Diện mạo sân khấu TP Hồ Chí Minh và những vấn đề đặt ra

04/05/2015 - 16:23  

(NTBD) - Sau ngày 30-4-1975, thống nhất đất nước đến nay, sân khấu TP Hồ Chí Minh có những đặc điểm riêng, nổi lên như là một tiêu điểm đáng chú ý của sân khấu cả nước, với sự năng động, không ngừng đổi mới, thu hút công chúng, mang lại nhiều bài học trong phát triển cho nền sân khấu Việt Nam đương đại.

Một cảnh trong vở Tình lá diêu bông của Sân khấu kịch 5B.

Một biểu hiện rất đáng chú ý của sân khấu TP Hồ Chí Minh là sự phát triển của phong trào xã hội hóa với sự hiện diện của nhiều đơn vị nghệ thuật ngoài công lập dưới hình thức công ty tổ chức sự kiện văn hóa nghệ thuật tồn tại song song vừa tương tác, vừa cạnh tranh với các đơn vị sân khấu công lập. Trong khi tình hình xã hội hóa nghệ thuật của các tỉnh, thành phố phía bắc đang giậm chân tại chỗ và gần như bế tắc thì ở TP Hồ Chí Minh hơn 20 năm qua hoạt động xã hội hóa các đơn vị nghệ thuật vẫn tiếp tục tồn tại và ngày càng phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu, thậm chí có phần lấn át các đơn vị nghệ thuật công lập. Các đơn vị sân khấu xã hội hóa vừa xác lập được phong cách nghệ thuật riêng, vừa thiết lập được bộ phận khán giả chí cốt của mình. Riêng về hình thức kịch nói, ở TP Hồ Chí Minh hiện nay cùng tồn tại ở nhiều điểm diễn khác nhau với các thương hiệu nghệ thuật của từng đơn vị. Nếu Nhà hát sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần thu hút khán giả ở tính mực thước, nghiêm túc thì Sân khấu IDECAF hấp dẫn khán giả bằng dàn diễn viên tài năng không ngừng được trẻ hóa, dưới sự dẫn dắt của NSƯT Thành Lộc và nghệ sĩ Huỳnh Anh Tuấn đã tỏ ra rất năng động. IDECAF luôn tìm đến những nhân tố mới lạ, tạo nên một dàn kịch mục đa dạng từ phạm vi đề tài phản ánh, có truyện khai thác từ đề tài hôm nay có truyện xưa tích cũ, có kịch bản trong nước, có kịch bản nước ngoài...
Về thể tài nghệ thuật cũng có sự đa sắc thái, khi thì hài kịch, khi thì chính kịch, khi thì huyền thoại giả tưởng, lúc lại hướng tới nhạc kịch hoặc kịch thần tiên... Ðến với sân khấu kịch Phú Nhuận của NSND Hồng Vân, khán giả lại được làm quen với những thể nghiệm về dòng kịch khai thác yếu tố kinh dị với những câu chuyện kỳ quái về ma quỷ hiện hình. Ngoài ra, sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh của cặp nghệ sĩ Thành Hội - Ái Như lại kiên trì với hình thức chính kịch tâm lý vừa đi sâu vào cảm xúc vừa gợi thức những suy nghĩ về tình đời và lẽ đời... Có thể kể thêm một số điểm sáng sân khấu kịch khác như sân khấu Nụ cười mới, sân khấu Thế giới trẻ, sân khấu Kịch Sài Gòn, sân khấu Trần Cao Vân, sân khấu kịch Minh Béo... Những tụ điểm sân khấu này đang là đất dụng võ riêng của từng tốp nhóm xã hội hóa tạo ra sự phong phú nhiều mầu sắc và phong cách trình diễn khác nhau. Ngoài ra, có thể kể thêm một hình thức diễn kịch định kỳ tại quán cà-phê, tại phòng trà mới nhen nhóm gần đây cũng đang được đông đảo dư luận nhất là giới trẻ chú ý... Tất cả những biểu hiện phong phú chứng tỏ sức sống và tính đa dạng của bức tranh muôn mầu tái hiện toàn cảnh kịch trường thành phố hiện nay.
Không thể không nhắc đến tính chất rộng mở, "đất lành chim đậu" của sân khấu TP Hồ Chí Minh trong xu hướng thu hút về mình những tài năng sân khấu đã định hình và cả những gương mặt trẻ có triển vọng từ khắp các địa phương trên cả nước lúc nào cũng được đón chào ở đây, giúp hình thành một đội ngũ nghệ sĩ sân khấu có tiềm năng lớn và không ngừng được bổ sung theo thời gian. Các đơn vị nghệ thuật ở đây còn là điểm đến của nhiều nghệ sĩ, diễn viên, nhất là sinh viên vừa tốt nghiệp các trường nghệ thuật trên cả nước đang háo hức đi tìm mảnh đất dụng võ của mình. Thành phố luôn sẵn sàng đón nhận và tạo điều kiện cho những triển vọng nghệ thuật đó có cơ hội thể hiện khả năng.
Sân khấu TP Hồ Chí Minh còn hết sức thông thoáng trong việc đón tiếp nhiều đoàn nghệ thuật từ các địa phương khác trên cả nước cũng như từ các nước khác, để tạo nên sự giao lưu nghệ thuật, nâng cao tầm nhìn và kích hoạt những tìm tòi thể nghiệm đổi mới trong nghệ thuật sân khấu. Ði sâu hơn, tính thông thoáng rộng mở ấy còn thể hiện ở tư duy nghệ thuật luôn mở ra để đón nhận những tìm tòi thể nghiệm mới của kịch trường thế giới cũng như của các loại hình nghệ thuật khác. Người ta thấy trên sân khấu thành phố xuất hiện những thể nghiệm nghệ thuật đáng chú ý trên phương diện vận dụng ngôn ngữ điện ảnh vào sân khấu làm gia tăng hiệu quả nghệ thuật của nó. Người ta cũng bắt gặp những thể nghiệm đáng quý của việc vận dụng những yếu tố hậu hiện đại một cách có mức độ trong vở diễn Nỗi đau nhân loại như là sự kết hợp liên văn bản giữa kiệt tác Truyện Kiều của Nguyễn Du với kiệt tác Ô-ten-lô của Sếch-xpia như là một thử nghiệm táo bạo, công phu và nghiêm túc của nhà viết kịch Lê Duy Hạnh... Hoặc trong một chừng mực nhất định, tìm thấy sự giao lưu văn hóa thể hiện ở xu hướng dân tộc hóa những giá trị nghệ thuật kinh điển của sân khấu thế giới trong khi phổ cập nó với công chúng Việt Nam qua vở diễn Ông Juôc đanh ở Sài Gòn, nói về một nhân vật trong hài kịch cổ điển của nhà viết kịch người Pháp Mô-li-e thế kỷ 17.

Vở cải lương Chiến binh của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang.

Mặc dù vậy, không thể không nhắc đến một số vấn đề đang tồn tại trong hoạt động sân khấu TP Hồ Chí Minh đã ít nhiều tác động tiêu cực đến sự phát triển của ngành nghệ thuật quan trọng này. Ðó là xu hướng thương mại hóa nghệ thuật, với chủ trương coi trọng lợi nhuận trong hoạt động trình diễn là tối thượng, có phần xem nhẹ chất lượng tư tưởng và nghệ thuật để sa vào những biểu hiện dễ dãi, thậm chí để lọt nhiều biểu hiện chưa lành mạnh trên sàn diễn từ nội dung kịch bản, nghệ thuật diễn xuất, trang phục sân khấu chưa phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc... Ðó cũng là tàn dư của việc tôn sùng những "ngôi sao" trên bầu trời sân khấu một cách quá mức, làm phá vỡ tính chất tập thể, đồng bộ vốn là bản chất của nghệ thuật mang tính tổng hợp cao như sân khấu, làm giảm sút chất lượng nghệ thuật của buổi biểu diễn. Biến các buổi biểu diễn nghệ thuật chỉ là chỗ cho một vài "ngôi sao" có thương hiệu tung hứng giọng ca hoặc khả năng diễu nhại đầy ngẫu hứng của mình, bất chấp quy định của kịch bản, làm phá đi tính thống nhất và toàn vẹn của một tiết mục sân khấu vốn như một chỉnh thể nghệ thuật...
Cũng có thể kể thêm một số biểu hiện thiếu lành mạnh khác như việc chạy theo những dòng kịch thuần túy đánh vào nhu cầu giải trí dễ dãi của một bộ phận công chúng, làm cho các điểm diễn sân khấu đua nhau khai thác cái hài thông tục tầm thường, ít tính trí tuệ và ý nghĩa xã hội, chỉ tập trung cù khán giả cho họ bật cười mà thiếu đi tính phê phán, tính cảnh báo, tính gợi mở suy nghĩ trước những biểu hiện tiêu cực và suy thoái về đạo đức, lối sống đang lan tràn. Sau những "trận dịch hài hề" tràn ngập sân khấu, gần đây lại nổi lên "trận dịch" khác kỳ quái hơn là dòng kịch, tập trung khai thác yếu tố kinh dị, khiến người xem rùng mình sửng sốt trong hàng loạt tiết mục. Chỉ cần kể tên những vở diễn này chúng ta cũng có thể hình dung về tính chất của nó: Người vợ Ma, Quỷ ám, Ngôi nhà hoang, Quả tim máu, Căn hộ 404, 12 h đêm, Bí mật một lời nguyền, Thoát xác, Lụa máu... Tính chất kinh dị thường được cường điệu và cụ thể hóa bằng những thủ pháp nghệ thuật có sự tiếp tay của kỹ thuật ánh sáng, kỹ thuật truyền dẫn tiếng động và âm thanh hiện đại, nhất thời có thể thu hút được một bộ phận khán giả dễ tính, gây nên những cơn sốt vé, cháy vé. Công chúng đổ xô đến rạp diễn, đắm mình vào những giây phút thư giãn dễ dãi, nhanh chóng thay đổi trạng thái từ trữ tình ướt át đến những khoảnh khắc hồi hộp cao độ, thót tim vì căng thẳng thần kinh. Nhưng cũng rất nhanh sau đó, khi đêm diễn kết thúc, những vở diễn kiểu này chẳng còn đọng lại dư vị khiến người ta cảm xúc hoặc suy nghĩ tiếp về những điều mà vở diễn truyền tải, mà đi dần vào quên lãng.
Bên cạnh đó, có không ít vở diễn kích động vào những yếu tố bạo lực với những cảnh thanh toán đẫm máu hoặc khai thác trực tiếp những pha gợi dục (sex) đi ngược với thuần phong mỹ tục và mỹ cảm truyền thống, gây phản cảm trong công chúng. Có thể nói, những biểu hiện đáng báo động chiếm một tỷ lệ không nhỏ trong dàn tiết mục biểu diễn thường xuyên kiểu này đã phần nào làm giảm đi sinh sắc tươi mới trong ngôn ngữ nghệ thuật và tính lành mạnh đáng quý của sân khấu TP Hồ Chí Minh. Ðồng thời cũng cho thấy hoạt động sân khấu ở đây đang chớm xu hướng chạy theo chiều rộng, chạy theo thu hút khán giả bằng mọi giá hơn là nỗ lực tìm tòi thử nghiệm đi vào chiều sâu nghệ thuật một cách công phu, nghiêm túc, để từ đó tạo ra những tiền đề xuất hiện những tác phẩm nghệ thuật có chất lượng cao như sân khấu thành phố những năm cuối của thế kỷ 20 đã có lúc chạm tới...
Những phác thảo nêu trên chỉ là sự ghi nhận bước đầu trước một thực tế sôi động và phức tạp và hiện vẫn đang biến động như hoạt động sân khấu TP Hồ Chí Minh. Ðiều đó cho thấy cần đi sâu nghiên cứu, khảo sát thực tế để từ đó rút ra kinh nghiệm và bài học cho sân khấu cả nước trong quá trình phát triển và thực hiện xã hội hóa hoạt động.

Nguồn: ND

Bài viết khác

Công đoàn Bộ VHTTDL tổ chức Hội nghị tập huấn, quán triệt Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở và tuyên truyền, phổ biến pháp luật năm 2024

25/04/2024 - 21:10

Ngày 25/4/2024, tại Hà Nội, Công đoàn Bộ VHTTDL tổ chức hội nghị Tập huấn Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và tuyên truyền, phổ biến pháp luật năm 2024 .

Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ ba trong Quân đội nhân dân Việt Nam năm 2024

09/04/2024 - 15:47

Sáng 9-4, tại Thư viện Quân đội (Hà Nội), Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ ba trong Quân đội nhân dân Việt Nam năm 2024 và phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc trong các nhà trường quân đội.

Hội nghị giao ban đánh giá tình hình văn học, nghệ thuật quý I/2024

08/04/2024 - 16:06

Chiều ngày 5/4, Ban tuyên giáo Trung ương phối hợp cùng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Liên hiệp các hội Văn học, Nghệ thuật Việt Nam đã tổ chức Hội nghị giao ban công tác Văn học, Nghệ thuật, Hoạt động của Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam, các Hội VHNT chuyên ngành Trung ương.

TP.HCM tôn vinh Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú, Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú

28/03/2024 - 21:55

Tối 28.3, tại Nhà hát Thành phố, UBND TP.HCM trang trọng tổ chức Lễ tôn vinh Nghệ nhân nhân dân (NNND), Nghệ nhân ưu tú (NNƯT); Nghệ sĩ nhân dân (NSND), Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) TP.HCM - năm 2024. Tham dự buổi lễ Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên.

Hội nghị công chức, người lao động Cục Nghệ thuật biểu diễn năm 2023

27/03/2024 - 16:56

Ngày 27/03/2024, tại trụ sở, Cục Nghệ thuật biểu diễn tổ chức Hội nghị công chức, người lao động năm 2023.

Cục Nghệ thuật biểu diễn tổ chức kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3

08/03/2024 - 10:11

Sáng ngày 8/3 Cục Nghệ thuật biểu diễn tổ chức Ngày hội Phụ nữ, nhân kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 (08/3/1910 - 08/3/2024.)