Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022: Bỏ phiếu cho chủ nghĩa nhân văn và sự hy vọng…

17/02/2023 - 06:22  

Giải thưởng Văn học Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022 "được mùa" thơ khi vinh danh Ngàn bài thơ khác của Trần Lê Khánh và Bóng của ý nghĩ của Nguyễn Bảo Chân. Trước đó, năm 2021, hạng mục này được để trống.

Chưa kể, giải thưởng Tác giả trẻ năm 2022 của Hội Nhà văn Việt Nam cũng gọi tên 2 tập thơ Đi tìm những bóng người của Vĩ Hạ và Chín nhánh da vàng của Trần Đức Tín.

Tôn vinh đa dạng cá tính thơ

Tại lễ trao giải thưởng Văn học và giải Nhà văn nữ ấn tượng năm 2022 của Hội Nhà văn Việt Nam (tổ chức vào sáng 15/2), nhà thơ Nguyễn Bảo Chân không giấu nổi sự xúc động. Chị cho biết, khi nhận được thông tin về giải thưởng cũng là lúc mình "tiễn" mẹ về với cao xanh.

"Di nguyện cuối cùng của bà là được rải tro trên sông Cái. Lúc con thuyền bắt đầu trôi, khi đang ngồi ôm hũ tro của mẹ, tôi nhận được thông tin chính thức về giải thưởng. Rất may mắn, tôi cũng đã kịp tặng mẹ cuốn sách vào tháng 5, trước khi mẹ ra đi vào tháng 12" -Bảo Chân nghẹn ngào- "Khi ôm hũ tro của mẹ trong lòng, tôi đã thầm nói với mẹ rằng: Mẹ ơi, cuốn sách của con đã được giải thưởng. Chắc mẹ sẽ rất vui và tự hào về con".

Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022: Bỏ phiếu cho chủ nghĩa nhân văn và sự hy vọng… - Ảnh 1.

Tập thơ “Bóng của ý nghĩ” (NXB Thế giới) của nhà thơ Nguyễn Bảo Chân

Nhà thơ nữ này cũng chia sẻ thêm: "Giải thưởng đánh dấu con đường đi đầy gian khó, đôi khi bất chấp nhưng cũng rất đáng tự hào. Chúng tôi đã sống, đã viết bằng tất cả trái tim mình về tất cả những điều trong cuộc sống này. Đó có thể là tình yêu, là thù hận, có thể là những chiếc gai, là những đóa hoa,".

Như nhà văn Nguyễn Bình Phương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đánh giá, Bóng của ý nghĩ là tập thơ tràn đầy sự chân thành của rung cảm và nhận thức, thể hiện qua những suy tư về vị thế và thân phận một cá nhân trong tương quan với thế giới xung quanh. "Ở đấy, ta có thể bắt gặp niềm hân hoan của tinh thần lãng mạn, bắt gặp nỗi buồn của những đổ vỡ đứng cùng lòng kiêu hãnh của ý nghĩ thiện tâm" - ông nhận xét - "Ta cũng bắt gặp cả nỗi khắc khoải muốn níu giữ vẻ đẹp mong manh của ký ức trước một hiện tại đầy hấp lực sống mà cũng tiềm tàng vô số những bất trắc, khó lường".

Ở giải thưởng thơ còn lại, khi chọn thuần khiết hình thức thơ ngắn trong cả tập Ngàn bài thơ khác, tác giả Trần Lê Khánh đã cho thấy sự trăn trở với hình thức biểu đạt của mình. Tập thơ có lượng bài khá lớn, nhưng ít gây cảm giác nặng nề, ức chế, vì số câu chữ trong mỗi bài hết sức tiết giảm. Với tập thơ này, ở những bài thực sự nổi trội, có thể nhận ra cách tiếp cận, cách nghĩ, cách cảm mang một tinh thần, một mĩ cảm riêng biệt của Trần Lê Khánh.

Có mặt tại lễ trao giải thưởng, nhà thơ Bruce Weigl nhận xét Ngàn bài thơkhác là tuyển tập thơ đặc biệt trên nhiều bình diện: Độc đáo về tư tưởng, kết nối sâu với truyền thống thơ ca Việt Nam, lại vừa có khả năng tác động lên tâm thức về thời gian - khiến cảm thức về cái "trước đây" và cái "bây giờ" dịch chuyển lẫn nhau trong tức khắc.

Nhà thơ người Mỹ này còn nhấn mạnh đến "tính thiền" trong thơ của Trần Lê Khánh. Ông Bruce Weigl cho rằng, những bài thơ của Trần Lê Khánh có khả năng đưa người đọc đến những vùng biên đầy rộng mở của tâm trí, nơi những tư tưởng và cảm xúc đẹp nhất của con người tìm được nơi cư ngụ.

"Nhà thơ, qua khả năng quan sát sâu sắc, có thể đồng thời bộc lộ cái bên trong và cái bên ngoài, cái chủ quan và cái khách quan. Làm được điều này quả là không dễ, nhưng có lẽ với Khánh thì khả năng này không chỉ là kĩ thuật văn chương mà còn là kết quả nhiều năm thiền tập" - ông nói.

Hướng về phía nhân tính

Ở những thể loại khác, Giải thưởng Văn học của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022 lần lượt gọi tên tiểu thuyết Bửu Sơn Kỳ Hương của nhà văn Lý Lan ở hạng mục văn xuôi; tác phẩm Hiệp sĩ thánh chiến của văn hào Henryk Sienkiewicz do dịch giả Nguyễn Hữu Dũng chuyển ngữ ở hạng mục văn học dịch; tác phẩm Thung lũng Đồng Vang của tác giả Trung Sỹ ở hạng mục văn học thiếu nhi.

Riêng hạng mục lý luận phê bình không có tác phẩm được trao giải thưởng. Cụ thể, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Nguyễn Bình Phương cho biết: "Chuyên ngành lý luận phê bình có 14 tác phẩm tham dự xét giải thưởng năm 2022. Qua thảo luận, phân tích đánh giá, phần lớn các thành viên Hội đồng Sơ khảo đều cho rằng các tác phẩm dự xét giải năm qua chưa đáp ứng được tiêu chí của giải. Vì thế, không có tác phẩm nào vượt quá bán số phiếu để đề cử lên Hội đồng Chung khảo".

Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022: Bỏ phiếu cho chủ nghĩa nhân văn và sự hy vọng… - Ảnh 2.

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều (bìa phải) trao giải cho các tác giả đoạt giải thưởng Văn học năm 2022

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều cho biết thêm, để có được những tác phẩm trao giải thưởng, các hội đồng đã làm việc một cách nghiêm minh, thậm chí đã có những cuộc tranh luận vô cùng gay cấn với những ý kiến hoàn toàn ngược chiều nhau.

Cũng tại lễ trao giải thưởng, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhấn mạnh: "Mỗi câu thơ của nhà thơ Trần Lê Khánh, của nhà thơ Bảo Chân, những bản dịch của dịch giả Nguyễn Hữu Dũng hay tác phẩm của nhà văn Lý Lan, và của nhà văn Trung Sỹ… đều hướng về phía ánh sáng, hướng về phía nhân tính, hướng về những điều tốt đẹp nhất".

Chủ tịch Hội Nhà văn khẳng định thêm: "Chúng ta đến đây để bỏ phiếu cho chủ nghĩa nhân văn, bỏ phiếu cho lòng tốt, bỏ phiếu cho tình yêu thương, bỏ phiếu cho niềm hy vọng về một nền văn học mà chúng ta còn phải đi một chặng đường rất dài với từng bước".

Như chia sẻ của ông Thiều, văn học đang mang lại 2 điều quan trọng trong những năm gần đây. Nó mang đến những vẻ đẹp mới, những nghệ thuật mới, những phát hiện mới, những giọng nói mới nhưng nó cũng mang đến một điều quan trọng, rằng "chúng ta không thể rời bỏ được những vẻ đẹp của đời sống này. Sống được bao nhiêu thì viết được bấy nhiêu".

"Người làng Chùa chúng tôi có một câu rất thú vị là: "Cây đơm hoa bởi rễ đã mang hoa". Nếu rễ không có hoa, rễ không chuẩn bị cho sự sinh hoa, thì không bao giờ cái cây đó ra hoa" - nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói - "Và một tác phẩm văn học cũng vậy. Chúng ta có thể phải bàn luận rất nhiều trong những cách nhìn khác biệt về một tác phẩm. Nhưng điều quan trọng nhất là những tác phẩm đó đang làm, đang sinh ra, đang tìm cách khám phá những vẻ đẹp của dân tộc này và truyền bá vẻ đẹp đó trong một cách nhìn khoa học, có tư tưởng, có triết lý".

Cũng theo, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, mỗi tác phẩm được trao giải thưởng đều chứng minh nhân cách, tư thế và tâm thế của mỗi người viết đang vì con người, vì những vẻ đẹp văn hóa, vẻ đẹp đời sống và vì dân tộc: "Từng tác phẩm của mỗi người được giải thưởng, không được giải thưởng, chưa được giải thưởng là những con chữ viết lên căn cước văn hóa của dân tộc Việt Nam. Và đó là điều mà chúng ta có quyền kiêu hãnh và bước đi, cho dù thách thức đến đâu".

Vinh danh 2 nữ nhà văn có hoàn cảnh đặc biệt

Cùng với việc trao giải thưởng Văn học, Hội Nhà văn Việt Nam cũng tiến hành trao giải Nhà văn nữ ấn tượng năm 2022 cho 2 nữ nhà văn Nguyễn Bích Lan (Hà Nội) và Nguyễn Thị Kim Hòa (Ninh Thuận). Cả hai nữ nhà văn này đều có một hoàn cảnh đặc biệt. Các chị đều bị bệnh tật hiểm nghèo và đều tự học, tự vươn lên trong nghịch cảnh và đặc biệt là có rất nhiều những đóng góp cho cộng đồng.

Cụ thể, nhà văn Nguyễn Bích Lan đã có 52 đầu sách dịch, 4 tác phẩm viết cho thiếu nhi. Chị đã nhận được giải thưởng dịch thuật của Hội Nhà văn Việt Nam, giải Sách Quốc gia. Đặc biệt từ 2 năm qua, chị đã xây dựng được 5 tủ sách cho các vùng khó khăn tại Đắk Nông và tổ chức chương trình Đọc sách cho con cho 30 gia đình, giới thiệu 45 đầu sách cho thanh niên.

Trong khi đó, nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa đã xuất bản 14 sách, trong đó có 7 cuốn cho thiếu nhi. Chị đã đạt nhiều giải thưởng văn học như giải Nhất cuộc thi truyện ngắn tạp chí Văn nghệ Quân đội, giải Nhất cuộc vận động sáng tác văn học cho thiếu nhi do Việt Nam và Đan Mạch tổ chức. Chị được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2015 và được Tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn là 1 trong 20 phụ nữ Việt Nam truyền cảm hứng năm 2021.

Nhà văn Thùy Dương, Trưởng ban Công tác nhà văn nữ, Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng, hai nữ nhà văn là hiện thân của ý chí không bao giờ gục ngã trước những thách thức của số phận. Bà Dương nói: "Trao giải cho 2 nhà văn Nguyễn Bích Lan và Nguyễn Thị Kim Hòa là trao cho sự dũng cảm và tình yêu cuộc sống, trao cho sự thiện lương và sức mạnh lan tỏa của những người cầm bút chân chính".

Trong khi đó, Chủ tịch Hội Nhà văn Nguyễn Quang Thiều cho rằng: "Chúng ta được chúc mừng hai hình thức của tác phẩm. Một tác phẩm viết trên trang giấy và một tác phẩm viết trong chính cuộc đời. Đó là những tác phẩm thơ, văn, dịch thuật, văn học thiếu nhi và những người phụ nữ ấn tượng. Khi Ban Nhà văn nữ đề xướng với Ban chấp hành để phê chuẩn giải Nhà văn nữ ấn tượng, tôi thấy rất xúc động. Bởi nếu không có một đời sống đẹp, không có đời sống nhân văn đầy vị tha, chia sẻ, thì chúng ta không có khả năng viết lên bất kỳ một trang sách nào mang danh chủ nghĩa nhân văn".

Ông Thiều nói thêm: "Những người phụ nữ này, họ mang đến cho chúng ta một niềm tin rằng chúng ta đang sống may mắn hơn. Nhưng trong mọi hoàn cảnh của đời sống này, trong mỗi thiệt thòi của đời sống này, họ vẫn sống, đã vượt qua và viết lên những trang viết đẹp đẽ chính từ những ngày sống của họ và trong tác phẩm họ đặt ra, cũng như những tác phẩm văn học hôm nay".

Theo thethaovanhoa.vn

Bài viết khác

Nghệ sĩ hân hoan đón nhận danh hiệu NSND và NSƯT

07/03/2024 - 11:13

Sáng 6/3, Lễ trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 10 đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đích thân trao tặng danh hiệu cho các nghệ sĩ. Đây là những danh hiệu cao quý để tôn vinh cống hiến của các nghệ sĩ đối với sự nghiệp văn hóa, nghệ thuật nước nhà thông qua các tác phẩm, công trình nghệ thuật có sức lan tỏa, có tác động xã hội lớn.

Danh hiệu tạo động lực cho nghệ sĩ không ngừng rèn luyện, học tập và nâng cao trách nhiệm mình đối với xã hội

07/03/2024 - 10:59

Lễ trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 10 diễn ra sáng 6/3 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Sẽ có 389 nghệ sĩ, trong đó có 125 NSND, 264 NSƯT được trao tặng, truy tặng danh hiệu trong dịp này. Các nghệ sĩ chia sẻ, được Nhà nước trao tặng danh hiệu cao quý, tạo động lực cho họ không ngừng rèn luyện, học tập và nâng cao trách nhiệm mình đối với xã hội.

Lễ trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú lần thứ 10

06/03/2024 - 15:38

Nhằm tôn vinh các nghệ sĩ có tài năng nghệ thuật xuất sắc, có nhiều cống hiến trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa nghệ thuật của dân tộc, ngày 6/3, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Lễ trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân (NSND), Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) lần thứ 10.

Đảm bảo Lễ trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT diễn ra thực sự ý nghĩa, ấn tượng, trang trọng và chuyên nghiệp

05/03/2024 - 21:59

Sáng 5/3, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Bộ VHTTDL phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức tổng duyệt Chương trình nghệ thuật tại Lễ trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 10.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự Hội nghị gặp mặt đại biểu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ

29/02/2024 - 23:04

Chiều 29/2, tại trụ sở Trung ương Đảng, diễn ra Hội nghị lãnh đạo Đảng, Nhà nước gặp mặt đại biểu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ nhân dịp đầu Xuân Giáp Thìn 2024.

Đêm nhạc Trịnh Công Sơn “Chiều trên quê hương tôi”

28/02/2024 - 20:31

Tối ngày 28.2, UBND TP Huế phối hợp với gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tổ chức đêm nhạc nhân kỷ niệm 85 năm Ngày sinh của ông (1939 - 2024). Chương trình được tổ chức tại không gian công viên ven sông Hương - nơi vừa đặt bức tượng nghệ thuật Trịnh Công Sơn.