Hội nghị tổng kết công tác nghệ thuật biểu diễn năm 2022

07/01/2023 - 03:30  

Chiều 7.1 tại Hà Nam, Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTTDL) đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác nghệ thuật biểu diễn năm 2022. Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông; Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, NSƯT Trần Ly Ly; lãnh đạo các Hội chuyên ngành trung ương, các Sở Văn hóa và Thể thao, Sở VHTTDL, các nhà hát, đơn vị nghệ thuật trung ương và địa phương...

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông; Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, NSƯT Trần Ly Ly, Phó Cục trưởng Cục nghệ thuật biểu diễn

Trần Hướng Dương tại Hội nghị

Báo cáo tại Hội nghị, Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, NSƯT Trần Ly Ly cho biết: Trong năm 2022, lĩnh vực Nghệ thuật biểu diễn đã chủ động triển khai, tổ chức thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ quản lý nhà nước cũng như công tác phát triển sự nghiệp do Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Uỷ Ban nhân dân các tỉnh/thành phố giao; phối hợp chặt chẽ trong công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn; xây dựng các hoạt động văn hóa, hoàn thành các chương trình nghệ thuật phục vụ nhân dân, phục vụ nhiệm vụ chính trị.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị 

Quyền Cục trưởng cho biết, thực hiện chức năng quản lý nhà nước, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã phối hợp với các Sở Văn hóa và Thể thao/ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch/ Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch trên toàn quốc thực hiện tham mưu cho lãnh đạo Bộ và UBND cấp tỉnh trong việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo điều hành công tác quản lý nhà nước và phát triển sự nghiệp nghệ thuật biểu diễn trên phạm vi toàn quốc và trong phạm vi địa phương nhằm tạo cơ sở pháp lý để các Sở/ngành, các đơn vị nghệ thuật, các tổ chức cá nhân hoạt động, phát triển đạt kết quả tốt. Nhiều văn bản quan trọng đã và đang được hoàn thiện như: Dự thảo Hồ sơ lập đề nghị xây dựng Nghị định về hoạt động văn học;  Xây dựng Nghị định về một số chế độ lao động, tuổi nghỉ hưu đối với nghệ sĩ trong các đơn vị sự nghiệp nghệ thuật biểu diễn công lập; Đề án Phát triển văn học nghệ thuật góp phần nuôi dưỡng tâm hồn con người Việt Nam giai đoạn 2025 – 2030; Luật điều chỉnh về nghệ thuật biểu diễn; Đề án Xây dựng Dàn nhạc Dân tộc quốc gia Việt Nam; Hoàn thiện dự thảo Thông tư ban hành tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng, định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí  và hướng dẫn cung cấp dịch vụ Tổ chức chương trình nghệ thuật phục vụ kỷ niệm những ngày lễ lớn; ngày sinh các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đồng chí lãnh đạo tiền bối tiêu biểu; năm mất của các danh nhân đã được Đảng, Nhà nước công nhận; phục vụ nhiệm vụ chính trị, đối ngoại ở trong nước và quốc tế; Xây dựng Thông tư ban hành tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng, định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí và hướng dẫn cung cấp dịch vụ bảo tồn, phục dựng, dàn dựng và tổ chức cuộc thi, liên hoan, biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp, truyền thống, tiêu biểu, đặc thù; Xây dựng Thông tư hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn thuộc Sở VHTTDL, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Văn hóa, Thông tin, thể thao và Du lịch. 

Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, NSƯT Trần Ly Ly báo cáo công tác nghệ thuật biểu diễn năm 2022, phương hướng, nhiệm vụ năm 2023

Các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch dần sôi động trở lại, nhiều giá trị văn hóa, đạo đức xã hội, truyền thống gia đình tốt đẹp, gương người tốt, việc tốt tiếp tục được nhân rộng, phát huy. Lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ trong Kế hoạch và nhiệm vụ đột xuất do Bộ VHTTDL, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh phân công. Theo đó, công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn và văn học tiếp tục được thực hiện có hiệu quả; phối hợp chặt chẽ với các Sở VHTTDL/VHTT/VHTTTTDL, các Hội Văn học Nghệ thuật chuyên ngành từ Trung ương đến địa phương để tăng cường có hiệu quả công tác quản lý nhà nước; các đơn vị nghệ thuật từ trung ương đến địa phương, các doanh nghiệp có chức năng tổ chức biểu diễn nghệ thuật trên cả nước; thực hiện đúng quy định tại Nghị định số 144/2020/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ; công tác thẩm định, cấp phép, tiếp nhận biểu diễn nghệ thuật được thực hiện đúng quy trình, kiểm duyệt chặt chẽ về nội dung, hình thức; công tác thanh tra, kiểm tra, phối hợp với các sở/ngành chức năng được thường xuyên thực hiện nhằm hạn chế, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời nếu có sai phạm. Các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp tích cực xây dựng chương trình, tiết mục, vở diễn mới để tham gia các Cuộc thi, Liên hoan nghệ thuật do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các Hội nghề nghiệp và Uỷ Ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức.

Toàn cảnh Hội nghị 

Ngoài việc tổ chức biểu diễn phục vụ chính trị, các đơn vị nghệ thuật trung ương còn tham gia tổ chức, biểu diễn nhiều chương trình nghệ thuật trong các sự kiện văn hóa, du lịch và biểu diễn có thu: tổ chức dàn dựng, sửa chữa, nâng cao 38 chương trình, 51 vở; 1676 buổi biểu diễn; số kinh phí ước tính từ các buổi biểu diễn có bán vé đạt 65.451.195.000 đồng.

Công tác định hướng phát triển nghệ thuật đối với các đơn vị nghệ thuật trên toàn quốc được coi trọng. Hầu hết các đơn vị nghệ thuật đều chuyển biến tích cực trong việc lựa chọn, dàn dựng tác phẩm. Hoạt động sáng tạo và quản lý tác phẩm văn học đã đi vào thực chất hơn, phản ánh những vấn đề mà xã hội đang cần, hướng cho khán giả các giá trị chân, thiện, mỹ, từng bước nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân.

Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, NSND Trịnh Thúy Mùi

phát biểu tại Hội nghị 

Công tác khen thưởng luôn đi đôi và gắn liền với các phong trào thi đua tạo cơ sở cho việc khen thưởng nhằm lựa chọn những cá nhân, tập thể tiêu biểu nhất, xứng đáng nhất, đầy đủ và kịp thời nhất để khen thưởng (trong các cuộc thi, Liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp); khen thưởng chính xác, công khai và kịp thời để có tác dụng động viên, nêu gương và thúc đẩy phong trào phát triển.

NSƯT Lê Tuấn Cường, Phó GĐ phụ trách Nhà hát Chèo Việt Nam

phát biểu tại Hội nghị 

Hoạt động biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp được tổ chức sôi nổi, rộng khắp, góp phần tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đưa đến cho công chúng những giá trị thẩm mỹ cao đẹp, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của nhân dân. Trong năm 2022, các đoàn nghệ thuật ở địa phương đã: Tổ chức dàn dựng 302 vở, 615 chương trình, 378 tiết mục; sửa chữa, nâng cao 45 chương trình, 92 tiết mục; 8.979 buổi biểu diễn (trong đó có 564 buổi biểu diễn phục vụ vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo); 450.000.000 lượt người xem (qua hình thức trực tiếp) và thông qua các chương trình ghi âm, ghi hình phát trên các nền tảng mạng xã hội zalo, facebook và kênh youtube...

Ông Ngô Thanh Tuân, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Hà Nam

phát biểu tại Hội nghị 

Sau hai mùa “ngủ đông”, năm 2022, nghệ thuật bứt phá với nhiều liên hoan, chương trình nghệ thuật đặc sắc, quy mô lớn, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị cũng như nhu cầu thưởng thức của người dân. Năm qua, Bộ VHTTDL đã giao Cục Nghệ thuật biểu diễn phối hợp với Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam và các đơn vị liên quan tổ chức thành công các kỳ liên hoan, gồm: Liên hoan Kịch nói toàn quốc đợt 2 - 2021; Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc - 2022; Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc đợt 2 - 2021; Liên hoan Chèo toàn quốc - 2022; Liên hoan Cải lương toàn quốc - 2021; Liên hoan Xiếc quốc tế - 2022; Liên hoan Âm nhạc ASEAN – 2022 và tổ chức thành công Phát động sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật “Sống mãi với thời gian” giai đoạn 2022 - 2025, hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/2/1930 - 03/2/2030) và 85 năm Quốc khánh Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945 - 02/9/2030).

Tuy nhiên, ngành cũng còn gặp nhiều khó khăn như việc sáp nhập các đơn vị nghệ thuật truyền thống ở địa phương và hợp nhất các đơn vị nghệ thuật chuyển sang hình thức ngoài công lập vào Trung tâm văn hóa thành một đầu mối đã phát sinh những bất cập khiến nhiều địa phương lúng túng trong định hướng hoạt động. Chức năng nhiệm vụ của Trung tâm văn hóa và các đơn vị nghệ thuật có những điểm chung nhưng cũng có những điểm khác biệt nên sẽ có nhiều ảnh hưởng tới việc xây dựng các tác phẩm nghệ thuật có chất lượng cao phục vụ nhân dân.

Về xây dựng cơ sở vật chất, đào tạo đội ngũ diễn viên kế cận: Cơ sở vật chất chưa đảm bảo, chưa được đầu tư đúng mức, các rạp hát, địa điểm biểu diễn có sẵn hiện xuống cấp không thể khai thác, sử dụng, gây khó khăn trong việc biểu diễn, luyện tập, làm việc; Các đơn vị nghệ thuật, đặc biệt đối với nghệ thuật truyền thống gặp khó khăn trong việc tuyển chọn, đào tạo diễn viên, nhạc công kế cận; Nguồn nhân lực còn hạn chế về số lượng, chất lượng chuyên môn, nguồn nhân sự chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của xã hội, chưa đủ sức thu hút đông đảo khán giả, các tác phẩm nghệ thuật mới chưa dược đầu tư lớn trong công tác dàn dựng trước khi biểu diễn trước công chúng; Quá trình thực hiện và đổi mới cơ chế chính sách đặc thù cho nghệ sỹ còn chậm, bất cập dẫn đến người lao động không thực sự toàn tâm toàn ý với nghề; Mức kinh phí đầu tư của địa phương cho hoạt động biểu diễn nghệ thuật còn hạn hẹp khiến các đơn vị nghệ thuật gặp khó khăn trong hoạt động.

Những khó khăn này cũng được đại diện các Sở địa phương nêu tại Hội nghị. Theo NSƯT Lê Tuấn Cường- Phó GĐ phụ trách Nhà hát Chèo Việt Nam, ngành nghệ thuật truyền thống nói chung và chèo nói riêng hiện rất khó khăn, nghệ sĩ trẻ bỏ nghề vì thu nhập thấp; không thu hút được khán giả; Phó Giám đốc Sở VHTTDL Bến Tre Trần Thị Kiều Tôn mong có những lớp tập huấn, cấp chứng chỉ cho anh em vì họ chỉ là những người có năng khiếu, vào các đoàn chưa được đào tạo để có các bằng cấp; Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, NSND Trịnh Thúy Mùi cho rằng cần lớp đào tạo kỹ năng quảng bá tác phẩm, làm kinh tế về nghệ thuật. Đây là mảng nếu không quan tâm thì tác phẩm không quảng bá, làm xong để đấy rất lãng phí.  Đội ngũ sáng tạo của sân khấu, các Hội hay các lĩnh vực khác cũng đang bị đứt gãy. Năm 2022 vừa qua, nhiều tác giả, đạo diễn mới nhưng những giải cao vẫn về tay những tác giả quen thuộc. Mong các đơn vị quan tâm hơn nữa công tác đào tạo, gửi những người trẻ đến các chương trình tập huấn, trại sáng tác của các Hội. NSND Trịnh Thuý Mùi cũng cho rằng nên sớm có Luật Nghệ thuật biểu diễn để văn nghệ sĩ cả nước dựa trên cơ sở đó để sáng tạo.

Ông Nguyễn Hải Linh - Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam 

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho rằng, sau gần 3 năm ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, năm 2022 đánh dấu sự trở lại và thích ứng mạnh mẽ của ngành VHTTDL trong đó đặc biệt là lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn.

Đánh giá cao những kết quả của các đơn vị nghệ thuật Trung ương và địa phương đã đạt được trong năm qua, Thứ trưởng cũng ghi nhận và chia sẻ những khó khăn mà các đơn vị nghệ thuật biểu diễn phải đối mặt như thiếu kinh phí, thiếu cơ chế tăng thu nhập cho các nghệ sĩ, đặc biệt là nghệ sĩ nghệ thuật truyền thống.

Thứ trưởng cho biết, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến sự phát triển văn hóa trong đó có nghệ thuật biểu diễn. Thời gian qua, thực hiện kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, các ngành, các cấp và các địa phương càng quan tâm đến việc phát triển văn hóa.

Thứ trưởng cho rằng, trong thời gian tới, cơ quan quản lý trung ương và địa phương tiếp tục phối hợp tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước để tiếp tục lặp lại trật tự, kỷ cương trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn trên toàn quốc; ngăn chặn, hạn chế tối đa các sai phạm còn tồn tại trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Đồng thời, tập trung nguồn lực để xây dựng, hoàn thành các văn bản quy phạm pháp luật, xây dựng các đề án làm cơ sở triển khai thực hiện nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước và thúc đẩy sự nghiệp nghệ thuật biểu diễn tiếp tục phát triển.

"Cục Nghệ thuật biểu diễn và cơ quan quản lý địa phương cần phối hợp chặt chẽ, tiếp tục chỉ đạo và định hướng nghệ thuật đối với các đơn vị nghệ thuật để sáng tạo ra những tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị cao về tư tưởng, nội dung, nghệ thuật, phản ánh chân thực những vấn đề nóng của xã hội. Định hướng thẩm mỹ cho khán giả, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của nhân dân trong thời kỳ mới"- Thứ trưởng Tạ Quang Đông yêu cầu.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng đề nghị, tăng cường hơn nữa việc giao lưu quan hệ quốc tế trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn để quảng bá các giá trị độc đáo của nghệ thuật truyền thống Việt Nam với bạn bè quốc tế, tiếp thu tinh hoa nghệ thuật của các nước trên thế giới để tiếp tục xây dựng và phát triển nền nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Ưu tiên đặc biệt cho các đơn vị nghệ thuật địa phương trong giao lưu nghệ thuật biểu diễn với các nước trong khu vực và thế giới.

Thủy Dương 

Bài viết khác

Hội nghị giao ban đánh giá tình hình văn học, nghệ thuật quý I/2024

08/04/2024 - 16:06

Chiều ngày 5/4, Ban tuyên giáo Trung ương phối hợp cùng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Liên hiệp các hội Văn học, Nghệ thuật Việt Nam đã tổ chức Hội nghị giao ban công tác Văn học, Nghệ thuật, Hoạt động của Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam, các Hội VHNT chuyên ngành Trung ương.

Cục Nghệ thuật biểu diễn tổ chức kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3

08/03/2024 - 10:11

Sáng ngày 8/3 Cục Nghệ thuật biểu diễn tổ chức Ngày hội Phụ nữ, nhân kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 (08/3/1910 - 08/3/2024.)

Nghệ sĩ hân hoan đón nhận danh hiệu NSND và NSƯT

07/03/2024 - 11:13

Sáng 6/3, Lễ trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 10 đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đích thân trao tặng danh hiệu cho các nghệ sĩ. Đây là những danh hiệu cao quý để tôn vinh cống hiến của các nghệ sĩ đối với sự nghiệp văn hóa, nghệ thuật nước nhà thông qua các tác phẩm, công trình nghệ thuật có sức lan tỏa, có tác động xã hội lớn.

Danh hiệu tạo động lực cho nghệ sĩ không ngừng rèn luyện, học tập và nâng cao trách nhiệm mình đối với xã hội

07/03/2024 - 10:59

Lễ trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 10 diễn ra sáng 6/3 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Sẽ có 389 nghệ sĩ, trong đó có 125 NSND, 264 NSƯT được trao tặng, truy tặng danh hiệu trong dịp này. Các nghệ sĩ chia sẻ, được Nhà nước trao tặng danh hiệu cao quý, tạo động lực cho họ không ngừng rèn luyện, học tập và nâng cao trách nhiệm mình đối với xã hội.

Lễ trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú lần thứ 10

06/03/2024 - 15:38

Nhằm tôn vinh các nghệ sĩ có tài năng nghệ thuật xuất sắc, có nhiều cống hiến trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa nghệ thuật của dân tộc, ngày 6/3, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Lễ trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân (NSND), Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) lần thứ 10.

Đảm bảo Lễ trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT diễn ra thực sự ý nghĩa, ấn tượng, trang trọng và chuyên nghiệp

05/03/2024 - 21:59

Sáng 5/3, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Bộ VHTTDL phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức tổng duyệt Chương trình nghệ thuật tại Lễ trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 10.