Đoàn hát bội hiếm hoi giữa lòng thành phố

12/02/2024 - 22:51  

Nghệ thuật hát bội xuất hiện ở Việt Nam từ khá sớm, tuy nhiên loại hình này lại đang đứng trước nguy cơ mai một và dần bị lãng quên theo dòng chảy của thời gian. Thế nhưng bằng tất cả tâm huyết và niềm đam mê “giữ lửa” cho bộ môn nghệ thuật truyền thống này, Đoàn Nghệ thuật hát bội và tuồng cổ Ngọc Khanh của NSƯT Ngọc Khanh vẫn miệt mài hoạt động từ những năm 90 của thế kỷ trước và hiện nay là một trong những đoàn hát bội hiếm hoi còn lại ở TP.HCM.

Mặc dù tuổi cao, NSƯT Ngọc Khanh vẫn miệt mài với nghệ thuật hát bội

5 thế hệ theo nghiệp hát bội 

Ở tuổi 70, NSƯT Ngọc Khanh vừa làm “bà bầu” vừa  kiêm luôn vai trò quản lý, tổ chức biểu diễn, chỉ đạo nghệ  thuật, dàn dựng, đào tạo lớp  trẻ… Vì lẽ niềm đam mê nghệ thuật hát bội đã ngấm vào bà từ thuở còn là một đứa trẻ, đến khi trở thành giảng viên Khoa Hát bội, Trường Nghệ thuật Sân khấu II (năm 1975) và nếu không phải Ngọc Khanh thì chẳng biết ai có thể là người  gây dựng lên Đoàn Nghệ  thuật hát bội và tuồng cổ Ngọc  Khanh.  

Nói đến việc gia đình đã có 5 thế hệ theo nghiệp hát bội, nữ nghệ sĩ lại bồi hồi về câu chuyện ngày ấy. Bà cho biết, tưởng chừng, đến đời mình thì  nghiệp hát bội của gia đình sẽ dừng lại, nhưng nào ngờ vào một dịp lễ cúng Tổ, người con gái út là nghệ sĩ Ngọc Bích lại bỗng muốn “thọ giáo” chính mẹ của mình. “Hôm ấy là lễ cúng Tổ, thường khi nhận học trò tôi sẽ làm lễ khai sinh cho trò trước Tổ nghiệp. Các trò sẽ phải cúi xuống cho thầy đánh ba cây roi và nhận lời răn dạy với nghề. Bất ngờ thay, Bích cũng vào nằm cho tôi đánh, nói là muốn theo nghề của mẹ. Tôi hỏi kỹ: “Con có chắc là muốn theo nghề hát không và Bích gật đầu”, NSƯT Ngọc Khanh nhớ lại. Đó cũng là lần bất ngờ đầu tiên với một người đã dành cả cuộc đời để gắn bó với sân khấu hát bội. Nhưng đến lần thứ hai, cháu nội Minh Khoa (nay nghệ danh là Khánh Minh) đã khiến bà sững sờ và vui mừng đến mức không có từ ngữ nào diễn tả được xiết.  Khi đến một ngày chàng trai trẻ nói với bà nội là “Con muốn  đi hát”. Thế là NSƯT Ngọc  Khanh mừng rỡ đi mua son phấn trang điểm, trang phục chuẩn bị cho cháu học diễn và đặt lại nghệ danh cho cháu là Khánh Minh. Nếu như con gái Ngọc Bích chỉ diễn các vai  phụ, thì cháu nội Khánh Minh, từ những vai kép nhí đã nhanh chóng vươn lên thành kép chính. Lữ Bố, Châu Du, Triệu Tử Long… những vai diễn khó  và làm nên tên tuổi của nhiều  thế hệ nghệ sĩ đi trước, thì nay nghệ sĩ trẻ Khánh Minh đều thể hiện thành công trên sân khấu của Đoàn nghệ thuật hát  bội và tuồng cổ Ngọc Khanh. Tiếp đến, các cháu ngoại lần  lượt là Hữu Khang và Vân Anh cũng bắt đầu tìm đến với hát bội và theo đuổi nghề ở độ tuổi  đôi mươi. Chưa dừng lại ở đó, trong gia đình mang “dòng  máu nghệ thuật” giờ đây còn có bé Đoàn Minh Khánh, con trai của nghệ sĩ Khánh Minh và Phượng Loan, chắt nội của NSƯT Ngọc Khanh cũng đã bắt đầu lên sân khấu đóng vai kép nhí, cũng đã đòi ba mẹ may cho áo giáp và múa hát cùng gươm giáo…  

Vinh hoa luống những đoạn trường 

Mấy mươi năm theo nghề,  như NSƯT Ngọc Khanh có  thể nói là một đời hát bội và  bà thừa hiểu vinh hoa luống  những đoạn trường của nghiệp  làm đào, làm kép. Nhưng có lẽ vì say mê tiếng trống chầu từ nhỏ, nên hát bội với bà đã thành một cái nghiệp và đã một lần ăn cơm Tổ, thì kiếp tằm cứ mãi vương tơ. Nói đến đây, NSƯT Ngọc Khanh cười trừ: “Đắng cay phải chịu, nhọc nhằn phải mang. Tổ nghiệp còn cho làm ngày nào thì mình làm ngày đó thôi”.  Bởi khó khăn gì thì người phụ nữ này cũng đã phải trải qua, từ việc vừa lập đoàn được 2 tháng thì phải bán luôn căn nhà ở đường Nguyễn Đình Chiểu (quận 3, TP.HCM) để lấy tiền phát lương cho anh em nghệ sĩ, rồi đến lần đi diễn bị tai nạn xe tưởng chừng như không qua khỏi nhưng rồi khi  mạnh khỏe trở lại vẫn bám lấy nghiệp hát bội, thậm chí là sẵn sàng ở nhà thuê để duy trì đoàn hát… 

Không chỉ riêng với bản thân mình, nghệ sĩ Ngọc Khanh  buồn cho anh em trong đoàn  khi từ xưa đến nay vẫn còn nhiều khó khăn, thế nhưng cũng chẳng ai chịu bỏ nghề.  Dường như sân khấu và hát  bội với họ là một điều gì đó rất thiêng liêng và có sức hút  đến lạ kỳ. “Mỗi suất hát kéo  dài vài tiếng đồng hồ, mỗi diễn  viên chỉ lãnh được vài trăm nghìn đồng. Như hiện bây giờ tại đoàn, diễn viên chính  một suất hát cao nhất chỉ có 700.000 đồng. Trừ hết  tiền son phấn, xăng xe đi  lại thì còn lại bao nhiêu để đem về cho vợ  cho con, đem về cho gia đình đâu? Thành ra để sống được với nghề hát thì mọi người phải tìm một công việc khác để kiếm thêm thu nhập. Hết mùa  chầu thì lại chạy xe ôm, bán vé  số, làm móng dạo…”, nữ nghệ  sĩ cho hay. Ấy thế nhưng, mỗi  lần bà bầu Ngọc Khanh gọi là anh em nghệ sĩ lại tề tựu về  thành phố để đi diễn, có người sống ở miền Tây xa xôi nhưng cũng không vắng bóng. “Một mùa chầu chỉ kéo dài tầm 5 tháng bắt đầu từ cận Tết và ra Giêng. Đầu năm người ta gieo trồng, cấy gặt thì người ta mới cúng các vị thần rồi mời mình  tới hát. Cuối năm người ta thu hoạch xong lại mời mình hát tạ ơn. Còn khoảng giữa trời mưa trời gió thì chẳng làm gì được. Thế nhưng những năm trở lại  đây, các suất diễn vào mùa cũng thưa thớt dần”, bà bầu Ngọc Khanh cho biết thêm. Chuyện thịnh suy ở đời cũng là lẽ thường tình và hát bội không còn thịnh là điều đã biết trước, nhưng nghệ sĩ Ngọc Khanh vẫn tâm niệm: “Bây giờ, khán giả nghe có thích hay không thích vẫn là tùy vào thị hiếu của mỗi người, nhưng mình vẫn cứ cố  gắng hát để sau này còn có cái lưu truyền mà kể lại cho con cho cháu về tục hát chầu cúng đình, cúng miễu của ông bà ta  từ bao đời nay”. 

Đã hơn nửa thế kỷ kể từ khi NSƯT Ngọc Khanh trở thành người nối nghiệp nghệ sĩ hát bội Ba Út, mẹ của bà. Và giờ đây, đôi vai trẻ của nghệ sĩ Khánh Minh  lại tiếp tục kế thừa và gánh vác  Đoàn Nghệ thuật hát bội và tuồng cổ Ngọc Khanh. Một sự  tiếp nối mà mỗi lần nhắc lại, NSƯT Ngọc Khanh nói như  thể Tổ nghiệp đã chỉ lối đưa  đường để con cháu của mình yêu mến và theo nghề. Dù thời hoàng kim của hát bội đã trở thành dĩ vãng nhưng những người nghệ sĩ yêu nghề hát bội như ở Đoàn Ngọc Khanh vẫn nắm níu lấy nhau để được hát, được đứng trên sân khấu để  giữ gìn Tổ nghiệp của quê hương như câu hát: “Má ơi đừng đánh con đau, để con hát bội, làm đào má coi”.

“Bây giờ, khán giả nghe có thích hay không thích vẫn là tùy vào thị hiếu của mỗi người, nhưng mình vẫn cứ cố gắng hát để sau này còn
có cái lưu truyền mà kể lại cho con cho cháu về tục hát chầu cúng đình, cúng miễu của ông bà ta từ bao đời nay”.

(NSƯT Ngọc Khanh)

Theo Báo Văn hoá

Bài viết khác

95 năm - Ánh sáng soi đường: Bản giao hưởng của niềm tin, lòng tự hào và khát vọng vươn lên

04/02/2025 - 09:35

Tối 3/2/2025, tại Quảng trường Cách mạng Tháng Tám, Hà Nội, đã diễn ra chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2025). Chương trình được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam.

Chùm ảnh: Chương trình nghệ thuật đặc biệt với chủ đề “95 năm - Ánh sáng soi đường”

04/02/2025 - 02:51

Tối 3/2, tại Quảng trường Cách mạng Tháng Tám (Hà Nội), đã diễn ra chương trình nghệ thuật đặc biệt mừng Đảng, mừng Xuân, mừng đất nước đổi mới với chủ đề "95 năm - Ánh sáng soi đường", chương trình do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội giao Cục Nghệ thuật biểu diễn chỉ đạo Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam và các đơn vị liên quan tổ chức.

GẶP MẶT CÁN BỘ HƯU TRÍ CỤC NGHỆ THUẬT BIỂU DIỄN NHÂN DỊP XUÂN ẤT TỴ 2025

20/01/2025 - 12:59

Trong tiết trời se lạnh của những ngày giáp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, sáng ngày 20/01/2025, tại Cục Nghệ thuật biểu diễn diễn ra buổi gặp mặt cán bộ hưu trí trong không khí ấm áp, nghĩa tình. Đây là dịp để tri ân các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đã và đang công tác tại Cục sum vầy, chia sẻ những kỷ niệm và cùng hướng về một năm mới tràn đầy hy vọng.

hương trình nghệ thuật kỷ niệm 75 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam- Nga

15/01/2025 - 23:59

Sáng 15/1, tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Bộ VHTTDL phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức Chương trình nghệ thuật kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam- Liên bang Nga và chào mừng chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Chính phủ Liên bang Nga Mikhail Vladimirovich Mishustin.

Vinh danh các gương mặt nghệ sĩ tiêu biểu và một số cuốn sách nổi bật

09/01/2025 - 06:20

Tối 11.1 tại Nhà hát Thành phố Hải Phòng, Bộ VHTTDL chủ trì phối hợp với UBND Thành phố Hải Phòng tổ chức Chương trình giới thiệu các gương mặt nghệ sĩ tiêu biểu và một số cuốn sách nổi bật lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, văn học năm 2024. Đây là sự kiện mang ý nghĩa lớn, không chỉ nhằm tôn vinh những cá nhân và tập thể xuất sắc mà còn khơi dậy tinh thần sáng tạo, cống hiến của những người làm nghệ thuật và văn học.

Tổng Bí thư Tô Lâm: Văn nghệ sĩ cần chiếm lĩnh những đỉnh cao mới trong sáng tạo nghệ thuật

31/12/2024 - 06:00

Chiều ngày 30/12, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chủ trì Hội nghị gặp mặt đại biểu văn nghệ sỹ toàn quốc.