác phẩm dựa trên câu chuyện có thật kể về các nghệ sĩ mặc áo lính nói chung và nghệ sĩ đoàn Ca múa Nhân dân Trung ương nay là Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam nói riêng, lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc và cống hiến cả tuổi thanh xuân cho công cuộc đấu tranh cứu nước và giải phóng dân tộc.
Chương trình được “thiết kế” thành 3 phần, gồm: Đóa hoa thanh bình, Huyền thoại một con đường và Những ngôi sao sáng mãi. Bên cạnh những ca khúc đi cùng năm tháng như Tiếng đàn Ta lư (Nhạc sĩ Huy Thục), Ở hai đầu nỗi nhớ (Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu), Lá đỏ (Nhạc sĩ Hoàng Hiệp)... thì những ca khúc được sáng tác sau chiến tranh như Cung đường bất tử, Lời ca cho em, Những ngôi sao sáng mãi (Nhạc sĩ Nguyễn Quang Vinh), Ngọn gió xanh (Nhạc sĩ Trường Giang), Đường Hòa Bình - Khát vọng (Nhạc sĩ Đức Nghĩa)... cũng thể hiện được sự hào hùng, tình yêu quê hương đất nước của quân và dân Việt Nam qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam Nguyễn Hải Linh chia sẻ: “Khi xây dựng Chuyện chưa kể, Ban giám đốc và ê kíp sáng tạo đều thống nhất phải làm sao để có được một chương trình nghệ thuật thực sự mới mẻ và hấp dẫn. Vẫn giữ nguyên vẹn giá trị bất hủ của những tác phẩm đã trường tồn cùng thời gian, nhưng cách dàn dựng phải thay đổi theo “khẩu vị” đương đại. Với một nhà hát Quốc gia, chúng tôi xác định sẽ mang tới một tác phẩm nghệ thuật mang tính chuyên nghiệp cao, không chỉ hay về ý nghĩa nội dung mà còn ở hình thức thể hiện”.
Những màn hồi tưởng đầy ấn tượng
Là một trong những nghệ sĩ của Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam có mặt trên các chốt, các chiến trường ở mặt trận Tây Nam, biên giới phía Bắc năm xưa, NSƯT Ngọc Khang đã thể hiện rất ấn tượng vai người chiến sĩ cách mạng ở hoạt cảnh phức hợp Đóa hoa thanh bình. Ông chia sẻ: “70 năm qua, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam đã dàn dựng hàng ngàn chương trình nghệ thuật. Những thế hệ nghệ sĩ của Nhà hát đã không ít người để lại xương máu nơi chiến trường. Nhà hát đã dàn dựng Chuyện chưa kể với cốt truyện có thật để tri ân những nghệ sĩ - chiến sĩ nơi tuyến đầu chống giặc”. Cùng đứng trên sân khấu với ông hôm nay còn có nhiều anh chị nghệ sĩ khác đã từng lăn lộn nơi chiến trường để mang lời ca, tiếng hát động viên khích lệ tinh thần quân và dân ta trong kháng chiến.
Có rất nhiều hoạt cảnh là sự kết hợp giữa hát, múa và cả kịch nói, chính điều này đã tạo sự gần gũi hơn với khán giả qua cách kể chuyện và dẫn dắt. Có thể thấy sự thay đổi mạnh mẽ của sân khấu trước mỗi bối cảnh và theo từng phần của chương trình. Đang ở một quán cà phê bên Hồ Gươm thanh bình với cuộc gặp gỡ của những người nghệ sĩ trong chiến trường, lập tức là những màn hồi tưởng về chiến tranh đầy khốc liệt nhưng vô cùng bi tráng. Qua lăng kính sáng tạo của nghệ thuật thì những vật dụng như kẻng, chảo quân dụng, thùng phi đựng xăng dầu, vỏ quả đạn pháo bằng đồng, mũ sắt, thùng đạn... đều trở thành nhạc cụ, tạo nên bản hòa tấu vô cùng độc đáo mang tên Trên đường ra trận.
Sau buổi công diễn Chuyện chưa kể, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông đã động viên và đánh giá cao nỗ lực của tập thể anh chị em nghệ sĩ trong sáng tạo và tìm tòi nghệ thuật mới, từ cách thức dàn dựng, trang trí sân khấu cho tới chất lượng nghệ thuật. “Chương trình đã góp phần bồi đắp thêm niềm tự hào về quá khứ để các tầng lớp nhân dân hôm nay cùng chung sức chung lòng, cống hiến nhiều hơn cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những tác phẩm nghệ thuật về đề tài đấu tranh cách mạng trong quá khứ với phong cách dàn dựng mới, hấp dẫn sẽ phù hợp với thẩm mỹ nghệ thuật của khán giả thời đại toàn cầu hoá”.
Năm tháng qua đi, ký ức sẽ lùi xa nhưng những chương trình nghệ thuật như Chuyện chưa kể đã giúp các thế hệ sinh ra trong thời bình ôn lại quá khứ đầy hào hùng của dân tộc, để tự hào và tri ân những thế hệ nghệ sĩ, chiến sĩ không tiếc máu xương cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. 
                                                                                             

THÚY HIỀN; ảnh: TRẦN HUẤN(theo Báo Văn hóa)

Bài viết khác

Công đoàn Bộ VHTTDL tổ chức Hội nghị tập huấn, quán triệt Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở và tuyên truyền, phổ biến pháp luật năm 2024

25/04/2024 - 21:10

Ngày 25/4/2024, tại Hà Nội, Công đoàn Bộ VHTTDL tổ chức hội nghị Tập huấn Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và tuyên truyền, phổ biến pháp luật năm 2024 .

Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ ba trong Quân đội nhân dân Việt Nam năm 2024

09/04/2024 - 15:47

Sáng 9-4, tại Thư viện Quân đội (Hà Nội), Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ ba trong Quân đội nhân dân Việt Nam năm 2024 và phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc trong các nhà trường quân đội.

Hội nghị giao ban đánh giá tình hình văn học, nghệ thuật quý I/2024

08/04/2024 - 16:06

Chiều ngày 5/4, Ban tuyên giáo Trung ương phối hợp cùng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Liên hiệp các hội Văn học, Nghệ thuật Việt Nam đã tổ chức Hội nghị giao ban công tác Văn học, Nghệ thuật, Hoạt động của Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam, các Hội VHNT chuyên ngành Trung ương.

Hội nghị công chức, người lao động Cục Nghệ thuật biểu diễn năm 2023

27/03/2024 - 16:56

Ngày 27/03/2024, tại trụ sở, Cục Nghệ thuật biểu diễn tổ chức Hội nghị công chức, người lao động năm 2023.

Cục Nghệ thuật biểu diễn tổ chức kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3

08/03/2024 - 10:11

Sáng ngày 8/3 Cục Nghệ thuật biểu diễn tổ chức Ngày hội Phụ nữ, nhân kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 (08/3/1910 - 08/3/2024.)

Nghệ sĩ hân hoan đón nhận danh hiệu NSND và NSƯT

07/03/2024 - 11:13

Sáng 6/3, Lễ trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 10 đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đích thân trao tặng danh hiệu cho các nghệ sĩ. Đây là những danh hiệu cao quý để tôn vinh cống hiến của các nghệ sĩ đối với sự nghiệp văn hóa, nghệ thuật nước nhà thông qua các tác phẩm, công trình nghệ thuật có sức lan tỏa, có tác động xã hội lớn.