Dù vô tình hay cố ý cũng đều vi phạm pháp luật

13/04/2016 - 13:22  

(NTBD) - Nghệ sĩ dù vô tình hay cố ý chụp ảnh, đăng ảnh không mặc trang phục, trang phục phản cảm lên mạng đều vi phạm pháp luật.

PGS.TSKH Phan Đình Tân- Chánh văn phòng, Người phát ngôn Bộ VHTTDL
(Ảnh Vnexpress)

Đây là một nội dung đang gây tranh cãi nhiều trong dư luận khi Thông tư số 01/2016/TT-BVHTTDL Quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 79/2012/NĐ-CP ngày 05 tháng 10 năm 2012 của Chính phủ quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu và Nghị định số 15/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 79/2012/NĐ-CP được ban hành.
Để làm rõ hơn về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS.TSKH Phan Đình Tân- Chánh văn phòng, Người phát ngôn Bộ VHTTDL.
Thưa ông, vừa qua, việc cấp thẻ hành nghề cho nghệ sĩ đã bị các thành viên Chính phủ không đồng tình áp dụng trong dịp này. Ông có thể cho biết lý do?
- Có ý kiến cho rằng, tạm dừng việc cấp thẻ hành nghề vì cần đơn giản hóa thủ tục hành chính, một cửa, không nên có thêm giấy phép con. Đây là ý kiến của các thành viên Chính phủ.
Nhưng dư luận có hai luồng ý kiến. Một phía ủng hộ cấp thẻ hành nghề và 1 phía không. Đặc biệt tôi đọc báo, một tổ chức thi người mẫu rất thất vọng khi không cấp thẻ hành nghề vì họ thấy, những người có đủ năng lực, có khả năng đạt chuẩn người mẫu chuyên nghiệp thì không được đánh giá đúng nghề khi không cấp thẻ. Nhưng cũng có phía cho rằng cấp thẻ hành nghề là cản trở, hạn chế sự sáng tạo, hạn chế người khác khi chưa có thẻ hành nghề…
Nhưng cũng có một số nghệ sĩ đề nghị đưa thẻ hành nghề vào Luật Nghệ thuật biểu diễn sắp tới.
Như vậy, trong thời gian tới, việc quản lý nghệ thuật biểu diễn có gì thay đổi không, thưa ông?
- Việc quản lý sẽ là tăng cường là trách nhiệm của các đơn vị, tổ chức, cá nhân đứng ra tổ chức những cuộc trình diễn thời trang, thi người đẹp, nghệ thuật biểu diễn. Họ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật.
Tự chịu trách nhiệm, điều này trước đây đã thế rồi, thưa ông?
- Điều này trước đây đã thế nhưng cơ quan quản lý vẫn mang tiếng oan. Khi xảy ra sai phạm họ đổ lỗi cho cơ quan quản lý nhà nước không làm hết trách nhiệm, không có văn bản hướng dẫn… Không có tham mưu cho chính phủ…
Hiện nay, Bộ đã tham mưu cho Chính phủ. Còn quản lý đã phân cấp, bản thân các cơ quan tổ chức sẽ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn và trực tiếp.
Ví dụ như tôi đã nói, lễ hội xảy ra tình trạng ẩu đả, hỗn loạn là do đơn vị tổ chức, tỉnh thành tổ chức, nơi xảy ra việc đó chịu trách nhiệm trước tiên.
Khoản 1, điều 3 của Thông tư 01 quy định về việc người biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; người đạt danh hiệu tại cuộc thi người đẹp, người mẫu không được chụp ảnh, ghi hình hình ảnh cá nhân không có trang phục hoặc sử dụng trang phục, hóa trang phản cảm và vô ý hoặc cố ý phổ biến, lưu hành trên mạng viễn thông… đang gây tranh cãi. Nếu áp dụng như vậy sẽ gồm cả việc cấm chụp ảnh nude, điều này liệu có thỏa đáng không, thưa ông?
- Không thỏa đáng hay thỏa đáng cũng không thể khẳng định. Có thể lúc này là thỏa đáng nhưng lúc khác lại không thỏa đáng. Như việc dừng cấp thẻ hành nghề, đúng hay không không cần tranh cãi, mà nên chấp hành.
Còn nghệ sĩ không được chụp ảnh nude, ảnh phản cảm… Vì anh là người của công chúng mà hành vi lại cực kỳ cá nhân, đi ngược lại thuần phong mỹ tục thì cần phải cân nhắc. Còn nhiều người biết hành vi đó là sai nhưng vẫn bất chấp, thì bản thân họ phải chịu trách nhiệm với cá nhân họ cũng như trách nhiệm với tổ chức, đơn vị quản lý và dư luận xã hội.
Nghĩa là ngoài luật, Bộ vẫn mong muốn sẽ có cơ quan giám sát cùng Bộ là dư luận xã hội?
- Ngoài luật còn có dư luận xã hội. Chúng ta đang sống trong một cộng đồng thì phải có trách  nhiệm trước cộng đồng. Có những điều Luật không quy định, nhưng trong cộng đồng lại có quy ước với nhau. Xưa có quy ước, hương ước, có lệ, anh sống trong xã hội đó mà không chấp nhận sẽ bị đào thải, chứ không đơn giản chỉ căn cứ luật.
Vì vậy, Luật là một phần nhưng còn quy ước xã hội nữa.
Cũng trong khoản 1 điều 3 của Thông tư này, người nghệ sĩ bị coi là vi phạm dù vô tình để bị phát tán những hình ảnh phản cảm lên mạng. Điều này liệu có khiên cưỡng hay không khi trên thực tế, họ có quyền có những hình ảnh riêng tư và vô tình bị phát tán?
- Nếu mấy năm trước họ quay, chụp ảnh nude nghệ thuật, sau đó vô tình bị đưa ra, thì các cơ quan tổ chức quản lý người đó sẽ châm chước, nhưng với trường hợp cố tình thì sẽ có xử lý. Vì tính cách con người không thể giấu mãi được. Người ta sẽ biết, sẽ có tha thứ, nhưng tha thứ cũng chỉ một lần thôi, không thể tha thứ liên tục.
Nói vậy nhưng nếu tăng cường quản lý, tăng cường giám sát sẽ biết ngay. Ngay trong một cơ quan, người nào như thế nào cũng sẽ biết chứ.
Việc này đang khiến dư luận cho rằng sẽ cấm nghệ sĩ, người mẫu, hoa hậu chụp ảnh nude nghệ thuật. Có điều này hay không, thưa ông?
- Trong quyền công dân, thì người công dân được làm tất cả những việc luật không cấm. Nhưng ngoài Luật quy định ra còn có các nghị định như luật chuyên ngành, kể cả không cấm nhưng hành vi phản cảm thì không ai nói là nên làm.
Hơn nữa, ảnh nude thế nào là khiêu dâm, ảnh nude thế nào là nghệ thuât là cả vấn đề. Cũng như đi lễ hội chùa chiền, đâu là tâm linh, đâu là mê tín thì nhìn bên ngoài cũng khó phân định. Như thế nào là nghệ thuật, thế nào là khiêu dâm, trong quản lý cũng phải căn cứ vào tình huống cụ thể để xem xét.
Xin cảm ơn ông!


Nguồn: Báo Tổ quốc

Bài viết khác

Tổ chức chức “Lớp tập huấn diễn viên, nhạc công  loại hình nghệ thuật Tuồng truyền thống - 2024”

06/05/2024 - 09:47

Lớp tập huấn là minh chứng rõ nét cho việc thực hiện các chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kì mới

Công đoàn Bộ VHTTDL tổ chức Hội nghị tập huấn, quán triệt Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở và tuyên truyền, phổ biến pháp luật năm 2024

25/04/2024 - 21:10

Ngày 25/4/2024, tại Hà Nội, Công đoàn Bộ VHTTDL tổ chức hội nghị Tập huấn Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và tuyên truyền, phổ biến pháp luật năm 2024 .

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp về xây dựng nghị định về hoạt động văn học

11/04/2024 - 10:34

Chiều 11/4, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp nghe báo cáo về đề nghị xây dựng nghị định về hoạt động văn học.

Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ ba trong Quân đội nhân dân Việt Nam năm 2024

09/04/2024 - 15:47

Sáng 9-4, tại Thư viện Quân đội (Hà Nội), Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ ba trong Quân đội nhân dân Việt Nam năm 2024 và phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc trong các nhà trường quân đội.

Hội nghị giao ban đánh giá tình hình văn học, nghệ thuật quý I/2024

08/04/2024 - 16:06

Chiều ngày 5/4, Ban tuyên giáo Trung ương phối hợp cùng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Liên hiệp các hội Văn học, Nghệ thuật Việt Nam đã tổ chức Hội nghị giao ban công tác Văn học, Nghệ thuật, Hoạt động của Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam, các Hội VHNT chuyên ngành Trung ương.

TP.HCM tôn vinh Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú, Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú

28/03/2024 - 21:55

Tối 28.3, tại Nhà hát Thành phố, UBND TP.HCM trang trọng tổ chức Lễ tôn vinh Nghệ nhân nhân dân (NNND), Nghệ nhân ưu tú (NNƯT); Nghệ sĩ nhân dân (NSND), Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) TP.HCM - năm 2024. Tham dự buổi lễ Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên.