Hakanai: Không còn biên giới giữa múa và nghệ thuật kỹ thuật số

26/09/2016 - 12:44  

(NTBD) – “Hakanai” là tác phẩm múa do Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội – L’Espace giới thiệu trong khuôn khổ Liên hoan “Múa đương đại: Sự gặp gỡ Á-Âu” diễn ra từ 21-25/9 tại Hà Nội.

Tác phẩm do Biên đạo múa Adrien Mondot & Claire Bardainne  và Vũ công đến từ Nhật Bản Akiko Kajihara thể hiện. Ra mắt năm 2013, vở múa là sự kết hợp những điều không thể, với độ dài khoảng 40 phút, tác phẩm đã chinh phục khán giả và giới phê bình nhiều nước trên thế giới. Lần đầu tiên ra mắt khán giả Việt Nam trong các ngày 24,25/9, “Hakanai” đã để lại như dư âm khó phai trong lòng khán giả Việt.
 

Ảnh minh họa“Hakanai” là vở múa solo được thể hiện như một bài thơ haiku của Nhật Bản. 
Nguồn: BTC liên hoan


“Hakanai” là vở múa solo được thể hiện như một bài thơ haiku, thể thơ siêu ngắn độc đáo Nhật Bản. Trong “Hakanai”, một vũ công sẽ chuyển động trong một khối hình ảnh động được điều khiển bởi một nghệ sĩ kỹ thuật số và theo nhịp điệu của một màn ứng tác âm thanh trực tiếp đầy sáng tạo khiến khán giả không thể rời mắt khỏi sân khấu và không ngừng suy đoán, chiêm nghiệm

Ngay tại biên giới giữa múa và nghệ thuật kỹ thuật số, tác phẩm là màn trình diễn kết hợp những điều không thể, sự giao thoa tinh tế của múa và nghệ thuật kỹ thuật số, sự pha trộn của các chuyển động cơ thể và những chuyển động hình ảnh tạo nên một không gian sáng tạo, khác lạ, duy nhất.

Vừa sống động hữu hình, vừa phù du mỏng manh, “Hakanai” tạo nên một không gian vừa thực vừa ảo khiến người xem như lạc vào một mê cung mộng tưởng, mê cung của cảm xúc, nơi mà mỗi khoảng không gian đều mang những cảm xúc đặc biệt, một không gian huyền ảo lột tả đúng nghĩa của từ “Hakanai”.

Trong tiếng Nhật, chữ tượng hình “Hakanai” gồm hai chữ tạo thành, một chỉ con người, một chỉ giấc mộng, hàm ý vô thường, phù du chỉ cái không bền vững, cái mong manh, cái dần tan biến, cái tồn tại nhất thời, cái ảo diệu giữa mơ và thực, thứ con người không thể nắm bắt.

Một từ cổ để định nghĩa một thứ vật chất ta không thể nắm bắt được gắn với thân phận con người và sự bấp bênh của nó. Sự kết hợp biểu trưng này chính là ý tưởng khơi nguồn cho vở múa “Hakanai”, ở đó nghệ sĩ đắm mình trong những hình ảnh tối giản để tạo nên một không gian giao thoa đặc sắc giữa thực và ảo.
 

"Hakanai" đưa ta lạc bước giữa hư và ảo. Nguồn: BTC liên hoan

Xuyên suốt vở múa “Hakanai” có hai nhân vật, một thực, một ảo. Nhân vật thực là nữ vũ công, nhân vật ảo chính là chiếc hộp ánh sáng như một tấm màn tuyn khổng lồ màu trắng không ngừng chuyển động, do một nghệ sĩ khác điều khiển. Vũ công tương tác với tấm màn ấy, tạo ra những hình dạng vừa đơn giản vừa trừu tượng và đầy ẩn ý trên sân khấu tối giản với hai gam màu đen trắng. Phần âm thanh âm nhạc cũng được biểu diễn trực tiếp, đưa khán giả chìm sâu vào mê hồn trận âm thanh -hình ảnh-vũ đạo.

Mọi hình ảnh trong vở múa đều xuất phát từ thế giới mộng tưởng của mỗi chúng ta. Bên trong chiếc hộp ánh sáng thể hiện nhiều không gian khác nhau: một phòng ngủ nơi ta thả hồn vào đêm tối, một chiếc cũi mà ta đang cố thoát khỏi, là kẻ thù vô hình mà ta đang đấu tranh, là cơn ác mộng mà ta muốn vượt qua…

Trong không gian ảo diệu đó, cái không thể trở thành cái có thể, tĩnh thành động, rắn thành lỏng, cứng thành dẻo. Mọi đường thẳng đều đứt gãy, mọi điểm mốc đều nghiêng nả, không còn cân bằng ở nơi mà mọi thứ đều mơ hồ, lẫn lộn giữa bên trong và bên ngoài, giữa trên và dưới, như trong cơn say.
 

Trong không gian đó mọi đường thẳng đều đứt gãy, mọi thứ đều mơ hồ, lẫn lộn như trong cơn say.
Nguồn: BTC liên hoan


Khán giả bao quanh sàn diễn như bị cuốn vào những hình ảnh được trình diễn trên sân khấu qua những động tác múa ngẫu hứng đơn giản, ngắn gọn, dứt khoát, tương tác với chiếc màn ánh sáng, tựa như đang lần giở một tuyển tập thơ haiku của Nhật Bản.

Sau phần trình diễn, khán giả được mời bước lên đúng ở nơi vũ công vừa thể hiện để trải nghiệm không gian đầy cảm xúc ấy, được cảm nhận, tương tác với khung cảnh thị giác đặc biệt.

Đúng như tiêu chí của Liên hoan “Múa đương đại: Sự gặp gỡ Á-Âu”, “Hakanai” đã đưa khán giả khám phá nơi tận sâu thế giới nội tâm của con người thông qua màn vũ đạo nghẹt thở trong không gian sắp đặt ánh sáng và âm thanh ấn tượng.

Bài viết khác

Công đoàn Bộ VHTTDL tổ chức Hội nghị tập huấn, quán triệt Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở và tuyên truyền, phổ biến pháp luật năm 2024

25/04/2024 - 21:10

Ngày 25/4/2024, tại Hà Nội, Công đoàn Bộ VHTTDL tổ chức hội nghị Tập huấn Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và tuyên truyền, phổ biến pháp luật năm 2024 .

Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ ba trong Quân đội nhân dân Việt Nam năm 2024

09/04/2024 - 15:47

Sáng 9-4, tại Thư viện Quân đội (Hà Nội), Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ ba trong Quân đội nhân dân Việt Nam năm 2024 và phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc trong các nhà trường quân đội.

Hội nghị giao ban đánh giá tình hình văn học, nghệ thuật quý I/2024

08/04/2024 - 16:06

Chiều ngày 5/4, Ban tuyên giáo Trung ương phối hợp cùng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Liên hiệp các hội Văn học, Nghệ thuật Việt Nam đã tổ chức Hội nghị giao ban công tác Văn học, Nghệ thuật, Hoạt động của Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam, các Hội VHNT chuyên ngành Trung ương.

TP.HCM tôn vinh Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú, Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú

28/03/2024 - 21:55

Tối 28.3, tại Nhà hát Thành phố, UBND TP.HCM trang trọng tổ chức Lễ tôn vinh Nghệ nhân nhân dân (NNND), Nghệ nhân ưu tú (NNƯT); Nghệ sĩ nhân dân (NSND), Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) TP.HCM - năm 2024. Tham dự buổi lễ Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên.

Hội nghị công chức, người lao động Cục Nghệ thuật biểu diễn năm 2023

27/03/2024 - 16:56

Ngày 27/03/2024, tại trụ sở, Cục Nghệ thuật biểu diễn tổ chức Hội nghị công chức, người lao động năm 2023.

Cục Nghệ thuật biểu diễn tổ chức kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3

08/03/2024 - 10:11

Sáng ngày 8/3 Cục Nghệ thuật biểu diễn tổ chức Ngày hội Phụ nữ, nhân kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 (08/3/1910 - 08/3/2024.)