Bộ VHTTDL: Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác quản lý, tổ chức lễ hội 6 tháng đầu năm 2015

03/07/2015 - 12:07  

(NTBD) – Ngày 02/7, Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác quản lý, tổ chức lễ hội 6 tháng đầu năm 2015 ở 3 điểm cầu Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh. Ghi nhận những chuyển biến tích cực

Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác quản lý, tổ chức lễ hội 6 tháng đầu năm 2015.

Theo báo cáo của Cục Văn hóa cơ sở, công tác tổ chức, quản lý lễ hội của mùa lễ hội năm 2015 có những biến chuyển tích cực. Nội dung lễ hội được các địa phương chủ động xây dựng phù hợp với di tích và truyền thống văn hóa. Phần lễ tổ chức trang trọng, linh thiêng, thành kính; phần hội phong phú, hấp dẫn, bảo tồn có chọn lọc các phong tục tập quán tốt đẹp. Các lễ hội đã gắn kết được hoạt động văn hóa truyền thống với quảng bá du lịch, giới thiệu được những mỹ tục lâu đời, độc đáo của người Việt.
Công tác tuyên truyền được các Ban quản lý di tích, Ban tổ chức lễ hội tăng cường hơn, đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung, như lịch sử di tích, ý nghĩa của lễ hội, bảo vệ di tích, các quy định của di tích và lễ hội, nội dung thực hiện nếp sống văn minh nơi di tích và lễ hội, bảng biển hướng dẫn du khách…
Nhiều di tích nơi tổ chức lễ hội, chính quyền và ngành văn hóa địa phương đã quan tâm quy hoạch di tích, cơ sở hạ tầng được đầu tư, làm cho lễ hội diễn ra tốt hơn, đỡ ùn tắc, chen lấn. Một số địa phương đã tổ chức cho các hộ kinh doanh ký cam kết, thực hiện các quy định của Ban tổ chức, phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát việc niêm yết giá một số mặt hàng như Yên Tử, đền Cửa Ông (Quảng Ninh), đền Đô (Bắc Ninh), Côn Sơn (Hải Dương)… Đảm bảo các hoạt động dịch vụ phục vụ lễ hội được quản lý tốt, giảm thiểu việc tăng giá tùy tiện và thương mại hóa lễ hội.
Do đó, các lễ hội đã diễn ra trong 6 tháng đầu năm 2015 hầu hết không còn xuất hiện trường hợp đổi tiền lẻ công khai, không xảy ra trường hợp tai nạn, cháy nổ; tình trạng nâng giá, ép giá, cờ bạc, hoạt động mê tín dị đoan, mất vệ sinh nghiêm trọng giảm nhiều so với mùa lễ hội trước.
Năm 2015 cũng là năm đầu tiên các địa phương thực hiện Tiêu chí, thang điểm đánh giá thực hiện công tác quản lý, tổ chức lễ hội. Nhiều địa phương như: Quảng Ninh, Phú Thọ, Lào Cai, Lâm Đồng, Long An, Thanh Hóa… đã thực hiện khá nghiêm túc theo tiêu chí với các biện pháp như: xây dựng văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, ban hành kế hoạch triển khai xuống tận cơ sở…
Vẫn còn những vấn đề bức xúc
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tổ chức và quản lý lễ hội 6 tháng đầu năm 2015 còn bộc lộ những hạn chế, tồn tại, những vấn đề bức xúc trong dư luận. Một số Ban tổ chức lễ hội làm việc tinh thần trách nhiệm chưa cao, chưa hiệu quả, sự phối hợp giữa các tiểu ban chưa chặt chẽ, chưa kịp thời chấn chỉnh những phát sinh, tồn tại diễn ra trong lễ hội. Một số di tích chưa quy hoạch được khu vực để bố trí các công trình phụ trợ phục vụ du khách, không gian lễ hội quá chật chội, chưa có biện pháp dự báo lượng du khách tham dự lễ để có kế hoạch xây dựng các công trình đảm bảo công năng phục vụ du khách, hàng quán dịch vụ chưa được sắp xếp khoa học.
Việc cấp phép tổ chức lễ hội chưa có sự giám sát chặt chẽ; có biểu hiện thương mại hóa, lợi dụng lễ hội để trục lợi, bán vé vào lễ hội, vi phạm quy chế tổ chức lễ hội như lễ hội chọi trâu ở một số địa phương. Hiện tượng hóa nhiều vàng mã gây tốn kém tiền của, làm mất mỹ quan môi trường tại di tích…
Đặc biệt, vấn đề nóng được các nhà quản lý quan tâm, mổ xẻ là việc thực hiện nghi lễ hiến sinh trong các lễ hội truyền thống như tục chém lợn tại lễ hội đình làng Ném Thượng (Bắc Ninh), tục đập trâu tại lễ hội Cầu trâu (Phú Thọ)…
Theo Chánh Thanh tra Bộ VHTTDL Vũ Xuân Thành, trong mùa lễ hội đầu năm 2015, tục hiến sinh gây ra nhiều tranh cãi gay gắt nhưng cũng đi đến một số thống nhất. Có thể thấy, trên thế giới tục hiến sinh động vật cũng đang đối diện với sự phản đối mạnh mẽ của dư luận xã hội. Ông Thành nêu một số ví dụ như: Tục hiến sinh lớn nhất thế giới hiện nay, diễn ra tại đền Gadhimai (thờ nữ thần quyền lực trong đạo Hindu), làng Bariyarpur, quận Bara (Nepal), thực hiện nghi lễ hiến sinh hàng trăm con trâu (năm 2014: 300 con, năm 2015: 175 con). Chính phủ Nepal đã cắt giảm ngân sách tổ chức lễ hội và nhiều tổ chức xã hội trên toàn thế giới phản đối tục hiến sinh của lễ hội này. Lễ hội Ném dê ở làng Manganeses, phía bắc Tây Ban Nha, với nghi lễ ném dê từ đỉnh nhà thờ của làng cũng đã thay thế việc ném dê sống bằng hình nộm sau khi chính quyền có biện pháp xử phạt hành chính nặng…
Tiến sĩ Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian cho rằng: Điều quan trọng là không nhân rộng một mô hình lễ hội từ địa phương này sang địa phương khác. Đặc biệt, một số nghi lễ hiến sinh cần được tổ chức tế nhị và có văn hóa trong một không gian nhất định. Nêu ra ví dụ Chọi trâu không phải vùng nào cũng có, nhưng bây giờ hàng chục lễ hội chọi trâu ra đời. TS. Trần Hữu Sơn cho rằng cơ chế thị trường tác động vào, ai cũng nghĩ đến lợi nhuận: thôi làm thì chả mất gì, xin một giấy phép, in một cái vé là được thu tiền vào mà chưa chắc nhà nước đã quản được. “Tôn trọng vai trò, phát huy tính tự chủ của cộng đồng nhưng không thả nổi mà phải xác định rõ vai trò quản lý nhà nước đến đâu và ở khâu nào”, TS. Trần Hữu Sơn nhấn mạnh.
Quyết tâm xây dựng mùa lễ hội 2016 văn minh, phù hợp với xã hội hiện đại
Ngay sau những tranh cãi gay gắt trên một số phương tiện truyền thông về tục hiến sinh động vật trong lễ hội đã diễn ra hai cuộc tọa đàm khoa học xoay quanh vấn đề này. Từ ý kiến của các nhà khoa học, kinh nghiệm trong ứng xử của các nước đối với tục hiến sinh cho thấy, các tập tục hiến sinh chứa đựng yếu tố bạo lực cần được thay thế thông qua quá trình giáo dục, nâng cao nhận thức, vận động cộng đồng chủ thể văn hóa lẫn cộng đồng khách thể, trong đó có cả chính quyền địa phương, nhằm tạo sự đồng thuận trong nhận thức, để đưa ra những giải pháp thay thế phù hợp. Và, để làm được điều này, cơ quan quản lý, các nhà khoa học có vai trò quan trọng trong hỗ trợ, định hướng cho cộng đồng.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho rằng, khi phát hiện có vấn đề trong tổ chức lễ hội, những tập tục như tục hiến sinh gây phản cảm, không phù hợp với xã hội văn minh thì phải đối thoại với dân, thuyết phục dân để giải quyết dứt điểm. Người quản lý phải nhạy cảm, chịu trách nhiệm đối thoại với nhân dân. Ở xã hội hiện đại, văn minh không thể vì lợi ích của một cộng đồng nhỏ mà làm ảnh hưởng đến lợi ích của cộng đồng lớn. “Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết tâm để mùa lễ hội tới tục hiến sinh gây phản cảm không còn diễn ra. Tất nhiên, việc chuyển đổi hình thức của các nghi lễ này như thế nào cần ý kiến của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa nhưng những hình thức phản cảm như: đập đầu trâu, chém lợn, cướp phết, cướp lộc… sẽ phải chấm dứt trong mùa lễ hội tới”, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh khẳng định.

Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh phát biểu tại Hội nghị.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đã chỉ đạo một số nhiệm vụ đối với các đơn vị thuộc Bộ, các địa phương nhằm chấn chỉnh những tồn tại trong công tác tổ chức quản lý lễ hội. Đó là: Chú trọng công tác tuyên truyền ý nghĩa lễ hội, các văn bản chỉ đạo lễ hội của Đảng, Nhà nước nhằm nâng cao nhận thức người dân, thực hiện văn minh lịch sự tại các lễ hội; Nâng cao trách nhiệm  và vai trò của Ban tổ chức lễ hội; Các địa phương phải thực hiện niêm yết giá công khai tại lễ hội, quy hoạch lại hàng quán, có giải pháp chấm dứt tình trạng ăn xin, ăn mày tại lễ hội…
Bộ trưởng cũng giao Cục Văn hóa cơ sở phối hợp với Thanh tra Bộ và các đơn vị thuộc Bộ, các địa phương xây dựng và hoàn thiện Thông tư về tổ chức và quản lý lễ hội để ban hành trước mùa lễ hội 2016. Yêu cầu các địa phương kiện toàn, nâng cao trách nhiệm, năng lực quản lý của các Ban quản lý di tích địa  phương, chú trọng bồi dưỡng tập huấn công tác quản lý lễ hội cho các lực lượng chức năng đáp ứng nhu cầu được giao; phối hợp tổ chức tập huấn đối với việc tổ chức các lễ hội lớn và những lễ hội có vấn đề.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ VHTTDL yêu cầu các địa phương cần chủ động rà soát lễ hội trên địa bàn để thực hiện quy hoạch lễ hội ở cấp địa phương. Hiện nay công tác quản lý lễ hội đã được phân cấp xuống địa phương, do vậy lãnh đạo Bộ chỉ đạo các Sở VHTTDL địa phương cần quyết liệt hơn và chủ động tham mưu cho chính quyền về công tác tổ chức quản lý lễ hội, tránh thái độ trông chờ và buông lỏng quản lý. “Chúng ta cần nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật để quyết tâm xây dựng mùa lễ hội 2016 văn minh, phù hợp với xã hội hiện đại”, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh khẳng định.

Nguồn Cinet.vn

Bài viết khác

Công đoàn Bộ VHTTDL tổ chức Hội nghị tập huấn, quán triệt Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở và tuyên truyền, phổ biến pháp luật năm 2024

25/04/2024 - 21:10

Ngày 25/4/2024, tại Hà Nội, Công đoàn Bộ VHTTDL tổ chức hội nghị Tập huấn Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và tuyên truyền, phổ biến pháp luật năm 2024 .

Hội nghị giao ban đánh giá tình hình văn học, nghệ thuật quý I/2024

08/04/2024 - 16:06

Chiều ngày 5/4, Ban tuyên giáo Trung ương phối hợp cùng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Liên hiệp các hội Văn học, Nghệ thuật Việt Nam đã tổ chức Hội nghị giao ban công tác Văn học, Nghệ thuật, Hoạt động của Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam, các Hội VHNT chuyên ngành Trung ương.

Hội nghị công chức, người lao động Cục Nghệ thuật biểu diễn năm 2023

27/03/2024 - 16:56

Ngày 27/03/2024, tại trụ sở, Cục Nghệ thuật biểu diễn tổ chức Hội nghị công chức, người lao động năm 2023.

Cục Nghệ thuật biểu diễn tổ chức kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3

08/03/2024 - 10:11

Sáng ngày 8/3 Cục Nghệ thuật biểu diễn tổ chức Ngày hội Phụ nữ, nhân kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 (08/3/1910 - 08/3/2024.)

Nghệ sĩ hân hoan đón nhận danh hiệu NSND và NSƯT

07/03/2024 - 11:13

Sáng 6/3, Lễ trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 10 đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đích thân trao tặng danh hiệu cho các nghệ sĩ. Đây là những danh hiệu cao quý để tôn vinh cống hiến của các nghệ sĩ đối với sự nghiệp văn hóa, nghệ thuật nước nhà thông qua các tác phẩm, công trình nghệ thuật có sức lan tỏa, có tác động xã hội lớn.

Danh hiệu tạo động lực cho nghệ sĩ không ngừng rèn luyện, học tập và nâng cao trách nhiệm mình đối với xã hội

07/03/2024 - 10:59

Lễ trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 10 diễn ra sáng 6/3 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Sẽ có 389 nghệ sĩ, trong đó có 125 NSND, 264 NSƯT được trao tặng, truy tặng danh hiệu trong dịp này. Các nghệ sĩ chia sẻ, được Nhà nước trao tặng danh hiệu cao quý, tạo động lực cho họ không ngừng rèn luyện, học tập và nâng cao trách nhiệm mình đối với xã hội.