Kịch nói: Tư duy mới trong nhịp sống hiện đại

10/07/2015 - 17:25  

(NTBD) - Nhịp sống hiện đại sẽ không còn chỗ cho những vở diễn quá dài với những lời giáo điều tràn lan, không chấp nhận một sân khấu mỏi mòn với lối dàn dựng cũ lạm dụng bục bệ, phông màn…

“Công lý không gục ngã” của Nhà hát Tuổi Trẻ: Một vở khai thác
đề tài lịch sử được khán giả hưởng ứng.
 

Khán giả đang cần các nghệ sĩ kịch nói tiếp cận cuộc sống bằng tư duy mới hiện đại hơn ngay từ khâu sáng tác kịch bản và hơn thế là một sân khấu mới với công nghệ hiện đại. Sau hơn hai tuần cạnh tranh một cách kịch liệt, Cuộc thi sân khấu Kịch nói CNTQ 2015 đã khép lại với rất nhiều dư âm và điều quan trọng là đã và đang có một luồng tư tưởng làm nghệ thuật mới cho sân khấu kịch hiện đại trong tương lai đáng được ghi nhận. 
Nói với người xem bằng tư duy mới của sân khấu chính kịch
Hiệu ứng xã hội rõ nhất là 700 ghế trong Nhà hát Lam Sơn Thanh Hoá trong 15 ngày diễn ra cuộc thi dù thời tiết có lúc mưa to, có lúc nắng nóng 40 độ C vẫn liên tục chật kín không còn chỗ ngồi, thậm chí có những vở diễn khiến khán giả không có ghế đã đứng hàng giờ để xem. 3/4 số vở tham dự Cuộc thi sân khấu Kịch nói CNTQ 2015 đều là kịch chính luận nhưng điều kỳ lạ là khán giả đã hưởng ứng và tới xem một cách đầy hào hứng và không ai bỏ về.
Một điểm đáng ghi nhận đó là có một số tác giả đã có những tư duy sáng tác mới trong công tác biên kịch khi khai thác dòng kịch phê phán chính luận, đây là lý do mà sân khấu chính kịch hiện diện tại cuộc thi lần này đã có những vở nổi trội và đi vào chiều sâu khi khai thác những mâu thuẫn trong hiện thực cuộc sống. Điều này lý giải vì sao các vở diễn: Đường đua trong bóng tối, Lâu đài cát, Tai biến, Công lý không gục ngã, Sống tử tế, Biến dạng, Bỉ vỏ, Điệp khúc Virus, Thời gian không im lặng, Những phiên toà đen trắng... của các đơn vị như Nhà hát Kịch VN, Nhà hát Tuổi Trẻ, Nhà hát Kịch Hà Nội, Nhà hát Kịch Quân đội, Đoàn kịch nói CAND được đánh giá cao tại cuộc thi lần này không chỉ ở giải thưởng cho vở mà qua đó người nghệ sĩ biểu diễn cũng có đất để thể hiện tài năng. Đặc biệt, một số đề tài như chống tham nhũng, xây dựng Đảng thường bị né tránh thì lần này lại làm nóng sàn diễn tại cuộc thi, mang tới cho người xem những cảm xúc mới mẻ, chứng tỏ được ưu thế vốn là loại hình xung kích của sân khấu như Đường đua trong bóng tối, Tai biến, Phiên tòa đen trắng...
Đề tài gia đình được nhiều đơn vị khai thác với nhiều màu sắc, góc cạnh và đã có những vở đi sâu lý giải sự xuống cấp của văn hóa và đạo đức truyền thống gia đình. Các vở diễn: Lâu đài cát, Nắng quái chiều hôm, Sống tử tế... như tiếng chuông cảnh tỉnh về lối sống thực dụng, đạo đức suy đồi đang nhen nhóm trong các gia đình Việt. Ngay vở lịch sử duy nhất tại cuộc thi là Công lý không gục ngã xây dựng hình tượng vị quan liêm chính Ngô Thì Nhậm biết lắng nghe những nỗi oan khuất của người dân, cương quyết xử tử “cậu trời” Đặng Mậu Lân bất chấp mọi áp lực, hiểm nguy, giữ kỷ cương phép nước cũng đã mang tới những bài học đáng suy ngẫm rút ra từ quá khứ, gửi gắm niềm tin vào sự chiến thắng của công lý và những người chính trực không chỉ là câu chuyện xưa mà ngày hôm nay vẫn đang vô cùng cần thiết.
Cuộc thi cũng ghi nhận sự nỗ lực nhập cuộc của lực lượng sân khấu xã hội hoá trong xu thế phát triển của sân khấu kịch cả nước. Lọt vào top HCV, HCB cho vở diễn tại cuộc thi có cả đơn vị sân khấu xã hội hoá. Đứng đầu danh sách nghệ sĩ giành HCV cá nhân có rất nhiều tên tuổi nghệ sĩ thuộc sân khấu xã hội hoá: Hoài Linh, NSƯT Đàm Loan, La Thành, Mạnh Tràng, Diễm Phương, Huy Khanh, Xuân Bắc, Cát Tường, NSƯT Hoàng Yến, Minh Béo, Tấn Hoàng… Các vở diễn xã hội hoá đều được xây dựng nghiêm túc và sạch sẽ, những người làm sân khấu xã hội hoá đã có ý thức hơn khi lựa chọn tác phẩm đi thi nên cuộc thi không xuất hiện những vở hài dễ dãi hay những vở kịch ma chỉ có tính giải trí.
Sân khấu xã hội hoá cũng đã tạo cho người nghệ sĩ có tài năng có cơ hội để dụng võ hơn, đó là lý do mà cuộc thi lần này có nghệ sĩ đảm đương tới 2, 3 vai diễn chính như nghệ sĩ Thái Kim Tùng mới ra trường 3 năm đã được tín nhiệm tới 3 vở của 3 sân khấu: Ước mơ xanh, Sài Gòn Phẳng, NH Kịch TP.HCM. Nhờ có sân khấu xã hội hoá mà nghệ sĩ cải lương Hoàng Tùng có cơ hội thử sức với kịch nói và nhận HCB cho vai diễn.

“Lâu đài cát” của tác giả Nguyễn Đăng Chương được trao giải Tác giả xuất sắc tại cuộc thi, một vở hay về đề tài gia đình.

Đối diện với bài toán tồn tại hay không tồn tại…
Sự thiếu vắng của một số đơn vị sân khấu xã hội hoá như Idecaf, Phú Nhuận hay những gương mặt đã từng một thời sáng giá của sân khấu kịch nói phía Bắc như Nam Định, Thái Bình… là một nét trầm tại cuộc thi. Có rất nhiều lý do khiến các đơn vị này không có mặt tại cuộc thi mang tính học thuật lớn nhất của sân khấu kịch nói. Theo dõi từ đầu đến cuối cuộc thi, nhà nghiên cứu lý luận phê bình Nguyễn Văn Thành chia sẻ: “Có một sự chênh lệch rất lớn về chất lượng vở diễn cũng như trình độ biểu diễn của nghệ sĩ giữa các đơn vị nghệ thuật. Các nhà hát ở trung ương và ở các trung tâm sân khấu Hà Nội và TP.HCM áp đảo về số lượng giải thưởng cao trong cuộc thi là điều dễ hiểu vì các đơn vị này được đầu tư rất kỹ lưỡng từ kinh phí dàn dựng cho tới các khâu sáng tạo, biểu diễn. Điều lo ngại là các đơn vị sân khấu kịch địa phương đang rơi vào xu hướng nghiệp dư hoá. Một phần do các đơn vị này không có kinh phí để dàn dựng và đi dự thi, nhưng một phần là do lực lượng nghệ sĩ của đơn vị đang bị mai một, trình độ biểu diễn kém khiến các đơn vị không đủ tự tin đi so tài”.
Ngoài những điểm yếu lâu nay như thiếu kịch bản hay, đạo diễn chưa thoát khỏi lối dàn dựng cổ điển, lạm dụng bục bệ, phông màn, tranh ảnh thì đồng nghiệp khó có thể chấp nhận nổi những biểu hiện nghiệp dư hoá từ trình độ biểu diễn của nhiều nghệ sĩ như quên bật micro khi ra sân khấu, diễn xuất lạm dụng gào thét đi quá với yêu cầu diễn biến tâm lý của nhân vật…
Chỉnh đốn lại đội ngũ, nâng cao trình độ biểu diễn cho nghệ sĩ, đặt hàng sáng tác để có những kịch bản chất lượng… có rất nhiều vấn đề đặt ra đối với các đơn vị nghệ thuật kịch nói hiện nay. Sự thành công của một số đơn vị và cá nhân nghệ sĩ tại cuộc thi lần này đã cho thấy khán giả đang cần một nền nghệ thuật kịch nói chất lượng cao với những tư duy sáng tác và dàn dựng mới, những diễn viên năng động thích ứng với mọi vai diễn, mọi thể loại và đặc biệt là hướng tới một sân khấu mang tính công nghệ hiện đại tạo nên những hình thức thể hiện mới lạ, hấp dẫn được khán giả.

Nguồn: VH
 

Bài viết khác

Hội nghị giao ban đánh giá tình hình văn học, nghệ thuật quý I/2024

08/04/2024 - 16:06

Chiều ngày 5/4, Ban tuyên giáo Trung ương phối hợp cùng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Liên hiệp các hội Văn học, Nghệ thuật Việt Nam đã tổ chức Hội nghị giao ban công tác Văn học, Nghệ thuật, Hoạt động của Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam, các Hội VHNT chuyên ngành Trung ương.

Cục Nghệ thuật biểu diễn tổ chức kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3

08/03/2024 - 10:11

Sáng ngày 8/3 Cục Nghệ thuật biểu diễn tổ chức Ngày hội Phụ nữ, nhân kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 (08/3/1910 - 08/3/2024.)

Nghệ sĩ hân hoan đón nhận danh hiệu NSND và NSƯT

07/03/2024 - 11:13

Sáng 6/3, Lễ trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 10 đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đích thân trao tặng danh hiệu cho các nghệ sĩ. Đây là những danh hiệu cao quý để tôn vinh cống hiến của các nghệ sĩ đối với sự nghiệp văn hóa, nghệ thuật nước nhà thông qua các tác phẩm, công trình nghệ thuật có sức lan tỏa, có tác động xã hội lớn.

Danh hiệu tạo động lực cho nghệ sĩ không ngừng rèn luyện, học tập và nâng cao trách nhiệm mình đối với xã hội

07/03/2024 - 10:59

Lễ trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 10 diễn ra sáng 6/3 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Sẽ có 389 nghệ sĩ, trong đó có 125 NSND, 264 NSƯT được trao tặng, truy tặng danh hiệu trong dịp này. Các nghệ sĩ chia sẻ, được Nhà nước trao tặng danh hiệu cao quý, tạo động lực cho họ không ngừng rèn luyện, học tập và nâng cao trách nhiệm mình đối với xã hội.

Lễ trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú lần thứ 10

06/03/2024 - 15:38

Nhằm tôn vinh các nghệ sĩ có tài năng nghệ thuật xuất sắc, có nhiều cống hiến trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa nghệ thuật của dân tộc, ngày 6/3, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Lễ trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân (NSND), Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) lần thứ 10.

Đảm bảo Lễ trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT diễn ra thực sự ý nghĩa, ấn tượng, trang trọng và chuyên nghiệp

05/03/2024 - 21:59

Sáng 5/3, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Bộ VHTTDL phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức tổng duyệt Chương trình nghệ thuật tại Lễ trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 10.