Bạc Liêu: Chung tay bảo tồn làn điệu Nói thơ - Di sản âm nhạc dân gian độc đáo

17/03/2015 - 13:58  

(NTBD) - Nghiên cứu âm nhạc dân gian ở Bạc Liêu, không thể không nghiên cứu làn điệu Nói thơ. Đây là thể loại âm nhạc dân gian đặc sắc được chính người dân ở đây sáng tạo, trao truyền cho các thế hệ người dân địa phương, gắn bó mật thiết với đời sống sinh hoạt tinh thần của đồng bào ở đây.

 

Nói thơ là một thể loại âm nhạc dân gian cổ truyền ra đời muộn, khoảng từ những năm 1946 - 1948 trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống Pháp, nhằm mục đích tuyên truyền kháng chiến. Những năm 1946, khi những bài vọng cổ thường mang nội dung ai oán, ít khi thể hiện được tinh thần kêu gọi người dân xuống đường tham gia kháng chiến thì Nói thơ đã thay thế để Nói những bài thơ mang nội dung khẳng định quyết tâm đứng lên vì cuộc chiến tranh chính nghĩa giành độc lập dân tộc.
Khác hẳn với thể loại ngâm thơ, Nói thơ Bạc Liêu có nhịp điệu và cấu trúc âm nhạc rất rõ ràng. Vì vậy, có thể nói, mặc dù mang tên gọi là Nói thơ nhưng trên thực tế, về mặt âm nhạc học, thể loại này cần được nhìn nhận với tư cách là một thể loại âm nhạc dân gian độc đáo. Các bài Nói thơ Bạc Liêu hầu hết phản ánh tinh thần yêu nước, lên án hành động dã man của giặc, ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, động viên đồng bào chiến sỹ vừa chiến đấu, vừa sản xuất. Chính vì nội dung gần gũi, thiết thực nên Nói thơ Bạc Liêu tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ.
Xếp Nói thơ vào thể loại âm nhạc truyền thống là bởi vì sự ra đời của nó do chính người dân bổ sung, sáng tạo trên cơ sở ngôn ngữ âm nhạc truyền thống vốn có từ trước ở địa phương. Chính vì thế, mặc dù mang một sắc thái tương đối riêng nhưng Nói thơ là một di sản âm nhạc truyền thống địa phương. Nói thơ chỉ thể hiện hình thức đơn, không như các hình thức đối đáp - giao duyên, hay các hình thức diễn xướng dân ca tập thể khác. Tuy nhiên, là một hình thức sinh hoạt văn nghệ dân gian, được người dân sáng tạo tập thể nên Nói thơ cũng như các hình thức âm nhạc dân gian khác thường được diễn xướng trong cộng đồng.
Hiện không có tư liệu chính xác thể loại này xuất hiện đầu tiên ở tỉnh nào của khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, theo cụ Phạm Thu Huê, một nhân chứng sống lịch sử, đồng thời là một nghệ nhân còn thực hành tốt thể loại này cho biết, Nói thơ ra đời ở Bạc Liêu và lan tỏa ra các vùng khác như Kiên Giang, Cần Thơ, thậm chí vượt lên tận miền Đông theo chân các chiến sỹ đi khắp các chiến trường Nam bộ. Có thể nói rằng, Nói thơ Bạc Liêu là một hệ giá trị cần được tôn vinh, bảo tồn và phát huy trong bối cảnh hiện nay.
Ngày nay, Nói thơ đã bị mai một, môi trường ca diễn hầu như không còn trên thực tế, hình thức tập hợp quần chúng để cổ động như thời kỳ chiến tranh không còn thích hợp nữa. Trong những di sản tiêu biểu của tỉnh Bạc Liêu, Nói thơ được xem là di sản đang trong tình trạng mai một, thất truyền, cần được bảo vệ khẩn cấp.
Tìm hướng bảo tồn thích hợp
Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa đã đánh giá cao giá trị của Nói thơ Bạc Liêu. Nhiều người xem đây là làn điệu dân ca trẻ nhất của Việt Nam, có quá trình hình thành và phát triển chỉ hơn nửa thế kỷ. Theo ông Đặng Bá Oánh, Chủ nhiệm Dự án sưu tầm, bảo tồn và đưa Nói thơ vào phục vụ du lịch, Viện Âm nhạc, Nói thơ Bạc Liêu đạt được các giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện bản sắc văn hóa của cộng đồng.
Nhận thấy vị trí và vai trò quan trọng của Nói thơ Bạc Liêu, Viện Âm nhạc đã phối hợp với Sở Văn hóa, TT và DL Bạc Liêu tiến hành nghiên cứu, sưu tầm loại hình nghệ thuật tiêu biểu và đặc sắc trên. Nằm trong chương trình Đề án Xúc tiến du lịch quốc gia năm 2014 tại Viện Âm nhạc, công trình nghiên cứu này sẽ cung cấp thêm những tư liệu khoa học xác thực chứng minh và làm rõ thêm những giá trị của di sản trên các phương diện lịch sử, văn hóa, nghệ thuật cũng như sức sống, sự ảnh hưởng và lan tỏa của nó tới đời sống cộng đồng địa phương.
Viện Âm nhạc đã tiến hành khảo sát, điền dã, phỏng vấn và xây dựng kịch bản thực hiện dự án sưu tầm, nghiên cứu Điệu nói thơ nhằm bảo tồn, lưu giữ và truyền dạy cho thế hệ trẻ và quảng bá tới khách tham quan du lịch về giá trị của loại hình diễn xướng dân gian văn hóa phi vật thể. Đồng thời, chọn lựa những tiết mục tiêu biểu, đặc sắc xây dựng thành chương trình biểu diễn phục vụ du lịch trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu. Hoạt động này góp phần tích cực vào việc bảo tồn di sản âm nhạc truyền thống quý hiếm có nguy cơ mai một, đồng thời đẩy mạnh công tác nghiên cứu, sưu tầm nhằm bảo tồn, gìn giữ trong kho tàng âm nhạc dân gian nước nhà.
Đây được xem là cơ hội để Bạc Liêu ghi thêm di sản văn hóa mới vào danh sách di sản phi vật thể quốc gia. Khi dự án này hoàn thành, Viện Âm nhạc sẽ giúp Bạc Liêu có những định hướng thích hợp trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị di sản văn hóa phi vật thể độc đáo của địa phương. Qua đó, quảng bá rộng rãi tới du khách trong nước và quốc tế những giá trị tinh hoa vô giá mà cha ông đã để lại, góp phần bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc. Mặc dù hiện nay đã bị mai một nhưng nếu có cơ chế thích hợp, chắc chắn Điệu nói thơ Bạc Liêu sẽ được dân gian tiếp tục nuôi dưỡng và tự cách tân đổi mới để tồn tại và phát triển.


Nguồn: ĐBND
 

Bài viết khác

Hội nghị giao ban đánh giá tình hình văn học, nghệ thuật quý I/2024

08/04/2024 - 16:06

Chiều ngày 5/4, Ban tuyên giáo Trung ương phối hợp cùng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Liên hiệp các hội Văn học, Nghệ thuật Việt Nam đã tổ chức Hội nghị giao ban công tác Văn học, Nghệ thuật, Hoạt động của Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam, các Hội VHNT chuyên ngành Trung ương.

Cục Nghệ thuật biểu diễn tổ chức kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3

08/03/2024 - 10:11

Sáng ngày 8/3 Cục Nghệ thuật biểu diễn tổ chức Ngày hội Phụ nữ, nhân kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 (08/3/1910 - 08/3/2024.)

Nghệ sĩ hân hoan đón nhận danh hiệu NSND và NSƯT

07/03/2024 - 11:13

Sáng 6/3, Lễ trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 10 đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đích thân trao tặng danh hiệu cho các nghệ sĩ. Đây là những danh hiệu cao quý để tôn vinh cống hiến của các nghệ sĩ đối với sự nghiệp văn hóa, nghệ thuật nước nhà thông qua các tác phẩm, công trình nghệ thuật có sức lan tỏa, có tác động xã hội lớn.

Danh hiệu tạo động lực cho nghệ sĩ không ngừng rèn luyện, học tập và nâng cao trách nhiệm mình đối với xã hội

07/03/2024 - 10:59

Lễ trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 10 diễn ra sáng 6/3 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Sẽ có 389 nghệ sĩ, trong đó có 125 NSND, 264 NSƯT được trao tặng, truy tặng danh hiệu trong dịp này. Các nghệ sĩ chia sẻ, được Nhà nước trao tặng danh hiệu cao quý, tạo động lực cho họ không ngừng rèn luyện, học tập và nâng cao trách nhiệm mình đối với xã hội.

Lễ trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú lần thứ 10

06/03/2024 - 15:38

Nhằm tôn vinh các nghệ sĩ có tài năng nghệ thuật xuất sắc, có nhiều cống hiến trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa nghệ thuật của dân tộc, ngày 6/3, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Lễ trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân (NSND), Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) lần thứ 10.

Đảm bảo Lễ trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT diễn ra thực sự ý nghĩa, ấn tượng, trang trọng và chuyên nghiệp

05/03/2024 - 21:59

Sáng 5/3, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Bộ VHTTDL phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức tổng duyệt Chương trình nghệ thuật tại Lễ trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 10.