Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng: Quy hoạch vùng phải chú trọng phát triển du lịch văn hóa
12/10/2023 - 14:12
Điểm sáng ở dải đất miền Trung là độ đậm đặc văn hóa và di sản văn hóa, trong đó có văn hóa Chăm; dư địa phát triển và tiềm năng đột phá là khai thác công nghiệp văn hóa, bao gồm cả du lịch văn hóa. Đây là yếu tố nội hàm cần được khai thác để tạo sự khác biệt giữa vùng này với vùng kia.
Ngày 11/10, tại TP. Đà Nẵng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà - Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ - chủ trì Hội nghị điều phối vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ, với chủ đề "Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050".
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đồng chủ trì hội nghị. Tham dự có các bộ, ngành Trung ương, các địa phương trong vùng, các chuyên gia và nhà khoa học.
Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng - thành viên Hội đồng điều phối vùng - tham dự và phát biểu đóng góp ý kiến cho đồ án "Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050".
Phải đánh giá đúng mới có chính sách đúng
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng nhận định: Đồ án quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 bám sát định hướng được nêu trong Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị về "Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".
Đồ án xác định quy hoạch vùng và quy hoạch các địa phương phải có tầm nhìn tổng thể, dài hạn, cùng các giải pháp đột phá để mở rộng không gian, nguồn lực cho phát triển; tạo sự chủ động và kiến tạo phát triển cho từng địa phương.
Quy hoạch vùng phải bám sát Quy hoạch tổng thể quốc gia; tích hợp 14 quy hoạch địa phương của 14 tỉnh, thành miền Trung; gắn với đó là quy hoạch chuyên ngành của một số bộ, ngành khác. "Quá trình này sẽ khó khăn trong việc tạo ra sự liên kết", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, trong quá trình lập quy hoạch, đơn vị tư vấn khó dự báo nguồn lực ngân sách, từ đó khó mạnh dạn đề xuất phương án về hạ tầng và các công trình có tính chất điểm nhấn, nhất là hạ tầng có tính chất quyết định.
Nếu chọn phương án phát triển các trung tâm thì có dáng dấp của các tỉnh. Nếu chọn phương án đột phá về sự liên kết, từng tỉnh, thành đều được điểm tên trong đồ án quy hoạch, nhưng sự liên kết, đặt các địa phương ở vị trí nào để tạo sự liên kết và lan tỏa thì chưa được làm rõ.
"Phải đánh giá đúng mới có chính sách đúng. Đánh giá hiện trạng là yêu cầu rất quan trọng của đồ án quy hoạch. Xét về 3 lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, đồ án hiện còn đơn lược nên không thấy được những tiềm năng cũng như những khó khăn ở 3 lĩnh vực của 14 tỉnh, thành trên dải đất miền Trung", Tư lệnh ngành VHTTDL nêu.
Xây dựng các công trình điểm nhấn, bảo vệ văn hóa phi vật thể
Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đề xuất: Cần dành thời lượng đánh giá sâu hơn, rõ hơn và đánh giá đúng đối với 3 lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch.
Ở lĩnh vực văn hóa, cần phân tích sâu các lĩnh vực văn hóa, từ mạng lưới văn hóa đến nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh, mỹ thuật, triển lãm, thư viện và các thiết chế văn hóa. Điểm sáng ở dải đất miền Trung là độ đậm đặc văn hóa và di sản văn hóa, trong đó có văn hóa Chăm. Đây là yếu tố nội hàm cần được khai thác để tạo sự khác biệt của vùng này với vùng kia.
Dư địa phát triển và tiềm năng đột phá ở dải đất miền Trung là khai thác công nghiệp văn hóa, bao gồm cả du lịch văn hóa. Chẳng hạn, tỉnh Khánh Hòa đang hướng tới xây dựng Nha Trang trở thành một thành phố điện ảnh, gắn kết giữa điện ảnh và du lịch. Các địa phương khác đều có những điểm nhấn riêng. Bộ trưởng cho rằng, cần đề cập các thiết chế có tính chất trọng tâm của vùng và kết nối, như cần hình thành cho được 3 trung tâm nghệ thuật biểu diễn lớn, có thể là Hà Nội - TPHCM - Đà Nẵng/Nghệ An.
"Trong lịch sử phát triển, nếu Vua Gia Long không xây dựng đại nội và các công trình văn hóa thì không có di sản - thành phố Huế như bây giờ. Trên thế giới, nếu các triều đại trước của các đế chế không xây dựng các công trình văn hóa tiêu biểu thì không có những điểm đến nổi tiếng hiện nay, như các thành phố ở Ý và Nga", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng lý giải.
Về vấn đề bảo vệ di sản, theo Bộ trưởng VHTTDL, đồ án quy hoạch chưa đề cập dân ca ví dặm và nghệ thuật bài chòi, vốn được UNESCO vinh danh là "Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại". Trong quy hoạch phát triển, cần bảo vệ những di sản này.
Ở lĩnh vực du lịch, cần đề cập kỹ hơn những điểm khác biệt giữa các địa phương, các vùng, nếu không sẽ thấy ở đâu cũng làm du lịch được, ở đâu cũng có biển, có rừng, có cộng đồng. Song, nếu không được liên kết, quy hoạch thì du lịch ở các địa phương chỉ mang tính đơn lẻ, manh mún.
Trong phát triển du lịch, có thể hình thành 2 tiểu vùng: Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung. Tiểu vùng Bắc Trung Bộ gắn liền đặc trưng tự nhiên của khu vực Trường Sơn và dải đồng bằng ven biển, nổi tiếng với các di sản Phong Nha Kẻ Bàng, cố đô Huế và các khu du lịch tiềm năng: Sầm Sơn (Thanh Hóa); Diễn Châu (Nghệ An); Thiên Cầm (Hà Tĩnh); Phong Nha Kẻ Bàng (Quảng Bình); Cửa Tùng, Cửa Việt, Cồn Cỏ (Quảng Trị); Lăng Cô, Cảnh Dương (Thừa Thiên Huế)…
Với Tiểu vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, dựa trên trụ cột văn hóa Chăm để đầu tư đồng bộ như Mũi Né và 9 khu vực tiềm năng: Sơn Trà và Mỹ Khê (Đà Nẵng), Vịnh Xuân Đài (Phú Yên), Vịnh Cam Ranh và Vịnh Vân Phong (Khánh Hòa)…
Cần cập nhật những khu vực tiềm năng nói trên trong đồ án quy hoạch và bổ sung du lịch về thể thao, trong đó có bộ môn golf; đồng thời bổ sung các thiết chế thể thao. "Quyết định số 1752/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Quy hoạch hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật thể dục, thể thao quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" đã xác định Nghệ An, Đà Nẵng, Khánh Hòa có trung tâm thể thao trọng điểm làm chức năng trung tâm vùng", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đánh giá cao phát biểu của Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng. Phó Thủ tướng cho rằng, cần ghi nhận ý kiến của người đứng đầu ngành VHTTDL để xem xét, điều chỉnh đồ án quy hoạch.
"Phải tìm ra sự khác biệt, sự nổi trội của vùng này so với các vùng khác trong nước và cả quốc tế. Phân tích này đặt ra cái nhìn để các vùng phát huy các thế mạnh, xây dựng các vùng thành động lực và trung tâm phát triển", Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nói.
Phó Thủ tướng cũng đồng tình với ý kiến của Bộ trưởng Bộ VHTTDL rằng, cần nhìn nhận tài nguyên về lịch sử, văn hóa, di sản. Địa phương và vùng chỉ cần có một di sản thiên nhiên thế giới thì địa phương và vùng đó thu hút du khách.
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định: Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ là cơ sở đặc biệt quan trọng để các cấp, các ngành, địa phương nghiên cứu xây dựng, triển khai thực hiện những chính sách, kế hoạch, chương trình phát triển, các dự án đầu tư nhằm phát triển kinh tế - xã hội bền vững của đất nước, của vùng và các địa phương trong vùng.
Theo Báo Tổ Quốc
Bài viết khác
Vinh danh các gương mặt nghệ sĩ tiêu biểu và một số cuốn sách nổi bật
09/01/2025 - 06:20
Tối 11.1 tại Nhà hát Thành phố Hải Phòng, Bộ VHTTDL chủ trì phối hợp với UBND Thành phố Hải Phòng tổ chức Chương trình giới thiệu các gương mặt nghệ sĩ tiêu biểu và một số cuốn sách nổi bật lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, văn học năm 2024. Đây là sự kiện mang ý nghĩa lớn, không chỉ nhằm tôn vinh những cá nhân và tập thể xuất sắc mà còn khơi dậy tinh thần sáng tạo, cống hiến của những người làm nghệ thuật và văn học.
Tổng Bí thư Tô Lâm: Văn nghệ sĩ cần chiếm lĩnh những đỉnh cao mới trong sáng tạo nghệ thuật
31/12/2024 - 06:00
Chiều ngày 30/12, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chủ trì Hội nghị gặp mặt đại biểu văn nghệ sỹ toàn quốc.
Chùm ảnh: Tổng Bí thư Tô Lâm gặp mặt đại biểu văn nghệ sĩ
31/12/2024 - 04:09
Chiều 30/12/2024, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự Hội nghị gặp mặt đại biểu văn nghệ sĩ.
Việt Nam – Huyền sử diễn ca: Thăng Long – Tứ Trấn hồi sinh qua lăng kính nghệ thuật
30/12/2024 - 21:03
Tối 29.12, chương trình nghệ thuật thực cảnh “Việt Nam – Huyền sử diễn ca: Thăng Long – Tứ Trấn” đã diễn ra tại khu Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long (19C Hoàng Diệu, Ba Đình, Hà Nội), thu hút sự quan tâm của hơn 1.600 người. Tham dự sự kiện có Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông, tổng đạo diễn chương trình cùng lãnh đạo các cục, vụ, các đơn vị chức năng của Bộ VHTTDL.
Tổng duyệt chương trình nghệ thuật “Việt Nam – Huyền sử diễn ca" "Thăng Long – Tứ Trấn”
28/12/2024 - 23:59
Tối 28/12, tại 19C Hoàng Diệu, dưới tiết trời đầu đông Hà Nội, 450 nghệ sĩ, nghệ nhân, diễn viên và thiếu nhi đã dốc toàn bộ tâm huyết trong buổi tổng duyệt chương trình nghệ thuật thực cảnh “Việt Nam – Huyền sử diễn ca” “Thăng Long – Tứ Trấn”. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Tạ Quang Đông – đồng thời là tổng đạo diễn của chương trinh, buổi tổng duyệt diễn ra đầy ấn tượng và trọn vẹn sự độc đáo.
CÔNG BỐ 35 TÁC PHẨM VĂN HỌC, NGHỆ THUẬT ĐƯỢC NGHIỆM THU TRONG CUỘC PHÁT ĐỘNG SÁNG TÁC “SỐNG MÃI VỚI THỜI GIAN”
28/12/2024 - 15:52
Sáng ngày 28/12, tại Nhà hát Nghệ thuật Đương đại Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức trọng thể Lễ công bố các tác phẩm văn học, nghệ thuật được nghiệm thu trong cuộc phát động sáng tác với chủ đề “Sống mãi với thời gian” giai đoạn 2022 -2025.