Lần đầu tiên xếp hạng đạo diễn, diễn viên chuyên nghiệp

14/08/2015 - 16:45  

(NTBD) - Bộ VHTTDL đang tổ chức lấy ý kiến về Dự thảo Thông tư liên tịch Quy định mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành nghệ thuật biểu diễn và điện ảnh gồm 4 chương với 18 điều.

Trích đoạn cải lương Phước Lộc Thọ do nhóm TSNT biểu diễn sẽ khai trương điểm diễn mớ
tại sân khấu Thủ Đô của Nhà hát Trần Hữu Trang.

Ngay lập tức đã gây sự chú ý của dư luận bởi đây là lần đầu tiên có quy định xếp hạng cho các chức danh đạo diễn, diễn viên trong ngành nghệ thuật biểu diễn và điện ảnh.
Xếp hạng tùy theo trình độ, năng lực
Dự thảo quy định chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành nghệ thuật biểu diễn và điện ảnh bao gồm hai nhóm: Nhóm chức danh đạo diễn và nhóm chức danh diễn viên. Các nhóm được chia theo các hạng: Hạng I, hạng II, hạng III, hạng IV. Hạng I được tính là bậc cao nhất.
Ví dụ như Đạo diễn hạng I có nhiệm vụ chủ trì dàn dựng các chương trình, tác phẩm sân khấu và điện ảnh có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao; quy mô lớn, hoành tráng; Phát hiện khuynh hướng nghệ thuật mới, xác định khuynh hướng nghệ thuật của chuyên ngành; Xác định và chỉ đạo tính thống nhất về phong cách nghệ thuật của đơn vị; Chủ trì tổ chức đánh giá, phân tích, xử lý kịch bản, chỉ đạo việc xây dựng kịch bản phân cảnh, dàn dựng sân khấu, biên đạo múa, dàn dựng âm nhạc; chọn diễn viên, cộng tác viên; chỉ đạo diễn xuất của diễn viên, hướng dẫn cộng tác viên và phối hợp với những người có liên quan nhằm thống nhất ý tưởng sáng tạo, đảm bảo quy trình hoàn thành tác phẩm, chương trình... Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng của Đạo diễn hạng I là: Tốt nghiệp ĐH chuyên ngành đạo diễn hoặc chuyên ngành văn hóa nghệ thuật khác. Nếu tốt nghiệp ĐH chuyên ngành khác phải có chứng chỉ bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ; Có trình độ ngoại ngữ tương đương bậc 3 (B1) theo quy định của Bộ GD&ĐT ban hành Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho VN; có trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư của Bộ TT&TT quy định Chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin; Để đạt chức danh Đạo diễn hạng I cần có ít nhất 2 Giải Vàng quốc gia (hoặc quốc tế) hoặc 1 Giải Vàng quốc gia (hoặc quốc tế) và 2 Giải Bạc quốc gia (hoặc quốc tế). Đạo diễn hạng IV (hạng thấp nhất) trong nhóm chức danh đạo diễn sẽ có những quy định về tiêu chuẩn thấp hơn so với Hạng I hay hạng II, hạng III. Nhiệm vụ của Đạo diễn hạng IV là triển khai ý tưởng đạo diễn hạng trên về phân tích, xử lý kịch bản phân cảnh, chọn diễn viên, cộng tác viên, sưu tầm tư liệu, tài liệu cần thiết phục vụ cho dàn dựng tác phẩm; Tham gia chỉ đạo diễn xuất của diễn viên, hướng dẫn cộng tác viên và phối hợp với những người có liên quan thống nhất ý tưởng sáng tạo, đảm bảo quy trình hoàn thành tác phẩm. Tiêu chuẩn về trình độ yêu cầu tốt nghiệp trung cấp trở lên về chuyên ngành đạo diễn, có trình độ ngoại ngữ từ bậc 1 (A1)...
Dự thảo quy định Diễn viên hạng I đảm nhiệm những vai diễn chính, có diễn xuất nội tâm đa chiều, phức tạp của các chương trình, tác phẩm sân khấu và điện ảnh có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, quy mô lớn, hoành tráng, thể hiện ngôn ngữ hình tượng nghệ thuật có những sáng tạo độc đáo cho những nhân vật chính... Tiêu chuẩn về trình độ cần tốt nghiệp ĐH chuyên ngành biểu diễn nghệ thuật hoặc ĐH khác. Nếu tốt nghiệp ĐH khác phải có chứng chỉ bồi dưỡng về nghiệp vụ chuyên ngành biểu diễn nghệ thuật; Có trình độ ngoại ngữ tương đương bậc 2 (A2), có ít nhất 2 Giải Vàng quốc gia (hoặc quốc tế), 1 Giải Vàng quốc gia (hoặc quốc tế) và 2 Giải Bạc quốc gia (hoặc quốc tế). Tiêu chuẩn của Diễn viên hạng IV gồm: Đảm nhiệm vai diễn được phân công, tìm hiểu nội dung kịch bản, nghiên cứu nhân vật được phân công dưới sự chỉ dẫn của đạo diễn, biên đạo, huấn luyện múa, chỉ huy âm nhạc; có trình độ tốt nghiệp trung cấp về chuyên ngành, không có yêu cầu về trình độ ngoại ngữ.
Việc bổ nhiệm, xếp lương sẽ căn cứ theo chức danh nghề nghiệp
Một trong những chương quan trọng của Dự thảo Thông tư đó là “Bổ nhiệm và xếp lương theo chức danh nghề nghiệp”. Theo đó, viên chức đã được bổ nhiệm vào ngạch viên chức chuyên ngành nghệ thuật biểu diễn trước đây khi bổ nhiệm theo quy định tại Thông tư liên tịch này sẽ được tính như sau: Bổ nhiệm chức danh Đạo diễn hạng I đối với viên chức hiện đang giữ ngạch đạo diễn cao cấp (mã số 17.154), bổ nhiệm chức danh diễn viên hạng I đối với viên chức hiện đang giữ ngạch diễn viên hạng I (mã số 17.157)... Cách xếp lương được áp dụng theo Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước như sau: Chức danh nghề nghiệp đạo diễn hạng I và chức danh diễn viên hạng I được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A3, nhóm 1 (A3.1) từ hệ số lương 6,20 đến hệ số lương 8,00. Chức danh nghề nghiệp đạo diễn hạng IV và chức danh nghề nghiệp diễn viên hạng IV được áp dụng hệ số lương của viên chức loại B, từ hệ số lương 1,86 đến hệ số lương 4,06.
Đối với trường hợp viên chức đủ điều kiện bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành nghệ thuật biểu diễn và điện ảnh có hệ số bậc lương bằng ở ngạch cũ thì thực hiện xếp ngang bậc lương và % phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) đang hưởng ở ngạch cũ (kể cả tính thời gian xét nâng bậc lương lần sau hoặc xét hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung nếu có ở ngạch cũ) vào chức danh nghề nghiệp mới được bổ nhiệm.

Xếp hạng để động viên nghệ sĩ sáng tạo nghệ thuật
Quy định mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành NTBD và điện ảnh là chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước nhằm thúc đẩy khuyến khích nghệ sĩ sáng tạo nghệ thuật. Đối với mỗi chức trách, vị trí (danh mục chức danh), dự thảo thông tư đã đưa ra quy định rất cụ thể về: Chức trách, vị trí công việc; nhiệm vụ đảm nhiệm, tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp; tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng hoặc tiêu chuẩn về năng lực, chuyên môn nghiệp vụ cũng như xếp hạng chức danh nghề nghiệp. Đây là những căn cứ dựa trên thực tế của hoạt động sáng tạo của nghệ sĩ, nhằm đánh giá chính xác sự đóng góp, cống hiến, năng lực lao động sáng tạo của từng cá nhân. (Ông Nguyễn Đăng Chương, Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn)

Nguồn: VH

Bài viết khác

Tổ chức chức “Lớp tập huấn diễn viên, nhạc công  loại hình nghệ thuật Tuồng truyền thống - 2024”

06/05/2024 - 09:47

Lớp tập huấn là minh chứng rõ nét cho việc thực hiện các chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kì mới

Công đoàn Bộ VHTTDL tổ chức Hội nghị tập huấn, quán triệt Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở và tuyên truyền, phổ biến pháp luật năm 2024

25/04/2024 - 21:10

Ngày 25/4/2024, tại Hà Nội, Công đoàn Bộ VHTTDL tổ chức hội nghị Tập huấn Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và tuyên truyền, phổ biến pháp luật năm 2024 .

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp về xây dựng nghị định về hoạt động văn học

11/04/2024 - 10:34

Chiều 11/4, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp nghe báo cáo về đề nghị xây dựng nghị định về hoạt động văn học.

Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ ba trong Quân đội nhân dân Việt Nam năm 2024

09/04/2024 - 15:47

Sáng 9-4, tại Thư viện Quân đội (Hà Nội), Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ ba trong Quân đội nhân dân Việt Nam năm 2024 và phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc trong các nhà trường quân đội.

Hội nghị giao ban đánh giá tình hình văn học, nghệ thuật quý I/2024

08/04/2024 - 16:06

Chiều ngày 5/4, Ban tuyên giáo Trung ương phối hợp cùng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Liên hiệp các hội Văn học, Nghệ thuật Việt Nam đã tổ chức Hội nghị giao ban công tác Văn học, Nghệ thuật, Hoạt động của Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam, các Hội VHNT chuyên ngành Trung ương.

TP.HCM tôn vinh Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú, Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú

28/03/2024 - 21:55

Tối 28.3, tại Nhà hát Thành phố, UBND TP.HCM trang trọng tổ chức Lễ tôn vinh Nghệ nhân nhân dân (NNND), Nghệ nhân ưu tú (NNƯT); Nghệ sĩ nhân dân (NSND), Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) TP.HCM - năm 2024. Tham dự buổi lễ Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên.