Ca sĩ dòng nhạc cách mạng: Sống khỏe với nghề

07/09/2015 - 16:18  

Ca sĩ dòng nhạc cách mạng: Sống khỏe với nghề

Ca sĩ Trọng Tấn. (Ảnh: Internet)

(NTBD) - Sau thế hệ của các ca sĩ Thanh Hoa, Thu Hiền, Quý Dương, Trung Kiên, Kiều Hưng… là buổi vàng son của nhạc pop khiến nhiều người từng có lúc đặt câu hỏi về sức sống của nhạc cách mạng cũng như những giọng ca theo đuổi dòng nhạc này. Nhưng từ khi thế hệ các ca sĩ Trọng Tấn, Đăng Dương, Việt Hoàn, Anh Thơ, Lan Anh ở phía Bắc cũng như Tạ Minh Tâm, Thanh Thúy, Anh Bằng, Huỳnh Lợi ở phía Nam… xuất hiện thì câu hỏi trên đã được trả lời: Sức sống của dòng nhạc cách mạng, không chỉ ở phía khán giả, mà có cả một lớp nghệ sĩ trẻ cũng hào hứng quay lại dòng nhạc này.
Cát-sê “khủng”

Theo chị Hoài Anh, Công ty Tổ chức biểu diễn Đông Đô, rất khó so sánh về thu nhập của các ca sĩ hát nhạc cách mạng với các ca sĩ nhạc trẻ. Bởi lẽ, ca sĩ hát nhạc trẻ chỉ có thời, cát-sê của mỗi chương trình có thể lên tới mức rất “khủng” khiến nhiều người phải choáng váng, nhưng với những giọng ca thành danh của dòng nhạc cách mạng như Trọng Tấn, Anh Thơ, Việt Hoàn… thì thù lao biểu diễn cũng không hề thấp. Mỗi buổi diễn trong các sự kiện của các đơn vị, công ty… thông thường cát-sê họ nhận được lên tới 60 triệu đồng (nếu đi tỉnh).
Ca sĩ Trọng Tấn có lần chia sẻ, đợt 8-3 năm ngoái, có những ngày anh phải biểu diễn tới 8 show. Mức thu nhập của các ca sĩ trẻ dòng nhạc này như Vũ Thắng Lợi, Lê Anh Dũng… tuy có thấp hơn chút nhưng không bao giờ dưới 10 triệu đồng. Nhìn chung, nguồn thu nhập chính của các ca sĩ hát nhạc cách mạng ở thời điểm này vẫn phụ thuộc nhiều vào các sự kiện.
Trước đây, nhiều ca sĩ hát dòng nhạc này sống khá chật vật với nghề, như ca sĩ Việt Hoàn từng chia sẻ, vào đầu những năm 1990, khi đã là ca sĩ rất nổi tiếng tại Hải Phòng nhưng cuộc sống khó khăn đến mức anh phải mở quán karaoke đã tăng thu nhập. “Hồi đó quán của tôi rất đông khách, những tưởng tôi sẽ rẽ ngang bỏ nghiệp dù đang rất yêu nghề, nhưng thật may mắn NSND Lê Dung đã gặp, thức tỉnh và kéo tôi trở lại với con đường nghệ thuật chuyên nghiệp để có ngày hôm nay. Tôi cứ nghĩ mãi, nếu không có cái duyên đó, cuộc đời tôi chắc chắn sẽ rẽ theo một ngả đường khác hẳn”. Tự cho là mình khá bảo thủ, song ca sĩ Việt Hoàn cho rằng nếu ca sĩ không sống được bằng nghề là họ nói dối hoặc họ quá tham lam.
Đồng cảm với suy nghĩ này, ca sĩ Anh Thơ cũng cho rằng, do nhu cầu tiêu dùng của mình không nhiều nên chị có thể thoái mái hơn trong việc dung hòa giữa việc biểu diễn và giảng dạy. Anh Thơ nhiều lần tâm sự lý do từ chối hát đám tiệc vì thấy mình không phải là tuýp người năng nổ, sôi động và việc hát đám tiệc không mấy phù hợp. Chị nói:“Tôi là một người sống khá khép kín, đơn giản và rất ít khi... tiêu tiền. Trong cuộc sống hàng ngày, tôi không đòi hỏi quá nhiều về vật chất. Hơn nữa, tiền thì biết thế nào là đủ nên tôi sống khá thoải mái bằng nghề của mình”.

Ca sĩ Tạ Minh Tâm trình bày bài hát Đất nước trọn niềm vui. (Ảnh: Internet)

Nếu những sự kiện là mảnh đất màu mỡ để các ca sĩ phía Bắc kiếm tiền thì các ca sĩ dòng nhạc cách mạng ở phía Nam có vẻ kém cạnh hơn. Trừ một vài ca sĩ có “thương hiệu” như ca sĩ Tạ Minh Tâm, Thanh Thúy, còn đa phần không mấy được “chuộng” ở địa hạt này. Và cát-sê của họ cũng thuộc hàng mơ ước của nhiều ca sĩ trẻ. Ca sĩ Huỳnh Lợi chia sẻ, không vì thế mà ca sĩ theo dòng nhạc đỏ ở phía Nam ít đất sống bởi những chương trình nghệ thuật mang tính tuyên truyền hay hướng đến những ngày kỷ niệm, ngày lễ lớn của đất nước hầu như diễn ra liên tục, từ cấp tỉnh thành cho đến quận huyện, phường xã.
Ngay như Trung tâm Tổ chức Biểu diễn và điện ảnh TPHCM trong tháng 8 vừa qua tổ chức đến 8 chương trình nghệ thuật quy mô hưởng ứng các ngày lễ lớn. “Có những tháng tôi nhận 10 show là bình thường. Không đặt nặng cát-sê, nhưng chỉ cần như thế thu nhập cũng đủ để sống thoải mái, nhất là với những ca sĩ theo dòng nhạc cách mạng vốn dĩ cũng không phải tốn kém nhiều thứ để chạy theo sự hào nhoáng như ca sĩ thị trường”, ca sĩ Huỳnh Lợi chia sẻ.
Mạch chảy thú vị của nhạc Việt
Thu nhập tốt, song tại sao ca sĩ nhạc chính thống không mấy người làm liveshow, hay phát hành đĩa và các sản phẩm âm nhạc? Phân tích vấn đề này, một số người hoạt động lâu năm trong lĩnh vực chỉ rõ: Mỗi dòng nhạc có đối tượng khán giả khác nhau. Với nhạc trẻ thì việc bán vé, xin tài trợ khá dễ dàng bởi đối tượng mà họ hướng tới là thanh niên, những người ham thích và sẵn sàng chi tiền để đón nhận những dòng nhạc tươi trẻ. Với dòng nhạc chính thống, mặc dù chúng luôn giữ vị trí riêng trong âm nhạc, trong mỗi người nhưng lại thiếu đi yếu tố “lạ” để có thể kinh doanh. Do đó, mặc dù việc xuất hiện trong các chương trình mang tính chính trị, hội hè, lễ lạt luôn được các ca sĩ dòng nhạc này chú trọng nhằm xây dựng hình ảnh, sự nghiệp thì nguồn thu chính của họ phụ thuộc nhiều vào việc tham gia biểu diễn trong các sự kiện.
Nói như vậy không có nghĩa là các ca sĩ dòng nhạc này không thể làm liveshow. Thực tế cho thấy sau nhiều năm các ca sĩ thị trường thống trị trên bảng xếp hạng của các liveshow đắt khách thì sự xuất hiện của chương trình Rừng ta biển bạc đồng xanh của Anh Thơ - Trọng Tấn cuối năm 2014 khiến nhiều bầu show phải có cách nhìn mới. Khi đó, khán phòng của Cung hữu nghị Việt Xô luôn kín chỗ và nhà sản xuất thì tuyên bố đó mới chỉ là mở đầu.

Ca sĩ Lan Anh.(Ảnh: Internet)

“Nhạc cách mạng có một phân khúc thị trường rộng và màu mỡ, với những giọng hát như Trọng Tấn, Anh Thơ, tôi bán vé và đắt show sự kiện hơn cả ngôi sao thị trường. Việc ca sĩ Trọng Tấn tập trung hát dòng nhạc cách mạng là quyết định cực kỳ khôn ngoan”, bà “bầu” Hoài Anh khẳng định. Cho tới thời điểm này, Trọng Tấn - “Hoàng tử nhạc đỏ” - vẫn luôn là cái tên quyến rũ với các phòng vé. Chính vì thế, không có gì lạ lẫm với thông tin các ca sĩ dòng nhạc này sở hữu những ngôi nhà tiền tỷ, đẹp đẽ sang trọng. Và thu nhập của họ, tuy không công khai như các sao thị trường nhưng đó cũng không hề kém cạnh - các bầu show khẳng định.
Bên cạnh đó, các ca sĩ hát dòng nhạc cách mạng cũng có nguồn thu đáng kể từ việc dạy học. Với những nghệ sĩ gạo cội như NSND Thanh Hoa, NSND Trung Hiếu, NSND Thu Hiền… thì ngoài việc xuất hiện trong các buổi biểu diễn lớn, sự kiện với cát-sê không thua kém các giọng ca trẻ đang nổi tiếng của dòng nhạc này, họ còn có thu nhập rất tốt từ việc giảng dạy, truyền đạt kinh nghiệm cho các ca sĩ trẻ. Hướng này cũng đang được các ca sĩ thế hệ sau của dòng nhạc cách mạng tận dụng tốt. Và đó chính là thế mạnh mà các ca sĩ thị trường không thể có được.

Nguồn: SGGP
 

Bài viết khác

Khai giảng “Lớp tập huấn diễn viên, nhạc công loại hình nghệ thuật Tuồng truyền thống - 2024”

10/05/2024 - 15:21

 Ngày 10.5, Lớp tập huấn diễn viên, nhạc công loại hình nghệ thuật Tuồng truyền thống - 2024 đã khai mạc tại Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, TP Đà Nẵng.

Tổ chức chức “Lớp tập huấn diễn viên, nhạc công  loại hình nghệ thuật Tuồng truyền thống - 2024”

06/05/2024 - 09:47

Lớp tập huấn là minh chứng rõ nét cho việc thực hiện các chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kì mới

Công đoàn Bộ VHTTDL tổ chức Hội nghị tập huấn, quán triệt Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở và tuyên truyền, phổ biến pháp luật năm 2024

25/04/2024 - 21:10

Ngày 25/4/2024, tại Hà Nội, Công đoàn Bộ VHTTDL tổ chức hội nghị Tập huấn Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và tuyên truyền, phổ biến pháp luật năm 2024 .

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp về xây dựng nghị định về hoạt động văn học

11/04/2024 - 10:34

Chiều 11/4, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp nghe báo cáo về đề nghị xây dựng nghị định về hoạt động văn học.

Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ ba trong Quân đội nhân dân Việt Nam năm 2024

09/04/2024 - 15:47

Sáng 9-4, tại Thư viện Quân đội (Hà Nội), Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ ba trong Quân đội nhân dân Việt Nam năm 2024 và phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc trong các nhà trường quân đội.

Hội nghị giao ban đánh giá tình hình văn học, nghệ thuật quý I/2024

08/04/2024 - 16:06

Chiều ngày 5/4, Ban tuyên giáo Trung ương phối hợp cùng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Liên hiệp các hội Văn học, Nghệ thuật Việt Nam đã tổ chức Hội nghị giao ban công tác Văn học, Nghệ thuật, Hoạt động của Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam, các Hội VHNT chuyên ngành Trung ương.