“Bóng rối” – một trải nghiệm nghệ thuật kịch độc đáo
18/11/2023 - 05:05
Tiếp nối sự thành công của các chương trình nghệ thuật trước đó, Nhà hát Kịch Việt Nam chính thức ra mắt khán giả Thủ đô vở kịch "Bóng rối” vào tối 16.11. NSƯT Tạ Tuấn Minh, người đã giành giải Đạo diễn xuất sắc tại Liên hoan Sân khấu Thủ đô năm 2020 tiếp tục tạo dấu ấn khi dàn dựng “Bóng rối” với một phong cách dàn dựng đương đại về đề tài gia đình.
"Bóng rối" là một vở kịch được dàn dựng với phong cách đương đại khá ấn tượng
Mỗi khán giả khi đến sân khấu kịch sẽ có những nhu cầu thưởng thức và sở thích khác nhau, nhưng chắc hẳn mỗi người khi thấy được mình ở một hoặc nhiều khía cạnh nào đó của nhân vật, vở diễn sẽ tạo nên sự đồng cảm giữa sân khấu với cuộc đời. Vở kịch đương đại Bóng rối của Nhà Hát Kịch Việt Nam (Tác giả Vũ Hoàng Hoa, Đạo diễn NSƯT Tạ Tuấn Minh) là một trong những vở diễn mang tới cho người xem những trải nghiệm như vậy. Bóng rối mang câu chuyện có vẻ mang tính cá nhân và thầm kín, nhưng thông điệp hướng tới lại lan tỏa đến mọi người, thông điệp về khát vọng được sống thật và quyền tự chọn lấy hạnh phúc của mình.
Khám phá những khát vọng của con người
Bóng rối nằm trong Top - 5 kịch bản lọt vào danh sách đề cử giải thưởng Partrick White 2023 dành cho kịch bản do Nhà hát Kịch Sydney (Úc) tổ chức hàng năm. Tác giả Vũ Hoàng Hoa là một nhà văn, nên không có gì ngạc nhiên khi vở diễn mang đậm chất văn học từ ngôn ngữ thoại cho đến đời sống tâm lý nhân vật.
Bóng rối là những mảnh ký ức rời rạc của Kiên (La Thiên) sau cú biến động tâm lý – bố đột ngột qua đời. Với Kiên, bố là một người bạn rất đỗi gần gũi và thân thương. Bố như hiện thân của nhân vật hoạt hình bước ra từ tập truyện tranh, dìu cậu đi từ những giấc mơ bé thơ đến lúc trưởng thành. Bởi lẽ đó, khi nghe tin bố đột ngột qua đời, Kiên rất sốc. Cậu rất tò mò về cái chết của bố - một nghệ sĩ điêu khắc tài năng, bởi mẹ cậu luôn giấu giếm lí do. Khi bước chân vào căn phòng sáng tạo nghệ thuật của bố, Kiên đã lạc trong những giấc mơ và cũng từ đây nhiều giấc mơ khác đã được mở ra.
Đề tài khai thác về gia đình
Trong giấc mơ, Kiên lội ngược về quá khứ, chìm đắm trong hạnh phúc khi thấy những yêu thương bố mẹ dành cho mình khi còn bé và nghẹn trào nước mắt khi biết sự thật trái ngang về những thứ ẩn sau hạnh phúc hôn nhân của bố mẹ. Hóa ra, bấy lâu nay, bố mẹ Kiên luôn gồng mình che giấu một bí mật và họ đã không được sống như mình muốn. Đặc biệt, bố Kiên (Nguyễn Vũ) – một người sáng tạo nghệ thuật đã luôn tạo ra những hình khối khô khốc, co quắp, đớn đau… vì tâm hồn ông bị giam cầm.
Và trong giấc mơ đa chiều không gian và thời gian ấy, Kiên đã biết được sự thật về tình yêu đồng tính của bố với nhà văn Cedric (Thế Nguyên đóng) – người bạn thân nhất của mẹ. Người mà cả mẹ và cô ruột đều yêu say đắm và rất muốn được đáp lại tình yêu. Mẹ Kiên (Khuất Quỳnh Hoa) đã biết được sự thật về tình yêu ngang trái của chồng mình với người bạn thân. Bà đã mở cho bố Kiên một lối đi nhưng bố Kiên đã không thể bỏ con trai để đến với người tình. Khi biết hết tất cả sự thật, Kiên đã thốt lên: "Mẹ ơi, con thương mẹ… Bố ơi, con thương bố".
Và cái kết mở mà Tạ Tuấn Minh chọn để kết thúc vở kịch đã rất hợp tình hợp lý khi gợi lên trong tâm tưởng người xem những suy nghĩ khác nhau. Đạo diễn đã cố tình để mỗi khán giả viết nên một cái kết cho riêng mình.
Dưới bàn tay tài hoa của Đạo diễn NSƯT Tạ Tuấn Minh, những điều ẩn trong sâu thẳm bên trong mỗi con người được che đậy, giấu kín đã được bóc tách, phơi bày. Đạo diễn đã dùng những thủ pháp sân khấu hiện đại và độc đáo đầy tính thử nghiệm khi kết hợp kịch nói với rối, vũ đạo với âm nhạc đương đại, ánh sáng kỳ ảo với trang trí sân khấu để biến những nhân vật trong kịch bản văn học bước lên sân khấu một cách sống động và hấp dẫn.
Nhắc đến Bóng Rối, có thể kể đến những con rối trong vở diễn. Những nhân vật đặc biệt này có nhiệm vụ kết nối những câu chuyện trong quá khứ với thực tại, ý niệm của tư duy. Ngoài ra chúng cũng góp phần hé lộ những manh mối về những điều mà nhân vật cố che giấu trong lòng, những con rối như lớp mặt nạ mà các nhân vật đeo lên và thể hiện cho người khác thấy, còn bóng của rối mới chính là sự thật, luôn song hành với những gì đang diễn ra, là nơi ẩn náu của những người ôm bí mật và là ác mộng với những người bị che mắt.
Sự kết hợp của các con rối vào kịch rất hiệu quả
Thành công của vở không thể không nói đến phần vũ đạo, chuyển động hình thể đặc biệt của nhân vật Duy. Khác với vợ mình - Hồng, và người bạn nhà văn Cedric, những giằng xé trong nội tâm của Duy không thể hiện nhiều bằng những câu thoại mà bằng chuyển động cơ thể. Duy từ lâu vốn đã như cái bóng không thể cất lên tiếng nói về con người thật của mình. Duy luôn im lặng che giấu điều mà bản thân mong muốn ngay từ khi còn nhỏ, và điều ấy như con sóng ngầm bức bối bên trong chỉ trực chờ cơ hội trào ra ngoài. Duy khiến cho người vợ đầu ấp tay gối bao năm của mình không thể nào nắm bắt.
Có lẽ xem xong Bóng rối có người sẽ cho rằng Duy hèn, không dám sống thật, đưa ra những quyết định sai lầm khiến khổ mình kéo theo khổ luôn cả vợ con. Ai cũng có khát vọng, muốn được sống và làm những điều bản thân mong muốn, nhưng trong Bóng rối, "Có gì đó còn mạnh hơn cả ý muốn của mình", cái mạnh hơn ấy phải chăng là trách nhiệm? Là dư luận? Là sự kỳ thị? Mong rằng xã hội sẽ có thể cởi mở hơn và nhìn nhận bằng con mắt cảm thông với những con người như vậy, để họ không phải giấu nó trong bóng tối câm lặng. Bởi đôi khi người ta sử dụng sự im lặng như cách để tránh làm tổn thương hoặc xoa dịu đối phương lúc nhất thời, nhưng sự im lặng quá lâu sẽ trở thành rào cản vô hình đập vỡ các mối quan hệ, kể cả với người mà ta yêu.
Thông điệp cuối cùng khi màn nhung khép lại đó là trong mỗi chúng ta luôn tồn tại những góc khuất, bí mật sâu thẳm mà ta giấu kín. Đó có thể là những khao khát hoặc tổn thương hoặc sai lầm rất con người nhưng đối lập với những quan niệm, tư tưởng phổ biến của gia đình và xã hội… nên ta mãi chưa chạm tới. Những cuộc đấu tranh nội tâm như những cuộc chiến khiến ta lâm vào bi kịch của chính ta.
"Bóng rối" có một ê kíp sáng tạo tài năng và ăn ý
Trong hành trình làm diễn viên rồi đến Đạo diễn của mình, NSƯT Tạ Tuấn Minh cũng đã chạm những nhân vật chính gặp thất bại như Hamlet (vở Hamlet), Hiệp (vở Người tốt nhà số 5) và lần này là Duy của Bóng rối. Nhưng hình như nó chính là sự tẩy rửa trong tâm hồn mỗi người khi tự rút ra chân lý của cuộc đời mình. Cái kết bằng hình ảnh bóng của con thuyền rỗng không, gây ám ảnh đặc biệt với khán giả. Một cái kết mở, cho sự lựa chọn của mỗi con người.
Vở Bóng rối có sự tham gia của NSND Lan Hương (vai bà ngoại), NSND Việt Thắng (vai dượng hói), Khuất Quỳnh Hoa (vai Hồng, mẹ Kiên), Nguyễn Vũ (vai Duy, bố Kiên), Thế Nguyên (vai Cedric), La Thiên (vai Kiên), Thanh Hường (vai bà nội), Minh Thu (vai Linh), Thảo Trang (vai Bi - Kiên lúc bé) Vũ Tuấn (vai Baku)…
Vở kịch Bóng rối sẽ chính thức được Nhà hát Kịch Việt Nam công diễn vào ngày 20,21,23.11.2023.
Theo Báo Văn hóa
Bài viết khác
Buổi gặp mặt đầu tiên của Tân Cục trưởng NSND Nguyễn Xuân Bắc: Khởi đầu mới cho Cục Nghệ thuật biểu diễn
01/11/2024 - 14:30
Sáng ngày 01/11/2024, tại trụ sở Cục Nghệ thuật biểu diễn, số 32 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội, tập thể cán bộ, công chức và người lao động Cục NTBD đã có mặt đông đủ để chào đón sự kiện quan trọng: buổi gặp mặt và làm việc đầu tiên của Tân Cục trưởng - Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Xuân Bắc.
Điều động, bổ nhiệm ông Nguyễn Xuân Bắc - Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam giữ chức Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn
30/10/2024 - 15:55
Chiều 30/10, ông Tạ Quang Đông - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trao quyết định bổ nhiệm Nghệ sĩ Nhân dân Xuân Bắc - Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam làm Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn.
Cục Nghệ thuật Biểu diễn tổ chức hội nghị gặp mặt trao Quyết định nghỉ hưu đối với công chức
25/09/2024 - 14:55
Sáng ngày 25/9/2024, tại Cục Nghệ thuật biểu diễn, tổ chức buổi gặp mặt và trao quyết định nghỉ hưu để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội đối với công chức Phạm Thị Hải Yến.
18 tập thể, cá nhân được trao Giải thưởng Đào Tấn 2024
24/09/2024 - 11:43
Tối 22.9, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc và Tạp chí Văn hiến Việt Nam tổ chức Lễ trao Giải thưởng Đào Tấn năm 2024 cho 18 tập thể và cá nhân có nhiều cống hiến trong sự nghiệp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá nghệ thuật truyền thống của dân tộc.
Trại sáng tác truyền lửa cho văn nghệ sĩ
19/09/2024 - 00:04
Trong thời gian tham gia Trại sáng tác viết kịch bản văn học năm 2024, các tác giả đã sáng tác, hoàn thiện 24 kịch bản sân khấu, tác phẩm phê bình văn học nghệ thuật, thể hiện niềm đam mê sáng tạo và không ngừng tìm tòi cái mới để có những tác phẩm chất lượng, mang hơi thở đời sống.
Họp rà soát triển khai các chương trình nghệ thuật ủng hộ đồng bào miền Bắc chịu thiệt hại do bão lũ
17/09/2024 - 21:46
Thực hiện chỉ đạo của Ban Cán sự đảng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTTDL) tại Công văn số 3928/BVHTTDL-VP ngày 13/9/2024 về việc tổ chức các chương trình nghệ thuật nhằm quyên góp và ủng hộ đồng bào các tỉnh, thành phố miền Bắc chịu thiệt hại nặng nề do bão lũ gây ra; ngày 14/9/2024, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã phối hợp 12 Nhà hát thuộc Bộ VHTTDL khẩn trương triển khai xây dựng Kế hoạch thực hiện.