Hội tụ những giai điệu đặc sắc trong âm nhạc ASEAN

31/05/2019 - 12:28  

Liên hoan Âm nhạc ASEAN - 2019 đang diễn ra tại Nhà hát thành phố Hải Phòng là nơi hội tụ các đơn vị nghệ thuật tiêu biểu đại diện cho các vùng văn hoá của Việt Nam với các đơn vị nghệ thuật, các nghệ sĩ đến từ các quốc gia ASEAN. Đặc biệt, đây cũng là dịp để các nghệ sĩ chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động sáng tạo nghệ thuật, trao đổi, tiếp thu những giá trị độc đáo, đa dạng về các loại hình nghệ thuật văn hóa nghệ thuật.

“Bữa tiệc âm nhạc” đủ màu sắc văn hóa dân tộc
Liên hoan Âm nhạc ASEAN - 2019 là sự kiện văn hóa nhằm thúc đẩy mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật giữa Việt Nam và các nước trong khu vực; là nơi hội tụ các đơn vị nghệ thuật tiêu biểu bao gồm âm nhạc và ca đến từ các quốc gia trong khối ASEAN. Đồng thời cũng là cầu nối để nhân dân các nước trong khu vực thêm hiểu biết, gắn bó, đoàn kết, góp phần xây dựng cộng đồng ASEAN ngày càng phát triển thịnh vượng.

Trong gần một tuần qua nhân dân và du khách đến với Hải Phòng đã được chiêu đãi một “bữa tiệc âm nhạc” thịnh soạn với đủ sắc màu văn hóa dân tộc của 10 đoàn nghệ thuật đến từ 7 quốc gia tham gia Liên hoan Âm nhạc ASEAN - 2019.

Nếu như Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen, thành phố Hồ Chí Minh mang đến Liên hoan một chương trình gồm 7 tiết mục mang đậm nét văn hóa phương Nam, thể hiện cuộc sống bình dị,tâm hồn phóng khoáng, vui tươi của con người phương Nam trong cuộc sống ngày nay. Bao gồm các tiết mục: hòa tấu “Ầu ơ!... Vì đâu”, tứ tấu “Nồng nàn phương Nam”, song ca “Tình làng gốm”, độc tấu đàn kìm “Ngẫu hứng sen”, độc tấu đàn T’rưng “Chim sáo phương Nam”, độc tấu đàn nhị “Tình mẫu tử”, hòa tấu “Vó ngựa trời Nam”. Thì Đoàn Ca Múa Hải Phòng lại mang đến Liên hoan chương trình gồm 8 tiết mục có tên gọi “Chuyện kể bên dòng sông huyền thoại” dựa trên câu chuyện lịch sử về dòng Bạch Đằng Giang nhằm giới thiệu, quảng bá tới bạn bè quốc tế những nét đặc sắc của văn hóa dân gian truyền thống kết hợp với nghệ thuật đương đại, với nội dung chủ yếu là ca ngợi, tôn vinh mảnh đất, con người Hải Phòng.

Đến với Liên hoan lần này Nhà hát Ca Múa  Nhạc Sơn La xây dựng chương trình nghệ thuật “Nhạc rừng” có tổng thời lượng 45 phút, gồm 8 tiết mục được chia làm 2 phần: Phần 1- Vọng non ngàn, Phần 2 - Sóng Đà Giang, khai thác những làn điệu dân ca các dân tộc vùng núi phía Bắc, phát triển các tác phẩm dựa trên giai điệu Sli, lượn, hát then, khèn Mông, khèn bè, sáo, mang âm hưởng núi rừng, với âm hưởng chủ đạo là ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu đôi lứa, tình mẫu tử thiêng liêng...
 


Hòa tấu Khèn của Đoàn Nghệ thuật Vương quốc Lào - Ảnh: Thanh Tâm

Chương trình của Đoàn Nghệ thuật Manila (Philippines) kết hợp giữa âm nhạc dân gian truyền thống của Philippines với các nhạc cụ phương Tây, bao gồm: phần biểu diễn với ghi - ta, sáo, violin và đàn cello qua hai bản nhạc có tên “Khúc ca vùng núi phía Bắc” và “Xe ngựa”; hòa tấu “Bài hát Samba” - bản nhạc lấy cảm hứng từ giai điệu samba của Nam Mỹ vô cùng sôi nổi, trẻ trung, tươi vui cùng các làn điệu dân ca của Philippines như “Cùng hát tình ca”, “Chuồn chuồn và bông hoa”  vừa du dương vừa tình tứ. Đây là những bài hát phổ biến của Philippines từ những thập kỷ 80 và cho đến ngày nay.
 


NH CMN dân tộc Bông Sen biểu diễn phục vụ khán giả Cát bà - Ảnh: Thanh Tâm 

Đoàn Nghệ thuật Quốc gia Lào mang đến Liên hoan lần này các tiết mục: Đơn ca nữ bài “Lam-Tang-Wai”. Đây là một bài hát truyền thống, rất nổi tiếng ở khu vực miền Trung nước Lào, miêu tả sự tích cực và chăm chỉ của người nông dân và niềm vui của họ trong quá trình xây dựng và phát triển quê hương; “Lao playing” là bản hợp ca truyền thống của Lào, có nội dung thể hiện tình yêu nước, lòng dũng cảm của các thế hệ. Ngoài ra còn có tiết mục độc tấu và hòa tấu Khèn với nội dung tiết mục ca ngợi tình đoàn kết, hữu nghị giữa các dân tộc thiểu số của Lào với các quốc gia ASEAN. Khèn là một loại nhạc cụ phổ biến của Lào, nhạc cụ này không thể thiếu trong dàn nhạc và đã được USNECO công nhận là Di sản phi vật thể văn hóa thế giới năm 2018. Ông Duang chan Phomemachit, Phó trưởng đoàn nghệ thuật Quốc gia Lào cho biết: “Chúng tôi mong muốn qua những tiết mục biểu diễn có thể giới thiệu tới bạn bè trong khu vực những nét đặc sắc trong âm nhạc, văn hóa Lào, cũng như thể hiện tình yêu quê hương, tình hữu nghị  ASEAN”.
 


Khán giả Cát Bà đến cổ vũ các nghệ sĩ - Ảnh: Thanh Tâm

Nơi giao lưu, sẻ chia tình đoàn kết

Có thể thấy Liên hoan âm nhạc ASEAN - 2019 là dịp để các nghệ sĩ nước chủ nhà Việt Nam giới thiệu những giá trị âm nhạc đặc sắc, độc đáo của quốc gia mình đến với bạn bè quốc tế; quảng bá nền âm nhạc Việt Nam; là cơ hội để các nhà quản lý nghệ thuật, các nghệ sĩ trong nước tham gia giao lưu, học hỏi tinh hoa âm nhạc của các nước ASEAN; trao đổi kinh nghiệm trong quá trình lao động sáng tạo nghệ thuật để từ đó có đổi mới về phương pháp tổ chức, quản lý, sáng tạo những tác phẩm âm nhạc đạt chất lượng nghệ thuật cao, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của người dân.

NSƯT Phạm Hồng Thu, Giám đốc Nhà hát Ca Múa Nhạc dân tộc Sơn La chia sẻ, các nghệ sĩ, diễn viên của Nhà hát rất vinh dự và tự hào khi được lựa chọn là đơn vị tham gia Liên hoan âm nhạc ASEAN lần này. Vui hơn nữa là trong lần Liên hoan này, Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc tỉnh Sơn La đã được cùng với Đoàn nghệ thuật quốc gia Malaysia phối hợp tổ chức một đêm biểu diễn ngoài trời phục vụ khán giả, nhân dân và du khách thành phố Hải Phòng tại Trung tâm triển lãm với các tiết mục đặc sắc, độc đáo. Chương trình đã thu hút được rất đông khán giả đến xem.

Ông Phạm Thanh Lộc, Phó Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Dân tộc Bông Sen cho biết, tất cả các nghệ sĩ của Nhà hát đều rất háo hức được tham gia Liên hoan. Không chỉ có vậy, ngoài được lựa chọn tham gia Liên hoan, Ban Tổ chức còn sắp xếp cho các nghệ sĩ của nhà hát và Đoàn Nghệ thuật Quốc gia Lào đi biểu diễn tại huyện đảo Cát Hải – Cát Bà. “Các tiết mục của Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen đem đến biểu diễn tại huyện đảo Cát Hải – Cát Bà gồm: độc tấu nhạc cụ dân tộc: đàn T’rưng, đàn đá, đàn bầu; những bài hát dân ca như “Lý ngựa ô”, “Lý kéo chài”, “Tình ta biển bạc đồng xanh”, “Bến cảng quê hương tôi”, “Thành phố Hoa phượng đỏ” và kết thúc chương trình là ca khúc “Hà Nội – Viên Chăn” với sự thể hiện của các nghệ sĩ Việt Nam  và Lào. Chương trình đã thu hút rất đông bà con đến xem và cổ vũ, ước tính phải đến 2000 người. Kết thúc chương trình, nhiều khán giả đã bày tỏ mong muốn các nghệ sĩ sẽ quay lại biểu diễn cho bà con xem nhiều lần nữa. “Nhất định chúng tôi sẽ quay lại diễn cho bà con xem”, ông Phạm Thanh Lộc khẳng định.

Ông Duang chan Phomemachit - Phó Trưởng đoàn nghệ thuật Quốc gia Lào cho biết: “Được sang Việt Nam và tham gia Liên hoan lần này là điều vô cùng ý nghĩa với các nghệ sĩ trong đoàn. Liên hoan được tổ chức rất bài bản, chuyên nghiệp, Ban Tổ chức tạo điều kiện thuận lợi về mọi mặt cho các đơn vị tham gia. Ngoài biểu diễn tại sân khấu Nhà hát thành phố Hải Phòng, Ban Tổ chức Liên hoan còn tạo sắp xếp cho các nghệ sĩ của Lào đi biểu diễn tại huyện đảo Cát Bà vào tối 28.5. Tại đây, lãnh đạo huyện đảo Cát Hải tiếp đón các nghệ sĩ rất trang trọng, nhiệt tình, chu đáo, khán giả đến cổ vũ rất đông. Vui nhất là chúng tôi được gặp gỡ bạn bè các quốc gia trong khu vực ASEAN đã từng cùng nhau tham dự mấy kỳ Liên hoan, có cảm giác như người thân trong gia đình lâu ngày gặp lại”.

 

                                                                                                          Bài: Thanh Tâm

Bài viết khác

Hội nghị giao ban đánh giá tình hình văn học, nghệ thuật quý I/2024

08/04/2024 - 16:06

Chiều ngày 5/4, Ban tuyên giáo Trung ương phối hợp cùng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Liên hiệp các hội Văn học, Nghệ thuật Việt Nam đã tổ chức Hội nghị giao ban công tác Văn học, Nghệ thuật, Hoạt động của Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam, các Hội VHNT chuyên ngành Trung ương.

Cục Nghệ thuật biểu diễn tổ chức kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3

08/03/2024 - 10:11

Sáng ngày 8/3 Cục Nghệ thuật biểu diễn tổ chức Ngày hội Phụ nữ, nhân kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 (08/3/1910 - 08/3/2024.)

Nghệ sĩ hân hoan đón nhận danh hiệu NSND và NSƯT

07/03/2024 - 11:13

Sáng 6/3, Lễ trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 10 đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đích thân trao tặng danh hiệu cho các nghệ sĩ. Đây là những danh hiệu cao quý để tôn vinh cống hiến của các nghệ sĩ đối với sự nghiệp văn hóa, nghệ thuật nước nhà thông qua các tác phẩm, công trình nghệ thuật có sức lan tỏa, có tác động xã hội lớn.

Danh hiệu tạo động lực cho nghệ sĩ không ngừng rèn luyện, học tập và nâng cao trách nhiệm mình đối với xã hội

07/03/2024 - 10:59

Lễ trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 10 diễn ra sáng 6/3 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Sẽ có 389 nghệ sĩ, trong đó có 125 NSND, 264 NSƯT được trao tặng, truy tặng danh hiệu trong dịp này. Các nghệ sĩ chia sẻ, được Nhà nước trao tặng danh hiệu cao quý, tạo động lực cho họ không ngừng rèn luyện, học tập và nâng cao trách nhiệm mình đối với xã hội.

Lễ trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú lần thứ 10

06/03/2024 - 15:38

Nhằm tôn vinh các nghệ sĩ có tài năng nghệ thuật xuất sắc, có nhiều cống hiến trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa nghệ thuật của dân tộc, ngày 6/3, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Lễ trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân (NSND), Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) lần thứ 10.

Đảm bảo Lễ trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT diễn ra thực sự ý nghĩa, ấn tượng, trang trọng và chuyên nghiệp

05/03/2024 - 21:59

Sáng 5/3, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Bộ VHTTDL phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức tổng duyệt Chương trình nghệ thuật tại Lễ trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 10.