Bồi đắp thẩm mỹ cảm thụ âm nhạc trong mỗi người

05/06/2015 - 16:36  

(NTBD) - Môi trường âm nhạc nước ta đang có nhiều diễn biến phức tạp, ảnh hưởng sự phát triển tính cách, tâm hồn của nhiều lứa tuổi, nhiều tầng lớp xã hội. Tìm hiểu đời sống âm nhạc thông qua công chúng thưởng thức, trong mối quan hệ với chủ thể sáng tạo, là nhằm xác định hướng đi, giáo dục thẩm mỹ âm nhạc, góp phần xây dựng và phát triển nhân cách con người Việt Nam.

Một tiết mục của dàn nhạc dân tộc (Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam).

Đối tượng thưởng thức âm nhạc trong những năm gần đây có sự phân hóa rõ nét cả về trình độ nhận thức, "gu" lựa chọn và thưởng thức các tác phẩm mang giá trị tư tưởng, giá trị nghệ thuật, giá trị thẩm mỹ khác nhau. Một trong những nguyên nhân là do sự tiếp thu âm nhạc với nhiều dạng, nhiều luồng khác nhau, cả trong nước và nước ngoài, nhất là trên mạng in-tơ-nét. Bên cạnh những người có trình độ am hiểu tiếp cận với các tác phẩm có chọn lọc, còn một bộ phận công chúng khác có những biểu hiện đơn điệu, thiên lệch, chệch hướng khi tiếp cận và thưởng thức âm nhạc. Đa số thính giả ở nước ta, nhất là giới trẻ thành thị, khi tiếp xúc âm nhạc là có xu hướng nghe bài hát ngoại. Nhưng còn nhiều loại hình âm nhạc (Việt Nam và quốc tế) như: giao hưởng, hợp xướng, thính phòng... mà người thưởng thức bỏ qua. Tuy nhiên, không nên đổ lỗi hoàn toàn cho thị hiếu giản đơn, một chiều của đối tượng cảm thụ âm nhạc, mà phải thấy trách nhiệm của những người làm công tác âm nhạc, các cơ quan quản lý văn hóa và các phương tiện thông tin đại chúng. Nói cách khác, chúng ta cần quan tâm việc phát huy thế mạnh của âm nhạc trong việc đi sâu vào lòng người và cảm hóa con người, tìm ra những giải pháp hữu hiệu để nuôi dưỡng, vun đắp "mầm cây" âm nhạc trong mỗi con người.
Nhằm phát huy tác dụng của âm nhạc trong việc bồi đắp, xây dựng đạo đức con người Việt Nam hiện nay, trước hết và quan trọng nhất là nâng cao trình độ sáng tác của các nhạc sĩ, đặc biệt nhạc sĩ trẻ. Cần quan tâm đào tạo đội ngũ nhạc sĩ trong tương lai, trang bị kiến thức âm nhạc đầy đủ, hiểu sâu sắc về nền âm nhạc dân tộc, nắm được kỹ năng sáng tác hiện đại, tiếp cận các nền âm nhạc thế giới từ cổ điển đến đương đại. Việc tìm hiểu sâu về âm nhạc truyền thống dân tộc và lịch sử nền âm nhạc mới, là nền tảng để thế hệ nhạc sĩ trẻ sáng tác những tác phẩm mang tính dân tộc và mang hơi thở thời đại. Tiếp đến là nâng cao trình độ nghệ sĩ biểu diễn (ca sĩ, nhạc công...). Cần chuyên nghiệp hóa từ khâu tổ chức biểu diễn đến sản xuất sản phẩm âm nhạc, từ biên tập báo chí đến biên tập chương trình âm nhạc trên các phương tiện thông tin đại chúng. Những tác phẩm âm nhạc nghiêm túc, những tác phẩm sử dụng chất liệu dân tộc viết theo phong cách âm nhạc đương đại cần được khuyến khích kịp thời; tạo điều kiện để các tác phẩm đó đến với người nghe bằng những kênh quảng bá qua ra-đi-ô, truyền hình, in-tơ-nét...
Bên cạnh đó, cần quan tâm công tác đào tạo đội ngũ lý luận phê bình âm nhạc trẻ, có kiến thức nhà trường và thực tế cuộc sống, định hướng được cho công chúng về thưởng thức và đánh giá tác phẩm âm nhạc. Lực lượng giáo viên âm nhạc trong các trường phổ thông phải được tập huấn thường xuyên, nâng cao trình độ, nhằm giảng dạy, tổ chức và hướng cho học sinh tiếp cận những giá trị âm nhạc qua hàng loạt hình thức, biện pháp, nhằm nâng cao khả năng nhận thức thẩm mỹ, biết phân biệt, đánh giá và tự định hướng tiếp thu, để hoàn thiện nhân cách.
Nên có sự hợp tác giữa nhà sản xuất chương trình ca nhạc với đài phát thanh, truyền hình, cùng các nhà chuyên môn từ trung ương tới địa phương để phối hợp hài hòa các thể loại âm nhạc, đem đến cho công chúng bức tranh âm nhạc nhiều mầu sắc, hương vị. Trong đó, chú trọng bảo tồn và phát triển di sản âm nhạc của cha ông.
Hội Nhạc sĩ Việt Nam đang cố gắng cùng cơ quan quản lý Nhà nước tạo ra mặt bằng âm nhạc một cách hài hòa, có kiểm soát và ưu tiên phát triển các loại hình đặc thù đỉnh cao, phát triển mặt rộng, khuyến khích các tài năng âm nhạc trong các lĩnh vực để đẩy mạnh đời sống âm nhạc, giáo dục trình độ thưởng thức âm nhạc của quảng đại quần chúng.

TS, NS ĐỖ HỒNG QUÂN - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam (Nguồn: ND)

Bài viết khác

Công đoàn Bộ VHTTDL tổ chức Hội nghị tập huấn, quán triệt Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở và tuyên truyền, phổ biến pháp luật năm 2024

25/04/2024 - 21:10

Ngày 25/4/2024, tại Hà Nội, Công đoàn Bộ VHTTDL tổ chức hội nghị Tập huấn Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và tuyên truyền, phổ biến pháp luật năm 2024 .

Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ ba trong Quân đội nhân dân Việt Nam năm 2024

09/04/2024 - 15:47

Sáng 9-4, tại Thư viện Quân đội (Hà Nội), Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ ba trong Quân đội nhân dân Việt Nam năm 2024 và phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc trong các nhà trường quân đội.

Hội nghị giao ban đánh giá tình hình văn học, nghệ thuật quý I/2024

08/04/2024 - 16:06

Chiều ngày 5/4, Ban tuyên giáo Trung ương phối hợp cùng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Liên hiệp các hội Văn học, Nghệ thuật Việt Nam đã tổ chức Hội nghị giao ban công tác Văn học, Nghệ thuật, Hoạt động của Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam, các Hội VHNT chuyên ngành Trung ương.

Hội nghị công chức, người lao động Cục Nghệ thuật biểu diễn năm 2023

27/03/2024 - 16:56

Ngày 27/03/2024, tại trụ sở, Cục Nghệ thuật biểu diễn tổ chức Hội nghị công chức, người lao động năm 2023.

Cục Nghệ thuật biểu diễn tổ chức kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3

08/03/2024 - 10:11

Sáng ngày 8/3 Cục Nghệ thuật biểu diễn tổ chức Ngày hội Phụ nữ, nhân kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 (08/3/1910 - 08/3/2024.)

Nghệ sĩ hân hoan đón nhận danh hiệu NSND và NSƯT

07/03/2024 - 11:13

Sáng 6/3, Lễ trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 10 đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đích thân trao tặng danh hiệu cho các nghệ sĩ. Đây là những danh hiệu cao quý để tôn vinh cống hiến của các nghệ sĩ đối với sự nghiệp văn hóa, nghệ thuật nước nhà thông qua các tác phẩm, công trình nghệ thuật có sức lan tỏa, có tác động xã hội lớn.