Cơ chế "mở" sẽ thúc đẩy sáng tạo nghệ thuật

02/02/2015 - 14:22  

(NTBD) - Sau nhiều năm nghiên cứu, xây dựng, mới đây, dự thảo Thông tư liên tịch (giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Tài chính) Hướng dẫn về đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ đối với hoạt động biểu diễn nghệ thuật có sử dụng ngân sách nhà nước đã được Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTTDL) hoàn thiện.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Mặc dù đang trong quá trình chờ được phê duyệt nhưng sự xuất hiện của Thông tư mở ra nhiều tín hiệu vui cho sân khấu (vốn đang trầm lắng) nói riêng và nghệ thuật biểu diễn nước nhà nói chung.
Những năm gần đây, nguồn kinh phí đầu tư hỗ trợ sáng tác của Nhà nước dành cho văn học, nghệ thuật đã tăng đáng kể, cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Ðảng, Nhà nước đối với đội ngũ văn nghệ sĩ nhằm tìm kiếm những tác phẩm đạt giá trị cao về tư tưởng, nghệ thuật, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Tuy nhiên, việc phân bổ nguồn hỗ trợ ấy để đầu tư cho sáng tạo nghệ thuật thường được làm một cách dàn trải, dễ dãi theo kiểu cào bằng, "hoa thơm mọi người cùng hưởng" cho nên hiệu quả chưa cao. Hơn nữa, chỉ những đơn vị nghệ thuật công lập hay những hội nghệ thuật chuyên ngành trung ương mới có "cơ" nhận được khoản hỗ trợ. Ðiều này dẫn đến tâm lý sáng tạo thụ động, sáng tạo cho có, để... giải ngân kinh phí được cấp. Và hậu quả tất yếu là, nhiều tác phẩm được đầu tư tiền tỷ nhưng khi hoàn thành lại không mấy hiệu quả. Ðấu thầu có thể coi là giải pháp khôn ngoan để tháo nút thắt cơ chế đã tồn tại nhiều năm nay. Theo đó, tất cả các khâu từ dàn dựng, phục trang, đạo cụ đến âm thanh, ánh sáng... liên quan việc xây dựng một chương trình hay tác phẩm nghệ thuật sẽ đều được công khai đấu thầu, nhằm tìm ra những ứng viên có năng lực, kinh nghiệm phù hợp nhất, để thực hiện được những chương trình, tác phẩm nghệ thuật chất lượng cao nhất với giá cả hợp lý nhất. Cách đầu tư theo lối cạnh tranh lành mạnh này là phương thức mở cửa, mang lại cơ hội ngang bằng cho tất cả các đơn vị nghệ thuật, trong đó có cả đơn vị nghệ thuật xã hội hóa. Chắc hẳn, các đơn vị nghệ thuật công lập sẽ buộc phải tự đổi mới, từ bỏ thói quen "chờ kinh phí" để khẳng định chỗ đứng trong một sân chơi không còn cơ chế xin - cho.
Theo Thông tư nêu trên, bên cạnh đấu thầu, Nhà nước vẫn duy trì đặt hàng đối với những chương trình, tác phẩm nghệ thuật mang tính đặc thù phục vụ nhiệm vụ chính trị hay hưởng ứng các đợt vận động sáng tác. Qua thực tế đặt hàng sáng tác những năm qua, dư luận và ngay cả những người trong nghề đã nhiều lần phải lên tiếng trước thực trạng tù mù, gần như không kiểm chứng tính minh bạch trong cách lựa chọn để phân bổ kinh phí. Không ít chương trình, tác phẩm đã được đầu tư "hoành tráng" nhưng kết quả thu về không tương xứng. Một hạn chế nữa là phương thức đặt hàng lâu nay vẫn chỉ chú trọng khâu sáng tạo mà bỏ quên khâu quảng bá, trong khi đây mới chính là con đường để tác phẩm đi vào đời sống, khẳng định sự đầu tư của Nhà nước là "đúng và trúng". Thực tế cho thấy, nhiều tác phẩm nghệ thuật đặt hàng đạt chất lượng cao chỉ được biểu diễn, công chiếu một vài buổi đúng dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn hay các đợt tuyên truyền, sau đó lại "ngủ đông", "trùm mền", lưu kho. Nói thế để thấy, dù là đấu thầu hay đặt hàng cũng cần được triển khai thông qua cơ chế, chính sách toàn diện, với cách triển khai công tâm, minh bạch của những người cầm cân nảy mực. Cơ quan quản lý văn hóa cần có sự phối hợp chặt chẽ với sở văn hóa các tỉnh, thành phố và các hội chuyên ngành để bảo đảm đầu tư đúng chỗ, đúng người. Có như thế, nghệ thuật biểu diễn mới trở thành "thánh đường" của những tài năng thật sự chứ không phải nơi gặp gỡ "cửa sau" của những người nhân danh nghệ thuật để mưu lợi cá nhân.

Nguồn: ND

Bài viết khác

Bế mạc lớp tập huấn diễn viên, nhạc công Tuồng truyền thống

19/05/2024 - 23:39

Ngày 19.5, Lớp tập huấn diễn viên, nhạc công loại hình nghệ thuật tuồng truyền thống - 2024 đã chính thức bế mạc tại Thành phố Đà Nẵng.

Phát động bình chọn 50 tác phẩm văn học nghệ thuật tiêu biểu sau ngày đất nước thống nhất

19/05/2024 - 11:42

Tối 18-5, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức Phát động bình chọn 50 tác phẩm văn học, nghệ thuật biểu diễn Việt Nam tiêu biểu, xuất sắc sau ngày đất nước thống nhất với chủ đề Những bản hùng ca đất nước. Đây là hoạt động nhân kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam.

Khai giảng “Lớp tập huấn diễn viên, nhạc công loại hình nghệ thuật Tuồng truyền thống - 2024”

10/05/2024 - 15:21

 Ngày 10.5, Lớp tập huấn diễn viên, nhạc công loại hình nghệ thuật Tuồng truyền thống - 2024 đã khai mạc tại Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, TP Đà Nẵng.

Festival Huế 2024: Xây dựng chuỗi lễ hội suốt 4 mùa

10/05/2024 - 11:05

Chiều 9/5, Bộ Ngoại giao, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã phối hợp với tổ chức họp báo quốc tế giới thiệu Festival Huế 2024 và Tuần lễ Festival nghệ thuật quốc tế Huế 2024.

Xúc động chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

08/05/2024 - 10:07

Tối 6/5, tại Quảng trường 7/5, thành phố Điện Biên Phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Chương trình Nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) với chủ đề “Điện Biên Phủ - Mốc vàng lịch sử” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp tỉnh Điện Biên tổ chức.

Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca chiến thắng

07/05/2024 - 14:28

Sáng 7/5, tại thành phố Điện Biên Phủ, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024).