"Bản hùng ca bất diệt": Khúc tráng ca giữa lòng Thành cổ Quảng Trị
12/08/2024 - 10:25
Chương trình nghệ thuật đặc biệt "Ước nguyện hòa bình: Bản hùng ca bất diệt" như một nén tâm nhang, giữa mây trời Thành cổ Quảng Trị, cả đất nước nghiêng mình trước anh linh các chiến sĩ, tưởng nhớ đến các liệt sỹ đã hy sinh vì Tổ quốc.
Tối 11/8, tại Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị đã diễn ra Chương trình nghệ thuật đặc biệt "Ước nguyện hòa bình: Bản hùng ca bất diệt". Chương trình do Bộ VHTTDL phối hợp với UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức nhân dịp Kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh – Liệt sỹ (27/7/1947 -27/7/2024) và Kỷ niệm 70 năm Ngày ký Hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam tại Quảng Trị (1954 - 2024).
Đến tham dự chương trình có Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Về phía Bộ VHTTDL có Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng và Thứ trưởng Tạ Quang Đông. Ngoài ra còn có sự hiện diện lãnh đạo một số ban, ngành Trung ương và lãnh đạo tỉnh Quảng Trị cùng đông đảo người dân và du khách.
Chương trình nghệ thuật đặc biệt "Bản hùng ca bất diệt" là chương trình thường niên do Bộ VHTTDL phối hợp với các địa phương tổ chức nhằm tri ân công ơn các Anh hùng liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng đã hy sinh, cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chương trình thể hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc, đồng thời, góp phần tăng cường giáo dục truyền thống cách mạng và trách nhiệm của các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ đối với quê hương đất nước.
Năm nay, chương trình được thực hiện tại vùng đất thiêng Quảng Trị, là một trong những hoạt động đặc biệt và ý nghĩa nằm trong khuôn khổ Chương trình "Ước nguyện Hòa bình" của Lễ hội Vì Hòa bình năm 2024.
Trong diễn văn khai mạc, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh: Với lòng thành kính biết ơn vô hạn, tri ân những người con anh dũng của Tổ quốc, Chương trình nghệ thuật "Bản hùng ca bất diệt" mong muốn truyền tải thông điệp mà lúc sinh thời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định "Đảng, Nhà nước và nhân dân ta không bao giờ quên công ơn to lớn của các bậc cách mạng tiền bối, các Anh hùng liệt sỹ, thương bệnh binh, người có công với cách mạng".
Chính vì vậy mà chương trình được xây dựng mang đậm tính chất chính luận, tính nghệ thuật và nhân văn sâu sắc, hướng tới sự kết nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Khắc họa về hình ảnh của một thế hệ thanh niên phơi phới tuổi xuân. Sẵn sàng xếp bút nghiên để lên đường ra trận, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc.
Các anh, các chị đã hòa vào lòng đất mẹ, trong dòng Thạch Hãn linh thiêng để dệt nên một khúc tráng ca về một "dòng sông hoa lửa". Để nhắc nhở chúng ta phải biết trân trọng những giá trị thiêng liêng của hòa bình. Hãy cùng đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế, chung sức đồng lòng giữ vững và kiên định mục tiêu độc lập và CNXH mà Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, các bậc tiền bối cách mạng và nhân dân chúng ta đã lựa chọn.
Phát biểu tại chương trình, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung đã gửi tới các lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, anh hùng lao động, thương binh, bệnh binh, các thân nhân gia đình liệt sỹ, đối tượng chính sách lời thăm hỏi ân cần, thân thiết, những tình cảm sâu nặng.
Để tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác đền ơn đáp nghĩa, tri ân các Anh hùng liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng, đối tượng chính sách, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung kêu gọi các cấp, ngành, cán bộ, đảng viên, công chức, các doanh nghiệp và từng người dân đóng góp nhiều hơn nữa, thực hiện tốt hơn nữa các công tác đền ơn đáp nghĩa, có nhiều việc làm thật cụ thể, thiết thực bằng tấm lòng đền ơn đáp nghĩa đối với thương binh, gia đình liệt sỹ và các gia đình chính sách.
Ngay sau diễn văn khai mạc của Bộ trưởng Bộ VHTTDL, bài phát biểu của đại diện lãnh đạo Đảng và Nhà nước, chương trình nghệ thuật đặc biệt với chủ đề "Ước nguyện hòa bình: Bản hùng ca bất diệt" đã diễn ra tại điểm cầu chính Thành cổ Quảng Trị và điểm cầu phụ tại Bến thả hoa đăng bên dòng sông Thạch Hãn.
Sân khấu chính được đặt phía trước Đài tưởng niệm Thành cổ Quảng Trị - một vị trí linh thiêng, được xây dựng mô phỏng như một ngôi mộ tập thể. Phía trên hình một cây đèn màu đỏ được xem như cây thiên mệnh, là cầu nối giữa trời và đất để đưa linh hồn các anh hùng liệt sỹ về cõi vĩnh hằng. Có 81 bậc thang đi lên, tượng trưng cho 81 ngày đêm chiến đấu ở Thành cổ Quảng Trị. Phía trước sân khấu, chương trình mô phỏng hình tượng "Dòng sông hoa lửa". Hai đầu cầu sân khấu được kết nối bằng dòng chảy của quá khứ - hiện tại – tương lai.
Với thời lượng 90 phút, nội dung của chương trình nghệ thuật được chia làm 3 chương: Mãi mãi tuổi hai mươi; Viết nên huyền thoại; Vang mãi khúc quân hành. Các tiết mục có sự tham gia biểu diễn của các ca sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng, các cựu chiến binh, các em thiếu nhi đến từ Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam, Học viện Âm nhạc Huế, lực lượng diễn viên quần chúng tỉnh Quảng Trị và các đơn vị.
Trên bối cảnh "dòng sông hoa lửa", các tiết mục nghệ thuật như thông điệp về sự bất diệt của tinh thần người lính tràn đầy nhiệt huyết tuổi trẻ, đại diện cho một thế hệ anh hùng đã "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh", đã dâng hiến trọn tuổi thanh xuân của mình, để cuộc đời họ hòa vào sông núi, để "Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân". Cùng với đó, thể hiện sự thành kính của thế hệ hôm nay gửi gắm, dâng lên thế hệ cha anh đi trước. Để khúc tráng ca về dòng sông hoa lửa, về Thành cổ Quảng Trị linh thiêng sẽ là âm vang còn mãi, lắng đọng trong tâm khảm người Việt Nam.
Trong không khí xúc động và trang nghiêm, Chương trình nghệ thuật đặc biệt "Ước nguyện hòa bình: Bản hùng ca bất diệt" như một nén tâm nhang, giữa mây trời Thành cổ Quảng Trị, cả đất nước nghiêng mình trước anh linh các chiến sĩ, tưởng nhớ đến các liệt sỹ đã hy sinh vì Tổ quốc.
Theo bvhttdl.gov.vn
Bài viết khác
Công bố 10 sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch tiêu biểu năm 2024
16/12/2024 - 09:21
Thực hiện Quyết định số 2748/QĐ-BVHTTDL ngày 20.9.2024 của Bộ trưởng Bộ VHTTDLvề việc tổ chức bình chọn 10 sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch tiêu biểu năm 2024, Báo Văn Hóa đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức bình chọn 10 sự kiện VHTTDL tiêu biểu năm 2024 với sự tham dự của đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ… thuộc Bộ VHTTDL và gần 70 nhà báo theo dõi lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình đến từ hơn 50 cơ quan báo chí Trung ương và địa phương.
Khai mạc Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2024
15/12/2024 - 21:29
Tối 14/12, tại Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Quảng Trị (thành phố Đông Hà), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức Lễ khai mạc Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2024. Ngày hội quy tụ 16 tỉnh, thành phố tham gia gồm: Bắc Giang, Đà Nẵng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Lạng Sơn, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Lai, Sơn La, Thanh Hóa, Huế, Vĩnh Phúc và Quảng Trị.
“Di sản văn hoá, văn nghệ của Nguyễn Đình Thi cho hôm nay”
13/12/2024 - 10:09
Chiều 12.12.2024, tại Hà Nội, Thành ủy Hà Nội phối hợp cùng Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, Báo Nhân Dân và các cơ quan tuyên giáo, văn hóa, văn nghệ tổ chức Hội thảo khoa học toàn quốc với chủ đề “Di sản văn hóa, văn nghệ của Nguyễn Đình Thi cho hôm nay” nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của nhà văn hóa lớn, nghệ sĩ tài năng Nguyễn Đình Thi (20.12.1924 – 20.12.2024).
Mây & nước - Bản giao hưởng chào Xuân” trên thành phố Hoa
08/12/2024 - 10:28
Trong khuôn khổ Festival Hoa Đà Lạt lần thứ X - năm 2024, tối 7.12, tại Quảng trường Lâm Viên, TP Đà Lạt (Lâm Đồng) đã diễn ra chương trình nghệ thuật đặc biệt mang chủ đề "Mây & nước - Bản giao hưởng chào Xuân" do Sở VHTT TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Sở VHTTDL tỉnh Lâm Đồng tổ chức.
Đêm tôn vinh những sáng tạo nghệ thuật tại Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc - 2024 (đợt 1)
01/12/2024 - 01:52
Tối ngày 30/11, tại Nhà hát tỉnh Vĩnh Phúc, Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc - 2024 (đợt 1) đã chính thức khép lại bằng một Lễ Bế mạc đầy cảm xúc và ấn tượng, đây là sự kiện đánh dấu thành công rực rỡ của chuỗi hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp quy mô toàn quốc.
Thầm lặng sau màn nhung sân khấu tại Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc - 2024 (đợt 1)
26/11/2024 - 13:38
Đằng sau sự thành công của mỗi đêm diễn là sự hỗ trợ nhiệt thành từ Ban Tổ chức, với việc bố trí, sắp xếp lịch hợp luyện sâu khấu của 13 đơn vị tham gia liên hoan một cách khoa học, phù hợp với điều kiện của từng đơn vị, từng nội dung diễn thi cùng sự ủng hộ nhiệt tình từ khán giả là nguồn cảm hứng bất tận đã góp phần quan trọng để nửa chặng đường liên hoan diễn ra suôn sẻ.